Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 15

CHỦ NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

love.jpg

 Lề luật chỉ tốt khi giúp Dân thực hiện thành công sứ mạng của mình. Lề luật của người ki tô hữu được tóm gọn trong một điều luật duy nhất là YÊU THƯƠNG. Đó là một luật điều chứ không phải là một sự bó buộc. Nó diễn tả lời mời gọi của một Thiên Chúa Yêu thương đã tỏ mình ngang qua Con của Người, giữa lòng thế giới; Ngài đề nghị chúng ta hãy trở nên người thân cận với những người bị thương vì cuộc đời.

Sách Đệ Nhị luật 30,10-14.

Bài đọc thứ nhất là tờ di chúc của ông Mô sê trối lại cho Dân Ít ra en trước lúc đi vào Đất hứa. Nhớ lại việc Dân chúa không ngừng xúc phạm Lề luật mà Thiên Chúa đã ban, ông nhắc lại rằng Lề luật ấy rất đơn giản: nó hệ tại ở việc sống trong Ánh sáng của một vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta hãy Yêu thương đáp lại.

Thánh Vịnh 18

Tác giả cử hành Lề luật của Chúa bằng cách nói rằng Lề luật là điều đáng ao ước hơn vàng và ngọt ngào hơn mật ong.

Thư Cô lô sê 1,15-20

Trong đoạn thư nầy, thánh Phao lô nói cho chúng ta biết năng động của người ki tô hữu bao gồm trong việc để mình bị cuốn hút treo dòng chảy của sự sống bao la, ngay từ lúc tạo dựng vũ trụ, phản ánh Thiên Chúa. Dòng suối sự sống ấy đã diễn tả thực tại của một Đức Ki tô tỏ hiện hoàn toàn trong con người của Chúa Giê su. Thánh Phao lô diễn tả sự khám phá ơn gọi sống tình yêu Thiên Chúa dưới dạng một thị kiến về tương lai của Vũ trụ.

Tin mừng Lc 10, 25-37

NGỮ CẢNH

Đáp lại câu hỏi của vị tiến sĩ luật, Chúa Giê su qui chiếu đến luật yêu thương (10,25-28) với hai khía cạnh bổ túc lẫn nhau: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Để minh giải điều đó, Chúa Giê su kể dụ ngôn người Sa ma ri tốt bụng (10, 29-37). Tiếp sau là câu truyện hai chị em nhà La da rô niềm nở tiếp đón Chúa Giê su (38-42).

TÌM HIỂU

Tôi phải làm gì?: đám đông cũng đã đưa ra câu hỏi tương tự cho ông Gioan Tẩy giả (3,10). Vị tiến sĩ luật nầy là một trong những vị thầy thông thái và khôn ngoan mà Chúa Giê su vừa đề cập đến (10,21). Với một chút do dự, ông ta tò mò đặt cho Chúa Giê một câu hỏi, mục đích là để thử Ngài. Ông xin Ngài chỉ dạy một con đường đưa đến sự sống đời đời, nghĩa là để đạt đến niềm hạnh phúc mà Chúa Giê su vừa nói (10, 24). Nếu Chúa Giê su không qui chiếu đến lề luật, thì Ngài không phải là một người được Thiên Chúa sai đến, vì lề luật đến từ Thiên Chúa. Còn nếu Ngài không nói gì ngòai lề luật, thì giáo huấn của Ngài đâu có gì độc đáo. Thật ra Ngài đã qui chiếu đến lề luật.

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa: vị tiến sĩ luật kể ra hai điều răn yêu mến Thiên Chúa (Đnl 6,5) và yêu mến tha nhân (Lv 19,18). Nhưng Lu ca nối kết bằng một động từ duy nhất: “Ngươi hãy yêu mến” như thể phát xuất từ một giới răn độc nhất. Cần chú ý rằng người Híp pri nầy, và có lẽ nhiều người đồng thời với ông, nhìn thấy trọng tâm của chính lề luật trong hai điều răn nầy.

Chứng tỏ là mình có lí: có lẽ ông muốn chứng tỏ mình có lí, tạo bảo đảm cho việc tiếp cận sự sống đời đời.

Thân cận: đối với người Híp pri, người thân cận là những phần tử thuộc dân ưu tuyển, còn những người ngoại quốc thì bị lọai ra. Dường như vị tiến sĩ luật nầy ý thức những giới hạn của điều răn hiểu như thế chăng? Hay ông ta còn muốn thử thách Chúa Giê su? Một lần nữa Chúa Giê su không trực tiếp trả lời, nhưng kể một dụ ngôn, và để cho ông tự mình tìm ra ý nghĩa như Ngài đã làm với ông Pha ri sêu Si mon.

Thầy tư tế: một thầy tư tế và một thầy lê vi không cứu giúp người bị nạn. Họ làm như thế vì nghĩ rằng đó là một xác chết và không muốn bị nhiễm uế?

Người Sa ma ri kia: người lại gần là một người Sa ma ri, do đó là một người lạc giáo sống bên ngoài thế giới người do thái. Ông chăm sóc người bị thương một cách cẩn thận và thực tế.

Để ý đến thế đối chọi mà Lu ca dựng lên: một bên là hai người do thái vị vọng từ Giê ru sa lem kinh thành thánh, nhưng ở đây không được Chúa Giê su nhìn nhận như là những người giải thích thật sự lề luật; họ là những người thông thái và khôn ngoan được nói tới ở 10,21. Còn bên kia là một người thù địch, một người bị người do thái gạt ra bên lề, lại nêu gương yêu thương đích thật, vì đã trung thành với lề luật.

Ai trong ba người đó: vị tiến sĩ luật không gặp khó khăn để nhận ra ai trong ba người phải được ca tụng. Nhưng Chúa Giê su buộc ông phải làm một cuộc đảo ngược: Ngài đã gợi ý giải đáp cho câu hỏi. Vấn đề ở đây không còn là tìm người thân cận của tôi, mà là trở nên người lân cận cho người cần đến tôi. Lí do khiến tôi giúp đỡ người ấy là những quyền lợi của người ấy mà tôi phải tôn trọng; mọi người có quyền lợi trên tôi, vì họ không có cái mà tôi có thể cho họ. Do vậy phải yêu thương mọi người, và giúp đỡ khi họ cần đến, và vượt lên trên tinh thần cục bộ của người do thái để đạt tới tình yêu thương đại đồng mà Chúa Giê su đề ra cho anh ta, ngay cả khi giáo huấn nầy đến với anh từ một người Sa ma ri.

Chúng ta có hai cách khác để đọc dụ ngôn nầy:

1. Người Sa ma ri được đề ra ở đây chỉ là để nêu lên một thách đố cho người do thái: ông ta là một người ngoại quốc, một người lạc giáo, nhưng mang lại cho ngừoi Híp pri một bài học tốt về nhân phẩm. Hoặc là hình ảnh của chính tình yêu Thiên Chúa? cách giải thích nầy xem ra đúng.

Nơi người Sa ma ri chúng ta dễ dàng nhận ra Chúa Giê su: trong Chúa Giê su, Thiên Chúa đến gần con người bị thương và ban lại sự sống. Như thế đây là một dụ ngôn lớn về sự Nhập thể, một hành vi lớn về lòng xót thương của Thiên Chúa. Nhưng tại sao lại là một người Sa ma ri? Bởi vì, thật sự Chúa Giê su là chính người bé nhỏ, bị lọai trừ, muốn cứu độ những người không thuộc vào trong nhóm những người “thân cận” của người Híp pri. Và trong khi Cựu Ước, đại diện bởi thầy tư tế và thầy Lê vi, tỏ ra bất lực thì Chúa Giê su lại thành công trong việc mang ơn cứu độ đến cho họ, dù họ là người Híp pri hay không.

Cách đọc nầy thuộc về truyền thống của Giáo Hội. Các Giáo phụ đã thường lặp lại bằng cách sử dụng các chi tiết của dụ ngôn để soi sáng công trình của Đức Ki tô: Dầu và rượu là các bí tích; quán trọ là Gíao Hội nơi tiếp nối công cuộc cứu độ của Chúa Giê su.

Vị tiến sĩ luật tìm cách giới hạn đối tượng của tình yêu, thì đối lại, Chúa Giê su trình bày một vì Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người đến độ tự biến mình thành người thân cận gần nhất, một người trong họ. “Mức độ của tình yêu là tình yêu không mức độ” (Thánh Bê na đô).

2. Cách đọc thứ hai bao gồm trong việc nhìn nơi người bị thương là chính Chúa Giê su. Chúa Giê su không chỉ trở nên gần với con người bất hạnh và bị đau khổ, mà còn tự đồng hóa với họ. Từ nay, chúng ta có thể nhận ra Ngài như là Thiên Chúa cứu độ lòai người, và cùng lúc, hiện diện nơi người đang khổ đau (x. Mt 25,40).

SỨ ĐIỆP

Ngày nay, trên các phương tiện truyền thông chúng ta thường được nghe nhiều tin tức giống với những gì được kể lại trong bài tin mừng Lu ca: nạn nhân tai nạn giao thông, nạn nhân các cuộc trấn lột, cướp bóc. Nhưng hầu như không thấy ai ra tay cứu giúp các nạn nhân, thậm chí không có phản ứng gì. Cũng còn may mắn là thỉnh thoảng cũng có những luật trừ, những người can đảm bất chấp nguy hiểm liều mình để giúp đỡ những người bị hại.

Chủ nhật hôm nay chúng ta đọc lại dụ ngôn thường được gọi là dụ ngôn về người “Sa ma ri nhân hậu”. Đó là câu chuyện của một người từ Giê ru sa lem đi xuống Giê ri khô. Những ai quen thuộc địa phương nầy đều biết đó là con đường nguy hiểm, vì chạy qua một vùng núi khô cằn và sa mạc hoang vắng, môi trường thuận lợi cho bọn cuớp thường ra phục kích tấn công khách bộ hành. Bài tin mừng kể lại một trường hợp như thế. Một người chẳng may bị rơi vào tay bọn cứơp. Chúng tấn công, đánh đập anh ta dã man sau khi đã trấn lột hết của cải và hành lí. Đánh người cướp của xong, chúng tẩu thoát và bỏ nạn nhân giữa đường nửa sống nửa chết.

Sau đó một thầy tư tế, rồi một thầy lê vi đi ngang qua. Thấy nạn nhân giữa đường, họ đi luôn, không giúp đỡ gì. Có thể ngày nay chúng ta lên án hành động của họ, cho rằng họ quá nhẫn tâm, vì không giúp đỡ người bị nguy tử. Hơn nữa, họ là những người thông thạo lề luật, nhất là giới lưật yêu thương: “Ngươi hãy yêu thương người thân cận như chính mình ngươi”.

Nhưng có người thông cảm thái độ dửng dưng của hai thầy tư tế và lê vi ấy. Họ đang trên đường đến Giê ru sa lem để dâng lễ ở Đền thờ. Lề luật buộc họ phải giữ mình cho thanh sạch, không được chạm đến máu hay người chết, nếu không họ sẽ bị nhiễm ô uế, và do đó, không thể cử hành các nghi lễ được nữa. Chính vì để tránh nhiễm uế theo lề luật mà họ bước qua bên kia, qua bên kia hành vi nhân đạo cứu người bị nạn, qua bên kia lòng bác ái và tin mừng. “Tay họ sẽ trong sạch, nhưng đó là đôi tay không có trái tim”. Khi muốn trung thành với lề luật, họ quên giới luật yêu thương nền tảng và quan trọng mà Thiên Chúa đã dạy.

Đến lượt một người Sa ma ri, vốn là thù địch với người Do thái và bị họ khai trừ khỏi cộng đoàn. Nhưng trước hòan cảnh đáng thương của nạn nhân, anh đã không nghĩ gì khác ngoài việc ra tay nhân nghĩa cứu giúp người bị nạn. Anh đã biết mở rộng lòng từ tâm, dừng lại, sơ cứu rồi chở người bị thương đến quán trọ để nhờ người khác tiếp tục chăm sóc. Là hạng người đã bị coi là không vâng phục lề luật, anh ta thực sự trở thành người tuân giữ lề luật đúng nghĩa. Khi đề cao anh ta như một gương mẫu cho chúng ta, Chúa Giê su chỉ cho chúng ta thấy con đường phải theo để được dự phần vào cuộc Sống đời đời.

Ngài mời gọi chúng ta hãy đảo ngược vấn đề. Nếu cứ tiếp tục đặt câu hỏi: ai là người thân cận với tôi, có lẽ chúng ta cũng là một trong những gặp thấy người bị nạn, rồi đi qua luôn để tránh bổn phận bác ái. Hay trong những trường hợp khác, chúng ta có thể viện dẫn nhiều lí do để lẫn tránh người đến xin chúng ta giúp đỡ. Nhưng khi làm như thế, chúng ta từ khước chính Đức Ki tô. Thật vậy, chính Ngài luôn luôn ở bên cạnh những người bị lọai trừ và bị thương bởi cuộc sống. Hơn nữa, Ngài còn tự đồng hóa với mỗi người trong họ: “Quay lưng lại với một người anh em đang đau khổ là quay lưng lại với chính Thiên Chúa”.

Khi kể cho chúng ta nghe ví dụ ấy, Đức Ki tô muốn thúc đầy chúng ta làm một cuộc đảo ngược vấn đề, thay đổi cái nhìn mà chúng ta hướng đến người khác. Từ nay, câu hỏi không còn là: “Ai là người lân cận của tôi?” nhưng là “tôi trở thành người lân cận của ai?”. Người lân cận không phải là ai khác; mà là chính tôi khi tôi đến gần họ, khi tôi đến gần gia đình tôi, gần những người làm việc chung với tôi, những người bị thương trong cuộc sống, những bệnh nhân, những người bị ức hiếp trong xã hội.

Hiện nay, nhờ các phương tiện truyền thông tân tiến chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận toàn thế giới. Đó là những cơ hội tốt cho phép chúng ta có thể tự đặt cho mình câu hỏi nầy: “Tôi có phải là một người lân cận tốt cho mọi người không?”

Dụ ngôn ấy nói với chúng ta về Thiên Chúa “nhân lành”. Thật vậy, người Sa ma ri tốt bụng chạnh lòng trước thảm cảnh của người bị nạn ấy chính là Thiên Chúa. Người đã động lòng thương xót trước hòan cảnh tội lỗi đáng thương của con người. Nên Người đã đến gần chúng ta, sống với chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và ban cho chúng ta niềm tin để sống và để hi vọng.

Bài dụ ngôn trên đây cũng nói với chúng ta về Chúa Giê su. Ngài là người bị nạn rơi vào tay bọn cướp. Sau nầy, trong suốt cuộc Khổ nạn, Ngài sẽ bị kết án, bị đánh đập và bị giết chết trên cây thập giá. Các môn đệ sẽ bỏ Ngài. Ngài trở thành đối tượng chê cười cho các lãnh đạo tôn giáo dân Ngài. Khi chấp nhận chết như thế, Ngài muốn trở nên gần gủi và liên đới với tất cả những người bị loại trừ trên thế gian nầy.

Lòng thương xót của người Sa ma ri nhân lành ấy đã trở thành điển hình của lòng xót thương của Chúa Giê su nghiêng mình trên nhân lọai đang bị tổn thương vì tội lỗi. Tòan tin mừng cho chúng ta thấy Ngài rong ruổi khắp các nẻo đường, để đến gần với các bệnh nhân và tất cả những ai bị thương bởi những thử thách của cuộc đời. Ngài đã mang lấy trên mình tất cả những nỗi đau khổ và tội lỗi của trần gian. Ngài đã phải trả giá đắt để cho chúng ta được sống. Chính khi yêu thương chúng ta cho đến cùng mà Ngài trở thành người thân cận của chúng ta. Và hôm nay, Ngài nói với chúng ta giới răn của Ngài: “Con cũng hãy đi và làm như vậy”.

Khi chúng ta cử hành Thánh lễ, chính Chúa Giê su đến để trở nên người thân cận với chúng ta. Với Ngài, chúng ta học cách yêu thương và tiếp cận người khác như Ngài. Cùng hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi ki tô hữu biết trở thành chứng nhân cho một cộng đòan luôn mở rộng vòng tay đón nhận, một cộng đòan sống theo gương của Ngài cho đến cùng. Chính bằng giá đó mà chúng ta có thể dự phần vào sự Sống vĩnh cửu.

 

ĐÀO SÂU

TRÁI TIM YÊU THƯƠNG

Đnl 30,10-14 Luật Thiên Chúa ở trong tâm hồn con người

Tv 69,13+16, 29-30, 32-33, 35ab+36 Lạy Chúa, Lời Chúa là chân lí       

Cl 1,15-20 Đức Ki tô đứng đầu mọi loài thụ tạo                      

Lc 10,25-37 Luật yêu thương: người Sa-ma-ri nhân hậu

1. HỎI: Các bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: TRÁI TIM YÊU THƯƠNG. Mọi người là cận thân và phải có lòng yêu thương nhau (BTM). Đạo yêu thương phải phát xuất từ tâm hồn mới chân thật (Bđ 1).

2. HỎI: Bối cảnh đoạn sách Đệ Nhị Luật là gì?

THƯA: Sách Đệ Nhị Luật ghi lại diễn từ cuối cùng của Mô-sê trước khi qua đời. Sách thường nhấn mạnh nhiều đến lòng trung thành trong việc thực thi các giới răn. Bấy giờ sau khi Vương quốc phía Bắc sụp đổ, vương quốc Giu-đa phía Nam được tác giả khuyên hãy trung thành giữa Lời Chúa để được sống. Nhưng tiếc thay lời khuyên ấy không được họ lắng nghe.

3. HỎI: Bài đọc một (Đnl 30, 10-14) có nội dung như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trình bày một sứ điệp rất tích cực của Kinh Thánh gồm ba điểm: một là Lề luật không vượt quá, nhưng vừa tầm với con người. Hai là sự ác không phải là không thể sửa chữa được. Ba là nhân loại hướng về ơn cứu độ bao gồm việc sống trong tình yêu của Thiên Chúa và người khác, để mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người.

4. HỎI: Thiên Chúa làm gì để giúp con người thực hiện Lề luật của Ngài?

THƯA: Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Vì biết dân không thể trung tín, nên chính Thiên Chúa sẽ thay đổi lòng dạ của họ: ‘Thiên Chúa Chúa người sẽ cắt bì lòng dạ người, để ngươi yêu mến Chúa và ngươi được sống’ (Đnl 30, 6).

5. HỎI: ‘Cắt bì lòng dạ’ là sao?

THƯA: ‘Cắt bì lòng dạ’ là sự gắn bó hoàn toàn với thánh ý Thiên Chúa. Các Tiên tri như Giê-rê-mi-a hay Ê-dê-ki-ên đều dạy phải có sự can thiệp của Thiên Chúa: ‘Ta sẽ đặt giáo huấn của ta vào trong tâm hồn chúng, khắc ghi vào trong con người của chúng; ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta’ (Gr 31, 33).

6. HỎI: ‘Lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em) (30,14)’ có nghĩa gì?

THƯA: Lề Luật không ở tầm quá cao, vượt quá sức con người, vì từ nay luật ở gần, ở trong tâm hồn con người. Không còn việc tuân giữ luật một cách mù quáng nữa, mà trái lại, con người tự do gắn bó với Lề luật, coi luật Thiên Chúa là của mình vì đó là nguồn mạch mang lại sự sống.

7. HỎI: Bài đọc 2 (Cl 1,15-20) có nội dung như thế nào?

THƯA: Ðây là bài thánh ca chúc tụng Chúa Giê su trong công cuộc tạo dựng và cứu chuộc: Ngài là khởi nguyên và là đích đến. Người là khuôn mẫu và là bản chất cho mọi loài được hiện hữu trong sự sống và trong ân sủng.

8. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 10,25-37) như thế nào?

THƯA: Sau những lời giáo huấn về hạnh phúc các môn đệ (10,23-24), Chúa Giê su tiếp tục cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Ngài tỏ cho biết những điều kiện để được sống đời đời (10,25-28), và nhân câu hỏi về giáo huấn của Người (10,25), Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu (10,29-37) để minh họa đòi hỏi của tình yêu. Đây là bản văn của riêng tác giả Lc.

9. HỎI: Tiến sĩ luật trong văn hóa của người Do thái là ai?

THƯA: Đó là một người nghiên cứu và chuyên sâu về Luật Mô-sê. Do đó ông là người Do thái thành thạo về Lề Luật.

10. HỎI: Câu hỏi của Tiến sĩ luật có nghĩa gì?

THƯA: Vị tiến sĩ luật hỏi: ‘Ai là người lân cận của tôi?’ có nghĩa là: ‘Ai là người tôi phải yêu thương như Lề luật dạy: người đồng hương, người đồng đạo, người lương dân, hay người ngoại kiều ngụ tại Ít-ra-ên?’ ‘Tôi phải yêu thương ai để gọi là giữ lề luật’.

11. HỎI: Ông ta có ý gì?

THƯA: Khi đưa ra câu hỏi với Chúa Giêsu, ông không có ý muốn biết những suy nghĩ của Ngài, nhưng chỉ muốn gây khó khăn cho Ngài.

12. HỎI: Chúa Giê su trả lời như thế nào trước câu hỏi của người Pha-ri-sêu?

THƯA: Chúa Giê su thay đổi cách nhìn: không nên tìm biết ‘ai là người lân cận của tôi’. Ngài không trả lời như người ta mong đợi, bằng cách kể cho hết những người lân cận, vì như thế dù nhiều đến đâu số ấy vẫn còn giới hạn. Ngài cũng từ chối định nghĩa người lân cận là ai, vì đây là vấn đề trái tim chứ không phải vấn đề lí trí.

13. HỎI: Tại sao Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi khác?

THƯA: Chúa Giê su làm thế chắc chắn không phải để tránh né câu trả lời, cũng không để gây lúng túng cho tiến sĩ Luật. Mục đích của Ngài là thúc đẩy người đối thoại suy nghĩ về các nguyên tắc của Lề Luật, để rút ra các kết luận cần thiết, đó là câu trả lời mà dường như Ngài thích đón nhận.

14. HỎI: Vị tiến sĩ Luật trả lời như thế n ào?

THƯA: Trong câu trả lời, vị tiến sĩ luật không làm gì khác hơn là lặp lại và kết hợp hai bản văn của Cựu Ước, cụ thể là Đnl 6,5 và Lv 19,18.

15. HỎI: Câu trả lời ấy có phù hợp với sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô không?

THƯA: Có. Khi đặt hai hướng của tình yêu nối tiếp nhau và gán cho cùng một giá trị, vị Tiến sĩ Luật cho thấy là ông đã hiểu rằng không thể có tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa nếu không có tình yêu đối với các thụ tạo của Người. Vương quốc của Thiên Chúa là một vương quốc của tình yêu và chỉ có thể tiếp cận bằng một cuộc sống dựa trên tình yêu thật sự, không ích kỷ và không giới hạn.

16. HỎI: Trong câu chuyện dụ ngôn ‘người Sa-ma-ri nhân hậu’, Chúa Giêsu muốn dạy điều gì?

THƯA: Ngài dạy rằng cần phải quan sát trong thực tế để ‘hướng tới’ những người có nhu cầu, thì mới có thể xác định được ai là ‘Người lân cận’ hay trở thành ‘ người lân cận’ với những người khác.

17. HỎI: Nạn nhân là một người Do thái hay một Sa mari?

THƯA: Bối cảnh cho thấy rằng chắc chắn đó là một người Do Thái.

18. HỎI: Thầy Lê-vi là ai?

THƯA: Các Thầy Lê-vi là nhưng người có chức năng tư tế được truyền lại do huyết thống. Trong thực tế tất cả các con cháu của gia đình thầy Lê-vi đều có phận vụ tư tế.

19. HỎI: Tại sao vị tư tế không giúp đỡ người bị nạn trên đường?

THƯA: Người bị kẻ cướp tấn công không những bị hại về thân xác, tinh thần, mà còn bị hại về mặt tôn giáo nữa. Bị những người ô uế đụng tới, chính anh ta cũng mắc ô uế. Vì thế thầy tư tế cũng phải tránh xa anh, vì còn phải giữ cho mình được thanh sạch. Còn người Sa-ma-ri thì không phải lo lắng về chuyện ấy.

20. HỎI: Người Sa-ma-ri là ai?

THƯA: Người bộ hành nhân ái là người Sa-ma-ri. Người Do thái và Sa-ma-ri thường tỏ ra là thù địch với nhau: người Do thái khinh bỉ người Sa-ma-ri vì coi họ là những kẻ rối đạo. Còn người Sa-ma-ri không tha thứ người Do thái đã phá hủy đền thờ của họ trên núi Ga-ri-zim (năm 129 tr CN).

21. HỎI: Chúa Giêsu muốn dạy gì khi nói: ‘Hãy đi và làm như vậy’?

THƯA: Ngài đòi hỏi phải có sự liên kết giữa lời nói và hành động. Người Luật sĩ đã nói đúng nhưng chưa đủ, vì lời ấy cần phải có việc làm đi theo: ‘Cha và mẹ Thầy là những người lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem tra thực hành’ (Lc 8,21).

22. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Chúng ta cũng phải theo gương Người đem tinh thần cứu thế vào các hành vi bác ái thương người.

2. Chúng ta hãy đem Chúa Giêsu vào lòng để từ lòng chúng ta sẽ phát ra nhiều sáng kiến dẫn đến phục vụ bác ái.

GLCG 2052 (1858)Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?’ Ðể trả lời cho người thanh niên, Ðức Giê-su nêu lên sự cần thiết phải nhận biết Thiên Chúa như ‘Ðấng tốt lành duy nhất’, như sự thiện tuyệt hảo và như nguồn mạch của mọi điều thiện. Ðoạn Ðức Giê-su tuyên bố: ‘Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn’. Rồi Người liệt kê các điều răn về yêu người: ‘Ngươi không được giết người, ngươi không được ngoại tình, ngươi không được trộm cắp, ngươi không được làm chứng gian, ngươi phải thảo kính cha mẹ’. Sau hết, Ðức Giê-su tóm tắt các điều răn kể trên cách tích cực rằng: ‘Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình’ (Mt 19,16-19).(X. Yêu thương Thiên Chúangười lân cận 2052-2055. 2083. Đức ái không có ranh giới. Coi tha nhân như chính mình 1825, 1931-1933, 2447).

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên - Lm J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường niên - Lm J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường niên - Hoa Tâm
     Lời Chúa - Thứ Ba Tuần XV - Mùa Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên C: LÒNG THƯƠNG XÓT PHÁT XUẤT TỪ TRÁI TIM_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên C: YÊU THƯƠNG CỤ THỂ LÀ DỪNG LẠI, CÚI XUỐNG VÀ PHỤC VỤ_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên: "Gương Hiền Lành của Chúa"_Lm Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường Niên: "HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG"_ Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XV Thường niên B. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XV Thường niên B: LÀM MÔN ĐỆ ĐI THEO CHÚA. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên B: CHỨNG NHÂN MẠNH HƠN THẦY DẠY. Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên B: CHÚA ĐANG GỌI VÀ SAI CHÚNG TA ĐI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên B. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng thứ Bảy tuần XV Thường niên A: NGƯỜI TÔI TRUNG. Nữ Tỳ Thánh Thể.