ĐÊM VỌNG PHỤC SINH 2016:
THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG CON NGƯỜI
Có bao giờ chúng ta thắc mắc tại sao Giáo Hội thường
cử hành lễ trọng vào ban đêm không ? Tại sao đêm Vọng Phục Sinh lại đọc nhiều
bài đọc như thế và các bài đọc có ý nghĩa gì ?
Cử hành đêm Vọng Phục Sinh là một truyền thống rất
lâu đời trong Giáo Hội. Đối với người Do Thái ngày xưa, họ bắt đầu ngày mới từ
khi các vì sao xuất hiện, vì thế, các buổi cử hành vào đêm không phải là những
giờ phút cuối ngày, nhưng là những giờ phút bắt đầu một ngày mới. Đối với đêm Vọng
Phục Sinh, không chỉ là bắt đầu ngày mới, mà còn là bắt đầu một trang sử mới, một
cuộc sống mới, một bình minh mới mà Chúa Phục Sinh đem đến cho nhân loại.
Các bài đọc của đêm Vọng được sắp xếp theo thứ tự
thời gian, để giúp chúng ta nhìn lại một lịch sử yêu thương kỳ diệu mà Thiên
Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã ban tặng cho nhân loại, dù con người đã phản
bội Ngài.
Bài đọc sách Sáng Thế cho thấy, Thiên Chúa đã dùng
quyền năng của Ngài để tạo dựng nên một vũ trụ xinh tươi, tốt đẹp. Trong đó, việc
tạo dựng con người là một tuyệt tác, là đỉnh cao của công trình sáng tạo. Thiên
Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài, trao tặng cho họ trái tim
biết yêu thương. Việc Thiên Chúa tạo dựng con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi,
cho con người sự sống, cho thấy tình yêu thương tuôn tràn từ nơi Thiên Chúa.
Thiên Chúa làm chủ sự sống qua việc tạo dựng con người và vũ trụ, Thiên Chúa để
cho sự sống của Ngài tuôn tràn trên vũ trụ và con người, để từ đây, con người
và vũ trụ được thông chia sự sống thần linh của Thiên Chúa. Thiên Chúa còn yêu
thương ban tặng tất cả vũ trụ cho con người trông nom và cộng tác với Chúa làm
cho nó tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, con người đã không nhận ra lòng thương
xót của Thiên Chúa, đã đánh mất sự sống thần linh ở nơi mình khi bắt tay với ma
quỷ và quay lưng lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa như người cha, không đành lòng
nhìn thấy con của mình rơi vào cõi chết, Ngài đã bắt tay vào việc phục hồi nhân
loại và vũ trụ. Các bài đọc cho thấy, Thiên Chúa hết sức kiên nhẫn với con người,
Ngài không ngần ngại để làm lại từ đầu. Sau khi nguyên tổ loài người phản bội,
Thiên Chúa đã bắt đầu một chương trình yêu thương cứu chuộc con người. Thiên
Chúa kiên trì và trung thành với chương trình của Ngài. Thiên Chúa đã gọi và chọn
Apbraham để từ nơi ông, Ngài bắt đầu gầy dựng một dòng giống mới. Apbraham trở
thành cha của dân tộc Israel không chỉ bởi ông đã sinh ra Isaac theo máu huyết,
nhưng qua câu chuyện hiến tế Isaac, ông đã quặn đau đến thắt ruột, tan nát tâm
can vì tin vào Lời của Thiên Chúa. Chính từ sự đau đớn này, Thiên Chúa cho ông
sinh lại Isaac một lần nữa trong đức tin.
Với cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, một lần nữa,
Thiên Chúa lại để cho lòng thương xót của Ngài vượt thắng tất cả. Thiên Chúa
như người cha hết sức bảo vệ Israel là dân của Ngài. Như một chiến binh, Ngài
đã ra tay chiến đấu với Pharao và quân Ai cập để bảo vệ Israel. Biến cố vượt
qua Biển Đỏ là một bản anh hùng ca, ca ngợi quyền năng và tình yêu của Thiên
Chúa. Dân Israel cảm nhận rõ ràng rằng, không phải vì họ tài gỏi hay lớn mạnh
hơn các dân tộc khác, nhưng chỉ vì tình thương của Chúa bao bọc họ. Thiên Chúa
đưa Israel ra khỏi Ai cập, vượt qua Biển Đỏ, đi vào Đất Hứa còn là hình ảnh cho
thấy Thiên Chúa muốn Israel giũ bỏ quá khứ nô lệ nhục nhã, để bắt đầu một cuộc
sống mới tự do.
Nếu như cuộc xuất hành của người Do Thái là một
hành trình đi từ tình trạng nô lệ đến đất tự do, thì đêm nay, sự kiện Phục Sinh
của Chúa Giêsu, là khởi đầu cho một cuộc giải thoát nhân loại khỏi tình trạng
nô lệ của ma quỷ và tội lỗi, đem lại sự giải thoát và cuộc sống mới cho nhân loại.
Vì thế, đêm nay là khởi đầu cho một bình minh mới, một trang sử mới, trang sử của
lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Qua bài Esxultes, Giáo Hội đã ca ngợi tình thương
diệu kỳ và quyền năng vô hạn của thiên Chúa đối với con người. Ngài đã “liều
lĩnh” chấp nhận đánh đổi người Con ruột của mình là Chúa Giêsu để giành nhân loại
về cho Ngài. Chúa Giêsu đã chấp nhận cuộc hành hình đau đớn thập giá, đã chia sẻ
đến cùng với nhân loại qua cái chết, được an táng và đêm nay, Ngài đã bẻ gảy xiềng
xích sự chết, đạp mồ bước ra. Chúa Giêsu đã trải qua một cuộc chiến hết sức cam
go với ma quỷ và sự ác để đem lại tự do, tình thương và sự sống mới cho nhân loại.
Tuy nhiên, để đón nhận được sự sống, chúng ta không
thể đi tìm sự sống từ nơi cái chết, mà phải tìm nơi Đấng đã sống lại và đang sống.
Đó là điều Tin Mừng Luca nhấn mạnh. Các phụ nữ trong tường thuật hôm nay vẫn
đang bị chôn vùi trong đau khổ và sự chết. Họ vất vả chuẩn bị mọi sự cho người
chết mà thôi. Mặc dù trời đã tảng sáng, nhưng tâm hồn và niềm tin của các bà
vào Chúa Giêsu vẫn còn mù tối. Các bà đem dầu thơm chỉ để ướp xác Chúa nên dù
đã thấy tảng đá được lăn ra khỏi mộ, các bà vẫn bước vào mộ, và rồi, các bà
không thấy Chúa.
Khi hai thiên thần với y phục sáng chói xuất hiện,
các bà lại cúi gằm mặt xuống đất vì sợ hãi. Các thiên thần nhắc cho các bà : Sao
các bà lại đi tìm người sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn ở đây nữa, nhưng
đã trỗi dậy. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà khi Người còn ở Galilea,
là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá, rồi
ngày thứ ba sẽ sống lại.
Như thế, để có thể đón nhận và tin vào mầu nhiệm
Chúa Phục sinh, sống một cuộc sống mới cần phải có hai thái độ này : nhớ những
điều Chúa Giêsu đã nói và bước ra khỏi ngôi mộ chết chóc. Vì nhớ lại Lời Chúa
Giêsu đã nói, các phụ nữ đã đón nhận được đức tin, đã ngập tràn niềm vui. Các
bà bước ra khỏi mồ và trở về nói cho các tông đồ tất cả những sự việc.
Thánh Luca cũng rất tinh tế cho thấy, ông Simon
Phêrô với vai trò là thủ lãnh của Giáo Hội, đã đứng lên, chạy ra mộ. Khác với
các phụ nữ trước đây đã cúi gằm mặt xuống đất, Phêrô đã cúi xuống để nhìn, để
chiêm ngắm với sự cung kính trước mầu nhiệm và tình thương xót vô cùng lớn lao
Thiên Chúa đã thực hiện cho nhân loại qua sự kiện Phục sinh. Phêrô đã trở thành
nhân chứng và trụ cột cho niềm tin của cả Giáo Hội.
Với dòng nước và ơn của Bí tích Rửa tội, chúng ta
được cùng với Chúa Giêsu vượt qua sự chết và tội lỗi, được cùng chia sẻ sự sống
mới, sự sống Phục sinh của Người. Tất cả chúng ta được đón nhận một cuộc sống mới,
con người mới khi chúng ta tin và sống theo Lời của Chúa Giêsu, quyết tâm bước
ra khỏi ngôi mộ chết chóc là con người cũ, nếp sống cũ để bắt đầu một nếp sống
mới, cuộc đời mới.
Tuy nhiên, con người chúng ta yếu đuối, rất dễ bị
rơi lại tình trạng nô lệ của ma quỷ và tội lỗi, nếu chúng ta không để cho sức mạnh
của Chúa Giêsu Phục sinh làm chủ trong tâm hồn chúng ta. Với thời gian, do sự
lười biếng và lôi kéo của xác thịt, con người dễ rơi trở lại con người cũ, thói
quen cũ nếu chúng ta không liên tục để cho Lời Chúa biến đổi và làm mới cuộc sống
chúng ta mỗi ngày.
Xin Chúa cho chúng ta biết khiêm tốn đón nhận mầu
nhiệm Phục sinh, can đảm lật bỏ những hòn đá là tội lỗi, là nếp sống cũ đang đè
nặng trên cuộc đời mỗi người. Xin cho chúng ta luôn biết làm mới cuộc sống mình
bằng việc đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa, để cho Lời Chúa thanh luyện, hướng dẫn
để biết sống xứng đáng là con người mới đã được Chúa cứu chuộc. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc