LỄ THÁNH GIA
Thiên Chúa hướng dẫn và bảo vệ
Một gia đình chỉ tìm được ý nghĩa khi cùng nhau hướng về Thiên Chúa. Cách thức mà chúng ta quan niệm về gia đình rốt cuộc quyết định dự phóng cho cuộc sống giữa mọi người. Nó cũng liên hệ đến mối tương quan với Thiên Chúa. Khi đề ra cho chúng ta gương mẫu Thánh gia, Phung vụ nói cho chúng ta biết GIA ĐÌNH là gì.
Sách Huấn ca 3, 2-6.12-14
Tác giả cống hiến cho chúng ta cái nhìn của ông về gia đình. Ông là một nhà khôn ngoan, khởi đầu các suy tư từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm đó ghi đậm dấu ấn các nền văn minh chung quanh.
Thánh Vịnh 127
Thấm nhuần quan niệm các tổ phụ về cuộc sống, tác giả thánh vịnh ca ngợi sự thành công của những người bước đi trên đường lối Thiên Chúa. Sự thành công ấy hệ tại ở việc tiếp nối các thế hệ. Thiên Chúa trải qua bao thế kỉ đã xây dựng gia đình con người.
Thư Colôsê 3, 12-21
Đối với thánh Phao lô, sự thành công của đời sống thiết yếu không còn chỉ phụ thuộc cuộc sống gia đình. Bản thân Ngài đã từ chối hạnh phúc riêng tư để dành trọn cuộc đời phục vụ một gia đình rộng rãi hơn là chính Giáo Hội phổ quát. Chính từ một quan niệm rộng rãi hơn về các mối tương quan tình yêu giữa người với người mà ngài đã mô tả một gia đình ki tô giáo phải như thế nào. Tương quan con cái đích thực là hình ảnh của tương quan nối kết chúng ta với Thiên Chúa.
Tin mừng: Mt 2,13-15;19-23
NGỮ CẢNH
Đọan tin mừng nầy nằm trong hai chương đầu nói về thời thơ ấu của Chúa Giê su. Sau trình thuật về các nhà đạo sĩ từ phương Đông đến thờ lạy Chúa Giê su mới sinh (2,1-12), Mt cho thấy trước các cuộc bách hại trong tương lai qua trình thuật nói về việc gia đình Chúa Giê su phải tạm lánh sang Ai cập (13-15) để tránh cuộc tàn sát các hài nhi vùng Bết lê hem (16-18). Sau đó, tác giả trình bày việc Chúa Giê su lui về ẩn dật ở Nagiarét như một người vô danh trước khi xuất hiện chuẩn bị cho việc rao giảng tin mừng Nước Trời (3,1-12).
TÌM HIỂU
Dậy: “Hãy trỗi dậy”, động từ nầy cũng được dùng để chỉ sự Phục sinh (28,6). Có lẽ cần phải hiểu ở đây theo nghĩa rộng hơn là thức dậy sau khi ngủ (= trỗi dậy khỏi giấc ngủ).
Hài nhi và mẹ Ngài: Mt lặp đi lặp lại kiểu nói nầy như một điệp khúc (2,11.13.14.20.21) nhằm nhấn mạnh những mối tương quan gần gủi nối kết đức Maria và Chúa Giê su. Có lẽ đây là nguồn gợi hứng cho biết bao tác phẩm nghệ thuật thể hiện “Đứa bé và Mẹ”.
Trốn: Vì muốn cứu thoát Chúa Giê su, nên Thiên Chúa đã giải cứu Ngài khỏi tay Hê rô đê và đưa Ngài đến một xứ sở xa lạ. Như thế Chúa Giê su, đấng Cứu độ (1,21), cũng được cứu thoát như Mô sê. Vị kế nghiệp vua Đa vít bắt buộc phải rời bỏ quê hương, vùng đất hứa, đất tổ tiên.
Nhưng tại sao lại là Ai cập? Khi trở thành mảnh đất dung thân cho Chúa Giê su, Ai cập, kẻ thù truyền kiếp của Israel, được hoà giải với vua người Do Thái. Như các vị Đạo sĩ từ phương Đông đến thờ lạy, khi trốn sang Ai cập, Chúa Giê su được coi như là đấng hoà giải thù địch của Israel, trong khi Israel từ chối Ngài.
Con Ta: “Từ Ai cập Ta đã gọi Con Ta về” (Hs 11,1). Vị tiên tri nói đến dân tộc mà Thiên Chúa đã giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập. Vì vậy, có thể nói cuộc Xuất hành mang ý nghĩa như là việc Israel được sinh ra trong tư cách là con của Thiên Chúa: bởi vì Chúa Giê su được đồng hoá với Israel. Ngài qua Ai cập rồi trở về. Và cuộc trở về của Ngài sẽ được coi như cuộc vượt qua thứ nhất, trong khi chờ đợi cuộc vượt qua của sự sống lại; và sẽ có một Giuse khác chôn cất Ngài (27,57-60) vì Thiên Chúa có thể (từ nấm mồ) đưa Ngài trở về như người con độc nhất chia sẻ vinh quang với Người.
Khi trích dẫn tiên tri Hô sê, Mt chứng tỏ đức tin của ông vào Chúa Giê su là Con Thiên Chúa (x.3,17; 11,27;14,33;16,16;17,5;27;54). Danh xưng nầy gán cho Chúa Giê su mang nhiều ý nghĩa: nó mạc khải tương quan nối kết Chúa Giê su với đấng mà chính Ngài sẽ gọi là Cha. Cùng với Tên gọi Giê su và Emmanuel, danh xưng ấy giúp chúng ta khám phá về Chúa Giê su sâu xa hơn, và cũng như Israel mới mà Ngài đảm nhận lấy nơi chính bản thân mình.
Hêrôđê: kẻ sát nhân đã chết, còn Chúa Giê su, nạn nhân của ông vẫn còn sống. Cuộc lưu đày đã qua. Chúa Giê su đi lại con đường xuất hành, nhưng sự tự do của Ngài và sự yên ổn của Ngài sẽ không bao giờ được bảo đảm cho đến cuộc xuất hành Vượt qua của Ngài.
Theo các sử gia, Hê rô đê chết năm thứ 4 tr. CN. Còn A khê lao, con Hê rô đê, trị vì cho đến năm 6 s. CN.
Đã chết rồi: nguyên văn bằng tiếng Hi lạp ở số nhiều, tại sao? Vì trong Xh 4,19 có viết: “Đi đi, hãy trở về Ai cập, bởi vì mọi kẻ tìm cách làm hại mạng sống người đã chết cả rồi”. Ông Mô sê, chạy trốn khỏi Ai cập sau khi đã giết một người Ai cập (Xh 2,12), để rồi sau đó trở về Ai cập giải thoát anh em của mình đang bị đàn áp. Chúa Giê su là một Mô sê mới. Ngài trở về Israel, vì chính Ngài cũng phải chuẩn bị cuộc Xuất hành cho dân của Ngài để sau đó cũng sẽ được sai đi đến với các dân tộc khác (28,19). Cuộc xuất hành của Ngài là hình ảnh cho cuộc xuất hành của Hội Thánh đi ra khỏi Israel để trở thành phổ quát.
Ông lui về: lần thứ tư bản văn Hi lạp dùng từ nầy (2,12.13.14). Cũng như các nhà đạo sĩ, Giuse được Thiên Chúa mời gọi đi theo con đường của Người ngoài sự mong đợi. Cuộc lui về nầy là hình ảnh của cuộc lưu đày, một cuộc tách biệt ra (cùng một từ như trong 4,12).
Galilê: con đường trở về chứa đầy bất trắc. Ra khỏi Ai cập, ông Giuse phải đối đầu với nhiều biến cố để tuân theo ý Thiên Chúa, đã đưa Chúa Giê su vào đất của Ngài, đất Israel. Nhưng ở đâu? Ông nghĩ đến Giu đê, có lẽ là Bết lê hem. Nhưng vì biết tính khí người kế vị Hê rô đê, ông lo sợ cho Chúa Giê su. Một lần nữa, ông được cảnh báo trong giấc mơ nên đã lui về Ga li lê. Một vùng đất phía bắc Israel, sát biên giới, một nơi các dân ngoại thường lui tới (4,15).
Nadarét: tránh Giê ru sa lem, bỏ Bết lê hem, đi đến sinh sống ở Na gia rét, một làng vô danh tiếp nhận Chúa Giê su. Tại sao? Lc trong 2,39 giống với Mt, nói rằng Na gia rét là kinh thành của Đức Maria và Giuse (x. Lc 1,26;2,4). Mt không đưa ra lời giải thích nào ngoài lời của Thánh Kinh.
Các ngôn sứ: số nhiều ở đây khiến độc giả ngạc nhiên vì ở các câu: 1,22; 2,6.15 và lời trích dẫn Gr 2,17 Mt dùng số ít. Có lẽ vì lời nầy không có trong Thánh Kinh hoặc vì không thể gán cho một tác giả chính xác nào; hoặc đúng hơn vì Nadarênô là tước hiệu người ta thường gán cho Chúa Giê su.
Nadarênô (= người Nagiarét): để cắt nghĩa từ nầy, người ta đã đưa ra những giả thuyết khác nhau về dạng ngữ nguyên tương tự như nezer: chồi non hoặc mầm non; nazir: được thánh hiến, thánh; nazur: dành riêng, còn sót. Tuy nhiên có cần phải vận dụng đến những dạng nguyên ngữ như vậy không? Có lẽ chỉ cần tên gọi Nadarét, quê hương lúc bấy giờ ít người biết đến, là đủ để gọi Chúa Giê su (21,11;26,71; x. Cv 10,38).
Đàng khác, tên gọi Na da rê nô còn là một tên gọi để châm biếm Phao lô “kẻ cầm đầu băng đảng người Nadarét” khi ngài bị điều ra toà ở Cêsarê. Như thế, Nadarenô là tên gọi có ý khinh dễ nguồn gốc tầm thường được gán cho Chúa Giê su.
Hội Thánh của Mt, mà người Do thái coi như là một phe phái bị dân ưu tuyển gạt ra ngoài, đã hoàn toàn ý thức mình là Israel đích thực, thừa hưởng các lời hứa với Abraham, với Mô sê và với Đa vít; đó là nơi mà các lời sấm về Israen đã được hoàn tất. Tất cả sự ấy là nhờ vào Chúa Giê su, kẻ bị tầm nã, kẻ bị lưu đày, người làng Nadarét, nhưng lại là vua của người Do Thái (2,2), đức Ki tô (1,16), con vua Đa vít (1,1), con Thiên Chúa (2,15). Hội Thánh và Chúa Giê su đều là một: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Do đó, Hội thánh không phải là phe phái, nhưng là Israen mới và đích thật, mang chiều kích thế gian (1,23). Nếu Hội Thánh bị bách hại, thì chẳng có gì lạ, vì Thầy và đấng sáng lập đã đi trước trong hoàn cảnh thiếu thốn và bất an. Israen mới nầy, ngang qua thập giá và sự sống lại, đang lữ hành về phía Thiên Chúa, quê hương đất hứa đích thật của mình.
SỨ ĐIỆP
Nối dài lễ Giáng sinh, Chủ nhật hôm nay chúng ta cử hành lễ Thánh Gia, gia đình thánh gồm Chúa Giê su, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse. Đó là một gia đình kết hợp bền vững, liên đới hoàn toàn nên một chung quanh đứa trẻ phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Vì thế, thánh lễ nầy trước hết nhắc chúng ta nhớ đến các gia đình phải li tán chạy trốn các cuộc xung đột trong đất nước đang bị chiến tranh. Đó là những gia đình nạn nhân đầu tiên của những tham vọng và đối đầu chính trị.
Gia đình của Chúa Giê su, mẹ Maria và thánh cả Giu se cũng phải chạy trốn. Các ngài phải trốn sang Ai cập để bảo vệ mình trước cơn điên cuồng sát nhân của vua Hêrôđê gây ra những cuộc thảm sát ở Bết lem và vùng phụ cận. Như thế, ngay từ lúc vào trần gian, Chúa Giê su đã phải nếm trải sự bất an và đau khổ. Điều đó cho thấy Đức Ki tô hoàn toàn là một con người; dù là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài không được hưởng một ưu đãi nào. Trái lại, Ngài hoàn toàn chia sẻ thân phận con người.
Gia đình thánh vẫn đứng vững trước sự thù địch; họ vẫn lớn lên và sống trong một sự hiệp thông tình yêu. Gia đình chúng ta ngày nay có thể tìm được trong câu truyện nầy một sự khích lệ và một sức mạnh để đứng vững trong những lúc khó khăn trong đời sống của gia đình. Đức tin và lòng quảng đại của thánh Giu se và Đức Maria là một thí dụ cần được noi theo. Và biến cố không dễ dàng chút nào: chuyến ra đi bất ngờ, thời gian lưu lại trên đất khách chắc chắc đã gây ra đủ mọi vấn đề. Dù vậy, Đức Maria và thánh cả Giu se vẫn kết hợp và liên đới. Không một lời trách móc, không than van, trách móc hay chống đối nhau. Chính trong đức tin mà họ tiếp nhận chương trình của Thiên Chúa. Đối đầu với sự thù ghét, họ đã cậy dựa vào sức mạnh nơi tình yêu thương nhau.
Ngày nay cũng thế, nhiều gia đình phải trải qua đủ mọi thứ thử thách. Điều kiện làm việc, áp lực bên ngoài, chia rẻ. Rồi có những gia đình thiếu ăn thiếu mặc..Đó là nhân loại mà Đức Ki tô muốn liên đới trong mùa Giáng sinh nầy. Sau nầy, Ngài sẽ tự giới thiệu mình như là đấng phải đến để loan báo tin mừng cho người nghèo.
Để hiểu tất cả những điều đó, chúng ta phải trở về với bài tin mừng hôm nay. Cuộc phiêu lưu của Đức Maria và thánh cả Giu se nhắc chúng ta nhớ lại cuộc phiêu lưu của một gia đình khác trước đó 12 thế kỉ. Dân Israen đã phải làm nô lệ trong đất Ai cập, và vua Ai cập đã ra lệnh giết tất cả đứa bé mới sinh. Đứa duy nhất thoát khỏi cuộc giết hại đó chính là Mô sê nhờ bà mẹ đã giấu ông trong một cái giỏ. Chính đứa bé đó, được cứu khỏi bạo quyền của Pharaô, sẽ trở thành đấng giải phóng dân Người. Chính ông sẽ dẫn dân Người về đất hứa. Và bây giờ câu chuyện được lặp lại. Chúa Giê su cũng được cứu khỏi cuộc thảm sát. Nhưng hơn hẳn Mô sê, Ngài sẽ trở thành đấng cứu thoát không chỉ dân Israên mà thôi, mà là toàn thể nhân loại.
Chúa Giê su cũng cho chúng ta thấy Ngài chia sẻ cuộc lưu đày của chúng ta để dẫn chúng ta trên con đường sự sống và tự do thật. Ngài tiếp tục gặp gỡ chúng ta vì Ngài muốn cứu độ tất cả mọi người ở mọi thời. Ngài muốn dẫn đưa họ đến một hạnh phúc hoàn hảo và quyết định mà Ngài gọi là Vương quốc Thiên Chúa. Và đó chính là một tin mừng khiến chúng ta hân hoan và khơi lại niềm hi vọng của chúng ta.
Còn một điều khác nữa chúng ta không được quên: đứa bé nầy đã sống trong một gia đình nhân loại cũng thuộc thành phần gia đình của Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh thần: chính trong gia đình đó mà chúng ta đã được tham dự trong ngày chúng ta chịu phép Rửa tội. Tất cả chúng ta đều là thành phần của Gia đình thánh. Chúng ta học sống chung với nhau như anh em của Thiên Chúa. Một trong những điều trước tiên phải chống lại, đó là sự phê bình tiêu cực làm nản lòng những dấn thân, và gây nhiều sự xấu. Hãy tập nhìn những gì tốt, tiến bộ, dấu chỉ của niềm hi vọng. Dĩ nhiên, đôi khi người ta có thể bị lầm lẫn, nhưng ít ra người ta sống tốt hơn và tạo nên bầu khí tốt nhất giữa chúng ta. Chính Đức Ki tô gặp gỡ chúng ta trong suốt chặng đường mà chúng ta cùng đi với nhau.
Khi cử hành Thánh lể, chính Đức Ki tô gặp gỡ chúng ta. Chúng ta cầu xin Ngài luôn ở với chúng ta, nhất là trong những lúc khó khăn trong cuộc sống. Xin Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và can đảm để đứng vững trong gia đình Thánh Gia đã tiếp nhận chúng ta trong ngày chúng ta chịu phép Rửa tội. Và được như thế thì năm mới 2011 sẽ là năm tốt lành cho chúng ta.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Sách Huấn Ca là sách gì?
THƯA: Sách Huấn ca thuộc loại sách Khôn Ngoan, do ông Ben Xira soạn thảo vào khoảng năm 190 trước công Nguyên tại Do thái, sưu tập những lời khôn ngoan về rất nhiều đề tài. Sau đó, cháu nội của ông dịch sang tiếng Hi lạp vào khoảng năm 132.
2. HỎI: Bối cảnh của bài đọc một như thế nào?
THƯA: Lúc bấy giờ là vào thế kỉ thứ 2 trước Công nguyên, khooảng năm 180, Palestina đang ở dưới quyền đô hộ của người Hi lạp. Người Do thái vẫn có thể sống yên hàn, tiếp tục thực hành lề luật của mình. Nhưng chính sự an bình đó đã khiến cho Ben Xi ra lo lắng. Nhiều thói quen mới du nhập vào xã hội người Do thái. Sống bên cạnh những người ngoại, họ dễ bị cám dỗ suy nghĩ và sống như họ. Và đó là lí do khiến Ben Xi ra phải ra sức bảo bệ nền móng tôn giáo Do thái, bắt đầu từ cuộc sống gia đình. Vì nếu cơ cấu gia đình bị lung lay, thì ai sẽ truyền lại cho con cháu lề luật, các giá trị và đời sống đạo?
3. HỎI: Bài đọc một nói gì?
THƯA: Bài đọc một trước tiên là bản văn đề cao gia đình vì đó chính là nơi đầu tiên chuyển thông các giá trị. Đó là lời chú giải tuyệt vời cho giới răn thứ tư trong mười giới răn mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.
4. HỎI: Thảo kính cha mẹ là giới răn tự nhiên hay là giới răn của Thiên Chúa ?
THƯA: Thảo kính cha mẹ là điều tự nhiên, nhưng trước tiên nó diễn tả ước mơ hạnh phúc gia đình nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa.
5. HỎI: Thánh Mát thêu muốn đề ra bài học giáo lí gì khi soạn thảo đoạn tin mừng nầy?
THƯA: Đoạn tin mừng nầy được kiểu thức hóa, giản lược vào điều chính yếu nhằm dạy giáo lí: Chúa Giê su đã hoàn thành mọi lời tiên báo về Ngài trong Cựu ước.
6. HỎI: Trong đoạn Mát thêu 2,13-23 có mấy sự kiện hoàn thành lời sấm tiên tri?
THƯA: Thánh Mát thêu kể lại ba sự kiện hoàn thành lời sấm các tiên tri: 1. Việc Chúa Giê su được đưa ra khỏi Ai cập; 2. Việc vua Hê rô đê giết các trẻ em vùng phụ cận Giê ru sa lem. 3. Việc Chúa Giê su là người Na gia rét.
7. HỎI: Trong câu truyện nầy, thánh Mát thêu muốn đề cao chủ đề gì?
THƯA: Thánh Mát thêu muốn đề cao chủ đề: Dù loài người gian ác, chương trình của Thiên Chúa quan phòng vẫn được thực hiện ngang qua trở ngại ấy,
8. HỎI: Tại sao Ai cập là nơi ẩn náu của gia đình Chúa Giê su?
THƯA: Trong truyền thống Thánh Kinh, Ai cập là nơi lánh nạn thường xuyên của các người Do thái bị bách hại. Như khi biết vua Sa-lô-môn tìm cánh giết mình, Gia-róp-am chỗi dậy và trốn sang Ai-cập, và ở Ai-cập cho tới khi vua Sa-lô-môn qua đời (x. 1V11,40).
9. HỎI: Thánh Mát thêu muốn nói gì khi kể truyện Chúa Giê su trốn sang Ai cập?
THƯA: Qua câu truyện gia đình Chúa Giê su trốn sang Ai cập, thánh Mát thêu muốn làm nổi bật việc Ngài rời bỏ Ai cập trở về đất Ít ra ên bằng cách trích dẫn tiên tri Hô sê: “Từ Ai cập, Ta đã gọi con về” (Hs 11,1). Như thế, khi ra khỏi Ai cập, Chúa Giê su biểu lộ ơn gọi làm Ít ra ên mới, một sở hữu đặc biệt của Thiên Chúa.
10. HỎI: Khi trích dẫn lời sấm Giê rê mi a 31,15 khi kể lại câu truyện các Hài nhi bị Hê rô đê tàn sát, thánh Mát thêu muốn nói gì?(các câu 16-18)
THƯA: Thánh Mát thêu muốn lưu ý rằng, việc Chúa Giê su trở về tứ Ai cập khởi sự hoàn thành lời sấm Thiên Chúa thiết lập Giao Ước mới đã được ghi lại trong Giê rê mi a 31,31-33.
11. HỎI: ‘Đất Ít ra ên” là nơi nào?
THƯA: ‘Đất Ít ra ên’ là tên gọi miền Chúa hứa.
12. HỎI: Câu ‘Người sẽ được gọi là Na zô rê ô’ có nghĩa gì?
THƯA: ‘Na zô rê ô’ có nghĩa là người ở Na gia rét. Thánh Mát thêu coi việc Chúa Giê su sinh sống ở Na gia rét là một sự kiện hoàn thành nhiều bản văn các tiên tri.