Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHỦ NHẬT 6 PHỤC SINH

ctt.jpg

Chúng ta đang luôn tiến trên đường khám phá Chân lí vẹn toàn. Trong Chúa Giê su Ki tô, Chân lí đã được mạc khải, nhưng chúng ta lại tiếp nhận nó bằng trí óc con người bị chi phối vì quá nhiều thành kiến và đủ thứ sợ hãi, vv..Hãy tin rằng Chúa Thánh Thần luôn làm việc trong cuộc lữ hành của chúng ta và một ngày nào đó đến Giờ của Người, Người sẽ giúp chúng ta được hiểu Lời đã được Đức Ki tô đấng Cứu độ chúng ta ban cho chúng ta.

Sách Công vụ 15,1-2.22-29

Từ khởi thủy, Hội Thánh đã phải đối đầu với muôn vàn khó khăn, nhất là bởi người Do Thái thủ cựu, sợ một giáo lí mới. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần làm việc trong Cộng đoàn và thánh Phao lô đã cho biết ơn gọi đến Tự do nội tâm, qua đó, ngài biện mình cho việc từ bỏ nghi thức cắt bì và một vài việc thực hành khác. Hội Thánh sẽ còn đương đầu với những chạm trán mạnh mẽ trước khi có thể hoàn toàn tách khỏi một Quá Khứ chết.

Thánh Vịnh 66

Lo lắng kêu gọi tất cả anh em mình sống trong Ánh sáng đã bừng lên trong buổi bình minh của sự Phục sinh, người ki tô hữu mong rằng toàn thể hoàn cầu thờ phượng Đấng tỏ hiện qua sự Phục sinh của Chúa Giê su.

Sách Khải Huyền 21,10-14.22-23

Trong thành đô của Thiên Chúa sẽ tỏ hiện vào lúc cuối thời gian, Chân lí Thiên Chúa sẽ tỏa sáng. Đó là Chân lí được khẳng định bởi Hội Thánh được xây dựng trên Chúng từ của các Tông đồ. Chính Đức Ki tô sẽ là nguồn Ánh sáng chứa chan..

Tin mừng Ga 14,23-29

NGỮ CẢNH

Chúng ta đang ở trong diễn từ tạm biệt của Chúa Giê su với các môn đệ (13,31-14,31). Khởi sự sau khi Giu đa bỏ phòng tiệc ra đi và kết thúc bằng lời Chúa Giê su mời gọi các môn đệ ra khỏi nhà Tiệc li, diễn từ nầy được viết theo bố cục bốn phần, gợi ý bằng một câu hỏi của các môn đệ: về sự ra đi của Ngài (13,31-38); về đường đến gặp Ngài (14,1-6); về việc nhìn thấy Thiên Chúa Cha (14,7-14) và về sự tỏ hiện của Chúa Giê su cho thế gian (14,15-31).

Đọan văn của chúng ta nằm trong phân đoạn cuối cùng.

TÌM HIỂU

Chúa Giê su đáp:  Chúa Giê su không trực tiếp trả lời, nhưng chỉ lặp lại và xác định thêm những gì Ngài đã nói trước. Chỉ những ai tin vào Lời của Ngài mới có thể nhìn thấy Ngài tỏ hiện trong vinh quang. Chỉ có sự tỏ hiện thiêng liêng mà thôi tức là Đức Ki tô tỏ hiện trong tâm hồn các môn đệ chứ không ở bên ngoài.

Chúng ta sẽ đến:  trong câu 21, Chúa Giê su chỉ nói về sự tỏ hiện của cá nhân Ngài. Bây giờ Ngài nói ở số nhiều: cùng với Chúa Giê su, luôn luôn có Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (hàm ý). Việc Ba ngôi ngự đến được thực hiện nơi mỗi người môn đệ của Chúa Giê su ngang qua bí tích Rửa tội.

Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều:  Lời Chúa Giê su nói không được các môn đệ Ngài hiểu. Mà họ cũng không thể hiểu được, vì thiếu ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần sẽ lặp lại lời của Chúa Giê su và “như vị Thầy dạy nội tâm”, Ngài sẽ chỉ cho Hội Thánh biết đâu là những lời Chân lí và Sự Sống.

Sẽ làm anh em nhớ lại: Chúa Thánh Thần chính là sự hiện diện linh hoạt của Thiên Chúa, giúp cho người đọc luôn luôn khám phá ra những ý tưởng mới của Tin mừng nhằm sinh ra nhiều hoa trái mới thánh thiện.

Bình an của Thầy: Bình an trong Kinh Thánh là tổng hợp tất cả ơn lành phong phú và hòa hợp. Gio an trình bày bình an đó như gắn liền với con người Chúa Giê su, do đó như là kết quả của sự phục sinh của Ngài (16,33; 20,19.21.26). Bình an đối ngược lại với sự xáo trộn được nói đến trong câu 14,1.27. Nó không phải giống như bình an của thế gian, trong tiện nghi, thỏa hiệp hay tòng phạm, nhưng là bình an trong chân lí sung mãn, công chính và tình yêu. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thiết lập bình an ấy, và nó bao hàm trong việc hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa, và đi đôi với niềm vui (14,28; 15,11; 17,13; 20,20). 

Chúa Cha cao trọng hơn Thầy:  câu  nầy của Chúa Giê su thường được nhiều bè rối sử dụng để phủ nhận sự ngang hàng giữa Con với Cha. Nhưng người ta không thể cô lập câu nầy ra khỏi những bản văn khác của thánh Gio an khẳng định rõ ràng sự ngang hàng giữa hai Ngôi (x. 10,10). Câu nầy chỉ có nghĩa trong tương quan với điều kiện Chúa Giê su Tôi tớ, bị sỉ nhục trong cuộc Khổ nạn, nhưng sau cùng nhận lãnh vinh quang từ nơi Cha (13,32; 17,5).

Anh em tin: khẳng định nầy qui chiếu đến câu “Anh em hãy tin vào Thầy” trong câu 1. Đức tin các môn đệ được kiên vững trong thử thách.

SỨ ĐIỆP

Trong bài đọc thứ nhất, thánh Luca nói với chúng ta về sự chạm trán giữa hai cộng đoàn hoàn toàn khác biệt. Ông Phê rô vừa tiếp nhận vào Hội Thánh một viên sĩ quan La mã, nghĩa là một người không giữ đạo Do thái, và phía bên kia, những người ki tô hữu vốn là những người Do thái tòng giáo vốn rất gắn bó với lề luật Mô sê. Những người nầy muốn áp đặt cho người người ngọai trở lại các phong tục của lề luật Mô sê như chính họ đang giữ. Nhưng họ trả lời: “Chúng tôi không có một chút liên hệ gì đến lề luật Mô sê cả. Chính trong Đức Ki tô mà chúng tôi trở về”.

Lề luật Mô sê đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử dân Thiên Chúa. Khi Chúa Giê su đến, lề luật ấy không những không bị bãi bỏ, mà lại được kiện toàn. Với Ngài chúng ta đi vào một giao ước mới. Sự hiện diện của Ngài trong đời sống và trong thế giới chúng ta sẽ mang lại một cuộc đảo lộn hoàn toàn. Theo đạo mà chỉ tuân giữ những điều luật buộc và không làm những điều cấm đóan thì không còn đủ nữa. Giờ đây, chúng ta được mời gọi chìm sâu vào trong đại dương tình yêu ở trong Thiên Chúa. Nếu thực hiện được điều đó thì trong cuộc sống không còn điều gì giống như trước nữa

Trong bài trình thuật sách Công vụ, thánh Luca cho biết rằng Hội Thánh không được sai đi để loan báo một lề luật, một nền luân lí hay để áp đặt các phong tục. Chắc chắn, lề luật và nền luân lí luôn là cần thiết, nhưng tự chúng không đủ để cứu độ chúng ta. Chính bởi đức tin vào Đức Ki tô và trong tương quan đức tin với Ngài mà chúng ta nhận được ơn Cứu độ. Chỉ có Ngài là Đường, là Chân lí và là Sự sống của chúng ta. Vì thế, chỉ có Ngài là Đấng mà chúng ta phải đi theo và nghe Lời.

Là người Ki tô hữu có nghĩa là để mình được thúc đẩy bởi Thần Khí của Chúa Giê su trong mọi trường hợp. Nếu chúng ta để Ngài ngự trị trong chúng ta, nếu chúng ta coi Ngài như là người hướng dẫn cuộc sống, thì lúc bấy giờ, tất cả mọi sự đều đảo lộn, đời sống của chúng ta sẽ hòan toàn được biến đổi. Điểm qui chiếu của chúng ta không còn là một lề luật hay một nền luân lí như vào thời ông Mô sê, nhưng là chính con người của Chúa Giê su. Duy bởi nhờ Ngài thôi mà chúng ta được cứu độ.

Trong Hội Thánh, chúng ta là một gia đình lớn đã chọn đặt niềm tin tưởng vào Đức Ki tô. Cùng nhau chúng ta sống theo ánh sáng của Ngài và đáp trả lời mời gọi của Ngài. Cùng nhau chúng ta được sai đi vào thế giới hôm nay để làm chứng cho công trình cứu độ của Ngài. Chính Chúa Giê su đã yêu cầu các môn đệ của Ngài và qua họ, yêu cầu toàn thể Hội thánh: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Lời mời gọi ấy cũng gởi đến cho từng người trong chúng ta. Với tư cách là người Ki tô hữu được rửa tội và được thêm sức, tất cả chúng ta đều được sai đi vào sứ mạng, cả khi chúng ta không có nhiều tài năng.

Hội thánh mà Chúa Giê su sai đi, đó là toàn thể dân Thiên Chúa. Nó được hình thành từ những người thuộc mọi dòng tộc, văn hóa khác nhau, mọi khuynh hướng và phong tục khác nhau. Dù không đạt tới hoàn toàn, tất cả đều nỗ lực sống theo tinh thần Chúa Giê su đều làm chứng cho tin mừng Ngài. Mối bận tâm sâu xa của chúng ta không phải là ơn cứu độ của riêng bản thân mình hay cuộc sống đầy đủ của mình. Ưu tiên của chúng ta phải là ơn Cứu độ cho tất cả mọi người, là xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, một thế giới con cái Thiên Chúa.

Hội Thánh phải mở rộng cửa tiếp đón mọi người, không chỉ những người đau yếu, những người xa lạ với những người trung thành trong đức tin, mà còn cả những người mới bắt đầu, những người tái khám phá đức tin và nhất là những người ở ngòai. Hôm nay, Thánh Lu ca cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không được phép áp đặt người khác phải sống như chúng ta. Chúng ta phải tôn trọng họ trong cách sống và sự khác biệt của họ. Điều thiết yếu không phải là trở về một truyền thống một thời tốt đẹp. Người ki tô hữu là người đã đặt đức tin và lòng tin tưởng của mình nơi Chúa Giê su và đã dấn thân tiếp tục làm việc trong thế giới. Chúng ta có thể là những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa qua suốt cuộc đời của chúng ta, qua lời nói, cử chỉ, và tất cả những gì mà chúng ta làm cho người khác, đặc biệt cho những người nghèo hơn. Chính khi cố gắng yêu thương như Chúa Giê su và cùng với Ngài mà chúng ta sẽ biểu lộ một điều gì đó về khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.

ĐÀO SÂU

HIỆP THÔNG

Cv 15,1-2, 22-29 Hội Thánh quyết định đón nhận các dân ngoại

Tv 67,1-2, 4-5, 6-7 Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài         

Kh 21,10-14, 22-23 Con Chiên là đèn soi sáng cho Dân Chúa

Ga 14,23-29 Chúa Giê su hứa ban Thánh Thần

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: Hội thánh là HIỆP THÔNG. Hiệp thông không đến từ con người nhưng từ sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa (BTM). Các Tông đồ sẽ chứng tỏ nhiệt tình của Hội Thánh, thi hành Lời Chúa (Bđ1); và cuối cùng bài Khải huyền sẽ mở ra cho chúng ta được chiêm ngưỡng trước vinh quang của Nước Trời, tức là Hội Thánh sau này nơi Thiên Quốc.

2. HỎI: Bối cảnh lịch sử của bài đọc một?

THƯA: Vào khoảng năm 50 trước Công Nguyên, cộng đoàn An-ti-ô-ki-a gồm hai thành phần: tín hữu gốc Do thái và tín hữu gốc dân ngoại. Vì tập quán của họ rất khác biệt nên cuộc sống chung càng lúc càng trở nên khó khăn. Không những người gốc Do thái được cắt bì và coi người gốc ngoại là những người không được cắt bì, mà điều trầm trọng hơn là nhiều tập tục Do thái trong cuộc sống hằng ngày đã khiến họ phải mâu thuẫn với nhau. Vì thế cuộc tranh luận: có nên bắt người ngoại phải vào Do thái giáo trước khi trở thành người ki tô hữu không.

3. HỎI: Những lí do nào dẫn đến cuộc tranh luận ấy?

THƯA: Người ta nêu ra ba lí do: Một là để được hiệp nhất trong cộng đoàn mọi người phải có cùng lối sống đạo giống nhau. Hai là để trung thành với Đức Giê su Ki tô. Ba là cần phải được cắt bì nếu muốn được cứu độ.

4. HỎI: Ba lí do ấy có thuyết phục không?

THƯA: Không. Để sống trong sự hiệp nhất, cộng đoàn không nhất thiết phải có cùng tư tưởng, cùng nghi thức, cùng lối sống giống nhau. Còn trung thành với Đức Ki tô đòi phải có sự cập nhật Tin mừng của Ngài chứ không phải là lặp lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Và cuối cùng điều thiết yếu để được cứu độ, không phải là cắt bì, mà là đức tin vào Đức Ki tô.

5. HỎI: Cuối cùng các tông đồ đã quyết định như thế nào?

THƯA: Các Ngài đã đưa ra hai quyết định: Một là các tín hữu gốc Do thái không được bắt các tín hữu gốc ngoại phải chịu phép cắt bì và giữ những tập tục Do thái giáo. Hai là để kính trọng người anh em Do thái của mình, các tín hữu gốc ngoại phải kiêng những gì có thể gây xáo trộn cho cuộc sống chung đặc biệt có liên quan đến việc ăn uống.

6. HỎI: Cách giải quyết ấy có trung thành với những gì Chúa dạy không?

THƯA: Giải quyết như thế là cách tốt nhất để tỏ lòng trung thành với Đức Giê su Ki tô, vì Ngài đã dạy: ‘Chính ở tình yêu thương nhau mà người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy’.

7. HỎI: Bài đọc 2 (Kh 21, 10-14.22-23) nội dung như thế nào?

THƯA: Hội thánh trên đưởng lữ hành không được quên đích đến của mình là Giê-ru-sa-lem trên trởi được ánh sáng Thiên Chúa chiếu soi. Ngay từ giờ Hội thánh cũng đã hưởng nhờ ánh sáng ấy trên nền tảng đức tin các Tông đồ và trong sự hiệp thông với Con Chiên.

8. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Ga 14, 23-29) như thế nào?

THƯA: Đoạn Tin mừng nằm trong phần 2 của Tin mừng Ga: ‘Sách về Giờ của Chúa Giê su’ và chương 14 là diễn từ ly biệt, trong đó Chúa Giêsu nói đến việc ra đi của Người và những điều phải có nơi môn đệ của Người. Có 3 ý chính: 1. Chúa Cha đến (cùng với Chúa Giê su) (14,23-24); 2. Đấng Bảo trợ đến (14,25-26); 3. Chúa Giê su ban bình an và ra đi (14,27-29).

9. HỎI: Gioan đã mô tả thái độ Chúa Giê su như thế nào?

THƯA: Gioan mô tả Chúa Giê su hoàn toàn tự do. Chính Ngài lên tiếng trấn an các môn đệ chứ không ngược lại. Chính Ngài loan báo điều sắp xảy đến: ‘Thầy nói tất cả những lời ấy trước khi xảy ra; để khi xảy ra, anh em tin’. Không những Ngài biết trước, mà Ngài còn chấp nhận, và không tìm cách trốn chạy. Ngài báo trước cho họ biết Ngài sẽ ra đi, nhưng là điều kiện và khởi đầu cho một sự hiện diện mới: ‘Thầy ra đi, và Thầy trở lại với anh em’.

10. HỎI: ‘Lời’ mà Chúa Giê su nói đến ở đây là ‘lời' nào?

THƯA: Đó chính là điều răn yêu thương: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Do đó, trung thành giữ lời Ngài có nghĩa là hiến thân phục vụ người khác như chính Chúa Giê su đã làm gương bằng cách rửa chân cho các môn đệ.

11. HỎI: Như thế vai trò của Chúa Thánh Thần là gì?

THƯA: Trước tiên, Ngài sẽ nhắc lại cho các tông đồ điều răn yêu thương mà Chúa Giê su đã trối lại. Kế đến Ngài hướng dẫn họ thi hành điều răn ấy theo như Chúa Giê su đòi hỏi. Và cuối cùng, Ngài chính Thánh Thần của Đức Ki tô sẽ là sức mạnh trợ giúp họ thực hiện điều răn ấy.

12. HỎI: Tại sao Chúa Thánh Thần được gọi là ‘Đấng Bảo trợ’?

THƯA: Vì Ngài bảo vệ chúng ta chống lại sự yếu đuối của chính chúng ta. Vì điều bất hạnh lớn nhất của chúng ta là quên rằng điều thiết yếu mà Chúa Giê su đã dạy là yêu thương nhau và phục vụ nhau. Như trong công đồng đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem, trước những khó khăn trong việc sống chung giữa người Do thái và dân ngoại, Đấng Bảo trợ đã hoạt động và hướng dẫn các tông đồ phải bảo vệ sự hiệp nhất bằng mọi giá.

13. HỎI: Tác giả Tin mừng muốn nhấn mạnh điều gì khi kể cho chúng ta những lời của Chúa Giêsu: ‘Và lời của Thầy không phải là của Thầy mà là của đấng đã sai Thầy’?

THƯA: Ngài muốn làm nổi bật sự hiệp nhất hoàn hảo giữa Chúa Cha và Chúa Con; Lời của Chúa Con chính là lời của Chúa Cha.

14. HỎI: Tại sao đang nói chuyện hiện tại, Chúa Giêsu lại nói với các môn đệ: ‘Những điều Thầy đã nói với anh em khi Thầy còn sống với anh em…’?

THƯA: Bởi vì giờ đây, Ngài có một cái nhìn về quá khứ, về sứ vụ của mình và coi như đã hoàn tất; hoạt động mạc khải của Ngài đã kết thúc; giờ đây các môn đệ Ngài phải đánh giá tầm quan trọng cho cuộc sống của họ, và do đó, cho đời sống Giáo Hội. Với những lời này, Chúa Giêsu cố gắng chuẩn bị cho các môn đệ của mình việc Ngài rời xa họ.

15. HỎI: Tại sao Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho họ tất cả mọi điều, chứ không phải Chúa Giêsu?

THƯA: Chúa Giê su đã hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nhưng các môn đệ không hiểu ngay tất cả những gì Ngài đã nói với họ. Vì thế cần phải có Đấng An Ủi (x. Ga 14, 16), đến và sẽ ở lại với họ, giúp đỡ và hỗ trợ họ. Người cũng sẽ là đấng hướng dẫn tri thức và là Thầy trong tâm hồn. Chúa Thánh Thần sẽ được sai đến nhân danh Chúa Kitô, nói cách khác, không phải để thay thế Chúa Con, nhưng để hoàn thành công việc của mình trong sự kết hợp chặt chẽ với Ngài (x. Ga 16,13-14).

16. HỎI: Làm thế nào để Chúa Thánh Thần dạy tất cả mọi thứ liên quan đến Mạc Khải?

THƯA: Ở đây Ngài không xác định việc dạy dỗ sẽ được thực hiện như thế nào, nhưng đọc Tân Ước, thì rõ ràng là các hành động của Chúa Thánh Thần được thể hiện trong tâm hồn qua việc soi sáng bên trong, không phải bằng lời bên ngoài như đã được thực hiện trong lịch sử mặc khải của Chúa Kitô.

17. HỎI: Lời hứa long trọng của Chúa Kitô, chỉ dành cho các tông đồ mà thôi sao?

THƯA: Dành cho các Tông Đồ và toàn thể Giáo Hội giảng dạy (những đấng kế vị các tông đồ).

18. HỎI: Chúa Giêsu an ủi chúng ta bằng cách khẳng định rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta sự bình an của Ngài, đó là bình an nào?

THƯA: Trước hết, ‘bình an’ là lời chào và lời chúc nhau được người Do thái sử dụng. Chúa Giêsu nói lời từ biệt của Ngài cho các môn đệ, nhưng gán cho chúng một ý nghĩa mới. ‘Bình an’ này là của riêng Chúa Kitô và thông ban một sự bảo đảm phát xuất từ sự thật viên mãn và niềm hy vọng vững chắc (x. Ga 14,1-3; 14,27). Chúa Giêsu ở lại với các môn đệ Ngài và hỗ trợ họ thông qua hành động của Đấng An Ủi (Chúa Thánh Thần), tất cả điều ấy đảm bảo sự bình an của Chúa Kitô cho các tín hữu.

19. HỎI: Thế thì, sự bình an của Chúa Kitô khác với sự bình an của thế gian?

THƯA: Rất khác nhau. Về bản chất, sự bình an của Chúa Kitô rất khác sự bình an của thế gian. Sự bình an mà Chúa Kitô mang lại là một thực tại tâm linh và siêu việt được thể hiện qua một sự quân bình hoàn toàn nơi người tín hữu và cảm thấy mãn nguyện. Còn sự bình an đến từ thế gian là một thực tại tự nhiên, mau qua, luôn thúc đẩy họ tìm kiếm trong vui thú và của cải thế gian nhưng không bao giờ đem lại sự mãn nguyện.

20. HỎI: Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa như thế nào?

THƯA: Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi phải xét mình, xem

1. Đối với Thiên Chúa và với Chúa Giê-su tôi đã có tương quan tình yêu hay chỉ là tương quan sợ hãi hay tương quan hững hờ?

2. Cụ thể, tôi có chu toàn tất cả mọi công việc của tôi với tấm lòng yêu thương không?

GLCG 243. Trước cuộc Vượt Qua của Người, Chúa Giêsu báo tin sẽ sai đến một ‘Đấng Bào Chữa (Đấng Bảo Vệ) khác’, là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong công trình tạo dựng và sau khi ‘đã dùng các Tiên tri mà phán dạy, nay Ngài sẽ đến với và ở trong các môn đệ, để dạy bảo họ, và dẫn họ tới ‘sự thật toàn vẹn’ (Ga 16,13). Như vậy Chúa Thánh Thần được mạc khải như một Ngôi Vị thần linh khác, trong tương quan với Chúa Giêsu và với Chúa Cha.

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Phục Sinh C: NGƯỜI MÔN ĐỆ GIỮA THẾ GIAN_ Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Phục Sinh Năm C: "Ở LẠI TRONG"_Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Chúa Nhật V Phục Sinh: “Thầy để lại bình an cho anh em”_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần V Phục sinh C_ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh C: YÊU THƯƠNG LÀ GIỚI RĂN MỚI_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh C: PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG KHIÊM HẠ_ LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh C_Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IV Phục Sinh_ Nt. Maria Vũ Thị Chinh Anh, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Phục Sinh Năm C: "Thầy là đường"_Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh: "PHẬN ĐƯỢC SAI VÀ PHÚC LÃNH NHẬN"_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, OP.