Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 15

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên C

LÒNG THƯƠNG XÓT PHÁT XUẤT TỪ TRÁI TIM

abac ai.jpg

Một trong những chương trình gần đây của VTV bị dư luận phê phán kịch liệt đó là chương trình 60 phút mở, do biên tập viên nữ nổi tiếng của đài thực hiện. Trong kỳ phát sóng vừa qua, cô đã đặt vấn đề: Làm từ thiện để làm gì? Khi nêu những ví dụ về các nhóm làm từ thiện, cô muốn xoáy sâu để đào bới các động lực chính trị nơi những người làm từ thiện. Có người mang danh tiến sĩ đã phát biểu: Làm từ thiện khiến cho người ta mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Ngay lập tức, chương trình bị dân chúng phản ứng và cho rằng, chương trình thiếu lương tâm, vô nhân đạo và những con người phát biểu cách lạnh lùng như cô biên tập viên hoặc như ông tiến sĩ kia là những con người vô cảm. Họ chỉ là hạng người có cái đầu nhưng không có óc, có cái xác nhưng không có trái tim. Nhiều người bày tỏ quan điểm rằng, họ làm từ thiện là do thúc đẩy của sự cảm thông và chạnh thương. Những người khác cho rằng, họ làm từ thiện để cho tâm hồn được thanh thản.

Đối với Kitô giáo, việc làm từ thiện không dừng lại như một công tác xã hội, người làm bác ái không như một chuyên viên, nhưng vì sự thúc đẩy của trái tim chạnh thương. Hơn nữa, việc bác ái của Kitô hữu còn là việc làm thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi anh chị em chung quanh. Vì thế, việc bác ái Kitô giáo không chỉ là tặng quà, không chỉ là cho đi những của cải dư thừa, mà là dám chia sẻ cả những cái mình đang cần, đang dùng, và cả những cái mình đang thiếu. Nhưng trên hết, việc bác ái của người Kitô hữu là việc làm phát xuất từ lòng yêu mến Thiên Chúa.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay thuật lại, khi Chúa Giêsu nói với ông luật sĩ về hai giới răn quan trọng nhất là Mến Chúa- Yêu Người. Ông luật sĩ đã đặt vấn đề với Chúa: Nhưng ai là người thân cận của tôi? Ngay câu hỏi này đã cho thấy, người thông luật muốn quy về bản thân mình, lấy mình làm trung tâm. Chúa Giêsu đã kể câu chuyện về người Samaritanô nhân hậu như một mẫu gương cho người luật sĩ. Qua câu chuyên này, Chúa muốn đổi hướng nhìn của người luật sĩ và muốn ông nhìn đến người khác hơn, khi Ngài đặt cho ông câu hỏi: Ai là người thân cận của người bị bỏ rơi?

 Do lịch sử để lại khiến người Do Thái và người Samaria trở nên thù nghịch với nhau. Người Do Thái coi người Samaria là những người mất gốc, là con lai và rối đạo. Vì thế, họ không giao du tiếp xúc với nhau, mặc dù cùng sống trên một quốc gia. Trong mắt người Do Thái, những người Samaria là những người bị suy thoái trong đời sống đạo, vậy mà Chúa Giêsu lại lấy người Samaritanô làm tấm gương cho người Do Thái.

Câu chuyện được Chúa Giêsu kể mang rất nhiều ý nghĩa: Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp, chúng trấn lột và đánh anh ta nhừ tử, dở sống dở chết rồi bỏ đi. Tình cờ, một thầy Tư tế, một thầy Lêvi đi ngang qua, thấy nạn nhân, họ đã tránh qua chỗ khác mà đi. Chi tiết này cho thấy mặt trái trong đời sống của những người có thế giá, chức vị. Đáng lẽ các thầy tư tế phải là những người có lòng chạnh thương và phải ra tay cứu giúp người bị nạn, nhưng ông đã không làm, ông nhắm mắt làm ngơ như không nhìn thấy nạn nhân. Có thể thầy thượng tế này nại vào lý do lề luật quy định, khi người nào đụng chạm đến nạn nhân dính máu, thì bị ô uế, không thể tham dự các nghi thức tế tự trong đền thờ.

Trong câu chuyện được kể, Chúa Giêsu cho thấy rằng, không có một thứ lề luật nào có thể ngăn cản con người thể hiện theo sự nhắc bảo của trái tim. Thầy thượng tế và Lêvi đã để cho công việc chức vụ của mình lấn át sự mách bảo của trái tim, nói cách khác, trái tim của những người này tuy còn đập nhưng đã chết trước nỗi đau khổ và nguy cập của anh em. Trái với vẻ đạo mạo của các Tư tế và Lêvi là một người Samatitano, người mà trong mắt người Do Thái chỉ là kẻ tầm thường, không địa vị, không danh vọng, nhưng ông lại có một tâm hồn cao thượng, một trái tim hết sức nhân hậu, biết chạnh thương.

Khi nhìn thấy nạn nhân nằm bên đường, người Samaritanô này không cần quan tâm kẻ ấy là ai, trong mắt ông, anh ta là một nạn nhân đang cần sự giúp đỡ. Câu chuyện kể lại thái độ hết sức ân cần của ông, ông chăm sóc cho nạn nhân như chăm sóc người ruột thịt : Ông lại gần, lấy dầu và rượu xức vết thương, băng bó lại, đặt người đó trên lưng lừa của mình và đưa về quán trọ săn sóc. Điều này chứng tỏ rằng ông trực tiếp chăm lo cho nạn nhân, ông còn cho nạn nhân thời giờ, công sức của ông, mặc dù ông đang trên đường đi công việc.

Người Samaritanô còn tỏ ra quảng đại và có trách nhiệm đối với nạn nhân : Sáng hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ hoàn lại. Việc làm này lại càng cho thấy sự quảng đại và tinh thần trách nhiệm của ông. Ông làm việc bác ái không chỉ bằng tiền mà còn bằng chính đôi tay, công sức, tinh thần trách nhiệm và tình thương của ông dành cho người bị nạn.

Kể đến đây, Chúa Giêsu đã hướng cái nhìn và sự quan tâm của người luật sĩ về phía tha nhân, thay vì hướng về mình, Ngài hỏi ông: Theo ông, trong ba người đó, ai tỏ ra là người thân cận với người bị nạn? Người thông luật trả lời: Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót với người ấy. Như thế, khi chúng ta thực thi lòng thương xót với mọi người, thì ta sẽ là người thân cận của mọi người. Chúa Giêsu đã nói với ông: Ông hãy đi và làm như vậy. Có nghĩa là, ông cứ quảng đại nhân hậu và chạnh thương với mọi người, ông sẽ trở thành người thân của mọi người và mọi người sẽ là người thân của ông.

Tấm gương người Samaritanô nhân hậu cũng được Đức Thánh Cha nhấn mạnh cho mỗi chúng ta trong Năm thánh Lòng Thương Xót này. Chúng ta được mời gọi để đem lòng thương xót của Chúa đến cho anh em, chia sẻ tình yêu thương cho mọi người như chúng ta đã được Chúa yêu. Hãy đi và làm như vậy: Chúa muốn chúng ta thực thi lòng thương xót bằng cả trái tim nhân hậu, không điều kiện, không giới hạn và không đặt bất cứ rào cản nào, vì Chúa cũng đã yêu thương chúng ta không giới hạn, không tính toán thiệt hơn.

Xã hội phát triển có thể kéo chúng ta lại gần nhau về khoảng cách, nhưng nó không thể làm cho tâm hồn chúng ta lại gần nhau được. Sự tiến bộ của khoa học có thể làm cho trái tim chúng ta đập đúng nhịp, nhưng không thể làm cho trái tim chúng ta trở nên nhân hậu bao dung, nếu chính mỗi người không tự mở lòng mình ra. Công nghệ thông tin khiến cho người ta dễ dàng nói chuyện giao tiếp với nhau, nhưng dường như nó cũng khiến cho con người lạnh lùng vô cảm với nhau nhiều hơn. Sự vô cảm dửng dưng đang xảy ra khắp nơi : các nhà lãnh đạo vô cảm với dân, cha mẹ, vợ chồng vô cảm với con cái, con người trong xã hội vô cảm với nhau. Trong gia đình, dù ngồi chung với nhau nơi bàn ăn nhưng cả nhà dán mắt vào cái tivi, mỗi người quan tâm đến những việc khác nhau mà không quan tâm đến người ngồi bên cạnh mình. Các bạn trẻ ngồi với nhau trong cùng bàn café, nhưng mỗi người một hearphone, điện thoại và một thế giới riêng.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh lại ánh mắt, trái tim để chúng ta có thể nhìn thấy chung quanh còn rất nhiều người đang cần đến sự quan tâm giúp đỡ của chúng ta. Hãy mạnh dạn tắt tivi, cúp điện thoại, bỏ hearphone, gác lại công việc, để chúng ta có thể nhìn thấy người bên cạnh, nghe được tiếng kêu của họ và ra tay giúp đỡ họ. Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không còn thời giờ cho gia đình và cho nhau, khiến các tương quan ngày càng lỏng lẻo. Có những người dành rất nhiều giờ cho đối tác làm ăn, mất nhiều giờ cho những bữa nhậu, nhưng lại rất tiết kiệm thời gian với cha mẹ, vợ con và người thân. Người thân và con cái trong gia đình cần có thời gian để bên nhau, cần được yêu thương hơn tiền bạc, vì thế, món quà thời gian chính là món qùa mà người thân đang chờ đợi nơi chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta cũng biết học theo gương của người Samaritanô hôm nay, qua lòng nhân hậu và xót thương, chúng ta sẽ biến mọi người chung quanh thành người thân của chúng ta và biến chúng ta thành người thân của họ. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên - Lm J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XV Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường niên - Lm J.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XV Thường niên - Hoa Tâm
     Lời Chúa - Thứ Ba Tuần XV - Mùa Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên C: YÊU THƯƠNG CỤ THỂ LÀ DỪNG LẠI, CÚI XUỐNG VÀ PHỤC VỤ_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên: "Gương Hiền Lành của Chúa"_Lm Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XV Thường Niên: "HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG"_ Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XV Thường niên B. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XV Thường niên B: LÀM MÔN ĐỆ ĐI THEO CHÚA. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên B: CHỨNG NHÂN MẠNH HƠN THẦY DẠY. Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên B: CHÚA ĐANG GỌI VÀ SAI CHÚNG TA ĐI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên B. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng thứ Bảy tuần XV Thường niên A: NGƯỜI TÔI TRUNG. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên: SỐNG LUẬT CHÚA. Lm. Duy Khang