LỄ THĂNG THIÊN C
Vinh quang của Đức Ki tô là vinh quang của
chúng ta. Mầu nhiệm Thăng thiên cũng liên quan đến chúng ta: nó mở ra cho chúng
ta một con đường mới và sống động trong Nhân tính vinh hiển của Đức Ki tô. Vì
thế, Đức tin của chúng ta vẫn được in đậm nét sự Hiện diện của Chúa Giê su ở gần
bên Cha, Chúa Giê su vị Thượng tế và Vua Vũ trụ. Nhờ hướng về Trời nên tâm hồn
giúp chúng ta càng hiện diện ở thế gian hơn.
Sách
Công vụ 1,1-11
Chúa Giê su vĩnh viễn biến mất trước mặc
các Môn đệ của Ngài, khiến các ông bàng hoàng sợ hãi. Ngài ra đi và Nước Thiên
Chúa được chờ đợi thiết lập một lần nữa dường như bị dời lại. Thực ra Nước đã hiện
diện trong thế gian như một hạt giống chỉ còn chờ cơ hội nẩy mầm. Không bao lâu
nữa, sức mạnh của Đức Ki tô tỏ hiện ngang qua các Tông đồ, cho thấy sự Hiện diện
hoạt động của Ngài. Rồi sẽ đến một ngày, Nước sẽ hiển trị trong Chúa Giê su
vinh thắng cho tất cả mọi người.
Thánh
Vịnh 46
Đây là bài ca chúc tụng Thiên Chúa, Vua
toàn cõi đất. Trong các dân, Người đã chọn một Dân ưu tuyển để hiện diện nơi họ.
Rồi sẽ đến một ngày, tất cả các dân sẽ tập họp lại chung quanh Đền Thánh của
Người.
Thư
Hr 9,24-28;10,19-33
Đức Ki tô là Vị Thượng Tế duy nhất của Giao
Ước mới. Vị Thượng tế Do Thái khi xưa đi vào trong Đền Thánh với máu tế vật
dùng để thanh tẩy Dân. Nhưng giờ đây chính Đức Ki tô, vị Thượng tế duy nhất của
chúng ta, khi đi vào Đền Thánh trên trời, đã đưa những ai tin vào Ngài đến gần
Thiên Chúa Cha.
Tin
mừng Lc 24,46-53
NGỮ
CẢNH
Chương 24 tin mừng Luca là một tổng hợp các
đề tài mà ngài đã đề cập tới trong tác phẩm của mình để diễn tả đức tin của Hội
thánh vào sự phục sinh của Chúa Giê su.
Lc đã gom lại đây ba khung cảnh vào trong một
ngày duy nhất: lời loan báo cho các phụ nữ ở mồ Chúa Giê su (24,1-12); trên đường
Em maus Chúa Giê su hiện ra cho hai môn đệ (24,13-35); và sau cùng, hiện ra cho
các môn đệ (24,36-49). Và kết thúc bằng việc rời xa các môn đệ và chuẩn bị cho
sách Cv (24,50-53).
Có thể đọc đoạn Tin mừng theo bố cục sau
đây:
1. Lời trao phó sứ mạng rao giảng tin mừng
cứu độ (24,46-48)
2. Lời hứa ban Thánh Thần và quyền năng
(49)
3. Chúa Giê su rời xa các môn đệ sau khi
chúc lành cho họ (50-51)
4. Các môn đệ trở về Giê ru sa lem, chúc tụng
Thiên Chúa (52-53).
TÌM
HIỂU
Sám hối - Tha tội: các môn đệ có vị trí của mình trong chương
trình của Thiên Chúa được mô tả trong Thánh Kinh, có điểm qui chiếu là chính
Chúa Giê su. Các môn đệ kéo dài công trình của Chúa Giê su cho tất cả mọi người.
Công trình ấy chủ yếu là loan truyền Tin mừng Phục sinh.
Giê ru sa lem: là điểm đến cũng là điểm khởi
hành (x. Cv 1,8), là bản lề của hai thế giới. Đối với Lc, trọn cuộc sống của
Chúa Giê su qui về Kinh thành ấy. Rồi cũng chính tại đó, các môn đệ phải chờ đợi
Chúa Thánh Thần ngư đến (Cv 2). Và cũng từ nơi đó mà sự bành trướng của Hội
Thánh được khởi đầu.
Hứa:
Mối liên kết giữa Chúa Giê su và các môn đệ của Ngài sẽ được ơn ban
Thánh Thần đóng dấu. Lời hứa của Thiên Chúa Cha (trong Thánh Kinh) sẽ được thực
hiện cho họ nhờ Chúa Giê su. Thánh Thần đối với Chúa Giê su như thế nào thì đối
với họ cũng như thế: Người là ánh sáng soi Lời Chúa, là sức mạnh thúc đẩy hành
động nhằm giải phóng (x. 1,35.41.67; 3,22; 4,1.14.18). Thánh Thần hướng dẫn để
hiểu biết Thánh kinh và giúp thực hiện sứ mạng tiên tri (x. Cv 1,8).
Nhận được: “Anh em hãy mặc lấy Đức Ki tô”
(Gl 3,27).
Bêthania: x. 19,28-38. Đây là chiều ngược lại
với hướng vào thành Giê ru sa lem. Khi từ Bê tha nia đi vào đền thờ (19,45),
Chúa Giê su đã được các môn đệ tung hô và chúc tụng là vua. Giờ đây, Ngài dẫn họ
đến với Ngài và chúc lành cho họ, nhưng Ngài sắp lìa xa họ để về trời, đền
thánh vinh quang Thiên Chúa.
Chúc lành: từ trước cho đến giờ, Chúa Giê
su chỉ chúc lành trên bánh (9,16; 24,30). Chúc lành là cử chỉ của vị Thượng tế
đi ra khỏi đền thánh và truyền lại cho dân lời chúc phúc của Thiên Chúa. Ông
Dacaria không thể làm điều đó (1,22). Còn Đức Ki tô thì thực hiện một cách tối
thượng và quyết định. Lời chúc lành nầy bảo đảm cho các môn đệ sự phù trợ của
Thiên Chúa, cho sứ mạng mà họ phải thi hành. Trong giờ phút lìa xa họ, Chúa Giê
su Ki tô khẳng định rằng lời chúc lành của Thiên Chúa sẽ ở lại với họ.
Được đem lên: sự biến mất của Chúa Giê su được đức tin của
Hội thánh trình bày như là một cuộc đi vào vinh quang. Đó là mặt thứ hai của sự
Phục sinh: đó không chỉ có nghĩa là thoát khỏi sự chết, mà còn là một sự tôn
vinh trong Thiên Chúa. Chúng ta đang vượt qua thế giới cảm giác mà đi vào mầu
nhiệm (x. Cv 1,9-11). Nên chú ý động từ ở thể bị động: chính Thiên Chúa tôn
vinh Chúa Giê su. Cũng động từ nầy được dùng ở 2V2,3 để mô tả sự thăng thiên của
Ê lia trên chiếc xe bằng lửa. Chúa Giê su tạm thời biến đi sau dấu chỉ bánh
(24,31). Bây giờ Ngài biến đi vĩnh viễn sau dấu chỉ của nhóm được tái lập một lần
dứt khoát. Hội Thánh là Thân thể của Ngài cũng như Thánh Thể là Thân Thể của
Ngài. Hội Thánh và Thánh Thể là sự hiện diện và mặt hữu hình của Đức Ki tô phục
sinh.
Bái lạy Ngài: từ long trọng nầy chỉ dùng ở
đây. Nó diễn tả thái độ đức tin cuối cùng của các môn đệ. Người bạn và là Thầy
của họ không chỉ là Đấng Messia (9,20), mà còn là Chúa nên họ phải thờ lạy
Ngài.
Đền thờ:
Lc kết thúc sách Tin mừng của mình ở nơi ngài đã bắt đầu. Ơn cứu độ được
loan báo giờ đã thực hiện: Chúa Giê su đi vào đền thờ vinh quang của Thiên
Chúa, trong nhà của Cha (2,49). Bức màng ngăn cách đã bị xé ra (23,45). Chúa
Giê su đi vào nơi Cực thánh với đầy đủ quyền hành. Ngài đã lắp đầy bằng sự hiện
diện của Ngài khung trời Ngài đã đi vào, đền thánh Giê ru sa lem, cả thế giới.
Bất cứ nơi nào có người tin vào Đức Ki tô cầu nguyện, thì từ nay, ở đó là Đền
thờ đích thực, Thân thể Đức Ki tô, là Hội Thánh, dấu chỉ của Đền thờ thiên quốc.
Chúc tụng: Đức Ki tô đã chúc lành cho các
môn đệ của Ngài để cho thấy rằng họ là đối tượng các phúc lành của Thiên Chúa.
Khi các môn đệ ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa là để nhìn nhận rằng những lời
chúc phúc và phúc lành chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Động cơ khiến họ tạ ơn là
Đức Ki tô phục sinh. Ngài mở ra cho họ hiểu biết Thánh Kinh và sai họ đi công bố
sự sám hối. Ngang qua họ, Hội thánh hiệp nhất với Chúa Giê su để cùng với Ngài
ca tụng Thiên Chúa Cha.
SỨ
ĐIỆP
Bốn mươi ngày sau lễ Phục sinh, chúng ta mừng
lễ Chúa Giê su Thăng thiên. Đó là giây phút mà Đức Ki tô phục sinh biến mất trước
mắt các tông đồ. Thật khó mà xem sự ra đi nầy là một niềm vui cho những người ở
lại.
Thật vậy, khi một người thân yêu rời xa
chúng ta, thì luôn là một biến cố gây đau thương tiếc nuối. Những ai thường đến
các nhà ga chiều chủ nhật có thể khẳng định rằng không phải cuộc chia li nào
cũng mang lại niềm vui.
Thế mà Giáo hội trình bày cho chúng ta biến
cố Chúa Giê su Thăng thiên như một ngày lễ. Và thậm chí đó là một trong những lễ
lớn trong năm. Thật vậy, Chúa Giê su ra đi đã hứa với chúng ta Ngài sẽ trở lại.
Ngày giờ nào, chúng ta không được biết, duy chỉ có một điều đó sẽ là một ngày
trong đại đối với chúng ta. Chúng ta khắc khoải chờ đợi Ngài. Sau một thời gian
dài vắng bóng, niềm vui sẽ vỡ lở khi gặp lại. Ngay từ bây giờ, chúng ta chuẩn bị
biến cố ấy bằng cách mở rộng tâm hồn và tiếp nhận Lời Ngài trong cuộc sống của
chúng ta.
Chúng ta vui mừng bởi vì
Đức Ki tô phục sinh mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến Chúa Cha. Chính Người
đã nói với chúng ta: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. không ai đến
được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Cùng với Ngài, nhân tính nghèo hèn
của chúng ta được nâng lên địa vị gần với Thiên Chúa. Đó là một vinh dự tuyệt
vời và là một bằng chứng tuyệt vời cho tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng
ta. Tất cả những điều đó được ban cho một cách nhưng không, và không do một
chút công nghiệp nào của chúng ta. Trước hồng ân đó, chúng ta sẽ chẳng bao giờ
ngừng dâng lời cảm tạ Ngài, với lời kinh của Thánh vịnh: “Tất cả muôn dân, hãy
vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui!”
Thăng thiên là một ngày lễ
tràn ngập niềm vui bởi vì nó đánh dấu việc Chúa Giê su khải hoàn về trời sau
khi chết và phục sinh. Đức Ki tô phục sinh vĩnh viễn đi vào trong vinh quang
cúa Cha. Đó là cuộc tái ngộ của Ba ngôi, một biến cố thần linh tuyệt vời. Sau
mỗi trận đánh, vị tướng chiến thắng sẽ khải hòan trở về, hãnh diện vì chiến
tích của mình. Thăng thiên, một phần giống như thế, Đấng đã chiến thắng sự dữ,
tội lỗi và sự chết trở về trời trong vinh quang. Và chúng ta, những nười ki tô
hữu, chúng ta hân hoan tung hô chúc tụng Ngài cùng với tất cả các thiên thần và
các thánh trên trời.
Thánh lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy vui
lên và hi vọng. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy khổ đau. Hằng
ngày, những hình ảnh bạo lực, bất công và lọai trừ nhau tràn ngập trên các
phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng các bài đọc thánh kinh hôm nay giúp
chúng ta xác tín rằng sự dữ không phải là tiếng nói cuối cùng. Đức Ki tô sống lại
vẫn đang sống trong vinh quang của Cha và không gì có thể ngăn cản Nước của
Ngài hiện đến. Ngài đã đến gieo hạt giống của Nước Trời và không gì có thể cản
trở nó nẩy mầm.
Các bài đọc ấy còn loan
báo cho chúng ta một tin vui khác: Đức Ki tô sống lại muốn nối kết tất cả chúng
ta vào chiến thắng trên sự dữ, sự chết và tội lỗi của Ngài. Chắc hẳn điều đó sẽ
không dễ dàng; sẽ có chiến đấu và cả những đau khổ. Thiên Chúa không lọai trừ
sự đau khổ cũng như các thử thách ra khỏi cuộc đời nầy. Ngài giúp chúng ta sống
một cách khác. Và Ngài sẵn sàng trợ giúp sự yếu hèn của chúng ta.
Với biến cố Thăng thiên nầy, một lịch sử đã
chấm dứt và một lịch sử khác đang bắt đầu. Đức Ki tô đã hoàn tất sứ mạng của
Ngài. Chúng ta đã dõi theo từng giai đọan, các lời rao giảng, các phép lạ, các
cuộc gặp gỡ, cái chết và phục sinh của Ngài. Các tông đồ đã nhìn thấy đấng phục
sinh. Các sách tin mừng nói với chúng ta rằng: “trong 40 ngày, Ngài đã hiện ra
với họ và nói với họ về Nứơc Thiên Chúa. Điều quan trọng không phải là tìm hiểu
con số 40 có chính xác không, nhưng hiểu được ý nghĩa của nó. Trong thế giới
Kinh Thánh, đó là thời gian cần thiết để chuẩn bị cho một đời sống mới. Bắt đầu
sứ vụ, Chúa Giê su đã phải trải qua 40 ngày trong sa mạc để chuẩn bị sứ mạng.
Cũng thế, khoảng thời gian 40 ngày giữa lễ Phục sinh và lễ Thăng thiên, Chúa
Giê su chuẩn bị cho các tông đồ của Ngài tiếp nhận sứ mạng.
Cuộc thăng thiên về trời
của Chúa Giê su đánh dấu sự khởi đầu của một lịch sử mới. Đó là thời gian Giáo
Hội, thời gian sứ mạng bắt đầu. Các tông đồ được sai đi để làm chứng và mang
tin mừng khắp thế gian. Nhiều lần Ngài đã báo trước rằng họ phải chịu bách hại
và bạo lực. Nhiều người khác sẽ bị nhạo báng. Điều ấy chúng ta đang thấy diễn
ra hằng ngày. Nhưng chúng ta đừng để mình ngã lòng. Thật vậy, chính Đức Ki tô sẽ
có tiếng nói cuối cùng. Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế và không
có ai cũng như không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài.
Tuần lễ tới, chúng ta sẽ
mừng lễ Hiện Xuống. Đức Maria đã hiện diện giữa các tông đồ đang chuẩn bị tâm
hồn. Và giờ đây, Mẹ cũng sẽ vui mừng giúp đỡ chúng ta đón nhận biến cố ấy. Cùng
với Mẹ và hiệp thông với nhau, chúng ta cầu nguyện và khẩn xin: “Ôi lạy Chúa,
xin sai Thánh Thần của Chúa đến canh tân bộ mặt thế giới”.
ĐÀO SÂU
CHÚA
GIÊ SU VỀ CÙNG THIÊN CHÚA CHA
Cv 1,1-11 Sau 40 ngày hiện ra cho các môn đệ, Chúa Giê
su về trời
Tv 47,1-2, 5-6, 7-8 Thiên Chúa ngự lên giữa
tiếng tưng bừng
Hr 9,24-28;10,19-23 Đức Ki tô đi vào cung
thánh trên trời
Lc 24,46-53 Những lời từ biệt của Chúa Giê
su trước khi về trời
1. HỎI:
Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?
THƯA: VỀ CÙNG THIÊN
CHÚA CHA. Chúa Giê su ban những lời dạy cuối cùng trước khi về cùng Thiên Chúa
Cha (Bđ 1). Sự kiện nầy đánh dấu một thời gian mới của Hội Thánh. Chúa Giê su
được Thiên Chúa Cha tôn vinh trên trời (Bđ 2) là cơ hội và động lực cho Hội
Thánh khởi đầu công cuộc rao giảng Tin mừng như lệnh truyền của Ngài (BTM).
2. HỎI:
Sách Công vụ Tông đồ là sách gì?
THƯA: Sách Công vụ Tông
đồ là tác phẩm thứ hai của Thánh Lu ca, tiếp nối sách Tin mừng thứ nhất kết
thúc với biến cố Chúa Giê su lên trời. Sách Công vụ cho thấy sự bành trướng mau
lẹ của Hội thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần theo lệnh truyền của
Chúa Giê su trước khi về trời: ‘Anh em sẽ nhận lấy Chúa Thánh Thần ngự xuống
trên anh em, anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy ở Giê-ru-sa-lem và trên toàn cõi
Giu-đê và Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất’(1,8).
3. HỎI:
Bài đọc một (Cv 1,1-11) nói về điều gì?
THƯA: Bài đọc một kể lại
biến cố Chúa Giê su rời bỏ trần gian để trở về với Thiên Chúa Cha sau khi ban
những lời giáo huấn cuối cùng cho các môn đệ.
4. HỎI:
Con số 40 (Cv 1, 3) có ý nghĩa như thế nào?
THƯA: Trong truyền thống
Kinh Thánh con số 40 không có ý nghĩa thời gian, mà chỉ có ý nghĩa biểu tượng,
vừa chỉ thời gian thử thách vừa chỉ thời gian trưởng thành. Đó là thời gian chờ
đợi cho một sự sinh ra mới. Như Đại lụt diễn ra trong 40 ngày và 40 đêm; như
Mô-sê ở trên núi 40 ngày; như người Do thái lang thang trong sa mạc 40 năm. Bốn
mươi ngày Chúa Giêsu trong hoang địa chuẩn bị cho sứ mệnh của Đấng Cứu Thế. Bốn
mươi ngày các tông đồ được chuẩn bị để lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thực hiện sứ
mệnh làm nhân chứng.
5. HỎI:
Tại sao sách Công vụ (bài đọc 1, của Luca) cho biết khoảng 40 ngày sau khi sống
lại Chúa Giê su đã lên trời trước mắt các Tông đồ. Còn trong Tin mừng thứ ba
(cũng của Luca) thì lại kể việc Chúa lên trời liền sau khi Chúa sống lại.
THƯA: Đó là hai cách
nói về một mầu nhiệm duy nhất. Câu truyện được kể trong sách Công vụ là việc
Chúa Giê su phục sinh hiện ra lần cuối cùng cho các môn đệ trước khi không còn
xuất hiện công khai trên thế gian nầy nữa cho đến khi Ngài trở lại. Còn việc
Chúa Giê su lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa nằm trong mầu nhiệm Phục sinh. Chúa
Giê su khi sống lại đã ở ngay trong vinh quang Thiên Chúa Cha, nói theo ngôn ngữ
Kinh Thánh: ‘đã ngự bên hữu Thiên Chúa’. Thỉnh thoảng Ngài hiện ra với các môn
đệ để củng cố Đức tin của họ.
6. HỎI:
Mầu nhiệm lên trời có nghĩa gì?
THƯA: Việc Chúa Giê su
lên trời và và việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống không thể tách rời khỏi mầu nhiệm
Phục sinh, vì cả ba đều nhằm khai triển mầu nhiệm Phục sinh của Đức Ki tô. Lên
trời có nghĩa là kết thúc các lần hiện ra của Chúa Giê su Phục sinh với các
Tông đồ, kết thúc sự hiện diện của Đấng Phục sinh dưới hình thức thấy được, sờ
được, nhưng không có nghĩa là Ngài vắng mặt. Trái lại, mầu nhiệm lên trời mở ra
sự hiện diện mới của Đức Ki tô ngang qua hoạt động Chúa Thánh Thần. Từ nay,
Chúa Giê su hiện diện trong Giáo Hội cùng với sứ mạng loan báo Tin mừng.
7. HỎI:
‘Ngự bên hữu Thiên Chúa’ có nghĩa gì?
THƯA: Đó là cách nói
Kinh Thánh có nghĩa là ‘ngang hàng với Thiên Chúa’, chỉ mình Chúa Giê su đã được
trao quyền bá chủ trên trời dưới đất, dẫn dắt toàn thể tạo vất đến chốn vinh
quang, và đồng thời trở thành đấng cầu bầu cho loài người.
8. HỎI:
Tại sao Chúa Giê su truyền cho các môn đệ không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem (Cv
1,4) trong khi các bản văn Tin mừng khác lại kể các lần hiện ra của Chúa Giêsu
phục sinh ở những nơi khác?
THƯA: Các bản văn Tin mừng
khác cho chúng ta biết rằng Đấng Phục Sinh hiện ra ở Ga-li-lê, nhưng ghi nhận của
Thánh Lu ca không đi ngược với những gì được nói đến ở các đoạn khác trong Tân
Ước. Lí do là vì tác giả không quan tâm theo thứ tự chính xác về thời gian và địa
lý các sự kiện về sự sống lại, nhưng chủ ý trình bày sứ điệp nền tảng của toàn
bộ Tin mừng của ngài: Giê-ru-sa-lem là trung tâm tôn giáo của Do thái giáo.
Chúa Giêsu hướng đến Thành Thánh này từ đầu cho đến khi kết thúc sứ mệnh của
mình. Kế đến, chính từ thành Giê-ru-sa-lem mà sứ mạng phải được tiếp tục qua
các tông đồ.
9. HỎI:
Tại sao Chúa Giêsu truyền phải bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem?
THƯA: Bởi vì theo thánh
Luca, Giê-ru-sa-lem là trung tâm mà từ đó tỏa ra sứ điệp mới về ơn cứu độ do
các tông đồ rao giảng, như đã được báo trước bởi các lời tiên tri xưa.
10.
HỎI: ‘Hai người mặc áo trắng’ có ý nghĩa gì?
THƯA: Thánh Lu ca thích
số hai. Như trong trình thuật ngôi mộ trống, ngài mô tả hai người mặc áo trắng
trong ngôi mộ (Lc 24,4), trong biến cố biến hình có hai ông Mô-sê và Ê-li a từ
trời xuống (Lc 9,30).
11.
HỎI: Sứ điệp của các thiên sứ gửi cho các môn đệ có nội dung như thế nào?
THƯA: Các thiên sứ bảo
các môn đệ đừng cứ đứng nhìn trời, nơi Chúa Giê su đã lìa xa các ông (Cv 1,
11). Để ở lại trong tình yêu của Ngài thì hãy thi hành lệnh truyền Ngài để lại,
là làm chứng nhân cho Ngài trên khắp cùng trái đất cho đến khi Ngài trở lại.
12.
HỎI: Sứ vụ ấy có quan trọng không?
THƯA: Các sách Tin mừng
theo cách của mình đều kết thúc với một sứ mệnh giao phó cho các môn đệ. Tương
tự như vậy, từ những trang đầu tiên sách Công vụ, Chúa Giêsu nhắc nhở Giáo Hội những
đòi hỏi chính yếu: khi Giáo Hội, hay cộng đoàn giáo hội không còn truyền giáo, thì
không còn là Giáo Hội của Đức Ki tô nữa.
13.
HỎI: Thánh Luca muốn trình bày cho chúng ta điều gì khi nói rằng ‘Người được cất
lên ngay trước mắt các ông (Cv 1, 9)?
THƯA: Chúa Giêsu tỏ nhiều
‘bằng chứng’ về sự phục sinh của mình ra cho những người được gọi để làm chứng
nhân (1, 3). Nhưng giờ đây Ngài phải tỏ cho các môn đệ biết mục tiêu cuối cùng
của sự sống lại. Bằng cách lên trời trong lần xuất hiện cuối cùng này, Chúa
Giêsu mạc khải cho họ ý nghĩa cuộc đời của Ngài: xuất phát từ Chúa Cha, giờ đây
Ngài trở về với Chúa Cha, nhưng Ngài không trở về đó một mình, mà còn mang theo
với Ngài ‘một đoàn dân tù tội’ (Ep 4,8) mà Ngài đã kéo ra khỏi quyền lực của
bóng tối để đưa vào vương quốc ánh sáng (Cl 1,13), Ngài ra đi dọn chỗ cho chúng
ta để Ngài ở đâu, chúng ta cũng ở đó (Ga 14,2-3).
14.
HỎI: Lời của hai thiên sứ ‘Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời?’
(Cv 1, 11) có ý nghĩa gì?
THƯA: Hiện giờ, các môn
đệ vẫn còn trên thế gian, giữa những người mà họ phải làm chứng cho thực tế mới
của Vương quốc Thiên Chúa được Chúa Giêsu khai mạc: một vương quốc không như những
vương quốc trần gian, được thành lập trên quyền lực và trên tiền bạc (Lc 22,
25-26), nhưng một Vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình. Vương quốc này
không thể được tìm kiếm trong các đám mây, nhưng đã ở giữa chúng ta (Lc
17,20-21) và lớn lên mỗi lần chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
15.
HỎI: Bài đọc 2 (Êp 1, 17-23) có nội dung như thế nào?
THƯA: Cậy nhờ Chúa Giê su được Thiên Chúa tôn vinh,
thánh Phaolô cầu xin cho các tín hữu được ơn khôn ngoan để lòng trí mở ra mà
hiểu rõ đâu là niềm hy vọng mà họ đã nhận được.
16.
HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 24, 46-53) như thế nào?
THƯA: Bài Tin mừng thuộc
chương cuối cùng Tin mừng Lu ca nói về sự phục sinh và các biến cố sau phục
sinh (ch. 24). Sau khi các bà phát giác ngôi mộ trống (1-7), các tông đồ chạy
ra mộ (8-12). Chúa Giê su hiện ra với các môn đệ (13-43). Ngài truyền dạy những
lời cuối cùng trước khi về trời (46-53). Có các ý sau đây: 1) Chúa Giê su Phục
Sinh ban sứ điệp (24,46-49); 2) Chúa Giê su lên trời (24,50-53).
17.
HỎI: Lệnh truyền cuối cùng của Chúa Giê su là lệnh gì?
THƯA: Lệnh truyền cuối
cùng quan trọng của Chúa Giê su nói đến sứ mạng phổ quát: ‘Hãy đi khắp muôn
dân, rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo’. Chúa Giê su muốn các môn đồ tiếp
tục sứ mạng của Ngài là mang Tin mừng cứu độ đến cho mọi người.
18.
HỎI: ‘Hãy đi’ có nghĩa gì?
THƯA: Lệnh truyền ‘hãy
đi’ đòi các môn đồ phải rời Giê-ru-sa-lem để đi đến với mọi người ‘khắp muôn
dân’. Sứ mạng đòi phải khởi hành, rời bỏ nơi ở, khỏi môi trường xã hội, khỏi thế
giới tinh thần của mình. Đối với các môn đệ, là phải đi ra khỏi môi trường Do
thái để đến với lương dân, dù họ ở gần hay xa về phương diện địa lí.
19.
HỎI: ‘Rao giảng Tin mừng’: Tin mừng nào?
THƯA: Tin mừng mà các
môn đồ phải rao giảng cho mọi người chính là công cuộc cứu độ trần gian do
Thiên Chúa thực hiện qua cuộc tử nạn và tôn vinh của Chúa Giê su.
20.
HỎI: Cho ai?
THƯA: ‘Cho mọi loài thụ
tạo’. Chỉ có con người mới có thể nghe lời rao giảng và đáp lại bằng đức tin.
Nhưng chắc hẳn Mác cô cũng nói tới ảnh hưởng của mầu nhiệm cứu độ trên toàn thể
tạo thành trong vũ trụ, như thánh Phao lô đã khẳng định: “Muôn loài thụ tạo những
ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài. Quả
thế muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì
Thiên Chúa bắt chịu vậy, tuy nhiên vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được
giải thoát, không lệ thuộc vào cảnh hư nát mà được cùng con cái Thiên Chúa
chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 19-22; Cl 1,1-23).
21.
HỎI: ‘Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin’, dấu lạ là gì?
THƯA: Dấu lạ mà Chúa
Giê su nói tới là những đặc sủng Ngài sẽ ban tràn đầy cho Giáo Hội. Nguyên ngữ
dấu lạ có nghĩa là ‘quà tặng, ơn ban’ (1Cr 12,27-31); tương đương với ‘ân sủng’
(Rm 1,5), ‘ơn’ (Ep 4,7.11), hay ‘ơn gọi’ (Rm 1,1). Do đó, dấu lạ là những kết
quả mà Thánh Thần mang lại cho người tín hữu, chứ không do công lao của họ. Dấu
lạ có thể được coi như ơn gọi xây dựng cộng đoàn và phục vụ tha nhân trong tình
yêu mến.
22.
HỎI: Tại sao các tông đồ trở lại Giê-ru-sa-lem và bắt đầu ca tụng Thiên Chúa
trong đền thờ mặc dù giáo huấn của Chúa Giêsu dạy từ nay phải ‘thờ phượng Thiên
Chúa trong tinh thần và trong chân lý’?
THƯA: Với những lời
này, Chúa Giêsu đã không có ý định loại bỏ việc cầu nguyện trong đền thờ hoặc
trong các nhà hội. Thật vậy, chính Ngài cũng không từ chối đi đến những nơi thờ
phượng của người Do thái để cầu nguyện và rao giảng. Ngài chỉ muốn lưu ý một
khía cạnh quan trọng: mỗi Kitô hữu qua phép rửa trở thành đền thờ của Thiên
Chúa Ba Ngôi, do đó, con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong sâu thẳm của tâm
hồn hoặc lương tâm của mình.
Còn các tông đồ trở lại đền thờ bởi vì ban
đầu họ không phân biệt Do thái giáo từ Kitô giáo, và chỉ sau khi biến cố Hiện
Xuống và với suy tư thần học, họ mới hiểu rằng Kitô giáo không phải là một giáo
phái từ Do thái giáo, nhưng là tôn giáo riêng biệt, dù thực sự được hoàn thiện
từ Do thái giáo. Dần dần, các Kitô hữu đầu tiên tụ tập trong những gia đình rộng
rãi hơn, và họ đã lui tới đó thay cho các nhà hội và Đền thờ, nơi họ cầu nguyện
và cử hành Bí Tích Thánh Thể.
23.
HỎI: Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa như thế nào?
THƯA: Thực thi sứ điệp
Lời Chúa hôm nay, chúng ta không chỉ phải tin rằng Thiên Chúa đã tôn vinh Chúa
Giê-su Ki-tô (như Thánh Phao-lô viết trong thư Ê-phê-xô) mà còn phải hiểu tại
sao Chúa Giê-su Ki-tô lại được Thiên Chúa tôn vinh như vậy và nhất là chúng ta
phải biết sống như thế nào đề tôn vinh Chúa Giê-su Ki-tô. Hãy lấy cột mốc Chúa
Giê-su lên trời làm khởi đầu mới cho hành trình đức tin của mình.
GLCG 665 Cuộc Thăng Thiên của Đức Kitô đánh
dấu việc nhân tính của Chúa Giêsu vĩnh viễn tiến vào quyền năng thiên giới của
Thiên Chúa, từ đó Người sẽ lại đến, nhưng trong khoảng thời gian đó, việc Thăng
Thiên đã che giấu Người khỏi mắt người ta. 666 Chúa Giêsu Kitô, là Đầu của Hội
Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là
chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh
viễn ở với Người. 667 Chúa Giêsu Kitô, đã tiến vào cung thánh trên trời một lần
cho mãi mãi, không ngừng chuyển cầu cho chúng ta với tư cách là Đấng trung
gian, Đấng luôn luôn tuôn ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta.