CHỦ NHẬT 3 VỌNG A
Ngài là ai?
Khác hẳn với các xã hội do con người thiết lập, xã hội mới của Thiên Chúa sẽ dành những chỗ nhất cho những người nghèo và khiêm tốn. Còn người lớn nhất sẽ là những người có tâm hồn rộng mở đón nhận tất cả mọi người. Đó là những người đã được thanh luyện qua những đau khổ và thử thách mà họ đã trải qua trong gần hết cuộc đời mình.
Sách Tiên tri Is 35, 1-6a.10
Trong lúc Assyri tàn phá Vương quốc Giu đa và lưu đày Vương quốc Israen, Isaia loan báo rằng một đám đông người bị bỏ rơi, bị khinh dể, bị thương tích sẽ được Thiên Chúa đến Cứu độ. Dân Thiên Chúa sẽ phải trải qua những đau khổ trong một cuộc xuất hành mới trước khi được Thiên Chúa ban cho sự sống phong phú.
Thánh Vịnh 145
Khác với những kẻ nắm quyền hành trên trần gian, Thiên Chúa là nơi nương tựa vững chắc mà tất cả những kẻ bé nhỏ có thể tin cậy
Thư Gia cô bê 5, 7-10
Trong thư, Thánh Gia cô bê mạnh mẽ nhắc lại rằng trong Giáo hội, những kẻ bé nhỏ và những người nghèo hèn không thấp kém hơn những người giàu. Ngài khuyên nhủ phải kiên trì và tin tưởng như người gieo giống.
Tin mừng: Mt 11,2-11
Ngữ cảnh
Trong tù, nghe thuật lại những gì Chúa Giê su đã làm, Gioan hoang mang tự hỏi: Phải nghĩ về Ngài như thế nào? Ngài có thật là Đấng đã được loan báo không? Những nghi vấn đặt ra về Chúa Giê su, một điều không hề có trước đây, đã khởi đầu một khúc quanh trong Tin Mừng Mát thêu. Các chương đi trước trình bày Chúa Giê su đầy quyền năng trong việc giảng dạy (cc.5-7),làm phép lạ (8-9) cũng như trong việc sai các Tông đồ truyền giáo (c.10), thật khác xa với hình ảnh một vị Thẩm phán mà người ta được loan báo (3,101-2). Bây giờ, đã đến lúc đặt vấn đề về căn tính Mê sia của Chúa Giê su. Ngài có thật là đấng Mê sia không?
Có thể đọc đoạn tin mừng nầy theo bố cục sau đây:
- Nhập đề: câu hỏi Gioan đặt ra cho Chúa Giê su (11,2-3)
- Câu trả lời của Chúa Giê su (11,4-6)
- Chúa Giê su ca ngợi Gioan Tẩy giả (11,7-11)
TÌM HIỂU
Ông Gioan đang ngồi tù: Gioan thẳng thắn chỉ trích hành vi của Hêrôđê vì ông ta đang sống bất chính với chị dâu của mình. Và hậu quả là ông đã bị Hêrôđê trả thù, và bị tống giam trong ngục.
Thầy có thật là Đấng phải đến không?: đối với Gioan, đấng phải đến là một đấng đầy quyền uy (x. 3,11: Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi). Một vị Thẩm phán đáng sợ, lấy lửa chẳng hề tắt mà tiêu diệt mọi tội nhân không ăn năn hối cải (x. 3,10-12) đúng theo truyền thống CƯ (x. Ml 3,1-3). Nhưng những gì ông biết về cách thức Chúa Giê su thi hành sứ vụ hoàn toàn không tương ứng với ý tưởng mà ông có về cuộc phán xét sẽ phải xảy ra. Do đó câu hỏi của ông khiến mọi người ngạc nhiên.
Hơn nữa có một tương quan mật thiết giữa câu hỏi của vị Tẩy giả và thân phận tù đầy của ông. Đấng Thiên sai mà người ta mong chờ sẽ đến giải cứu tù nhân, nhất là các tù nhân đức tin (Lc 4,18; Is 61,1), ông chẳng phải là người đầu tiên được cứu thoát sao?
Các anh cứ về thuật lại cho Gioan: thay vì trả lời thẳng cho Gioan, Chúa Giê su mời gọi ông hãy tự mình tìm ra câu trả lời ngang qua những gì những dấu chỉ Ngài đã làm. Đó là con đường đưa con người đến đức tin.
Không vấp ngã vì tôi: dịch sát chữ: “hòn đá hay chướng ngại làm cho ai vấp té” chỉ tất cả những gì khiến cho người ta sa ngã trên con đường luân lí hay đức tin. Chúa Giê su thấy trước rằng cách trả lời của Ngài có thể làm cho Gioan thất vọng, vì hình ảnh của ông về Đấng Mê sia quá khác biệt với những gì Chúa Giê su đã thực hiện.
Về ông Gioan: Chúa Giê su khen ngợi ông Gioan: Ngài coi ông ngang hàng với các Tiên tri lớn nhất thời Cựu Ước và ca ngợi ông đã nghiêm khắc và kiên cường rao giảng Tin mừng. Đồng thời Ngài cũng cho thấy khoảng cách giữa vị Tiền hô và Đấng mà ông chuẩn bị con đường cho Ngài.
SỨ ĐIỆP
“Ngài có phải là đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một đấng khác?”. Đó là câu hỏi đầy khó khăn mà Gioan Tẩy giả đặt ra cho Chúa Giê su sau một thời gian dài nhìn thấy những gì Chúa Giê su đã làm. Thật vậy, khi làm phép rửa cho Ngài ở bờ sông Gio đan, ông đã thực sự xác tín rằng Ngài chính là Đấng Messia. Ông đã lớn tiếng nói cho mọi người biết điều ấy, và đồng thời loan báo rằng Đấng Messia sẽ nghiêm khắc thực hiện phán quyết của Thiên Chúa.
Thế rồi tháng ngày trôi qua, Gioan Tẩy giả đã bị cầm tù. Còn Chúa Giê su rời xa gia đình để bắt đầu sứ vụ. Và không có điều gì xảy ra như ông đã báo trước. Những lời giảng dạy và hành vi của Đức Ki tô không có gì giống với cuộc phán xử chung thẩm. Trái lại, Ngài đã qui tụ một nhóm người chài lưới quê mùa, thất học làm môn đệ; Ngài thường lui tới tiếp xúc với những người tội lỗi và những kẻ tai tiếng. Điều ấy khiến Gioan Tẩy giả tự nhủ: mình có lầm về đấng Messia không? Ngài có phải là Đấng mà thiên hạ đợi trông không? Ông nghi ngờ về chính những gì mình đã loan báo.
Cách thế tốt nhất để biết rõ, là đi hỏi. Ông mong muốn được Chúa Giê su soi sáng, giúp ông thấy rõ hơn về sứ mạng của Ngài. Nên ông quyết định sai một vài môn đệ đến hỏi: “Thầy có phải là đấng phải đến không?”. Thay vì trả lời thẳng cho Gioan, Chúa Giê su mời gọi ông hãy nhìn và hãy tin: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các người đã thấy: Người mù được thấy, người què đi được, người điếc nghe được, kẻ chết sống lại và Tin Mừng được loan báo cho những người nghèo khổ”.
Tất cả những điều ấy dường như trái ngược hoàn toàn với bài đọc thứ nhất loan báo sự báo oán của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu đọc kĩ, thì chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa không báo thù bằng cách tàn sát con cái của Ngài. Thiên Chúa đến là để cứu thoát và nâng con người chỗi dậy. Đó là sự chiến thắng của sự lành trên sự dữ. Đấng Thiên Chúa mà Chúa Giê su loan báo là tình yêu và lòng thương xót. Đó là một tin mừng mà chúng ta tìm thấy trong các sách tin mừng và đem lại cho chúng ta niềm vui và hi vọng.
Rõ ràng Thiên Chúa đến là để cứu độ, nhưng với điều kiện là chúng ta cần đến và tiếp nhận Ngài. Vì thế, những ai cậy dựa vào sức mạnh, quyền thế, kiến thức hay của cải thì không thể tiếp nhận ơn ban giải thoát của Người. Những ai chỉ cậy vào sức riêng mình để tự giải thoát thực sự không cần đến Thiên Chúa. Chính vì thế mà Gioan Tẩy giả đã loan báo cơn thịnh nộ dữ dội của Thiên Chúa dành cho họ. Án phạt sẽ được thi hành ngay tức khắc.Và sám hối là điều cần phải làm ngay.
Chúa Giê su không phủ nhận vai trò của ông Gioan Tẩy giả, trái lại khi đề cập đến ông, Ngài hết lời ca tụng ông. Nhưng vì ông là một tiên tri giao thời giữa Cựu và Tân ước, nên Chúa Giê su kết luận rằng người nhỏ nhất trong Nước Trời lại lớn hơn ông vì thuộc về Giao Ước mới.
Tin mừng mạc khải cho chúng ta một khuôn mặt khác của Thiên Chúa. Quả thật, Người là đấng toàn năng, nhưng đó không phải là sự toàn năng đáng sợ của một người khổng lồ, mà là sức mạnh của một tình yêu không biên giới. Ngài không đến để tiêu diệt, nhưng để ban cho chúng ta cơ hội để sám hối, vì Ngài không muốn một ai phải hư mất. Nước Thiên Chúa mà Ngài vừa loan báo dành cho tất cả mọi người. Đó là ơn ban không tốn phí và không đòi hỏi một công trạng nào về phía chúng ta.
Vì thế, Thiên Chúa báo thù bằng cách sai chính Chúa Giê su đến với chúng ta. Bằng những bước chân êm đềm, nhưng chắc chắn Ngài đến để mạc khải cho chúng ta thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa. Người ta chỉ có thể nhận ra Ngài nếu biết thay đổi cái nhìn về Ngài. Đó là điều quan trọng, vì Thiên Chúa của chúng ta không tương ứng với hình ảnh mà chúng ta có về Ngài. Chúng ta hình dung Ngài theo cách nghĩ của người thời nay, chỉ biết quan tâm đến những lợi ích cá nhân. Có người chờ đợi một vì Thiên Chúa kiểu ông già Nô ên, để xin ban cho mọi sự được an lành trong đời sống. Có người thì tưởng tượng một vì Thiên Chúa cảnh sát, dùng sức mạnh và áp chế lập lại trật tự trong thế giới đầy ích kỉ nầy, một vì Thiên Chúa sẽ ra tay uy quyền chận đứng mọi chiến tranh và trừng phạt những người từ chối chia sẻ.
Không, Thiên Chúa không phải là một vì Thiên Chúa tháo gỡ các khó khăn thay cho chúng ta và miễn cho chúng ta khỏi trách nhiệm. Một vì Thiên Chúa đích thật thì hoàn toàn khác: trong lễ Giáng sinh, Ngài hiện đến trong vóc dáng của một bé thơ bé bỏng, mềm yếu, một người không có gì để cho. Đôi tay nhỏ bé của Ngài không mang theo gì cả, hoàn toàn tùy thuộc và cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Nhưng khi giúp cho chúng ta ra khỏi chính mình để hướng về phía Ngài, Ngài sẽ biến đổi trái tim chúng ta, giúp chúng ta cảm nghiệm niềm vui và hạnh phúc khi trao ban.
Do đó, sứ điệp lớn nhất của mùa vọng chính là một lời mời gọi đặt chúng ta trong tư thế tiếp nhận: đã đến lúc chúng ta phải ra khỏi giấc ngủ mê. Thiên Chúa không ban tặng chúng ta một Vương Quốc làm sẵn nhưng đang hình thành. Chúng ta phải dọn một con đường cho Chúa đến trong chúng ta. Chúng ta đang sống trong một thế giới mang dấu ấn chiến tranh, hận thù, và thiếu hiểu biết. Và chính trong thế giới đó mà Chúa Giê su muốn gặp chúng ta, vì Ngài mang đến một tin vui: tình yêu của Ngài không ngừng ban tặng cho chúng ta. Ngài là nguồn suối đem lại bình an nội tâm. Nơi Ngài chúng ta học cách sống chung liên đới với nhau như anh chị em một nhà. Như thế mỗi người sẽ được nhìn nhận trong sự khác biệt và sự phong phú, sẽ phục vụ thiện ích cho mọi người.
Xin Chúa Ki tô mở mắt và tai chúng ta, xin Ngài đặt chúng ta trên đường đến với Ngài và đến với tha nhân; ước gì Tin mừng Ngài đã đến mang lại biến đổi thực sự đời sống chúng ta và cho thế giới.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Bối cảnh của bài đọc một như thế nào?
THƯA: Tiên tri Isaia rao giảng vào thể kỉ thứ sáu khi Ít ra ên còn bị lưu đày ở Babylôn. Tiên tri lên tiếng trấn an những người lưu đày đang sống trong sợ hãi: “Hởi bàn tay rã rời hãy mạnh mẽ lên, hỡi những đầu gồi bủn rủn hãy vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: Cản đảm lên đừng sợ!” Và để củng cố niềm tin cho họ, tiên tri loan báo Thiên Chúa sẽ báo oán: “Nầy Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo oán”. Liền đó, tiên tri nói rõ hơn: “Ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em”.
2. HỎI: Thiên Chúa báo oán có nghĩa gì?
THƯA: Kiểu nói: “Thiên Chúa báo oán” không phải là một lời hăm doạ, mà là một lời hứa cứu độ. Thiên Chúa không báo oán con người, chống lại con người, nhưng chống lại sự dữ làm hại hay nhấn chìm con người; do đó, báo oán là loại trừ sự dữ. Dù sự dữ đè bẹp con người là vật chất hay tinh thần, Ngài cũng sẽ giải thoát và nâng dậy.
3. HỎI: Như vậy, ngày Thiên Chúa báo oán là ngày gì?
THƯA: Đó chính là ngày Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ. Công trình cứu độ ấy được tiên tri gọi là “Vinh quang của Thiên Chúa”. Ông loan báo: “Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta” (35,2).
4. HỎI: Khi nói: “Sa mạc sẽ trổ bông”, Isaia muốn nói đến điều gì?
THƯA: Sa mạc Isaia đang nói đến là sa mạc Sy ri a mà người lưu đày sẽ phải băng qua để trở về quê hương. Sa mạc buồn thảm và khô cằn khi đi lưu đày sẽ biến thành sa mạc nở hoa lúc hồi hương vì Thiên Chúa không thể để cho dân Người ở mãi cơn hoạn nạn, nhưng sẽ giải phóng họ như Người đã từng giải thoát họ khỏi Ai cập.
5. HỎI: Đối với người Ki tô hữu, lời hứa ấy được thực hiện như thế nào?
THƯA: Đối với người Ki tô hữu, chính Chúa Giê su sẽ hoàn thành lời hứa ấy, vì Ngài làm cho kẻ mù được sáng, kẻ điếc được nghe, người què sẽ nhảy như nai và miệng người câm sẽ kêu lên vui sướng.
6. HỎI: Bối cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Bấy giờ vào khoảng năm 28, khi nghe tin Gioan Tẩy giả bị vua Hêrôđê tống ngục, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng. Rời miền sông Gio đan và hướng lên phía Bắc vùng Ga li lê, Ngài bắt đầu sứ vụ công khai. Chúa Giê su giảng dạy, làm phép lạ và kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài.
7. HỎI: Tại sao Gioan Tẩy giả đặt vấn đề về Chúa Giêsu là Đấng Messia?
THƯA: Gioan Tẩy giả thấy Chúa Giêsu có lối sống khác hẳn với những gỉ ông rao giảng về Ngài: chẳng những Ngài không tỏ dấu gì là một quan án thiên sai nghiêm khắc, mà trái lại còn sống thân thiện gần gủi với mọi người. Ngài ăn uống như mọi người, thậm chí còn đồng bàn với người tội lỗi, và điều lạ lùng nhất là không đòi tước hiệu Messia cũng như không tìm kiếm uy quyền cho mình. Ở trong tù Gioan Tẩy giả nghe biết tất cả những điều ấy, ông tỏ ra bối rối nên sai môn đồ đến hỏi Chúa Giêsu: Ngài có phải là đấng Messia không.
8. HỎI: Chúa Giêsu có trả lời cho Gioan không?
THƯA: Chúa Giêsu không khẳng định hay phủ nhận trước thắc mắc của Gioan Tẩy giả. Ngài chỉ trích dẫn các sấm ngôn mà Gioan cũng như tất cả mọi người đều biết rõ để cho Gioan suy nghĩ và có quyết định riêng cho mình.
9. HỎI: Tại sao Chúa Giê su làm như thế?
THƯA: Chúa Giê su trả lời như thế là muốn dạy cho Gioan và các môn đệ khác con đường phải theo: đó là phải biết nhìn các dấu chỉ và biết giải thích. Đó là con đường đưa đến đức tin, bắt đầu từ những hậu quả hữu hình đế đi đến chỗ khám phá Chúa Giê su.
10. HỎI: Lời Chúa Giê su qui chiếu lời sấm nào của tiên tri Isaia?
THƯA: Lời Chúa Giê su không qui chiếu một lời nào nhất định, mà nhắc đến toàn bộ các lời sấm mô tả các việc thiện trong thời thiên sai. Ngài muốn giúp Gioan hiểu rằng Ngài chính là Đấng Thiên sai đến trần gian không phải để lên án, mà để cứu thoát mọi người.
11. HỎI: “Phúc cho kẻ không vấp ngã vì Ta” có nghĩa gì?
THƯA: Chúa Giê su thấy trước câu trả lời của Ngài có thể làm cho Gioan thất vọng thất vọng, vì có một khác biệt lớn lao giữ quan niệm của Ngài và của ông về Đấng Thiên sai. Thử thách đối với ông là rất lớn, và nếu vượt qua được, ông sẽ là người được chúc phúc.
12. HỎI: Cây sậy phát phơ trước gió có nghĩa gì?
THƯA: Không ai vào sa mạc để xem cây sậy phất phơ trước gió,. Vì thế Chúa Giê su dùng hình ảnh cây sậy mềm yếu để làm nổi bật tính kiên cường bất khuất của Gioan trước mọi nghịch cảnh trong khi thi hành sứ mạng Tiền hô được giao phó. Đó là nét đầu tiên làm nên sự cao cả của ông.
13. HỎI: Điều gì đã thu hút mọi người đến với Gioan Tẩy giả ở sông Gio đa nô?
THƯA: Đó là dung mạo tiên tri. Sau một thời gian dài hằng bao thế kỉ vắng bóng tiên tri, với sự xuất hiện của Gioan Tẩy giả Thiên Chúa lại bắt đầu phán bằng lời tiên tri.
14. HỎI: Tại sao Chúa Giê su nói Gioan Tẩy giả còn hơn cả tiên tri (ngôn sứ) nữa?
THƯA: Gioan Tẩy giả hơn cả tiên tri vì ông là người Tiền hô cho đấng Cứu thế. Đấng mà các tiên tri loan báo từ thời xa xưa, thì Gioan đã thấy tận mắt và đã giới thiệu cho dân biết. Như thế ông là vị tiên tri thuộc về hai giao ước: vừa đứng ở điểm cuối thời loan báo (CƯ), và điểm đầu của thời thực hiện (TƯ), thời đại Nước Trời. Vị thế ấy cho thấy sự trổi vượt của ông so với các tiên tri khác.
15. HỎI: Tại sao ‘kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời lại cao trọng hơn Gioan Tẩy giả’?
THƯA: Sự so sánh mà Chúa Giê su đề cập đến ở đây thuộc bình diện chương trình cứu độ. Dù được coi là tiên tri cao cả nhất, nhưng Gioan Tẩy giả cũng vẫn thuộc về thời Cựu Ước. thời chuẩn bị. Còn khi Chúa Giê su xuất hiện và khai mào thời đại cứu độ, thì tất cả những ai chấp nhận sứ điệp của Ngài đều có phúc hơn.