CHÚA NHẬT III TN A:
MỘT LỐI SỐNG MỚI
Thưa quý OBACE
Lịch sử thế giới cho thấy cuộc sống nhân loại luôn bị chi phối bởi các luồng tư tưởng hoặc nói theo ngôn ngữ ngày nay là ảnh hưởng các ý thức hệ. Có những triết thuyết có thể giải phóng con người đem đến tự do trong xã hội cũng như tự do trong tư tưởng, cũng có những thứ ý thức hệ làm thoái hóa con người, biến con người trở thành nô lệ hoặc biến con người trở nên tầm thường như con vật. Cũng vậy có những luồng tư tưởng giúp cho con người sống thanh cao an nhiên tự tại, thì cũng có những luồng tư tưởng khiến con người cứ phải bon chen đấu tranh giành giật, kèn cựa lẫn nhau.
Xã hội Do Thái vào thế kỷ thứ I, đang bị ảnh hường bởi nếp sống văn hóa và tư tưởng của người Hy lạp và Rôma, lối sống này đang uy hiếp đe dọa nếp sống tôn giáo truyền thống của người Do Thái, khiến cho nhiều người bị lạc đường mất hướng không biết phải sống thế nào? Việc Chúa Giêsu xuất hiện trong thời điểm này khiến nhiều người cho rằng Ngài là một triết gia sẽ đem đến một luồng tư tưởng triết học mới cho con người, thế nhưng Đức Giêsu đã không phải là một triết gia, lời dạy của Ngài không phải là một hệ thống lý thuyết, trái lại Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đưa ra cho con người một lối sống, lối sống ấy không dựa trên các triết lý mà dựa trên tương quan tình yêu với Thiên Chúa, và mời gọi đón nhận chính con người của Ngài là Thiên Chúa, và nhờ đó được gia nhập vào Nước Trời.
Lối sống mà Đức Giêsu mời gọi là: Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần. Kêu gọi sám hối, có nghĩa là kêu gọi mọi người làm mới lại đời sống và các tương quan của mình, là thay đổi từ trong suy nghĩ đến hành động. Sám hối trước tiên là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa, là không để mình sống trong tình trạng thù nghịch với Chúa. Thiên Chúa là một người Cha yêu thương luôn chờ đợi và luôn sẵn sàng tha thứ cho những ai biết canh tân sửa chữa lại đời sống, sống đúng tư cách là con đối với cha mình. Sống trọn đạo làm con đối với Thiên Chúa, cũng giống như con cái đối với cha mẹ trần gian, là hoàn toàn tin tưởng phó thác cho sự che chở dẫn dắt của Chúa, là chu toàn giời răn và huấn lệnh của Chúa và hết lòng yêu mến phụng thờ Ngài.
Sám hối còn là sửa chữa lại mối tương quan của mỗi người đối với anh chị em chung quanh. Mối tương quan này đã bị sứt mẻ bởi tội lỗi, bởi hận thù giận dữ, hoặc bởi mặc cảm hoặc do ích kỷ. Một khi chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, và mỗi người có trách nhiệm đối với hạnh phúc của nhau. Sám hối mà Chúa Giêsu mời gọi không chỉ dừng lại ở việc nói lời xin lỗi hoặc tuyên bố tha thứ để làm hòa, mà còn phải làm việc tốt cho anh em để chứng tỏ sự hòa thuận. Khi mỗi người tích cực và cố gẳng để làm mới lại các mối tương quan với Chúa và với anh em như thế, thì Nước Trời thực sư hiện diện trong tâm hồn và đang lan tỏa đến những người chung quanh.
Bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu khi xuất hiện công khai thật ngắn gọn, chỉ có một câu: hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến, một lời mời gọi ngắn gọn song cũng là một thách thức cho những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài, muốn gia nhập vào Nước Trời.
Các môn đệ đầu tiên đã bắt gặp được ánh sáng chân lý của Đức Giêsu chiếu tỏa trong tâm hồn, nên các ông đã quyết định làm một cuộc đời mới, từ bỏ tất cả con người cũ, nghề ngiệp, tài sản và cả các mối liên hệ ruột thịt để đi theo lời mời gọi của Đức Giêsu. Simon và Anrê, Giacôbe và Gioan là những chàng trai trẻ đang căng tràn sức sống, đang có một cuộc sống yên ổn với nghề nghiệp và gia đình của mình, thế nhưng chắc chắn trong tâm hồn các anh còn khao khát tìm kiếm một nếp sống khác tốt hơn, hoàn hảo hơn, chính vì thế khi gặp Đức Giêsu, các chàng trai này đã để cho Thày Chiếm lĩnh cả tâm hồn và cuộc đời của mình, các ông đã ngay lập tức bỏ cha, bỏ lưới, bỏ thuyền và những người làm công để đi theo Thày Giêsu.
Theo Thày Giêsu, chắc chắn các chàng trai trẻ này không tìm kiếm một lý thuyết, nhưng các anh đã thực sự được gặp gỡ con người của Ngài, tin Ngài là Đấng Cứu thế, được mời gọi bước theo, được trở nên học trò của Ngài và được cùng sống với Ngài, chia sẻ công việc và sứ mạng của Ngài. Các chàng trai này đã bỏ mọi liên hệ ruột thịt và của cải riêng tư để từ đây các anh có Đức Giêsu là gia nghiệp và đón nhận mọi người trở thành anh chị em của mình. Quyết định theo Đức Giêsu là quyết định thay đổi hoàn toàn cuộc sống, là làm mới lại từ đầu, là đoạn tuyệt với quá khứ, là hiến thân để phục vụ cho lý tưởng xây dựng Nước Trời ngay tại trần gian này.
Như thế việc xuất hiện công khai của Đức Giêsu thực sự là một luồng sáng mới chiếu tỏa vào thế giới tăm tối, là con đường cho những ai tìm kiếm, là hạnh phúc cho những ai đón nhận. Lời mời gọi và con đường Tin Mừng của Đức Giêsu không còn bị giới hạn, cũng không dành riêng cho người Do Thái, nhưng được gửi đến cho tất cả mọi dân tộc. Tác giả cho thấy, Chúa Giêsu đã đem Tin Mừng cứu độ của Ngài đến cả các vùng Davulun và Napthali là những vùng đất của những người không phải là người Do Thái, những dân này cũng đang chịu cảnh tăm tối bởi những luồng tư tưởng sai lạc, nay cũng được kể vào số những dân được hưởng ơn cứu độ và được ánh sáng sáng và Tin Mừng của Chúa chiếu soi, được gia nhập trở thành công dân Nước Trời.
Từ việc làm của Chúa Giêsu, đòi tất cả mỗi người đều phải thay đổi cái nhìn về nhau. Thánh Phaolô trong thư Corintô đã khuyên dạy: Anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, đừng để có sự chia rẽ nào giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận một lòng một ý với nhau. Sở dĩ Phaolô phải kêu gọi như thế vì trong cộng đoàn đã có sự chia rẽ, họ nhân danh Phêrô hoặc Phao lô để trở thành đối nghịch với nhau. Thánh Phaolô cho thấy Phêrô hay Phaolô không quan trọng cho bằng đón nhận nhau vì Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài, vì chính Tin Mừng của Đức Giêsu đã làm cho chúng ta nên một và thập giá của Đức Kitô đã làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa và nên anh chị em với nhau.
Thưa quý OBACE, Đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài đòi chúng ta phải sám hối, phải thay đổi. Đừng bao giờ nghĩ rằng tôi không cần thay đổi, tôi có làm gì sai đâu mà phải sám hối. Thay đổi và sám hối theo lời mời gọi của Đức Giêsu không làm hạ phẩm giá con người hay địa vị của chúng ta, nhưng nó giúp chúng ta nên đẹp đẽ xinh tươi hơn trước mắt Thiên Chúa. Sự sám hối và quyết tâm thay đổi, sửa chữa cuộc sống, còn là dấu hiệu cho thấy sự thành tâm của chúng ta đối với lời mời gọi và Tin Mừng của Ngài.
Để biến gia đình mình thành cộng đoàn của Nước trời, thì đòi từng thành viên trong gia đình phải thay đổi. Chúng ta không thể chỉ đòi người kia phải thay đổi, phải thế này, phải thế khác mà chính mình lại không thay đổi gì. Mỗi người ý thức và quyết tâm thay đổi bản thân thì gia đình và cả thế giới này sẽ biến đổi nên tốt hơn. Các bậc làm cha mẹ sẽ phải là người trước tiên thực hiện việc sửa đổi này, hãy quyết tâm điều chỉnh bản thân khỏi những đam mê rượi chè cờ bạc cá độ, sự lười biếng, để quyết tâm làm việc và vun đắp cho gia đình mình thêm ấm cúng hạnh phúc hơn. Các bà mẹ hãy thay đổi nếp sống của mình để trở nên đảm đang hơn, dễ thương hơn, và quan tâm nhiều hơn đến chồng và các con. Hãy làm cho bữa cơm thêm nhiều niềm vui hơn, hãy tạo ra nhiều cơ hội cho cả nhà được xum họp ấm cúng hơn.
Là những người trẻ, chúng ta cần nuôi dưỡng trong tâm hồn những ước mơ tốt đẹp, hãy có những suy nghĩ và cử chỉ đẹp dành cho nhau. Là người trẻ công Giáo chúng ta phải dám sống khác với những người khác vì chúng ta có Đức Giêsu và Tin Mừng. Hãy mạnh dạn chỉnh sửa lại những điều bất ổn trong cách sống và cách làm việc. Hãy noi gương các chàng trai trong tin Mừng hôm nay, để cho Đức Giêsu chiếm lình và chi phối cuộc đời chúng ta. Hãy mạnh dạn để trở nên những học trò của Chúa cùng chia sẻ sứ mệnh đem tình yêu thương đến cho bạn bè của mình.
Đức Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc đón nhận Đức Kitô và trở nên môn đệ của Người, Xin cho chúng ta cũng biết để cho ánh sáng tin Mừng của Chúa Giêsu biến đổi mỗi chúng ta. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
TÍCH CỰC GIÃI ÁNH SÁNG
TIN YÊU CHO THA NHÂN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 4,12-23
(12) Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. (13) Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li. (14) Để ứng nghiệm lời Ngôn sứ I-sai-a nói: (15) “Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan. Hỡi Ga-li-lê miền đất của dân ngoại ! (15) Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi !” (17) Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. (18) Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-mon cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. (19) Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. (20) Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (21) Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. (22) Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. (23) Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.
2. Ý CHÍNH:
Nghe tin Gio-an Tẩy Giả bị nộp, Đức Giê-su từ Giê-ru-sa-lem lui về Ga-li-lê để tránh bị theo dõi, và hoạt động trong môi trường có nhiều dân ngoại như Ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo. Ngươi chọn thành Ca-phác-na-um làm trung tâm truyền giáo và từ đây Người đi các nơi rao gảng Tin Mừng Nước Trời. Nội dung các bài giảng được tóm lại như sau: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Đức Giê-su cũng chọn 4 môn đệ đầu tiên gồm 2 đôi anh em. Một là Si-mon Phê-rô và An-rê đang thả lưới trên biển hồ. Hai là Gia-cô-bê và Gio-an đang vá lưới trong thuyền cùng với cha và các người làm công. Vừa nghe Đức Giê-su kêu gọi, các ông đã lập tức bỏ nghề lưới cá và từ giã người thân để cộng tác trong sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời.
3. CHÚ THÍCH:
- C 12-13: + Nghe tin ông Gio-an đã bị nộp: Thánh Mát-thêu dùng từ “bị nộp” thay vì “bị bắt” khi nói về Gio-an, giống như khi nói về Đức Giê-su (x. Mt 10,4; 17,22; 26,2). Qua đó cho thấy số phận của Gio-an giống như Đức Giê-su. Dùng từ “bị nộp” ở thể thụ động là có ý nói biến cố xảy ra là do ý của Thiên Chúa. Đức Giê-su bắt đầu rao giảng khi Gio-an chấm dứt sứ mạng tiền hô dọn đường. + Người lánh qua miền Ga-li-lê: Khác với Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su lui về Ga-li-lê là vùng đất có nhiều dân ngoại sinh sống, để khởi sự rao giảng Tin Mừng. Cũng tại Ga-li-lê, Người sẽ quy tụ các môn đệ lần cuối cùng để sai đi khắp thế gian, tiếp tục sứ mạng mà Người khởi sự hôm nay. + Người bỏ Na-da-rét đến ở Ca-phác-na-um: Đức Giê-su đã không chọn quê hương Na-da-rét, nhưng chọn Ca-phác-na-um để bắt đầu sứ mạng rao giảng. + Một thành ven biển hồ Ga-li-lê: Thành Ca-phác-na-um nằm trong vùng đất định cư của hai chi tộc Dơ-vu-lun và Náp-ta-li (x. Gs 19,10.32-39).
- C 14-16: + Để ứng nghiệm lời Ngôn sứ I-sai-a nói: I-sai-a tiên báo vùng Ga-li-lê thuộc hai chi tộc Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, không những được thoát ách thống trị của quân Át-sy-ri về chính trị quân sự, mà còn được giải phóng khỏi cảnh “tối tăm sầu khổ” do bị dân ngoại chiếm cứ. + Hỡi Ga-li-lê miền đất của dân ngoại: Ga-li-lê là nơi bị khinh dể vì là vùng đất có nhiều dân ngoại sống chung với dân Do thái, và chưa có vị ngôn sứ nào xuất thân ở đó (x. Ga 1,46). Điều này nằm trong chương trình hành động của Đấng Thiên Sai đã được Ngôn sứ I-sai-a báo trước. + Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm: Mát-thêu ứng dụng việc Đức Giê-su đến làm cho miền đất này khỏi bóng tối sự chết bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời. “Ánh sáng huy hoàng” là chính Đức Giê-su biểu lộ khi Người hiển dung trên núi cao (x. Mt 17,2), và tiếp tục chiếu rọi khi Chúa Phục Sinh hẹn gặp các môn đệ để sai họ đi truyền giáo (x Mt 28,16-20).
- C 17-18: + Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói: Đối với Mát-thêu thì đây là thời điểm Đức Giê-su bắt đầu thi hành sứ mạng cứu thế tại Ga-li-lê. Lời giảng được Mát-thêu tóm gọn trong câu: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Đây cũng là nội dung mà Đức Giê-su truyền cho các môn đệ khi sai các ông đi truyền giáo (x. Mt 10,7). + “Anh em hãy sám hối”: Câu này giống như lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả trước đó (x. Mt 3,2). + Vì Nước Trời đã đến gần: Nước Trời, hay cũng gọi là Nước Thiên Chúa. Vì Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do thái, nên tránh gọi tên Thiên Chúa để biểu lộ lòng kính trọng Thánh Danh của Người như điều răn thứ hai dạy: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”. Nước Thiên Chúa là một cộng đoàn do Thiên Chúa cai quản. Nước này đã tới gần trong con người và sứ vụ của Đức Giê-su. + Biển hồ Ga-li-lê: Là một biển hồ hình quả trám dài 21 cây số, rộng 12 cây số, cũng có tên là hồ Giê-nê-sa-rét hay Ti-bê-ri-a. + Si-mon cũng gọi là Phê-rô: Si-mon là tên của ông Phê-rô trước khi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su đã đổi tên Si-mon thành Phê-rô nghĩa là “Tảng Đá” (x. Mt 16,18).
- C 19-20: + Kẻ lưới người như lưới cá: Đức Giê-su sẽ trao sứ mạng đánh lưới các linh hồn của người ta, giống như việc chài lưới bắt cá trên biển. + Lập tức bỏ chài lưới: Đây là thái độ dứt khoát và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Giê-su: bỏ nghề cũ để theo nghề mới.
- C 21-23: + Gia-cô-bê: Có hai Tông đò tên Gia-cô-bê. Đây là Gia-cô-bê theo Chúa trước nên được người ta gọi là Gia-cô-bê Tiền, phân biệt với Gia-cô-bê Hậu theo Chúa sau. Gia-cô-bê và em là Gio-an cùng Si-mon Phê-rô làm thành nhóm ba người thân tín của Đức Giê-su. Nhóm này được luôn theo sát Đức Giê-su và được chứng kiến Người hiển dung trên núi cao (x. Mt 17,1). Trong cuộc khổ nạn, ba người này cũng được đi theo Người vào vườn Ghết-sê-ma-ni chứng kiến Người cầu nguyện trước khi bị bắt đang khi các ông khác phải ở ngoài vườn (x. Mt 26,37-46). + Lập tức các ông bỏ thuyền bỏ cha…: Cũng như Si-mon và An-rê đã bỏ ngay nghề cũ, Gia-cô-bê và Gio-an cũng dứt khoát từ bỏ tài sản là thuyền, và từ giã người thân là cha già mà đi theo làm môn đệ Đức Giê-su. + Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê: Việc truyền giáo cần phải năng động. Đức Giê-su và các môn đệ phải đi khắp miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng Nước Trời. + Chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân: Viêc chữa bệnh kèm theo việc rao giảng Tin Mừng vì là dấu chỉ thời đại Thiên Sai đã bắt đầu (x. Mt 10,8; 11,4-5).
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Mát-thêu dùng kiểu nói “Sau khi Gio-an bị nộp” thay vì “bị bắt” ? 2) Gio-an Tẩy Giả rao giảng phép rửa sám hối tại miền nào, và Đức Giê-su khởi sự rao giảng Tin Mừng Nước Trời tại miền nào ? 3) Đức Giê-su đã làm gì để chiếu soi ánh sáng huy hoàng của Người vào miền Ga-li-lê đang ở trong bóng tối sự chết ? 4) Lời giảng của Đức Giê-su được tóm lại trong câu nào ? 5) Tại sao Mát-thêu dùng từ “Nước Trời đã đến gần” thay vì “Nước Thiên Chúa đã đến gần” như Lu-ca ? 6) Bạn biết gì về biển hồ Ga-li-lê ? 7) Phê-rô là ai ? Tên Phê-rô nghĩa là gì và ông được Đức Giê-su đổi tên khi nào ? 8) Trong Nhóm 12 có mấy ông tên Gia-cô-bê ? Hai ông Gia-cô-bê được phân biệt theo Chúa trước và sau thế nào ? 9) Noi gương bốn môn đệ đầu tiên, ngày nay chúng ta nên làm gì khi được Chúa mời gọi đi theo Chúa ? 10) Đức Giê-su nêu gương nhiệt tình đi loan báo Tin Mừng ra sao ? Người thi hành sứ mạng bằng những công việc gì ?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
2. CÂU CHUYỆN: ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAN-XI-CÔ ''NHÂN VẬT CỦA NĂM'' 2013
Gần đây vào ngày 11 tháng 12 năm 2013, tạp chí Time, một tờ tuần báo Mỹ có uy tín hàng đầu thế giới, đã bình chọn Đức giáo hoàng Phan-xi-cô là nhân vật của năm 2013 với lời ca ngợi rằng chỉ trong 9 tháng đứng đầu Giáo hội Công giáo, ngài đã đem đến một tiếng nói và một nhận thức mới. Nhờ lối sống khiêm tốn giản dị và tầm ảnh hưởng tinh thần lớn lao ngài đã làm bừng lên một mùa xuân mới trong Giáo Hội Công giáo hoàn cầu, đặc biệt tại các nước Âu Mỹ. Giới truyền thông thế giới đã đặt cho ngài những danh hiệu cao quý như: “Giáo Hoàng Của Người Nghèo”; "Giáo Hoàng Của Quần Chúng"...
Theo Telegraph, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô đã đánh bại các nhà lãnh đạo thế giới và người làm rò rỉ các bí mật động trời là Edward Snowden, để giành giải “Nhân vật của Năm” do tờ tạp chí danh tiếng Time bình chọn. Dù mới chỉ đảm nhiệm vai trò năm đầu tiên, cựu hồng y người Ác-hen-ti-na đã được ban biên tập của tạp chí Time chọn là người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2013.
Bà Nacy Gibbs, thư ký tòa soạn của tờ Time giải thích: "Hiếm khi nào một người mới xuất hiện trên thế giới đã lập tức thu hút được sự chú ý từ người già lẫn người trẻ, người sùng đạo lẫn người ngoại đạo, như Giáo hoàng Phan-xi-cô", Giáo hoàng năm nay 76 tuổi, tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh tại Bunenos Aires nước Ác-hen-ti-na. Ngài được tấn phong làm Tổng giám mục vào năm 1998, rồi trở thành Hồng y năm 2001 và đắc cử chức vụ Giáo hoàng trong cuộc mật nghị tại Vatican vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, thay cho Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô 16 xin về hưu. Giáo hoàng Phan-xi-cô nổi tiếng vì sự khiêm nhường và cam kết vì người nghèo từ rất lâu trước khi trở thành nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo.
Đầu tháng này, tạp chí Time đã thu hẹp danh sách chung kết gồm 5 người, trong đó có Tổng thống Syria Bashar Assad, Thượng nghị sĩ bang Texas Hoa Kỳ Ted Cruz và Nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính Edith Windsor. Người thứ hai trong danh sách Nhân vật của Năm là Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), người tiết lộ chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ, hiện đang xin tị nạn chính trị tại Nga. Tạp chí Time bắt đầu bình chọn "Nhân vật của Năm" lần đầu vào năm 1927. Các biên tập viên tạp chí đã chọn ra người mà họ cho là có ảnh hưởng nhiều nhất đến tin tức trong một năm, bất kể xấu hay tốt. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được Time bình chọn là nhân vật của năm 2012.
Những tin tức hình ảnh về Đức giáo hoàng đã thể hiện tình thương đối với người nghèo, người khuyết tật và tỏ ra gần gũi với người lớn trẻ em đều được báo chí và các hãng thông tấn quốc tế loan truyền rộng rãi. Đây cũng là niềm vinh dự cho Giáo hội Công giáo trong bối cảnh Giáo hội gần đây đang là tâm điểm cho những lời phê phán chỉ trích của giới truyền thông trên thế giới liên quan đến các vụ tai tiếng về các vấn đề ấu dâm, vấn đề tài chánh của ngân hàng Vatican hay sự rò rỉ thông tin mật của Tòa thánh...
Sự quyết tâm canh tân bằng lối sống đơn sơ nghèo khó và đổi mới nhân sự của Đức Phan-xi-cô bước đầu đã đem lại những thành quả nhất định cho Hội thánh Công giáo. Sự thành công này trở thành động lực thúc đẩy các tín hữu chúng ta cũng phải biết thanh luyện bản thân, đổi mới đời sống và cung cách phục vụ tha nhân, hầu loan báo tin mừng hữu hiệu hơn cho đồng bào Việt Nam thân yêu hôm nay.
3. SUY NIỆM:
1. Đức Giê-su hoàn thiện Luật Mô-sê:
Đạo Do Thái thời Đức Giê-su đã xuống cấp trầm trọng: Các đầu mục Do thái là các kinh sư và người pha-ri-sêu quá câu nệ hình thức đạo đức, coi trọng kinh kệ lễ nghi bề ngoài mà coi thường tâm tình mến Chúa bên trong nên đã bị Đức Giê-su nặng lời khiển trách là bọn đạo đức giả như sau: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình”. Vì họ đã tỏ ra cố chấp không những không gia nhập vào Nước Trời do Người rao giảng, mà còn ngăn cản người khác không cho họ vào (x. Mt 23,13); Vì họ tìm cách thu gom tiền bạc bẵng các lễ nghi kinh kệ dài dòng (x. Mt 23,14); Vì đã không lo dạy dỗ dân chúng (x. Mt 23,15), coi trọng những điều tùy phụ như nộp thuế thập phân hoa màu mà coi nhẹ điều cốt yếu là sự công bình, lòng nhân và thành tín (Mt 23,23-24)…
Đức Giê-su đến không hủy bỏ Lề Luật Mô-sê nhưng để kiện toàn, để canh tân bằng việc đưa vào Luật một tinh thần mới, tóm lại trong hai giới răn quan trọng là “mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như yêu chính mình” (x. Mt 22,35-40); Người cũng bãi bỏ hy lễ và hiến lễ toàn thiêu bằng chiên cừu của đạo cũ bằng việc thiết lập một lễ tế mới là Người dâng mình là Con Chiên Thiên Chúa chịu sát tế trên bàn thờ thập giá để đền tội cho nhân loại (x. Dt 10,8-10).
2. Đức Giê-su tuyển chọn các cộng tác viên:
Ðức Giê-su không thi hành sứ mạng cứu thế cách đơn độc, nhưng đã kêu gọi nhiều người theo làm môn đệ để cộng tác với Người loan báo Tin Mừng Nước Trời. Người không chọn những người có học vị cao, có tài ăn nói lưu loát, có kiến thức sâu rộng… như các kinh sư và biệt phái làm môn đệ của Người, nhưng đã chọn những người thuyền chài ít học (x. Cv 4,13). Ngay chính Người cũng không xuất thân từ một trường danh tiếng như người Do-thái đã phải ngạc nhiên nói rằng: "Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế !" (Ga 7,15). Các môn đệ của Đức Giê-su cũng không mấy trổi vượt về đức độ biểu hiện qua thái độ ganh tị nhỏ nhen, ham mê địa vị quyền hành đòi ngồi hai bên tả hữu của Thầy (x. Mt 20,23-24), tính tình nóng nẩy đòi tiêu diệt làng Sa-ma-ri không đón nhận Thầy trò (x. Lc 9,53-56) và hèn nhát chối Thầy ba lần (x. Ga 18,25-27) hoắc bỏ Thầy thoát thân khi Thầy gặp nạn (x. Mt 26,56). Nhưng ưu điểm của các ông là mau mắn dứt khoát đi theo Thầy, sẵn sàng bỏ nghề chài lưới bắt cá để học nghề chài lưới đánh bắt các linh hồn (x. Mt 4,19-20), lập tức bỏ thuyền bỏ cha mà đi theo Người (x. Mt 4,21-22), sẵn sàng đi con đường hẹp leo dốc là từ bỏ bản thân và vác thập giá mình mà theo chân Chúa (x. Mt 16,24), sẵn sàng từ bỏ vợ con, ruộng nương, nhà cửa... Sự mau mắn dứt khoát này đòi các ông phải liều lĩnh, tin cậy phó thác tương lai cuộc đời trong tay Ðức Giê-su. Chính nhờ những đức tính này mà khi được ơn Thánh Thần tác động, các ông đã được biến đổi nên tốt với đủ các đức tính, tài năng ăn nói (x. Cv 2,4) và trở nên khôn ngoan mạnh dạn nói lời Thiên Chúa (x. Cv 4,31).
3. Mau mắn đáp lại tiêng Chúa mời gọi:
Ngày nay Đức Giê-su tiếp tục mời gọi mọi tín hữu cộng tác với Người loan báo Tin Mừng. Vậy chúng ta đã đáp lại ơn gọi của Chúa thế nào ? Chúng ta có lập tức và dứt khoát đi theo Người hay nại đủ lý do đê trì hoãn như sợ không có đủ khả năng, không có thời giờ, thiếu tài đức… Nên nhớ rằng: Nếu chúng ta mà có đủ mọi điều kiện như các kinh sư Do Thái khi xưa, thì chắc Đức Giê-su cũng không gọi chúng ta đi theo Người, vì khi ấy chúng ta sẽ cậy dựa vào sức riêng của mình hơn cậy nhờ vào sức mạnh và ơn Chúa trợ giúp. Chính vì biết rõ chúng ta thiếu khôn ngoan thông thái nên Đức Giê-su mới kêu gọi chúng ta như Người đã cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất. Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,25-26). Vì không có Chúa, chúng ta chẳng làm gì được (x. Ga 15,5b), như Tông đồ Phao-lô đã nói: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết !” (Pl 4,13). “Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10), và như sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Ma-ri-a khi truyền tin: “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Vậy, nếu nghe thấy tiếng Chúa mời gọi, mỗi người chúng ta cần phải lmau mắn đáp lại như ngôn sứ Sa-mu-en xưa: “Lay Chúa, xin cứ phán vì tôi tớ Chúa đang nghe” (1 Sm 3,9). Chính nhờ sự mau mắn này, mà cũng như các tông đồ xưa, chúng ta sẽ được ơn biến đổi để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời.
4. Tích cực góp phần loan Tin Mừng ngay trong môi trường mình đang sống:
Mặc dù Chúa Giê-su đã về trời, nhưng Người muốn chúng ta tiếp tục sứ vụ của Người giữa trần gian hôm nay. Vậy chúng ta phải làm gì ? Trước hết chúng ta ý thức Chúa gọi chúng ta như Người đã gọi những môn đệ đầu tiên. Chúa bảo chúng ta hãy tiếp tay với Người để “lưới người” như lưới cá. Chúa không đòi chúng ta phải đi đâu xa, nhưng thả lưới ngay nơi mình đang sống và làm việc. Tấm lưới chúng ta thả có thể là lời nói, việc làm phản ánh lối sống của Đức Giê-su và nói lên tình thương của Thiên Chúa. Nếu tấm lưới ấy lỡ bị rách, chúng ta cần phải vá lại. Cũng vậy, nếu đời sống chúng ta trở nên xấu xa tội lỗi, làm sao chúng ta có thể loan báo Tin Mừng và giúp chữa lành các thói hư cho tha nhân được. Vậy mỗi ngày trước khi ngủ đêm, chúng ta phải hồi tâm “vá lưới” bằng cách xét mình để nhận ra những lỗi lầm và sai sót để xin Chúa giúp canh tân noi gương Chúa làm và lời Người dạy.
Theo Chúa là chấp nhận ra khơi, chấp nhận cuộc sống nghèo khó nay đây mai đó, không nhà cửa, là phải lên đường đến với mọi nhà và gặp gỡ hết mọi người. Theo Chúa là sẵn sàng đón nhận những sự thù ghét bách hại vì danh Chúa, chấp nhận đi con đường hẹp và ít người muốn đi, nhưng lại là con đường chắc chắn dẫn đến hạnh phúc đời đời. Hôm nay các tín hữu chúng ta cũng đang sống giữa những bà con đại đa số là người lương, chúng ta sẽ làm gì để rao giảng Tin Mừng, để biến đổi vùng đất này bừng lên ánh sáng tin yêu của Đức Giê-su ? (x. Mt 10,7-8). Hãy noi gương Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sống đơn giản gần gũi người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi để chiếu ánh sáng tin yêu của Chúa như Người đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
4. THẢO LUẬN:
1) Kèm theo lời giảng, Đức Giê-su đã chữa bệnh và trừ quỷ. Theo bạn, người rao giảng Lời Chúa hôm nay cần làm gì kèm theo việc rao giảng, để được người nghe dễ dàng đón nhận ? 2) Hôm nay, bạn sẽ đáp trả tiếng Chúa thế nào khi được ai đó mời bạn tham gia vào các sinh hoạt hội họp cầu nguyện và làm công tác theo linh đạo của các hội đoan tông đồ giáo dân ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay xin Chúa dạy chúng con luôn biết chiếu ánh sáng của Chúa bằng việc tươi cười, ngay cả những lúc xem ra cuộc đời không mỉm cười với chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến cuộc sống, dù không phải lúc nào cuộc sống cũng màu hồng đáng yêu. Thực ra, chúng con luôn có nhiều lý do để lo âu chán nản và buông xuôi giữa chừng. Nhưng xin Chúa đừng để nụ cười bị tắt trên môi chúng con. Xin cho chúng con ý thức rằng: “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn !”. Ước gì chúng con luôn thấy mình thật hạnh phúc vì được Chúa yêu thương. Xin cho chúng con luôn mang niềm vui của Chúa, để làm cho gia đình, khu xóm, xí nghiệp hay trường học của con được tràn đầy niềm vui ơn cứu độ của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM