Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 3

Thứ Ba tuần III Mùa Vọng Năm C

TRUYỀN TIN CHO GIUSE

LỜI CHÚA: Mt 1,18-24

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta." 24 Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

SUY NIỆM

Hôm nay, phụng vụ Giáo hội thuật lại cho chúng ta biến cố truyền tin cho Giuse như một lời xác tín về sự nhập thể và gốc tích của Chúa Giêsu.

Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của Thánh Giuse, bạn trăm năm của Ðức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi của Chúa Giêsu. Thuộc dòng dõi Vua Đavít, Thánh Giuse cũng có những dự tính riêng cho cuộc đời mình. Nhưng một sự việc đã xảy ra trong giấc mộng, Sứ thần của Thiên Chúa hiện đến tường trình về kế hoạch của Thiên Chúa, thánh Giuse đã lắng nghe, tin tưởng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa nên đón nhận Đức Maria và trở thành cha nuôi của Chúa Giêsu.

Trở lại thuở xa xưa thời Cựu ước, Đức Chúa đã tuyên sấm Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực.Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh” (Gr 23,5).Như vậy, thánh Giuse chính là tác nhân cần phải có để lời sấm của Thiên Chúa trở thành hiện thực. Và thời Tân Ước đã trân trọng gọi thánh Giuse là "Đấng công chính", vì người đã giữ đức công bình, trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng và một người cha trong gia đình Nagiaret.

Theo ý nghĩa của Kinh Thánh, "công chính" là được Thiên Chúa công chính hóa, được tham dự vào sự công chính, sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thái độ đáp trả của thánh Giuse là một hành động rất anh hùng. Từ lúc trở thành người chủ gia đình Nagiaret, thánh Giuse thực sự bước vào một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm mà cũng rất ngoạn mục.Giuse âm thầm chấp nhận mọi tiếng đời dèm phavì Maria đã có thai trước khi về chung sống. Một mặt Giuse tôn trọng sự trinh khiết nơi Mẹ Maria, mặt khác cũng phải vâng phục ý Thiên Chúa. Hẳn là Giuse đã sống trong dằn vặt khổ đau cùng với một bức màn nghi nan. Từng biến cố, từng suy nghĩ, từng bước đi của Giuse cũng đều ảnh hưởng đến sự sống còn của Ngôi Lời Thiên Chúa. Đang lúc Đức Maria mang thai Chúa Giêsu và sắp tới ngày sinh thì Giuse nhận được lệnh truyền phải đưa gia đình về quê để kiểm tra dân số. Trong hành trình ấy, trẻ Giêsu đã chào đời giữa cánh đồng Belem vì không nơi nào cho trú ngụ và cũng không có những phương tiện cần thiết cho một bà mẹ “vượt cạn”.Đón chào trẻ Giêsu trong hân hoan và tin tưởng, Giuse không một lời oán trách nhưng cứ âm thầm đón nhận kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa.

Cuộc sống đang bình yên thìGiuse nhận được tin báo phải đưa gia đình sang Ai Cập lánh nạn. Ngay trong đêm khuya, thánh Giuse đã trỗi dậy đem Con Trẻ và Mẹ Người ra đi rồi lại trở về theo kế hoạch của Thiên Chúa. Tiếp đến Tân Ước nhắc đến thánh Giuse trong biến cố thất lạc và tìm gặp Chúa Giêsu trong đền thánh. Qua đó chúng ta khám phá ra một đặc tính khác của Ngài hay nói đúng hơn một đặc tính mà các thánh ký chú ý nhấn mạnh nơi thánh Giuse: Không một lời nói nào của Ngài được ghi lại trong Tân Ước, nhưng thánh Giuse đã hùng hồn nói trong hành động, những hành động xem ra vô lý và đầy nguy hiểm, nhưng Ngài đã khiêm tốn, can đảm và kiên trì làm để thánh ý của Thiên Chúa được thành toàn.Thánh Giuse không những là Đấng Công Chính nhờ đức tin và vâng phục mà thánh nhân còn cao trọng hơn nhờ giữ đức khiết tịnh và khó nghèo. Thánh nhân hằng dâng lên Thiên Chúa mỗi tình cảm, mỗi ý nghĩ và mỗi việc làm của mình, luôn giữ gìn thân xác và con tim không chút tì ố. Thánh Gioan Kim khẩu giải thích: tiếng công chính nơi Thánh Giuse nghĩa là no đầy ơn phước. Thánh nhân đã dùng đức khiết tịnh của mình để bảo vệ Mẹ Maria đồng trinh trọn vẹn và để Ngôi Hai Thiên Chúa có đủ điều kiện giáng thế làm người.

Đức công chính cao vời đó là một kho báu tàng ẩn trong một nếp sống hết sức bình dị. Ngài thu giữ thánh hạnh một cách kín đáo, khéo léo đến nỗi mắt phàm khó nhận ra và sử sách không ghi chép lại được. Dưới lớp áo xanh lao động bạc màu là cả dòng máu trâm anh với một tâm hồn cao khiết. Tại ngôi làng Nagiaret nhỏ bé, người ta chỉ biết có bác thợ mộc bình thường với đôi tay chăm chỉ cần mẫn lao động và một trái tim trung thành bất chấp mọi gian lao.Thánh nhân không đòi hỏi gì cho riêng mình: không tiền bạc, không danh vọng, chỉ sung sướng được hy sinh chăm sóc cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu.

Thánh Giuse xứng đáng là chủ gia đình của Nagiaret, một gia đình thánh thiện có ba tâm hồn luôn sẵn sàng lắng nghe và thực hành những gì Thiên Chúa muốn. Bên cạnh thánh Giuse, còn có Mẹ Maria, một gương mặt không thể thiếu trong lịch sử cứu độ.Mẹ cũng đã “xin vâng” ý Chúa trở thành người cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu. Một gương mặt trung tâm của biến cố Nhập thể đó làChúa Giêsu. Dầu là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã vâng phục Chúa Cha mặc lấy xác phàm sinh xuống làm người trong gia đình Nagiaret.Với sứ mạng của Đấng Mêsia, Chúa Giêsu đã mở ra cho nhân loại một trang sử mới, đưa nhân loại tiến sâu vào mầu nhiệm thần linh.Từ thân phận tội lỗi, con người được nâng lên thành con cái Thiên Chúa.

Biết bao lần trong cuộc sống, chúng ta cũng phải đối diện với những chọn lựa làm theo ý Chúa hay ý riêng của chúng ta. Một lần nữa Tin mừng hôm nay chỉ cho chúng ta một cách biết được đâu là ý Chúa đó là chúng ta phải có thái độ khiêm tốn, tin tưởng phó thác và nhất là phải có đời sống cầu nguyện.Thiên Chúa luôn muốn những gì tốt đẹp nhất cho chúng ta, Người ban cho chúng ta một cách quảng đại rộng rãi, nhiều hơn những điều chúng ta xin hay nghĩ tới. Những gì con người toan tính thì hạn hẹp, nhỏ mọn, còn kế hoạch của Thiên Chúa thì rộng lớn bao la. Một lần nữa, Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy sống tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.Trên hành trình đức tin, nếu có Chúa đồng hành, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy bến bờ hạnh phúc đích thực.

Nt. Maria Anh Thư, OP

 

 

 

 

                                  

 

 

 

                

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng _Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng C – Nt. Thiên Thảo, SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng C – Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng – Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng C_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng C_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG NĂM C. Nt. Minh Thùy
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C. Nhiều tác giả
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B. Lm Đaminh Trần Công Hiển
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B.
     CHỜ ĐỢI CHÚA ĐẾN
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B. Nt Huỳnh Thị Oanh
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B. Nt. Maria Chinh Anh
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B-VUI MỪNG VÀ HY VỌNG