Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 31

CHỦ NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN

1 God-loves-You.jpg

Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ. Người đã sai Con của Người đến cứu chuộc những gì đã mất. Người yêu thương đặt biệt những ai có thể lạc xa Người. Vinh quang của Người chính là Con người được tạo dựng như là tuyệt phẩm của toàn thể Tạo thành, được sống mãi thay vì bị tiêu diệt bởi tội lỗi hay gương xấu của các tín hữu. Người là lòng khoan nhân và tha thứ.

Kn 11,22.12,2

Thiên Chúa yêu thương những gì Ngài đã tạo dựng. Đấng Tạo dựng vũ trụ chỉ có thể yêu thương những gì Người đã làm ra. Khi con người mà Người đã tạo dựng tự do đã quên Tình yêu của Người, thì Người tha thứ cho họ để họ trở về với Người.

Thánh Vịnh 144

Thánh Vịnh nầy là lời kinh chúc tụng. Vinh Danh Thiên Chúa, Vua Israen. Người tốt lành, trung tín và công chính. Người đáng được ca tụng vì lòng Thương xót, bởi vì Người chậm giận và đầy từ ái.

Thư 2 Tx 1,11.2,2

Đây là những chương đầu của Thư thứ hai Tê xa lô ni ca. Lời rao giảng tiên khởi của Phao lô khiến cho một vài người ki tô hữu tin rằng cuộc trở lại quyết định của Chúa đã rất gần. Nên những người nầy không chịu làm gì cả. Phao lô phải phản ứng. Ngài nhấn mạnh giá trị của thời gian chờ đọi là cần thiết để Thánh Thần của Chúa tái tạo nhân lọai và ban cho nó mọi chiều kích thiêng liêng. Hành động của Thiên Chúa đầy kiên trì.

Tin mừng Lc 19,1-10

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nằm ở phần cuối cuộc hành trình lên Giêrusalem (18,15-19,28). So với Tin Mừng nhất lãm, điểm đặc biệt của Luca là cuộc gặp gỡ với Gia kêu. Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng trước cuộc thương khó với một người thuộc thành phần “ngoài rìa xã hội” mà Chúa Giê su có sứ mạng phải cứu độ.

Có thể đọc đoạn Tin mừng theo bố cục sau đây:

1. Nhập đề: nơi chốn: vào thành Giê ri khô; nhân vật: Da kêu tìm cách xem Chúa Giê su  (19,1-4)

2. Chúa Giê su gặp ông Da kêu (19,5-7)

3. Ông Da kêu hóan cải (19,8-9)

4. Kết luận: sứ mạng của Chúa Giê su (19,10).

TÌM HIỂU

Da kêu: khác với lệ thường, ở đây Lc cho chúng ta biết tên của nhân vật. Hoặc là cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi quen biết nhân vật nầy, hoặc là tên của ông mang ý nghĩa đặc biệt: Da kêu có nghĩa là “trong sạch, tinh tuyền”. Là người Híp pri, nhưng lại làm thủ lãnh những người thu thuế. Phản ứng của dân chúng cũng giống như trong lần Chúa Giê su gọi ông Lê vi (5,27-32). Những người thu thuế thường bị tiếng xấu, hoặc vì cộng tác với những kẻ xâm lăng La mã, hoặc do cách làm giàu bất chính bằng tiền bạc của cải đồng bào (18,13; x. Mc 2,15-17).

Đức Giê su: ông Da kêu không chỉ vì tò mò tìm cách xem Chúa Giê su, nhưng ông còn ao ước biết Ngài. Đó chính là mầm mống khởi đầu đức tin. Chúa Giê su sẽ nói rằng Ngài đã đến để tìm kiếm người bị hư mất (19,10). Một người tìm một người, nhưng giữa ông Da kêu và Chúa Giê su có cả một đám đông dân chúng. Xét theo tình trạng xã hội và luân lí thì ông Da kêu là một con người bị gạt ngoài rìa; cả một thế giới tách biệt ông xa rời Chúa Giê su.

Chạy: dường như một sức mạnh nội tâm thôi thúc ông chạy đến Chúa Giê su.

Xuống ngay đi: lời Chúa Giê su mời gọi Da kêu phải hành động nhanh chóng (x. 15,20-22). Lòng thương xót xoá bỏ mọi khoảng cách.

Tôi phải: Chúa Giê su bị thúc đẩy bởi những đòi hỏi của sứ mạng (x. 2,49; 4,43; 13,33; 17,25). Yêu cầu của Ngài không những làm cho mọi người chưng hửng, mà còn gây khó chịu: đấng Thánh của Thiên Chúa lại đi vào nhà một người thu thuế tội lỗi; bạn của người nghèo đi với người giàu, bị xa cách và khinh bỉ (7,34). Sự chọn lựa có giá trị dấu chỉ (19,10).

Mừng rỡ: sơ giao ở dưới tàn cây xong thì hội ngộ trong nhà, nơi diễn ra đời sống thường nhật, là nơi của lời mời gọi. Niềm vui của ông Da kêu cho thấy đức tin của ông. Chi tiết nầy khiến ta nhớ lại niềm vui của bà Êlisabết (1,42-44), hay niềm vui của các mục tử (2,10-20). Và cũng sẽ là niềm vui của đám đông khi Chúa Giê su vào thành Giêrusalem (19,37).

Xầm xì: ở đây không chỉ người biệt phái (như ở 5,30), mà cả đám đông cảm thấy bị vấp phạm bởi hành động của Chúa Giê su.

Đứng: ở đây, ông Da kêu tỏ ra quyết tâm chỉnh đốn lại cuộc đời mình. Ta nên để ý đến cách ông ta thưa “Lạy Chúa” chứng tỏ niềm tin của ông không cho phép ông nhìn thấy nơi Chúa Giê su chỉ là một con người bình thường. Nhờ Chúa ban cho ông dược vinh dự tiếp đón Ngài, ông đã kinh nghiệm quà tặng nhưng không của Thiên Chúa.

Phân nửa: sự hoán cải tâm hồn dẫn tới việc thay đổi đời sống. Ông Da kêu sẽ noi theo lòng quảng đại của Thiên Chúa để chia sẻ của cải cho người nghèo. Đó là điều mà ông Gioan Tẩy giả (3,11) và chính Chúa Giê su đòi hỏi (11,41; 12,33;16,9). Khác với anh thanh niên giàu có mà Chúa Giê su đã đòi hỏi phải từ bỏ hoàn toàn (18,22), ông Da kêu không bỏ nghề nghiệp của mình, mà chỉ bố thí phân nửa gia tài của mình thôi: do đó có nhiều hình thức khác nhau để sống đức khó nghèo phúc âm.

Gấp bốn: ông Da kêu sẵn sàng sửa chữa quá khứ lỗi lầm của mình. Ông trả lại hơn những gì mà lề luật đòi hỏi (gấp đôi: Xh 22,3.6; một phần năm: Lv 5,21-24). Ông đền gấp bốn theo luật La mã.

Hôm nay: từ dùng đặc biệt của Lc chỉ sự hiện thực của ơn cứu độ và sự cần thiết không được đánh mất một cơ hội duy nhất (x. 2,11; 3,22; 4,21; 5,26; 13,32-33; 19,5; 23,43).

Nhà: đây không chỉ là ngôi nhà, mà còn chỉ cả gia đình của ông Da kêu, như trường hợp ông Cor nê li ô (Cv 10,2; 11,14), Liđia (Cv 16,15; 16,31).

Con cháu tổ phụ Abraham: ông Da kêu là con cháu ông Abraham theo xác thịt, vì ông là người Híp pri. Nhưng sự thuộc về đó không đương nhiên đem lại cho ông ơn cứu độ. Đó là điều mà ông Gioan Tẩy giả đã nói rõ (3,8). Điều mới mẻ mà Chúa Giê su mang lại đang xảy đến: để trở thành thừa tự lời hứa với Abraham, lời hứa bao gồm trong ơn cứu rỗi trong Chúa Giê su Ki tô (x. 1,55.73), cần phải sám hối quay về với Chúa Giê su Ki tô. Ông Da kêu đã làm điều đó. Dù người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa, nhưng ông chứng tỏ cho thấy mình là một trong vài người đã đạt đến: “Điều mà con người không thể làm, thì Thiên Chúa có thể thực hiện được”(18,27).

Con Người: câu nầy qui chiếu đến lời loan báo khổ nạn (18,31). Nhóm Mười Hai đã không hiểu được câu nói của Chúa Giê su. Nhưng giờ thì họ có thể nhìn thấy lời giải thích: để cứu những người đã hư mất, Chúa Giê su chấp nhận đánh mất bản thân mình (9,24;17,33) và bị trao nộp cho dân ngoại. Ngài để cho mọi người coi như một kẻ chúc dữ để cứu chuộc các tội nhân. Sứ mạng cứu thế của Ngài bao gồm trong sự liên đới ấy.

Tìm: kiểu nói được hoạ theo câu sấm Ed 34,16, trong đó ông loan báo Vị Mục Tử tốt lành: “Thiên Chúa phán: Ta đi tìm con chiên đi lạc”. Cả câu 15 minh hoạ cho ước muốn ấy của Chúa Giê su.

Như thế, sau nhiều người khác như ông Lê vi, viên đại đội trưởng, người nữ tội nhân và sau nầy, tên trộm sám hối, ông Da kêu trở thành mẫu mực cho những người đi lạc và bị từ khước mà Chúa Giê su đến để tìm kiếm. Nhà của ông là hình ảnh của Hội Thánh trong đó và qua đó Chúa Giê su thông ban cho con người ơn cứu độ.

Lc không nói là ông Da kêu đã đi theo Chúa Giê su. Một vài truyền thống cổ xưa cho rằng ông trở thành bạn của thánh Phê rô và có lẽ chính ngài đã đặt ông làm Giám Mục thành Cêsarê.

SỨ ĐIỆP

Có lần Chúa Giê su đã cảnh báo cho các môn đệ rằng một con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu có vào Nước Thiên Chúa. Các môn đệ hết sức ngạc nhiên đặt câu hỏi: “Vậy thì ai có thể được cứu thoát?” Chúa Giê su đã trả lời cho họ: “Đối với loài người thì không thể, nhưng không phải đối với Thiên Chúa”. Và hôm nay chúng ta đã nghe câu chuyện về ông Da kêu. Câu chuyện xảy ra ở Giê ri cô. Lúc bấy giờ có một đám đông ùa đến, họ là những người thường chạy đón đầu Chúa Giê su bất cứ nơi nào Ngài đi qua. Đối với họ, đó là biến cố quan trọng. Và trong đám đông đó, có người thu thuế tên là Da kêu. Trong một xứ sở bị một đang bị nước ngoài đô hộ thì ông ta thuộc thành phần những người cấu kết với ngoại bang. Ông ta có trách nhiệm tổ chức việc thu thuế trong một nước không phải của mình. Vì là lãnh đạo những người thu thuế, ông có trách nhiệm về những hành vi bạo lực của những kẻ dưới quyền. Ông có tất cả những gì khiến cho người đồng hương thù ghét. Con người nầy không có lấy một chút cơ may được cứu độ nào. Đó ít ra là điều mà những người lên án ông suy nghĩ.

Thế rồi ông Da kêu tìm cách đón đầu để xem Chúa Giê su là ai. Nhưng đám đông nhiều đến nỗi ông không thể chen chân lấn lên trước được. Thật khó cho ông vì ông vừa lùn vừa đứng sau mọi người, và nhất là khi phải đối đầu với sự thù hằn của đám đông.

Điều trước tiên phải để ý trong bài tin mừng nầy đó là việc ông Da kêu tìm mọi cách để nhìn cho được Chúa Giê su. Ông không dám hi vọng gặp Ngài vì ông biết rõ rằng những hoạt động nghề nghiệp biến ông thành một kẻ bị loại trừ. Trước kia, ông nghĩ tìm được hạnh phúc bằng cách làm giàu trên đầu những kẻ đóng thuế. Nhưng điều đó không đủ để làm cho ông được hạnh phúc. Trong cõi vô thức, ông ước mong một điều khác.

Thế rồi Chúa Giê su đến Giê-ri-cô. Dù bị đám đông những người tò mò vây quanh chen lấn tứ phía, đối với Chúa Giê su, chỉ có một người duy nhất là quan trọng. Giữa đám đông người ấy, Ngài chỉ thấy một mình Da kêu, chính là người mà không ai muốn thấy. Nhưng không gì ngăn cản được Chúa Giê su. Ngài đến để tìm và cứu chữa những kẻ hư đi. Ngay cả những người đã té ngã thật sâu vẫn luôn có thể tìm được ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Đó là tin mừng cho tất cả những tội nhân là chính chúng ta. Thiên Chúa coi tất cả mọi người như là tài sản quí giá nhất của Người và Người không muốn mất ai cả.

Sứ điệp của Đức Ki tô cũng gửi đến với từng người trong chúng ta. Cũng như đối với ông Da kêu, Chúa Giê su không ngừng nói với chúng ta: “Hôm nay, Thầy phải ở lại nhà con”. Ngài tiếp tục gõ cửa, không phải để quở trách, nhưng để giải thoát chúng ta. Với Ngài, ơn Cứu độ của Thiên Chúa đi vào đời sống chúng ta. Gặp được Đức Ki tô rồi, thì không gì có thể còn diễn ra như trước được nữa.

Ông Da kêu trước kia tham lam tiền bạc thì bây giờ đã nghĩ đến những người nghèo và những người mà ông ta đã ăn cắp. Cái nhìn của ông về những người khác đã thay đổi. Đó là một cái nhìn yêu thương, một cái nhìn huynh đệ. Giờ đây, tha nhân có ý nghĩa đối với ông. Giờ đây ông sợ đã làm điều xấu cho họ, vì ông hiểu rằng họ là anh em của ông. Bấy giờ, chúng ta đừng ngần ngại tiếp nhận Chúa nơi nhà của chúng ta. Chúng ta có thể được cứu thoát và bắt đầu một đời sống mới, một đời sống được sáng soi bởi ơn tha thứ ấy của Thiên Chúa.

Bài tin mừng nầy để lại cho chúng ta một sứ điệp đầy niềm vui. Đó chính là niềm vui của ông Da kêu khi ông gặp gỡ Chúa Giê su và tiếp rước Ngài vào nhà mình. Đó là niềm vui được hiểu và được nhận biết; đó là niềm vui của bữa ăn giữa bạn bè đã được tha thứ. Và nhất là đó là niềm vui của Thiên Chúa đã tìm lại một người con lạc mất. Một trong những từ quan trọng trong bài tin mừng hôm nay là “HÔM NAY”. Từ “Cứu độ” luôn được liên kết với “Hôm nay”. Chúng ta hãy nhớ lại đêm Giáng sinh: “Hôm nay một Cứu Chúa sinh ra cho chúng ta!” Nếu chúng ta muốn nghe lời Thiên Chúa, thì chính “hôm nay”chúng ta phải lắng nghe Lời Ngài. Không phải là hôm qua hay ngày mai. Chính ở đây và hôm nay mà Chúa Giê su kêu gọi và cứu độ chúng ta

Điểm cuối cùng là cái nhìn của đám đông về ông Da kêu. Một cái nhìn trách cứ và lên án. Chúa Giê su bị người ta phản đối bởi vì Ngài đã đến trọ nhà một người tội lỗi. Đám đông không chấp nhận một diện mạo Thiên Chúa như thế. Chúng ta cũng thế, đôi khi chúng ta là chính đám đông. Đó là điều luôn xảy ra và vẫn còn xảy ra hôm nay. Người ta cho rằng thà tránh đi lại với những kẻ “không thể đi lại đó” còn hơn. Người ta nhận chìm họ và không dành cho họ một cơ may nào cả.

Tất cả những điều đó trái ngược với bài tin mừng hôm nay. Thiên Chúa đích thực là đấng mà Chúa Giê su đã đến để mạc khải cho chúng ta. Đó chính là Thiên Chúa của những kẻ bị lọai trừ, dù nghèo hay giàu, dù còn bé hay đã lớn khôn. Cái nhìn của Ngài gặp gỡ tất cả những ai bị giam cầm trong cuộc sống và trong tai tiếng của họ. Ước gì cái nhìn của chúng ta về người khác trở nên giống cái nhìn của Chúa Giê su, một cái nhìn huynh đệ, một cái nhìn đầy nhân ái, thấy nơi mỗi người một người anh, một người em đươc kêu gọi nên thánh.

Từ nhà thờ trở về, chúng ta được sai đến với tất cả những người tìm cách gặp gỡ để nhìn xem Chúa Giê su là ai. Có người gặp được Ngài nhờ vào những chứng nhân hôm nay, một người tín hữu, một tông đồ dấn thân cho người khác hay qua một biến cố ấn tượng nào đó. Đối với một số người khác, đó có thể là việc chuẩn bị hôn nhân hay phép rửa hoặc giáo lí con cái họ. Chúa hiện diện giữa cuộc sống của chúng ta và Ngừoi muốn ở với chúng ta. Người sai chúng ta đến với tất cả những người chung quanh chúng ta để giúp đỡ họ khám phá ra ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa.

ĐÀO SÂU

THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG THA THỨ

Kn 11,22-12,1 Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi loài Ngài đã dựng nên         

Tv 145,1-2, 8-9, 10-11, 13cd-14 Vinh quang của Thiên Chúa chính là loài người đang sống                                 

2 Tx 1,11-2,2 Hãy an tâm chuẩn bị đón chào Chúa đến

Lc 19,1-10 Ông Da-kêu hoán cải sau khi được gặp Chúa

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG THA THỨ. Thiên Chúa yêu thương mọi loài, nên Ngài nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải (Bđ1). Vì thế Chúa Giê su đến trần gian là để tìm và cứu những gì đã mất (BTM). Nên hãy an tâm chuẩn bị đón chào Chúa đến (Bđ2).

2. HỎI: Sách Khôn Ngoan là sách gì?

THƯA: Sách được soạn ra khá muộn màng, khoảng 50 năm trước Công Nguyên, vào lúc cuối lịch sử Kinh Thánh nên được hưởng toàn bộ đức tin chín mùi của Ít-ra-ên. Vì thế người ta không ngạc nhiên khi tìm được ở đây một đức tin tổng hợp tất cả những khám phá mà dân ưu tuyển đã đạt được trong suốt nhiều thế kỉ.

 3. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một là trích đoạn trong sách Khôn ngoan (Kn 11,22-12,2), cho thấy Ít-ra-ên sau chặng đường dài kinh nghiệm và khám phá, đã đạt đến một niềm tin về một Thiên Chúa yêu thương hết mọi người.

4. HỎI: Điểm khởi đầu niềm tin Ít-ra-ên là gì?

THƯA: Đó là việc Thiên Chúa giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ Ai cập, đồng hành với dân Người trong suốt hành trình đi về đất hứa.

5. HỎI: Điểm nỗi bật trong bài đọc một là gì?

THƯA: Là khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương mọi loài Người đã tạo nên. Đó là mạc khải mà Người ban cho dân Ít-ra-ên trong kinh nghiệm Giao Ước với Người.

6. HỎI: ‘Thiên Chúa là Chúa tể yêu sự sống’ (11,26) nghĩa là gì?

THƯA: Câu ấy muốn nói rằng ngay cả sự chết cũng không phải là tiếng nói cuối cùng. Chính nhờ khám phá rằng Thiên Chúa yêu thương sự sống và mọi loài sinh vật mà Ít-ra-ên dần dần tin vào sự kẻ chết sống lại.

7. HỎI: Điều gì đã mang lại tâm tình tạ ơn cho người tín hữu nhất?

THƯA: Đó là tình yêu của đấng Tạo dựng trước sự bất trung của con người. Nếu Thiên Chúa tha thứ, chính là bởi vì Người yêu mến sự sống và muốn cho mọi loài được sống. ‘Nhưng Chúa xót thương mọi người vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người để họ còn ăn năn hối cải’ (11, 23).

8. HỎI: Chúa xót thương hết mọi người’ (11,23) tại sao Ngài đánh phạt họ?

THƯA: Tác giả khẳng định Thiên Chúa yêu thương hết mọi loại Ngài dựng nên: ‘Ngài thấy mọi sự đều tốt đẹp’ (St 1,3 1). Vì thế nếu Ngài đánh phạt họ, chính là muốn cho giáo dục họ, kêu gọi họ hoán cải và dẫn họ trở về sự sống (12,2).

9. HỎI: Bài đọc 2 (2 Tx 1, 11--2,2) có nội dung như thế nào?

THƯA: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Tê-xa-lô-ni-ca phải chuyên tâm làm việc để chờ Chúa Giê su trở lại chứ đừng ăn không ngồi rồi như một số người làm biếng.

10. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 19,1-10) như thế nào?

THƯA: Hai câu chuyện liên quan đến thành Giê-ri-khô được Lu ca đặt nối tiếp nhau ở cuối cuộc hành trình lên Giê ru sa lem: người mù được chữa lành khi Chúa Giêsu đến gần đó (18,35-43), và ông Da-kêu khi Người đi ngang qua thành (19,1-9). Có 3 ý chính: 1. Giới thiệu Chúa Giê su và Da-kêu (19,1-4). 2. Chúa Giê su gặp Da-kêu (19,5-7). 3. Da-kêu hoán cải và sứ mạng Chúa Giê su (19,8-10).

11. HỎI: Thành Giê-ri-khô ở đâu?

THƯA: Giê-ri-khô có lẽ là thành phố thấp nhất thể giới, 300 mét dưới mực nước biển, nằm trong thung lũng sông Gio-đan, cách Giê-ru-sa-lem độ 35 ki lô mét hơi chếch về hướng Bắc Biển Chết trong một cảnh trí hoàn toàn sa mạc. Nhưng hôm ấy, Giê-ri-khô bổng trở nên huyên náo vì mọi người đổ ra đường để muốn tận mắt nhìn vị Tiên tri đi ngang qua.

12. HỎI: Đức tin của Da-kêu hệ tại điều gì?

THƯA: Chúa Giê su đến dùng bữa ở nhà ông Da-kêu, nhờ đó, ông đã nhận ra Ngài là Chúa và được cứu độ. Do đó, ơn cứu độ hệ tại ở việc nhận ra và tiếp nhận Chúa Giê su như là hiện thân của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện cho tất cả mọi người, nhưng chỉ những người bé nhỏ và nhận ra mình đang ở trong hoàn khốn cùng mới biết tiếp nhận Người.

13. HỎI: Có liên hệ nào giữa dụ ngôn hai người thu thuế và biệt phái lên đền thờ cầu nguyện với câu chuyện ông Da-kêu không?

THƯA: Có. Cá hai đều có cùng một bài học là ông Da-kêu cũng như người thu thuế hay người trộm lành sau này, được công chính hóa bởi vì họ đã mở rộng đôi mắt để thấy, và đã thi hành chân lí mà họ đã thấy.

14. HỎI: Tại sao Chúa Giê su nói: ‘Da-kêu cũng là một con cái Áp-ra-ham’?

THƯA: Ngài chỉ muốn nhắc lại rằng lời hứa mãi mãi ràng buộc Người với con cháu Áp-ra-ham. Người muốn cho những ai thắc mắc về việc Ngài hay tới lui với người thu thuế và tội lỗi nhớ rằng ơn cứu độ được ban cho hết mọi người bởi vì Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa.

15. HỎI: Qua bài Tin mừng, chúng ta học được điều gì?

THƯA: Chúng ta học được hai điều: Thứ nhất ơn cứu độ là quà tặng Thiên Chúa ban. Thứ hai phải mở lòng tiếp nhận thì mới được ơn ấy.

16. HỎI: Bài Tin mừng có liên hệ nào với Giê-ri-khô quê nhà của ông Da-kêu không?

THƯA: Có. Giê-ri-khô là thành phố đầu tiên trên Đất hứa được dân Ít-ra-ên chinh phục. Họ luôn luôn coi việc chiếm thành ấy là một ơn Thiên Chúa ban chứ không do sức mạnh của con người. Bởi đó, ơn cứu độ luôn là một quà tặng

17. HỎI: Việc ông Da-kêu vừa là một công dân và trưởng thu thuế Giê-ri-khô có ý nghĩa gì không?

THƯA: Có. Ông ta là một công dân của một thành phố bị nguyền rủa, và cũng là người đứng đầu những người cho vay, những người sống bằng lợi nhuận bất hợp pháp, nên ông bị mọi người oán ghét. Vì thế, việc Chúa Giêsu đã chọn một trong những người tồi tệ nhất, và biến thành một người con của Áp-ra-ham cho thấy sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa.

18. HỎI: Đâu là sự khác biệt giữa việc chữa lành người mù (Lc 18,34-45) và câu truyện ông Da-kêu?

THƯA: Có nhiều điều khác biệt. Trước tiên, người mù được chữa lành trên đường đi là người nghèo và không phải bỏ lại bất kỳ của cải nào khi quyết định đi theo Chúa Giêsu. Trái lại, ông Da-kêu là một người giàu có nhờ của cải bất công. Chúa Giêsu trao cho ông món quà tình yêu Thiên Chúa, như muốn nói với ông rằng không thể chấp nhận một món quà như vậy nếu không thực sự thay đổi đời sống không chỉ bằng lời nói mà còn bằng việc làm. Kế đến, người mù ở trên đường mà Chúa Giêsu sắp đi qua và khẩn xin Ngài. Anh tự đặt mình trong ánh sáng của Thiên Chúa đi ngang qua nơi Chúa Giêsu và trở thành biểu tượng của người mở tâm hồn đón nhận mầu nhiệm và dám gõ cửa. Bởi đó, Chúa Giêsu mở mắt thân xác và tâm hồn anh.

19. HỎI: Còn Ông Da-kêu?

THƯA: Ông Gia kêu giàu có và không hề nghĩ đến người khác. Dù vậy, ông cảm thấy tò mò muốn biết Chúa Giêsu là ai và rõ ràng khác với người mù, ông đã đón đường Chúa Giê su. Nhìn thấy ông, Chúa Giêsu đã bảo ông mời Ngài dùng bữa. Chúa Giê su đã nhìn thấy nỗi bất hạnh bên trong của Da-kêu, cũng như ‘Tâm hồn’ sẵn sàng mở ra để tiếp nhận ánh sáng thần linh.

20. HỎI: Sự hoán cải của Ông Da-kêu dạy chúng ta những gì?

THƯA: Dạy ta những điều nầy: (1) Sự cứu rỗi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, luôn luôn cần có sự đáp trả của con người: không có hoán cải thực sự nơi ông Da-kêu, thì món quà của Thiên Chúa hay bữa ăn mời Chúa Giêsu và sự hiện diện của Con Thiên Chúa trong ngôi nhà có thể đã trở nên vô ích. (2) Ông Da-kêu không hành động một mình, không những ông mà toàn thể gia đình mời Chúa Giê su đến, do đó, việc thi hành công bằngbồi thường cũng có một tác động trực tiếp đến những người thân yêu của mình. (3) Sự cứu rỗi Ki tô giáo gây ra những hậu quả xã hội và kinh tế: có lẽ Da-kêu khi từ bỏ công việc cũ, chắc chắn đã phải mất một phần thu nhập của mình, nhưng bù lại ông đã tìm thấy tình yêu và sự bình an nội tâm.

21. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Chúa Giê su đến để tìm và cứu chữa những gì đã mất. Chúng ta vững tâm tin tưởng mời Ngài đến để giúp chúng ta quyết tâm thay đổi cuộc sống.

2. Môn đệ Chúa Giê su phải sống thế nào để bằng sự hiện diện và lối sống của mình, ơn cứu độ của Thiên Chúa thể hiện cho anh chị em mình trong chính ‘ngày hôm nay’ qua các bí tích, qua Giáo Hội.

GLCG 549. Khi giải thoát một số người khỏi những sự dữ đời này như đói khát, bất công, bệnh tật và cái chết, Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia. Tuy nhiên, Người không đến để loại trừ mọi điều xấu khỏi trần gian này, nhưng để giải thoát con người khỏi ách nô lệ nặng nề nhất, là ách nô lệ của tội lỗi, thứ ách nô lệ này ngăn cản họ trong ơn gọi của họ là làm con cái Thiên Chúa, và gây ra mọi hình thức nô lệ giữa con người.(x. Chúa Giê su giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi 549. Giao hòa với Hội Thánh1443. Đền bù bất công 2412. Chiêm niệm 2712).

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên - Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên_MM Tân, SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên- Lm. Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên B: TIỀN CỦA_ Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên B: "SỬ DỤNG TÀI NĂNG CHÚA BAN ĐỂ PHỤC VỤ TIN MỪNG"_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thừ Năm Tuần XXXI Thường Niên B: "Tuyệt Đỉnh của Tình Yêu"_Lm. Peter Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuấn XXXI Thường Niên B: "Đòi Hỏi Của Tình Yêu"_Lm. Peter Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên B: "BỮA TIỆC CHO NGƯỜI NGHÈO"_Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên B_ LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN: MẦU NHIỆM CÁC THÁNH CÙNG THÔNG CÔNG_ LM ĐAN VINH
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên B: KÍNH NHỚ TỔ TIÊN_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên B: LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN_ Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên B_ LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ: HẠNH PHÚC MAI NGÀY BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY. Lm. Đan Vinh
     Suy Lời Chúa Chúa Nhật XXXI Thường Niên B_ Lễ Các Thánh Nam Nữ: CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM THÁNH KHÔNG?. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí