CHỦ NHẬT 5 PHỤC SINH

Vì ưu tư tìm cách củng cố Đức tin,
chúng ta đề ra nhiều phương pháp, tổ chức nhiều lớp học hỏi..vv.. Nhiều đến nỗi
chúng ta quên rằng tất cả những cái đó chỉ là phụ thuộc. Sứ mạng thiết yếu của
chúng ta chính là làm cho mọi người thấy được Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa
và hướng về Người. Chỉ có Tình yêu mới có thể là dấu chỉ hướng về Chúa và giúp
người ta nhận biết Người.
Sách
Công vụ 14, 21b-17
Từng bước từng bước, Tin mừng khởi từ
Giê ru sa lem bành trướng ra thế giới. Những người dân ngọai cũng đã tiếp nhận
đức tin. Nhiều cộng đoàn mới được tổ chức dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh
Thần. Ở Antiôkia, điểm khởi đầu của Sứ mạng truyền giáo, người ta cảm tạ Chúa
vì sự lan truyền mạnh mẽ của Tin Mừng.
Thánh
Vịnh 144
Chúng ta hãy ý thức rằng các cộng đòan
rải rác trong khắp các châu lục cùng với chúng ta cất tiếng hát mừng ca tụng
các kì công của Chúa, Thiên Chúa của Hoàn vũ.
Sách
Khải Huyền 21,1-5a
Thánh Gioan tác giả cho thấy cuộc chiến
thắng cuối cùng của Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa có thể hoàn tất Công
trình của Người: việc Tạo dựng một Thành đô tỏa sáng, trong đó Dân ưu tuyển sẽ
gặp Thiên Chúa của mình. Ở mút cùng của Lịch sử, Người sẽ cho một thế giới hoàn
hảo phát sinh. Còn Hội Thánh ngày nay chỉ là một bản phát họa. Thiên Chúa sẽ
đổi mới mọi sự.
Tin
mừng Ga 13,31-35
NGỮ
CẢNH
Đoạn 13 mở đầu phần chóp đỉnh trong Tin
Mừng Gioan, được gọi là « Giờ của Chúa Giê su », bao gồm 3 phần:
trình thuật về bửa ăn cuối cùng của Chúa Giê su với các môn đệ (13-17); trình
thuật Thương khó (18-19), và trình thuật Phục sinh (20-21). Bài Tin mừng của
chúng ta nằm trong đoạn 13,31-14,31 ghi lại những lời từ biệt của Chúa Giê su
ngỏ với các môn đệ. Nó gồm những câu mở đầu (31-35) có thể được khảo sát như là
một đơn vị văn chương độc lập, tự nó có ý nghĩa, kết thúc bằng lời mời gọi ra
đi (14,31), có thể được xem như là kết luận cho phần thứ nhất.
Nội dung thuật lại lời Chúa Giê su nói
về ý nghĩa sự ra đi của Ngài, và di sản Ngài để lại.
TÌM
HIỂU
Giờ: khi Giu đa đi khỏi, bắt đầu biến
cố Khổ Nạn. Trong lời tuyên bố long trọng của Chúa Giê su, cô động toàn bộ mầu
nhiệm Phục sinh. Và tại đây, Gioan đã nhìn thấy ngay sự tôn vinh của Chúa Giê
su.
Được tôn vinh: x. 12,28. Vinh quang vốn
là ưu phẩm của Thiên Chúa sẽ bừng sáng trong sự phục sinh, phản chiếu trên Chúa
Giê su ngay cả trong cái chết. Việc Chúa Giêsu tự phó mình cho Thiên Chúa Cha
đã mang lại vinh quang cho Người; còn Thiên Chúa Cha, để đáp lại, sẽ tôn vinh
nhân tính của Ngài trong sự phục sinh. Vậy cuộc khổ nạn sẽ mạc khải cho các môn
đệ biết Chúa Giê su là ai, và đâu là mối tương quan với Thiên Chúa. Trong khi
con người tự xa lìa Thiên Chúa vì tội lỗi, thì Thiên Chúa sẽ đem nó về với
Người tràn đầy vinh quang.
Con bé nhỏ: từ trong tiếng Hi lạp chỉ
được dùng ở đây trong sách Tin Mừng, có giá trị như một từ giảm nghĩa để chỉ sự
thân mật. Chúng ta gặp thấy nhiều lần trong thư thứ nhất thánh Gioan
(2,1.12.28).
Thầy cũng nói: (x. 7,33-36; 8,21).
Người Do thái sẽ tìm cách giết Chúa Giê su nhưng sẽ không thể đạt tới Ngài
trong vinh quang của Chúa Cha. Trái lại, các môn đệ tìm kiếm ngài một cách vô
ích trong mầu nhiệm sự chết, nhưng họ sẽ tìm thấy ngài sống lại.
Một điều răn mới: Điều răn của Chúa Giêsu
là mới, không theo nghĩa là chưa bao giờ hiện hữu, nhưng theo nghĩa chưa từng
thấy, không bao giờ chấm dứt, không có giới hạn. Không còn là vấn đề chỉ yêu
người lân cận như chính mình nữa (Lv 19,18; Mc 12,31), nhưng là yêu như Chúa
Giê su đã yêu.
Mọi người sẽ nhận biết: Hội Thánh có sứ
mạng là trở nên một mạc khải về Chúa Giê su. Ngang qua đức ái của các phần tử của
mình, Hội Thánh sẽ cho thấy mình giống với Ngài, và do đó, sự kết hợp với Chúa
Giê su (x. 17,21).
SỨ
ĐIỆP
Bài tin mừng hôm nay nhắc
chúng ta điều răn quan trọng nhất là tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân.
Chúa Giê su dự bữa ăn tối
cuối cùng với nhóm Mười Hai, hôm trước ngày chịu chết. Ngài vừa thiết lập bí
tích Thánh Thể là bữa ăn Vượt qua của ngài. Ngài cũng đã rửa chân cho các môn
đệ, kể cả Giu đa, sắp sửa phản bội Ngài. Trước khi vượt qua thế gian để về cùng
Cha, Ngài muốn để lại cho họ một gương mẫu tuyệt vời về lòng khiêm nhường và
phục vụ.
Chúa Giê su vừa loan báo
rằng một trong các môn đệ sẽ phản bội Ngài. Đó là người mà Ngài trao cho một
miếng bánh. Sự phản bội nầy khởi động một tiến trình sẽ dẫn Chúa Giê su đến
cuộc Khổ nạn cho đến chết trên thập giá. Đàng khác, chính Ngài cảnh giác và
loan báo cho các môn đệ biết tình thế sẽ đảo ngược: “Bây giờ, Con Người được
tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Ngài”. Dù không được các môn đệ hiểu,
nhưng Lời ấy của Chúa Giê su là nền tảng. Thật thế, sự tôn vinh chính là sự tỏ
hiện rõ ràng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân lọai, qua cái chết và sự Phục
sinh của Ngài
Chính trong mạch văn long
trọng ấy mà Chúa Giê su trao cho các môn đệ điều răn của Ngài: “Như Thầy đã yêu
thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau. Và Ngài xác định rằng đó là một điều
răn mới. Điều răn ấy cũng đã hiện diện trong các tôn giáo khác. Người ta cũng
đã dạy yêu thương người khác và cả thù địch. Cả Thánh Kinh Cựu Ước cũng đã nói
đến điều răn yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, và được triển khai bằng muôn
ngàn điều luật và qui định phụ thuộc khác. Lấy cớ yêu mến Thiên Chúa, người ta
đã quên anh em mình.
Điều làm cho điều răn ấy
nên mới mẻ chính là việc Chúa Giê su đã đặt nó lên hàng đầu. Tình yêu tha nhân
trở thành một điều răn giống với tình yêu Thiên Chúa. Chúa Giê su gán cho nó
tầm quan trọng đặc biệt trong giáo huấn của Ngài. Ngài coi tình yêu hai mặt ấy
như là sự hoàn tất giáo huấn của Ngài, là điểm đến hoàn tất mọi lề luật. Hơn
nữa, tha nhân mà ta phải yêu mến không chỉ là những người đồng đạo như ta, mà
là tất cả mọi người được coi như anh em, vì là con cùng một Cha trên trời.
Sự mới mẻ căn bản của điều
răn yêu thương, đó chính là yêu thương theo cách của Chúa Giê su, với cùng một
lòng khiêm nhu và tinh thần phục vụ như Ngài. Người môn đệ Chúa Giê su không
được quên lời Ngài dặn: không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng mình cho kẻ
mình yêu thương (Ga 15,13). Vì thế, yêu thương như Chúa Giê su, chính là thí
mạng cho người mình yêu thương. Dấn thân không thôi chưa đủ, cần phải đón nhận
tình yêu ấy như một quà tặng từ Ngài. Do đó, chúng ta phải cầu xin, vì nếu
không, thì giới răn yêu thương trở thành một sứ mạng không thể thực hiện được.
Ngày hôm nay, Chúa Giê su
mang lại cho chúng ta một điều chỉnh vô cùng cần thiết. Ngài nói với chúng ta
rằng tình yêu ấy là một dấu chỉ giúp người khác nhận ra người ki tô hữu. Dấu
chỉ cho thế gian biết rằng chúng ta là môn đệ của Ngài chính là tình yêu mà
chúng ta dành cho nhau. Nếu không có điều đó, chúng ta sẽ đưa ra một hình ảnh
méo mó về đức tin và Hội Thánh của chúng ta. Đời sống của chúng ta sẽ trở thành
một phản chứng.
Tình yêu mà Chúa đang chờ
đợi chúng ta, phải có tính phổ quát. Nó nhắm đến tất cả mọi người trên thế
gian. Một tình yêu không lọai trừ ai. Yêu thương mọi người không làm cho chúng
ta quên những người ở gần chúng ta nhất, cùng chia ngọt sẻ bùi với chúng ta,
những người mà chúng ta có nhiệm vụ đồng hành, che chở và đem lại hạnh phúc.
Dấn thân cộng tác và làm việc trong những hiệp hội bác ái phục vụ người nghèo
nhất, chống lại bất công xã hội, đó là một cách thức tuyệt vời đáp lại đòi hỏi
của Đức Ki tô.
Người ki tô hữu phải yêu
thương nhau đó là một điều tuyệt đối quan trọng. Một cộng đòan không hợp nhất
chỉ đưa ra một chúng tá tầm thường. Trong những trường hợp ấy, sứ điệp tin mừng
không được thể hiện. Chỉ có những người ki tô hữu nào yêu thương nhau như Đức
Ki tô yêu thương họ mới có thể tỏa sáng tin mừng. Chính tình yêu đó sẽ cho thế
gian thấy rằng chúng ta là môn đệ của Đức Ki tô. Vấn đề không phải là trình
diễn cho người ta thấy, mà là tiếp nhận chính Chúa Giê su.
Khi cử hành tiệc Tạ ơn và
thông hiệp với Thân thể duy nhất của Đức Ki tô, chúng ta cầu xin cho Đức Ái
được rạng ngời trong chúng ta và giữa chúng ta. Chỉ với điều kiện đó chúng ta
mới có thể làm chứng cho Nước Chúa mà Ngài đến để thiết lập. Chúng ta đến kín
múc tận nguồn để rồi ra đi vào sứ vụ đầy sức mạnh và tin tưởng. Xin Chúa ban
cho chúng ta sự can đảm cần thiết để biến lời nói thành hành động cụ thể. Và đừng
bao giờ quên rằng chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.
ĐÀO
SÂU
HÃY
YÊU THƯƠNG NHAU (Ga 13, 34)
Cv 14,21b-27 Những chuyến truyền giáo
không mệt mỏi của Phao lô và Barnaba
Tv 145,8-9, 10-11, 12-13 Lạy Chúa là
Thiên Chúa hoàn vũ, con sẽ chúc tụng Chúa đến muôn đời
Kh 21,1-5a Trong một thị kiến Gioan đã
nhìn thấy trời mới đất mới
Ga 13,1, 31-33a, 34-35 Chúa Giê su ban
điều răn mới
1.
HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?
THƯA: HÃY YÊU THƯƠNG NHAU. Khi từ biệt các môn đệ ra đi, Chúa đã để
lại một lệnh truyền mới là hãy yêu thương nhau (BTM). - Các tông đồ đã thi hành
(Bđ1). Sách Khải huyền cho thấy một Giê-ru-sa-lem mới từ trời xuống. Hội Thánh
là cộng đoàn môn đệ của Chúa Kitô thi hành điều răn mới của Người, để xứng đáng
là tân nương chờ đón đức lang quân (Bđ2).
2.
HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?
THƯA:
Bài đọc một nói về cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Phao lô và
Ba-na-ba. Trên đường trở về, Phao lô và Ba-na-ba củng cố đức tin các tín hữu,
tổ chức cộng đoàn mà các ngài vừa mới thành lập. Đặc biệt, các ngài đặt hàng
niên trưởng làm lãnh đạo giáo đoàn. Khi về đến An-ti-ô-ki-a, hai ông vui mừng
kể lại những việc mà Thiên Chúa đã làm để mở cửa Giáo Hội cho các dân ngoại.
3.
HỎI: Hàng niên trưởng ấy được tổ chức như thế nào?
THƯA:
Hàng niên trưởng không được cộng đoàn bầu lên, nhưng được các tông đồ chọn lựa,
và có lẽ có cấu trúc giống như Hội thánh ở Giê-ru-sa-lem (Cv 11, 30; 15,2, 5,
22; 1,18)
4.
HỎI: Tại sao Phao lô nhấn mạnh đến việc ăn chay cầu nguyện (c 23)?
THƯA:
Sau khi thiết lập hàng kì mục cho các giáo đoàn, Thánh Phao lô cũng không quên
nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện và ăn chay, vì một người tông đồ
không cầu nguyện thì không thể rao giảng Đức Ki tô được.
5.
HỎI: ‘Hai ông phó thác những người đó cho Chúa’ có nghĩa gì?
THƯA:
Các ngài phó thác các kì mục cho Chúa vì các ngài hiểu rằng sứ mạng mà các ngài
thi hành không phải là công việc riêng của mình nhưng là ơn Thiên Chúa ban, vì
thế các ngài phó thác cho Thiên Chúa các kì mục mà các ngài vừa đặt trên các
cộng đoàn mới.
6.
HỎI: Tại sao thánh Lu ca nhấn mạnh: ‘Những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai
ông’?
THƯA:
Vì Ngài muốn nhấn mạnh điều nầy: sứ mạng mà Thiên Chúa giao cho người tín hữu
là không phải của riêng Thiên Chúa, hay của riêng con người, nhưng là công việc
chung: Thiên Chúa sẽ không ngừng hỗ trợ, nâng đỡ, củng cố những người Ngài đã
chọn.
7.
HỎI: ‘Cánh cửa đức tin’ là gì?
THƯA:
‘Cánh cửa đức tin’ là hình ảnh cũng được Thánh Phao lô dùng trong thư 1 Cr 16,9
và 2 Cr 2,12. Ở đây cụm từ ấy chỉ việc Thiên Chúa cho người ngoại tiếp cận ơn
cứu rỗi ngang qua việc rao giảng của các tông đồ.
8.
HỎI: Bài đọc 2 (Kh 21, 1-5a) có nội dung như thế nào?
THƯA: Kinh Thánh đóng lại bằng một kết thúc vinh quang:
Giê-ru-sa-lem từ trời xuống không còn tang chế khổ đau, là đích đến của Hội
Thánh sau cuộc lữ hành trung thành với Đức Ki tô trong cuộc chiến đấu chống lại
mãnh lực sự dữ.
9.
HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Ga 13, 31-35) như thế nào?
THƯA:
Đoạn Tin mừng nằm trong diễn từ ly biệt 13,1-17,26. Sau khi rửa chân (13,1-5.6-11)
và giải thích việc rửa chân cho các môn đệ (13,12-30), Chúa Giê su loan báo
Giuđa phản bội (13,21-30). Đoạn nầy gồm hai phần: 1. Sự tôn vinh của Chúa Giêsu
(13,31-33); 2. Giới răn mới yêu thương (13,34-35).
10.
HỎI: ‘Vinh quang’ là gì?
THƯA:
‘Vinh quang’ (tiếng Híp pri là kabôd chỉ trọng lượng, giá trị; trong tiếng Hi
lạp là doxa chỉ uy danh) chỉ phẩm cách, uy danh, thế lực, và quyền năng của
nhân vật nào đó. Từ ‘vinh quang’ là một từ được sử dụng rất nhiều trong Kinh
Thánh (khoảng 550 lần) và khá chuyên biệt. Vinh quang Thiên Chúa là những gì
làm cho loài người nhận biết Thiên Chúa hiện diện. Và quyền phép vinh quang ấy
rực rỡ đến nỗi người phàm nhìn thấy là có thể chết ngay (Xh 24,16tt). Vì thế
phải có cái gì che phủ, như áng mây (ngày xưa) hay nhân tính của Ngôi Lời nhập
thể (bây giờ). Khi các đám mây sà xuống trên núi Si-nai, trong đền thờ và các
nơi khác, dân biết rằng Thiên Chúa đã hiện diện trong các dấu chỉ. Họ nhìn thấy
dấu chỉ nhưng không thấy Thiên Chúa. Điều tương tự cũng áp dụng cho các ‘dấu chỉ’
do Chúa Giêsu thực hiện. Những gì mọi người nhìn thấy là hành vi quyền năng qua
các ‘dấu chỉ’, còn thiên tính của Ngài thì họ không nhìn thấy, nên cần được đức
tin hướng dẫn (Ga 2, 11; 11, 40).
11.
HỎI: ‘Con Người được Tôn vinh’ có nghĩa là gì?
THƯA:
Con Người là tước hiệu Chúa Giê su dùng để chỉ chính mình, là Thiên Chúa Con đã
được tôn vinh từ muôn thuở vì Ngài đã được vinh quang hiện hữu bên Thiên Chúa
Cha. Nhưng khi nhập thể, vinh quang ấy ẩn khuất nơi con người của Chúa Giê su,
chỉ tỏ hiện khi làm phép lạ hay biến hình. Nhưng đã đến ‘Giờ’ Ngài lấy lại vinh
quang đã có từ muôn thuở bên Thiên Chúa Cha: đó là giờ sống lại sau khi chịu
khổ nạn. Do đó Chúa Giê su được tôn vinh có nghĩa là nhờ vâng phục Thiên Chúa Cha
trong cái chết Vượt qua trên Thập giá, Ngài đã nhận được vinh quang Thiên Chúa
Cha dành cho Ngài.
12.
HỎI: Chúa Giê su ‘tôn vinh’ Thiên Chúa Cha bằng cách nào?
THƯA:
Chúa Giê su ‘tôn vinh’ Cha bằng cách trung thành thực hiện công trình cứu thế
mà đỉnh cao là thập giá (17,4). Ngài tìm kiếm vinh quang cho Đấng đã sai Ngài
đến (7,18) qua các phép lạ (11,4.40). Và sau khi về cùng Cha, trong suốt thời
gian Giáo Hội, Chúa Giê su tiếp tục tôn vinh Cha bằng cách ban sự sống cho
những người mà Cha giao phó cho Ngài (17,2).
13.
HỎI: Tại sao khi Giu-đa đi ra, Chúa Giê su nói: ‘Giờ đây, Con Người được tôn
vinh’?
THƯA:
Việc Giu-đa phản bội Chúa Giê su luôn được xem như là khai mào cuộc Khổ nạn đưa
đến cái chết Thập giá mang lại ơn cứu độ cho loài người. Do đó, việc Giu-đa bội
phản theo một ý nghĩa nào đó, đã làm cho Thiên Chúa và Chúa Giê su được vinh
hiển.
14.
HỎI: ‘Con người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người’ có nghĩa
gì?
THƯA:
Qua những cách diễn tả khác nhau về vinh quang, Chúa Giê su muốn nói đến tương
quan qua lại giữa Cha và Con hoặc sự kết hiệp nền tảng của Ngài với Cha: ‘Ai
thấy Thầy là thấy Cha’ hoặc ‘Thầy và Cha, chúng ta là một’ (10,30). Nói rằng ‘Con
Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Ngài’ chính là nói rằng Con
là phản ảnh vinh quang của Cha.
15.
HỎI: Tại sao giờ khổ nạn là lúc Chúa Giê su hoàn thành ơn gọi phản ánh Thiên
Chúa Cha?
THƯA:
Chính giờ phút đó là giờ vinh quang của Chúa Giê su, là lúc Ngài mạc khải cho
thế gian biết tình yêu của Cha cao cả như thế nào.
16.
HỎI: Tại sao giờ Khổ nạn, Chúa Giê su mạc khải cho mọi người biết tình yêu của
Thiên Chúa Cha?
THƯA:
Bởi vì trong giờ Khổ nạn, dù bị phản bội, bị mọi người rời xa và bách hại, Ngài
vẫn kiên trì chịu đựng, yêu thương, tha thứ. Qua thái độ đó, Ngài mạc khải cho
thế gian biết thế nào là tình yêu của Cha, một tình yêu vô tận, không biên
giới.
17.
HỎI: Tại sao Chúa Giê su lại gọi các môn đồ là những ‘người con bé nhỏ của
Thầy’?
THƯA:
Thỉnh thoảng các Rabbi Do thái gọi môn đệ của mình là ‘các con’ và Chúa Giê su
có lần cũng gọi các môn đệ là ‘các con’ như trong Mc 10,24. Điều nầy cũng dễ
hiểu vì Chúa Giê su thường khuyên bảo các môn đệ Ngài hãy sống như trẻ nhỏ (Mt
18,3; 19,4).
18.
HỎI: Tại sao gọi là điều răn mới?
THƯA:
Chúa Giê su không sáng tạo ra điều răn yêu thương, vì đó là điều đã có trong
giáo huấn các thầy Rabbi đương thời. Yếu tố mới là yêu thương như Ngài, không
chỉ theo cách của Ngài, nghĩa là đến độ sẵn sàng hiến cuộc sống mình, mà còn
hơn thế nữa, là thực sự yêu thương như Ngài, nghĩa là hoàn toàn được hướng dẫn
bởi Thần khí của Ngài.
19.
HỎI: Giáo Hội sơ khai có sống yêu thương như lời Chúa Giê su dạy không?
THƯA:
Có. Lịch sử Giáo Hội sơ khai là lời chú giải tuyệt hảo về lời dạy ấy. Sách
Công vụ mô tả: ‘Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung’
(2, 44). Tertulianô cũng kể lại những gì người ta nói về họ: ‘Kìa
xem họ thương nhau biết bao và sẵn sàng hiến mạng sống cho nhau chừng nào!’
(Apolog. 39; Pl 1,53a).
20.
HỎI: Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa như thế nào?
THƯA:
1. Không sống yêu thương thì không phải là môn đệ Chúa. 2. Dù không đến độ
‘chết trên thập giá’ như Chúa, nhưng chúng ta cũng có những cái chết nho nhỏ
trên thập giá hằng ngày nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa. Nếu Chúa Giê-su đã
yêu thương chúng ta là để tôn vinh Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải yêu
thương anh chị em để làm cho Cha trên trời được hãnh diện vì có những đứa con
biết yêu thương nhau trên mặt đất này. Hy vọng hôm nay chúng ta học thêm được
về ‘điều răn mới’ của Chúa Giê-su và đem thực hành trong đời sống hằng ngày!
GLCG 1823 Ðức Giê-su đặt đức mến làm
điều răn mới (Ga 13,34). Khi yêu mến những kẻ thuộc về Người ‘đến cùng’ (Ga 13,
1), Người biểu lộ tình yêu Người đã nhận được từ Chúa Cha. Khi yêu thương nhau,
các môn đệ noi gương Ðức Giê-su, Ðấng đã yêu mến họ. Vì thế, Ðức Giê-su nói:
‘Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy
ở trong tình yêu của Thầy’ (Ga 15, 9). ‘Ðây là điều răn của Thầy: Anh em hãy
yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em’ (Ga 15,12).