CHỦ NHẬT PHỤC SINH C
Chúng ta đang ở đỉnh cao của năm Phụng vụ với ngày lễ lớn nhất trong năm,
ngày kỉ niệm sự Phục sinh của Chúa Giê su. Vì tầm quan trọng ấy, nên lễ Phục
sinh được chuẩn bị bằng một đêm canh thức cầu nguyện. Đêm canh thức là vết tích
còn sót lại của những đêm mà các tín hữu đầu tiên trải qua để chúc tụng Chúa và
cử hành phép rửa cho tất cả các dự tòng.
Sách
Công vụ 10, 34a. 37-43
Trong mùa phục sinh nầy, không cần phải đọc lại Cựu ước nữa, bởi vì ý nghĩa của Quá khứ ấy được sáng tỏ. Đó chính
là điều mà các tông đồ đã công bố cho người Do thái và cả các dân ngọai. Họ là
các Chứng nhân của Tin mừng trong thế giới. Bằng lời đơn sơ dễ hiểu, nhưng đầy
xác tín của một chứng nhân, Thánh Phê rô đã tóm tắt cuộc đời Chúa Giê su, từ
lúc rời Na gia rét khởi sự rao giảng cho đến khi bị giết treo trên thập giá rồi
sống lại, và trao cho các tông đồ sứ mạng làm chứng cho Ngài.
Thánh
vịnh 117
Khi hát Thánh vịnh nầy, người do thái tưởng nhớ tất cả những nguy hiểm mà
họ đã trải qua và ơn cứu thoát mà Chúa đã ban cho họ trong suốt dòng lịch sử.
Thánh vịnh nầy gợi lại cách thức mà Thiên Chúa đã dùng để xoay chuyển các tình
thế nguy hiểm nhất. Được hát lên sau ngày Đức Ki tô sống lại, bài ca nầy mang ý
nghĩa phong phú hơn. Chúa Giê su bị dân Ngài lọai bỏ đã trở nên Nền tảng tạo
dựng một Vũ trụ mới.
Thư
gửi tín hữu Cô lô sê 3,1-4
Phải sống làm sao cho xứng đáng với với cuộc đời mới mà họ đã bước vào
sau khi đã được cùng chết và cùng sống lại với Đức Ki tô trong bí tích Thánh
tẩy. Họ phải ý thức sự khác biệt trong đời sống mới so với đời sống cũ. Nếu
trước kia, họ sống theo tinh thần và tiêu chuẩn trần gian, thì bây giờ họ phải
lo tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.
Tin mừng Lc 24,1-12 (Vọng Phục sinh C)
NGỮ CẢNH
Đoạn văn ngắn 23,55-56
loan báo sự hiện diện của các phụ nữ nhằm chuẩn bị cho đọan kế tiếp, tường
thuật ngôi mộ trống (24,1-12), trong đó tác giả đặc biệt nêu bật vai trò của
các bà trước sự hoài nghi của các ông: năng động, trung thực, gắn bó, yêu
thương, tin vào Lời và trở thành sứ giả của Lời.
Để diễn tả niềm tin
của Hội Thánh về sự phục sinh của Chúa Giê su, Luca lấy lại tất cả các chủ đề
có liên hệ và tạo thành một tổng hợp tuyệt vời. Chúng ta có thể nói đến một vài
điểm song song mang nhiều ý nghĩa với
tin mừng Gioan.
Luca trình bày một
loạt gồm ba hoạt cảnh trong được đóng khung trong một ngày duy nhất: ở ngôi mộ,
lời loan báo cho các phụ nữ (24,1-12) ; trên đường Emmaus, Chúa Giê su
xuất hiện cho hai môn đệ (24,13-35) ; và sau cùng Chúa Giê su hiện ra cho mười
một tông đồ và bạn hữu của họ (24,36-49). Chương cuối cùng kết thúc với việc
Chúa Giê su tách rời các môn đệ và chuẩn bị cho phần kế tiếp được ghi lại trong
sách Công Vụ (24,50-53).
Có thể đọc đoạn tin
mừng theo bố cục sau nay:
- 24,1-3: các phụ nữ
đi ra mộ Chúa Giê su.
- 24,4-7: hai người
đàn ông loan báo tin mừng Phục sinh
- 24, 8-10: phản ứng
và kể lại cho Nhóm Mười một
- 24, 11-12: phản ứng
của nhóm Mười một
TÌM HIỂU
Ngày thứ nhất trong tuần: bắt
đầu một tuần lễ mới: ngày nầy, tức là sau ngày sabát, sẽ trở thành « ngày
của Chúa » (dies dominica) (x.
Cv 20,7; 1Cr 16,2; Kh 1,10). Một ngày mới khởi sự, loan báo một thế giới mới.
Các bà đi ra mộ: các bà là những
người trung thành cho đến giây phút cuối cùng (23,55-56), khác với nhóm Mười
Hai. Họ đã gắn bó mật thiết với Chúa Giê su nên đi đến phần mộ của Ngài để tỏ
lòng kính trọng đối với thi hài của Ngài.
Phần mộ theo từ Hy lạp
có nghĩa là nơi ghi nhớ, nơi người ta tưởng nhớ đến khuôn mặt của người yêu
thương. Do vậy các người phụ nữ nầy vẫn còn coi Chúa Giê su như một người bình
thường. Họ tưởng nhớ đến Ngài, nhưng lại quên những lời Ngài đã nói về cái chết
của Ngài.
Họ không thấy thi hài Chúa Giê su: khối đá đã lăn ra khỏi mộ là một chuyện không bình thường: vì nó thường
được đặt trước để che lấp ngôi mộ, nhưng giờ thì ngôi mộ đã mở ra.
Hơn nữa, họ không còn
thấy xác Chúa Giê su đâu cả: đây là dấu chỉ thứ hai, nhưng lại gây hoang mang
cho họ hơn. Họ cảm thấy thất vọng trước sự trống rỗng và sự vắng bóng nầy.
Nhưng từ sự vắng bóng ấy đã vang lên Lời; từ trong thất vọng phát sinh ra đức
tin.
Nên để ý đến sự mâu
thuẫn trong cách diễn tả « thân xác Chúa Giê su ». Thân xác ở đây là xác chết bất động của
một người. Nhưng lại là thân xác của Chúa
Giê su , kiểu nói độc nhất vô nhị trong Tin Mừng Luca, như trong Công Vụ
(1,21; 4,33). Bằng cách đó, ngay từ đầu, người ta quả quyết việc rằng Chúa Giê
su đã sống lại, nên được gọi là Chúa: Luca, cũng như các độc giả của ông, chắc
chắn điều đó khi viết tin mừng, nhưng các bà trong lúc nầy còn chưa biết gì về
biến cố.
Hai người đàn ông:
trong c.23, Luca xác định rằng đó là các thiên thần. Mt nói đó là một thiên
thần của Chúa (28,2) và Mc thì gọi đó là một thanh nhiên mặc áo trắng (16,5).
Nguồn gốc mầu nhiệm của hai người nầy, y phục sáng ngời của họ cũng như của
Chúa Giê su biến hình (9,29), nhưng nhất là nội dung sứ điệp của họ cho ta hiểu
rằng họ đến từ Thiên Chúa, như thường
đã xảy ra trong các lần hiện ra trong Cựu Ước, trong các trình thuật về thời
thơ ấu của Chúa Giê su (1,11.26; 2,9) và trong vườn Giết sê ma ni (22,43).
Thiên Chúa sắp nói qua họ; điều đó có nghĩa là sự sống lại của Chúa Giê su
không thể được nhận biết bằng kinh nghiệm của con người, nhưng cần phải nhờ đến
một mặc khải.
Nếu có hai vị loan báo
tin Phục sinh, chính là để bảo đảm rằng lời chứng của họ là thực, như hai ông
Môsê và ông Êlia (9,30), như trường hợp các môn đồ Chúa Giê su (10,1; 19,29;
22,8). Trong Công vụ cũng thế, chúng ta thấy các sứ giả được sai đi từng hai
người một: Phêrô và Gioan Phao lô và Barnaba..
Các người bạn của Chúa
Giê su không thể nói được nữa vì họ đã đánh mất Lời mà lẽ ra họ phải gìn giữ.
Sáng kiến Lời đến từ Thiên Chúa (x.cc.1 và 2) ngang qua hai vị sứ giả; trong
phần tiếp sau, chính Chúa Giê su sẽ là người nói trước tiên.
Sao các bà tìm ?: câu
hỏi nầy cũng được đặt ra ở 2,49; sự vắng bóng Chúa Giê su bắt buộc người ta tìm
kiếm Ngài trong Đức tin. Ở đây câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời. Các bà tìm Chúa
Giê su nhưng không tìm Ngài ở nơi Ngài đang cư ngụ, bởi vì họ không tìm Ngài
như chính Ngài là.
Người Sống: hay Đấng Sống (x. Kh 1,18). Được gọi như
thế, Chúa Giê su được đồng hóa với Thiên Chúa: do đó không những Ngài không
phải là kẻ chết, mà còn là Chúa của sự sống. Ngài không ở trong số những kẻ
chết, nhưng ở trong Thiên Chúa: vì Ngài
là Sự Sống (x. Cv 3,15).
Nhưng đã trỗi dậy rồi: cùng
một từ như trong c.34. Tình trạng hiện tại của Chúa Giê su không phải là của
một người nằm bất động, nhưng là của một người đứng thẳng lên vừa thoát ra khỏi
giấc ngủ của sự chết. Từ ấy chỉ sự đi vào trong sự sống vĩnh cửu của Thiên
Chúa. Do đó không cần phải tìm xem Chúa Giê su ở đâu; Ngài không còn ở trong
ngôi mộ nữa; Ngài ở nơi khác, nơi có Thiên Chúa ngự trị.
Hãy nhớ lại điều Người đã nói:
trong Mc và Mt vị sứ giả thần linh hướng các bà đến một nơi khác là Galilê, để
gặp lại Chúa Giê su phục sinh; ở đây, không nói đến một nơi chốn. Các bà không
được hướng đến một nơi chốn nhất định hay một tương lai nào đó, nhưng đến một lời của Chúa Giê su đã nói trong quá
khứ. Chỉ có một chi tiết giống với các bản văn của Mt và Mc là việc nhắc đến Ga
li lê theo một nghĩa hoàn toàn khác.
Ngôi mồ nơi tưởng nhớ
người chết, đối với các bà trở thành nơi tưởng niệm đến Lời hằng sống. Do đó
thật là sai lầm khi đi đến ngôi mồ để tìm Chúa Giê su: cần phải tìm Ngài trong Lời của Ngài.
Do vậy lệnh truyền duy
nhất ban cho các bà không phải là lệnh sai phái họ đi truyền giáo như các tông
đồ (như trong Mt và Mc), để chuẩn bị họ trước những cuộc hiện ra của Chúa Giê
su. Lệnh truyền mà họ lãnh nhận là nhớ
lại Lời, là làm cho Lời sống lại trong kí ức và trong tâm hồn của họ.
Phải bị nộp: trong toàn bộ giáo
huấn của Chúa Giê su, chỉ có một lời được nhắc lại là lời loan báo cuộc Khổ nạn
và Phục sinh của Ngài (x. 9,23-44; 12,50; 13,32-33; 17,25; 28,31-33). Lời căn
bản, luôn luôn hướng các tông đồ đến cốt lõi của niềm tin: mầu nhiệm vượt qua.
Đó là lời quyết định, cô động tất cả Thánh Kinh. Đó là lời hứa đã trở thành một
thực tại.
Các bà nhớ lại: trong
lúc đó, niềm tin của họ đã bắt đầu. Lời của Chúa Giê su bừng sáng lên qua sự
mới mẻ được các thiên sứ loan báo. Chúa Giê su đã không lầm lẫn và đã không lừa
dối họ; phần chót của lời loan báo (« ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại »)
vừa được thực hiện và đã mang lại một ý nghĩa tích cực cho cuộc Khổ nạn và sự
Chết của Chúa Giê su. Khi tin vào lời Ngài, họ gắn bó với Lời.
Các bà kể cho nhóm Mười Một: khác
với những gì do Mt và Mc kể lại, các bà đã không nhận một lệnh truyền nào cả,
nhưng họ lại mau mắn làm ngay. Lời đặt họ vào thế hoạt động, khiến họ hành động
và nói. Sau khi được Lời biến đổi,
các bà nầy được Lời đặt trên đường.
Vị trí ưu tiên mà Luca
dành cho các bà đạt đến tột đỉnh ở đây: họ vừa là những người thừa hưởng trước tiên, vừa là những sứ giả đầu tiên của tin mừng Phục sinh.
Cùng đi với: cùng với nhóm Mười
Một, còn có các môn đệ khác; cũng thế, cùng với ba vị sứ giả được nêu tên, có
các bà khác. Ở đây các bà được nêu tên ngay trong lúc các bà trở thành môn đệ của Lời. Còn trong đoạn 8,2-3 các
bà được nêu tên trước dụ ngôn gieo giống, là Lời Thiên Chúa. Nên để ý là mẹ
Chúa Giê su không được nhắc tới, có lẽ là vì Mẹ đã luôn luôn tin vào Lời (1,45; 8,21).
Chuyện vớ vẩn: toàn bộ Tân Ước chỉ
có ở đây dùng từ nầy. Luca là tác giả Tin Mừng nói mạnh nhất về sự không tin
của các tông đồ vào sự phục sinh (x. Ga 20,25). Lời chứng cho Lời bị họ coi là
chuyện vớ vẩn.
Phê rô: câu nầy không có trong một
vài thủ bản quan trọng nhắc lại cuộc chay ra mồ của ông Phê rô và ông Gioan
được kể lại trong Ga 20,1-10. Đối với Luca, thì ông Phê rô tách ra khỏi sự cứng
lòng tin của các tông đồ khác; ông không từ chối lời của các bà như họ, và chạy
đến mồ để kiểm chứng. Và sau khi đã đến, phản ứng của ông giống như phản ứng
các bà. Luca minh xác rằng Phê rô « trở về nhà », có lẽ chỉ ra rằng
ông đã tách khỏi đám tông đồ kia.
SỨ ĐIỆP
Lễ Phục sinh đối với người Ki
tô hữu, trước hết là lễ mừng sự sống lại của Chúa Giê
su. Từ “Phục sinh” theo nguyên nghĩa có nghĩa là vượt qua. Đó là việc Chúa Giê su Vượt qua cái chết để đạt đến sự sống quyết định của
Thiên Chúa. Bản thân chúng ta cũng đã từng thực hiện nhiều cuộc vượt qua trong cuộc
đời, như vượt qua tuổi thơ để đi vào tuổi thiếu niên, từ lớp học nầy để lên lớp
học khác; những cuộc vượt qua ấy là những thời điểm quan trọng cho phép chúng
ta tiến về phía trước, tiến xa hơn. Tuổi thanh niên lại còn chứng kiến nhiều cuộc vượt qua quan trọng
hơn nữa. Hãy nghĩ đến giây phút rời bỏ mái nhà
thân yêu để bước vào đời hoạt động, giây phút lìa xa cha mẹ để xây dựng tổ ấm
mới. Thật cảm động và háo hức làm sao!
Ngày hôm nay chúng ta
mừng cuộc vượt qua vĩ đại của Chúa Giê su; đó là cuộc vượt qua đưa Ngài trở về
với sự sống của Thiên Chúa; và chính trong cuộc vượt qua ấy mà Ngài muốn lôi
kéo chúng ta tham dự vào. Chính Ngài là người đầu tiên đã Vượt qua cõi chết để
vào cõi sống đời đời. Sự sống lại của Ngài là Tin mừng khiến ai tiếp nhận cũng
tự đặt cho mình câu hỏi: “Bây giờ tôi phải làm gì?” Và câu trả lời là lời mời
gọi hóan cải và xin lãnh nhận phép Rửa. Chính như thế mà sự phục sinh của Chúa
Giê su đã là điểm khởi đầu cho một cuộc
thay đổi tận căn trong cuộc sống của họ.
Hôm nay, nhiều phép
rửa được cử hành trong nhiều nhà thờ trên tòan thế giới. Trong đó có đủ mọi
thành phần, trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn bước vào đại gia đình ki tô
hữu. Đối với họ thì đó cũng là một cuộc vượt qua, một khởi đầu mới. Tất cả những
người ấy đã được rửa trong đêm vọng phục sinh và bắt đầu từ ngày hôm nay dấn
thân trên cùng một con đường như chúng ta. Đi trên con đường nầy, không phải
lúc nào cũng dễ; thỉnh thoảng vẫn còn hồ nghi, còn nản chí, vì thế rất cần có
những thời điểm dừng lại, những giây phút hồi tâm đề để điều chỉnh lại cho đúng
hướng.
Phần chúng ta, hôm nay
cũng được mời gọi giúp đỡ những anh chị em tân tòng. Họ cần đến chứng tá của
chúng ta; họ cần cảm nghiệm Chúa Giê su sống lại là một Ai đó quan trọng cho
cuộc sống. Ngài thực sự là ánh sáng soi chiếu trong cuộc đời, được biểu trưng
qua cây nến Phục sinh. Chiều hôm qua, trong nghi thức Vọng Phục sinh, ánh sáng
ấy đã được chuyền từ tay Linh Mục đến cộng đoàn, và từ cộng đòan đến từng người
chúng ta. Ánh sáng giúp chúng ta nhớ đến Chúa Giê su, đến niềm hi vọng mà Ngài
đặt nơi chúng ta, đến tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta.
Nhưng điều quan trọng
là làm sao giữ ngọn nến ấy luôn cháy sáng. Vì thế vẫn luôn luôn cần có một
người nào đó tiếp sức, sẵn sàng khơi lại ngọn lửa cho chúng ta. Những cơn gió
mạnh hay bảo táp của cuộc đời có thể dập tắt ánh sáng đức tin, nên chúng ta rất
cần nhau để tiến bước theo Chúa Ki tô. Đức tin vào sự phục sinh thúc đẩy chúng
ta sống như những người đã sống lại. Tức là đi rao truyền cho người khác biết
rằng họ có thể đứng dậy khỏi quá khứ lỗi lầm, họ có thể đi đến ánh sáng, họ
cũng có lí do để hi vọng. Và nhất là nói với họ rằng họ là con cái Thiên Chúa,
và Thiên Chúa muốn họ ở gần Người luôn mãi.
Kho tàng mà chúng ta
nhận được trong ngày chịu phép rửa, chúng ta không giữ cho riêng mình. Bổn phận
chúng ta là phải làm cho nó tăng trưởng. Và cách thế tốt nhất để làm cho ánh
sáng ấy lớn lên là chuyển cho người khác. Nếu chúng ta muốn cộng đòan ki tô hữu
được sống động, thì thiết yếu phải truyền giáo. Một người ki tô hữu không quan
tâm đến việc làm chứng đức tin của mình thì không còn phải là môn đệ Đức Giê su
Ki tô nữa. Đức tin chỉ phát triển nếu nó được chuyển thông cho người khác, cũng
như không có cộng đòan giáo xứ nào mà không mở ra với các cộng đòan khác. Chúng
ta không thể sống tự lập đóng kín cho riêng mình được nữa.
Sự phục sinh của Đức
Ki tô thúc đẩy chúng ta thực hiện một cuộc canh tân trong đời sống chúng ta,
một cuộc đổi mới cầu nguyện, một niềm vui khám phá và sống tin mừng. Đó là hạnh
phúc được tin vào Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tất cả điều đó được thực hiện
qua những quyết định thực tiển: đi ra khỏi nấm mồ ích kỉ của chúng ta để sống
một tình yêu chân thật; lăng tảng đá thất vọng giam cầm chúng ta và ngăn cản
chúng ta tiến lên phía trước; đừng để mình bị lôi cuốn theo sự
hận thù và báo óan, nhưng hãy để cho sự tha thứ và lòng tốt chiến thắng. Chính
qua cách sống niềm tin mà chúng ta có thể tỏ ra rằng Đức Ki tô đang sống và
Ngài biến hình những ai tiếp nhận sức mạnh sự sống của Ngài.
Mừng lễ Phục sinh,
mừng Đức Ki tô sống lại, chúng ta đừng dán mắt nhìn những thực tại trần gian,
nhưng hãy ngước nhìn lên Nước Chúa nơi Thiên Chúa chờ đợi chúng ta. Và hãy sống
như những người đã được sống lại. Thánh lễ mà chúng ta sắp cử hành với nhau mời
gọi chúng ta thực hiện điều đó.
ĐÀO SÂU (các bài đọc Thánh lễ Chính Ngày)
TIN VÀ LÀM
CHỨNG CHO ĐỨC KI TÔ PHỤC SINH
Cv 10,34a, 36-43 ++ Các tông đồ làm chứng cho sự Phục sinh
Tv 118,1-2, 16-17, 22-23 Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng
Cl 3,1-4 hoặc 1 Cr 5,6b-8 Cùng sống với Đức Ki tô phục sinh
Ga 20,1-18 (Lc 24,13-35) Ngôi mộ trống và đức tin các Tông đồ
1. HỎI: Ba
bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?
THƯA: TIN VÀ LÀM CHỨNG. Trung tâm của niềm tin Ki tô là sự Phục
sinh: đó là lời loan báo Sự sống chiến thắng trên sự chết (Bđ1). Sống đức tin là chấp nhận gặp Đức Ki tô
sống và hiện diện ngang qua những dấu chỉ nói lên sự vắng mặt của Ngài: đó là
ngôi mộ trống, và suy niệm Kinh Thánh (BTM). Phẩm giá đích thực của con người được kêu gọi không những
sống như thụ tạo mà còn như con cái Thiên Chúa, nghĩa là hướng lòng lên Cha
trên trời (Bđ 2).
2. HỎI: Công
vụ Tông đồ là sách gì?
THƯA: Công vụ Tông đồ là quyển
sách ghi chép lại sự hình thành Cộng đoàn Ki tô tiên khởi dưới sức mạnh của Đức
Ki tô phục sinh và của Chúa Thánh Thần. Tác giả cho chúng ta biết thế hệ đầu
tiên đã thực hành Lời Chúa và thi hành sứ mạng làm chứng như thế nào.
3. HỎI: Nội dung bài đọc một (Cv 10,34a, 36-43) như
thế nào?
THƯA: Bài đọc một trích từ sách
Công vụ Tông đồ, chương 10, kể lại một biến cố quan trọng trong việc loan báo
Tin mừng. Ông Phê rô được Thiên Chúa sai xuống Xê-da-rê đến nhà Cor-nê-li-ô và
lần đầu tiên đã rao giảng cho dân ngoại biết rằng họ cũng là thành phần trong
chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
4. HỎI: Trước khi xuống thành phố Xê-da-rê, Phê rô đã trải qua
kinh nghiệm gì?
THƯA: Phê rô đã thực hiện hai
phép lạ: ở Lốt, ông đã chữa lành ông Ê-nê (Cv 9,32-35), và sau đó, ở Gia-phô
ông đã phục sinh một người phụ nữa tên là Ta-bi-tha (36-43). Hai phép lạ ấy chứng tỏ ông biết rằng
Chúa phục sinh đang ở với ông và hoạt động qua ông.
5. HỎI: Phê
rô đã rao giảng những gì?
THƯA: Ông đã nêu ra những điểm chính yếu tóm tắt toàn bộ Tin
mừng cứu độ: Thiên Chúa sai Chúa Giê su đến trần gian loan báo Tin mừng cứu độ,
qua lời rao giảng Nước Thiên Chúa và nhiều phép lạ. Nhưng người Do thái đã
không tin Ngài, nên đã tìm cách bắt, tra tấn rồi giết chết trên thập giá. Nhưng
Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại và hiện ra với một số nhân chứng, rồi sai họ đi
làm chứng và rao giảng về Ngài. Bất cứ ai tin vào Ngài sẽ được tha tội và được
sống đời đời.
6. HỎI: Điều
gì đã khiến Phê rô mạnh dạn như thế?
THƯA: Hai phép lạ trên đã giúp
cho Phê rô vượt qua chặng tiếp theo: lần nầy phép lạ xảy ra trong chính bản
thân ông, vì đây là lần đầu tiên Phê rô vượt qua mọi rào cản tôn giáo để vào
nhà một người ngoại giáo loan báo Chúa Giê su là Đấng Cứu độ.
7. HỎI: Vậy
ai là người đầu tiên rao giảng cho dân ngoại?
THƯA: Thường người ta dành tước
hiệu ‘Tông đồ dân ngoại’ cho thánh Phao lô để tóm tắt cuộc đời truyền giáo
ngoại hạng của Ngài. Nhưng qua câu chuyện bài đọc một, thì Phê rô cũng xứng
đáng được gọi là ‘Tông đồ dân ngoại’ trước cả Phao lô.
8. HỎI: Diễn
từ của Phê rô mang lại điều gì mới?
THƯA: Điều mới được nói đến ở
câu cuối cùng: ‘Bất cứ ai tin vào Người
thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội’ (Cv 10, 43). Như thế, tất cả mọi
người, cả những người ngoại nếu tin vào Chúa Giê su đều được tha tội, được chấp
nhận vào Giao Ước với Thiên Chúa.
9. HỎI: Điều gì đã làm cho các Tông đồ có một xác tín như thế?
THƯA: Biến cố Chúa Giê su sống
lại đã khơi mào cho sự suy tư của các Tông đồ. Các ông đã đọc lại toàn bộ Kinh
Thánh để cố gắng hiểu dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần.
10. HỎI: Thánh Phê rô làm nổi bật điều gì trong bài diễn từ?
THƯA: Thánh Phê rô nhấn mạnh:
chính Thiên Chúa đã hành động nơi Chúa Giê su: đã thánh hiến và ở với Ngài, đã
phục sinh Ngài và đã cho Ngài hiện ra với các nhân chứng mà Người đã chọn từ
trước, đã chọn Ngài làm quan án những kẻ sống kẻ chết. Và đặc biệt câu tóm tắt
tất cả điều trên: ‘Thiên Chúa đã xức dầu
Thánh Thần và ban cho Ngài đầy sức mạnh’.
11. HỎI: Bài đọc 2 (Cl 3, 1-4) có nội dung như thế nào?
THƯA: Tin vào sự sống lại có
nghĩa là để cho đời sống mới của Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận trong phép
Rửa thấm
nhập trong ta, để suy
nghĩ và hành động không theo thế gian nữa mà theo Thiên Chúa.
12.
HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Ga 20,1-10) như thế nào?
THƯA: Bài Tin mừng nằm trong
phân đoạn ‘Giờ của cuộc Khổ Nạn-Chết-Sống lại của Chúa Giê su’ (18,1–20,29)
thuộc phần 2 của TM Ga, gọi là ‘Sách về Giờ của Đức Giêsu’(13-20). Có hai ý
chính: 1. Thời gian: Sáng sớm ngày thứ nhất, Maria
Ma-đa-lê-na ra mộ (20,1-2); 2) Phê rô và Gioan ra mộ (20,3-10).
13. HỎI: Đâu là những điều căn bản trong các bản văn Tin mừng
nói về sự phục sinh?
THƯA: Có mấy điều căn bản sau
đây:
1. Các Thánh sử không dùng cách diễn tả nhằm đánh
động trí tưởng tượng của độc giả trước biến cố lạ lùng nầy. 2. Nhưng chỉ tập
trung vào những nét chính yếu nầy: Chúa Giê su đã sống lại, mộ của ngài trống
không ngay từ sáng sớm ngày Chúa Nhật, và chính Ngài đã nhiều lần hiện ra với
các môn đệ của Ngài. 3. Các bản văn tường thuật luôn khác nhau theo cái nhìn
của từng tác giả.
14. HỎI: Cái nhìn của Mát thêu như thế nào?
THƯA: Mát thêu nhấn mạnh đến
cuộc hiện ra trên núi Ga li lê, nơi đó Chúa Giê su sai các môn đệ đi rao giảng
khắp nơi như những Thầy dạy muôn dân.
15. HỎI: Cái nhìn của Mác cô như thế nào?
THƯA: Mác cô thì quan tâm
đến việc minh chứng Chúa Giê su là ConThiên Chúa nên chỉ vắn tắt kể lại một vài
cuộc hiện ra mà không tìm cách xác định vị trí các sự kiện được kể lại.
16. HỎI: Còn Lu ca thì sao?
THƯA: Luca quan tâm đến sứ vụ của Chúa Giê su như cuộc hành
trình đi từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem, và sứ vụ của các tông đồ từ
Giê-ru-sa-lem đến với thế giới nên không ghi lại những lần hiện ra ở Ga li lê.
Ông nhấn mạnh cuộc hiện ra của Chúa Giê su trong bữa ăn vào chiều Phục sinh với
các môn đệ, và cũng từ đó Ngài ban lệnh truyền giáo.
17. HỎI: Và Gioan?
THƯA: Gioan quan tâm đến mạc
khải thiên tính của Chúa Giê su và đức tin vào sự sống lại của các nhân chứng.
18. HỎI: Ngôi mộ trống có
phải là sự kiện có thật không?
THƯA: Ngôi mộ trống là sự kiện
có thật, vì: 1. được
phát giác bởi một người phụ nữ, dù lời chứng của họ không có giá trị, nhưng
được kiểm soát bởi các môn đệ. 2. Các đối thủ không bao giờ hồ nghi về sự kiện
ấy. Vấn đề là làm sao giải thích sự kiện ngôi mộ trống. 3. Được nói đến trong
các sách Tin mừng.
19. HỎI: Kinh Thánh nói gì với chúng ta về Đức Kitô
Phục Sinh?
THƯA: Kinh
Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Kitô Phục Sinh là ‘hoa quả đầu mùa của những
người đã chết’ (1 Cr 15,20). Của
đầu mùa là những trái đầu tiên của mùa thu hoạch: tất cả các trái khác của cùng
một cây trồng sẽ giống với những trái đầu tiên. Thánh Phao lô còn giải thích
rằng ‘Chúa Giêsu Kitô sẽ thay đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên đồng hình
với thân thể vinh hiển của Ngài’ (Pl 3,20-21).
20. HỎI: Và thân xác vinh hiển của Chúa
Kitô phục sinh như thế nào?
THƯA: Đó là một thân thể mà người
ta có thể nhìn thấy và sờ được (x. Ga 20, 27). Tuy nhiên không còn bị ảnh hưởng
bởi các quy luật tự nhiên nữa (như lực hấp dẫn, không gian, vv.) như thân xác
trong điều kiện hiện nay (x. Lc 24,30-31, Ga 20,19, Cv 1,9-10). Vì sự biến đổi
ấy, thánh Phao lô gọi thân xác phục sinh là thân xác thần thiêng. Ngài khẳng
định rằng thân xác vinh quang như cây so với hạt giống: thân xác vinh quang là
cây còn thân xác vật chất là hạt giống.
21. HỎI: Tại sao thánh Gioan nhấn mạnh ‘Lúc sáng sớm, khi trời
vẫn còn tối’?
THƯA: Về thời gian các người phụ nữ đi đến mồ Chúa Giê su, các
Tin mừng nhất lãm không khác nhau bao nhiêu, như Mát thêu viết: ‘khi ngày thứ
nhất trong tuần vừa ló rạng’ (28,1), Mác cô cho biết: ‘Sáng tinh sương ngày thứ
nhất trong tuần’(16, 2), Lu ca thì ghi nhận: ‘Vừa tảng sáng’ (24,1), thì Gioan
lại nhấn mạnh đến bóng tối: ‘Lúc sáng sớm khi trời vẫn còn tối’ (20,1). Trong
khi Tin mừng nhất lãm cho thấy sự vươn lên của ánh sáng phục sinh, thì Gioan
muốn nhấn mạnh bóng tối vẫn còn bao trùm mặt đất nơi mà Sự Sống đang an nghỉ
sắp chỗi dậy.
22. HỎI: Tại sao tác giả nói với chúng ta
rằng Maria Ma-đa-lê-na đã đi đến ngôi mộ, chứ không phải mẹ của Chúa Giêsu?
THƯA: Có
lẽ Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu không cần phải đến mộ vì ai xứng đáng hơn Ngài
là nhân chứng đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh? Do đó, dù các tác giả Tin mừng
không nói ra vì phải tập trung vào Chúa Giê su, người ta có thể chắc chắn rằng
Đấng Phục Sinh đã hiện ra với Đức Maria khi vừa sống lại.
23. HỎI: Tại sao Gioan chỉ nói đến Maria Ma-đa-lê-na là người
phụ nữ duy nhất đi đến mồ Chúa?
THƯA: Sở dĩ Gioan chỉ nói đến Maria Ma-đa-lê-na vì bà là người
phụ nữ được nhắc đến trước tiên và là người hoạt động nhất trong số các người
nữ ấy. Đàng khác, ông muốn làm nổi bật hai thái độ của Chúa Giê su và
Ma-đa-lê-na. Và Ma-đa-lê-na đã nói đại diện thay cho các chị em khác: ‘Chúng
tôi không biết họ đặt Ngài ở đâu’ (c.2)
24. HỎI: Tại sao Maria Ma-đa-lê-na chạy đến
ông Si-mon Phê rô?
THƯA: Bởi
vì Maria Ma-đa-lê-na như các môn đệ khác, đã hiểu được lòng ưu ái của Chúa
Giêsu đối với Thánh Phêrô và sứ mạng là đá tảng và cầm đầu mà Chúa Kitô đã giao
phó cho ông.
25. HỎI: Người môn đệ kia là ai?
THƯA: Tất
nhiên đó là Gioan, tác giả Tin mừng, vì khiêm tốn nên không xưng tên một cách
rõ ràng
26. HỎI: Tại sao Gioan lại chạy đến mồ trước Phêrô?
THƯA: Người ta có thể nêu lên
nhiều lí do khác nhau: Vì Gioan trẻ và nhanh nhẹn hơn. Cũng có thể vì ông là
môn đệ Chúa yêu và tình yêu ấy đã thúc đẩy ông chạy nhanh hơn. Cũng có thể coi
đây là hình ảnh biểu trưng: Gioan tượng trưng cho Ki tô giáo gốc lương dân cởi
mởi đón nhận đức tin hơn các tín hữu Do thái tiêu biểu bởi Phê rô. Nhưng đơn giản nhất, vì Gioan trẻ hơn
Phê rô.
27. HỎI: Tại sao Phê rô vào mồ trước Gioan?
THƯA: Gioan nhường bước cho Phê
rô có thể vì lúc Gioan viết Tin mừng, ông Phê rô đang nắm địa vị cao nhất trong
Giáo Hội. Tự nhiên hơn có lẽ vì Gioan bất ngờ trước cửa mộ rộng mở, đã có giây
phút chần chờ và bị Phê rô vượt qua.
28. HỎI: Hai vị tông đồ có suy nghĩ gì khi nhìn thấy cuộn băng và vải gập
lại và để đúng nơi?
THƯA: Họ rất chú ý đến những chi
tiết này, bởi vì chúng cho thấy rằng xác của Chúa Giêsu đã không bị đánh cắp.
Nếu đã bị đánh cắp, có thể sẽ không đủ thời gian để sắp xếp mọi thứ có trật tự
như thế.
29. HỎI: Khăn liệm xác vẫn còn nguyên vẹn chứng tỏ điều gì?
THƯA: Người môn đệ yêu dấu của
Chúa Giê su vào trong mồ thấy rõ điều mà Phê rô đang quan sát: đó là khăn liệm
vẫn còn nguyên vẹn, trong mộ vẫn còn thứ tự không bị xáo trộn: giả
thuyết xác bị mất trộm bị loại bỏ. Và ông ‘đã tin’.
30. HỎI: Gioan đã tin, thế còn Phê rô thì sao, không thấy bản
văn nói đến?
THƯA: Dĩ nhiên là cả Phê rô nữa,
cũng đã tin Thầy mình sống lại. Sở dĩ bản văn không đề cập đến Phê rô, vì Gioan
chỉ muốn nói lên niềm tin vào Chúa Giê su mà bản thân đã cảm nghiệm trong lòng
trước những gì xảy ra trước mắt.
31. HỎI: Thực
thi Sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: 1. Mỗi người chúng ta cố gắng trở thành chứng nhân đích thực
của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Những người tiếp xúc, gặp gỡ tôi hằng ngày có nhận ra
tôi là môn đệ của một Đấng Thiên Chúa nhập thể làm người, chết và phục sinh để
cứu độ nhân loại không?
2. Đặc tính của đức tin là năng động. Đức tin đòi
hỏi chúng ta phải làm chứng cho niềm tin ấy bằng hành động cụ thể, như phục vụ
anh chị em và những người nghèo khó, để nói với mọi người hãy vui lên và lạc
quan, vì
đằng sau thánh giá là vinh quang, qua đau khổ là hạnh phúc trường sinh.
TYGLCG 127 Ngoài dấu chỉ chính yếu là
mồ trống, cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu được làm chứng bởi một số phụ nữ; họ là
những người đầu tiên đã gặp gỡ Người và đã báo tin cho các Tông đồ. Tiếp đó,
Chúa Giêsu đã ‘hiện
ra với Kêpha’
(tức là thánh Phêrô), rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra cùng một lúc
với hơn năm trăm anh em (1 Cr 15,5-6) và còn nhiều người khác nữa. Các Tông đồ
đã không thể bày đặt ra chuyện Phục sinh, vì Phục sinh đối với họ là chuyện
không thể có được. Quả thật, Chúa Giêsu cũng đã trách cứ sự cứng lòng tin của
họ. (X. Chúa Kitô trong mồ. Chúng ta kết hợp với Ngài
trong bí tích rửa tội 624-628. Phục sinh: Sức mạnh của Thiên Chúa trong sự yếu
đuối 272, 638, 647, 654. Phép Rửa: chìm
vào trong sự
chết Chúa Kitô chết, tái sinh, và soi sáng 1214-1222, 1225).