Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHỦ NHẬT 4 PHỤC SINH

4-26 hienra voimonde.jpg

Từ sau biến cố Phục sinh, người ta bắt đầu qui tụ lại để hình thành các cộng đòan mới trong Nhân Lọai. Việc các tín hữu qui tụ chung quanh vị Mục Tử đích thực, đó chính là Lịch sử của Hội Thánh chờ đợi ngày tất cả mọi người được tập họp trong Nhà Cha. Chúng ta đang cử hành Ngày thế giới cầu nguyện cho Ơn thiên triệu. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta những Chứng nhân đích thật đến xây dựng Đất mới.

Sách Công vụ 13,14.43-52

Lời Thiên Chúa bị khước từ bởi một Do thái giáo co cụm, được nẩy mầm trong thế giới ngoại giáo. Giờ đây chính những người khách lạ đối với Dân tộc ưu tuyển hát mừng vinh quang Thiên Chúa. Hội Thánh mở rộng biên cương bất chấp một sự chống đối càng ngày càng mạnh mẽ. Tin mừng phổ quát chỉ được loan báo thời Chúa Giê su giờ đây được khẳng định hoàn toàn.

Thánh Vịnh 99

Một khi đã tìm thấy Chúa thì người ta sẽ mời gọi tất cả anh em mình trên thế gian cùng hòa chung tiếng hát với họ.

Sách Khải Huyền 7,9.14b-17

Tác giả sách Khải huyền đã bắt đầu dùng ngôn ngữ biểu tượng để mô tả Lịch sử thế giới như một Lịch sử của bạo động. Nhưng ông đã dừng lại, trước khi tiếp tục công việc của mình, để cho thấy rằng những ai dường như bên ngòai bị thua thiệt, những người bị bách hại thực ra là những người chiến thắng. Một Nhân loại mới đang hình thành, vượt mọi biên giới và hát ca vinh quang Thiên Chúa. Xuất hiện một thế giới mới vắng bóng sự Ác.

Tin mừng Ga 10, 27-30

NGỮ CẢNH

Khác với các Tin Mừng Nhất Lãm, Tin mừng Gioan không tường thuật vụ xét xử Chúa Giê su trước Hội đồng Do thái. Đối với Gioan, vụ án thật sự đã diễn ra trước khi Chúa Giê su bị bắt, trong những lần tranh luận với người Do Thái, đặc biệt trong cuộc tranh luận (10,22-39) mà đoạn Tin Mừng thuật lại trong một vài câu chính yếu.

Cuộc tranh luận nầy diễn ra trong Đền thờ, vào dịp lễ Cung Hiến Đền Thờ. Người Do thái đòi hỏi Chúa Giê su phải nói rõ về căn tính Thiên sai của ngài (10,7), Ngài liền trả lời cho họ bằng cách kêu gọi họ xem xét những việc Ngài đã thực hiện, những việc tỏ rõ các mối tương quan giữa ngài với Chúa Cha và với mọi người (10,25-30).

Nghe vậy người Do thái liền lấy đá ném Ngài, cho rằng Ngài nói phạm thượng. Sau đó họ tìm cách bắt Ngài, nhưng Ngài đã thoát khỏi tay họ (10,39).

TÌM HIỂU

Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi: để có thể hiểu được điều Chúa Giê su nói, cần phải chấp nhận đi theo Người. (x.10,14).

Ban cho sự sống đời đời: đây rõ ràng là công việc chính yếu của Chúa Giê su (6,37-58), sự sống thiết lập liên hệ giữa Ngài với chúng ta. Sự sống ấy còn được loan báo mạnh mẽ hơn nữa bởi dấu chỉ cuối cùng của Chúa Giê su, sự phục sinh Lagiarô, và sẽ hoàn tất trong sự Phục sinh của Đức Ki tô.

Không ai cướp được: x. 6,39-40; 17,12; 18,9.

Lớn hơn tất cả: các cảo bản cổ viết câu nầy rất khác nhau. Hoặc như bản dịch trên đây, hoặc đọc cách khác như sau: « Điều mà Cha tôi ban cho tôi thì lớn hơn tất cả mọi sự ». Nhưng ý nghĩa tổng quát ở câu tiếp sau: sự hiệp nhất giữa Cha và Con mật thiết đến nỗi không ai có thể cướp chiên khỏi tay Cha; Người là Đấng toàn năng và thông truyền tình yêu quyền năng của Người cho Con.

Tôi và Cha tôi là một: nếu Chúa Giê su nói: « Chúng tôi hợp nhất nên một », thì người ta còn có thể nghe và chấp nhận được. Đằng nầy, Ngài nói Ngài và cha Ngài là một khiến cho người Do Thái coi như là một sự phạm thượng.

Công thức cô động nhiều ý nghĩa đã mang lại một nền tảng vững chắc cho mọi suy tư về Đức Ki tô ở các công đồng các thế kỉ đầu tiên. (x. Cđ Calceđônia năm 451).

Chúng tôi: ở số nhiều cho thấy có sự phân biệt ngôi vị, còn số ít: « là một » khẳng định sự duy nhất giữa các ngôi vị.

Như thế, Chúa Giê su khẳng định sự tương quan chặt chẽ giữa ơn cứu độ của chúng ta và sự hiệp nhất với Cha cho phép ngài hành động nhân danh Cha, và do đó có cùng một quyền năng như Cha để ban cho chúng ta sự sống.

SỨ ĐIỆP

Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giê su loan báo Ngài là vị Mục tử nhân lành, Ngài biết các chiên trong đàn và các chiên của Ngài biết Ngài. Sứ điệp ấy có giá trị cho tất cả mọi người, Chúa Giê su biết tất cả chúng ta. Ngài biết điều tốt nhất cũng như điều xấu nhất trong chúng ta. Ngài biết những tiến bộ và yếu đuối của chúng ta, và cả điều mà chúng ta tìm cách che dấu. Biết một người, tức là không chỉ có những thông tin về người ấy; mà còn nhất là thông hiệp với họ. Chúa Giê su biết chúng ta khi nhận lấy bản tính nhân lọai của chúng ta; Ngài đã làm người để cứu thoát chúng ta. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã ban cho Ngài cây gậy mục tử và đã đặt Ngài làm người lãnh đạo đàn chiên. Từ nay, không ai có thể cướp giựt chúng ta khỏi tay của Ngài.

Tuy nhiên có một câu hỏi đặt ra cho chúng ta: Chúa Giê su biết tất cả chúng ta, nhưng liệu chúng ta có thực sự biết Ngài chăng? Có những người biết Ngài rõ hơn người khác. Chúng ta nghĩ đến các Thánh, như Gioan Thánh Giá, Têrêxa Lisieux, hay Avila, cha sở Ars. Tất cả đều biết Chủ chăn của mình và liên kết nên một với Người. Các ngài đã nghe tiếng Người gọi và đi theo Người theo cách riêng của mình. Họ đã phục vụ Người cho đến chết, như là Vị Mục tử nhân lành.

Còn chúng ta, trái lại, chúng ta ít biết về Chúa Giê su. Chắc chắn chúng ta có những thông tin về Ngài, về cuộc sống của Ngài và về điều Ngài đã làm. Chúng ta biết rằng Ngài yêu thương và tha thứ, nhưng chúng ta gặp khó khăn khi yêu thương và tha thứ. Tội lỗi nặng nề, lòng thù hận và kiêu căng biến chúng ta thành nạn nhân, khiến chúng ta quay lưng lại với Ngài. “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa”. Ỵêu thương đích thực là tự hiến như Chúa Giê su, là tha thứ. Khi tập sống yêu thương là chúng ta biết được sự lớn lao nơi tình yêu của Đức Ki tô Mục tử nhân lành.

Rõ ràng là tình yêu của chúng ta yếu đuối, nhất là khi chỉ cần một sự trái ý hay một lời nói đặt sai vị trí là có thể làm cho tình yêu bay đi mất. Chúng ta thử suy nghĩ về điều bất công tàn nhẫn như thế nào: Mục tử thì sẳn sàng hiến mạng sống vì đàn chiên, còn chúng ta là đàn chiên thì không muốn hoặc không cố gắng nhận biết và phụng sự Ngài. Nhưng bài tin mừng nầy loan báo cho chúng ta một tin mừng: Cả khi các chiên tầm thường cũng được gìn giữ cẩn thận vì chúng đã gặp được một  người chăm sóc trung thành bảo vệ chúng. Cha đã ban chúng cho Ngài và không ai có thể giựt chúng ra khỏi tay của Ngài.

Vi thế học biết Đức Ki tô, vị Mục tử nhân lành là điều vô cùng khẩn thiết. Điều quan trọng không phải là học để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết nhưng là để cho tâm hồn chúng ta thấm nhuần tình yêu của Ngài bằng cách tiếp nhận Tin mừng và thông hiệp với Ngài qua lời cầu nguyện và bí tích Thánh Thể. Chính trong việc gặp gỡ thường xuyên ấy mà càng ngày chúng ta được hiểu biết hơn rằng Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Tin mừng ấy, chúng ta không thể giữ riêng cho chính mình. Nếu Đức Ki tô đòi chúng ta phải học biết Ngài chính là để loan báo tin mừng chung quanh chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta đến phiên mình cũng hãy trở thành những vị Mục tử nhân lành cho những người chung quanh. Đức Ki tô phục sinh đã ủy thác cho Hội Thánh chăm sóc dân của Ngài. Ngài dạy chúng ta biết rằng phẩm trật và uy quyền chỉ nhằm phục vụ, chứ không phải là một tước hiệu vinh dự hay một quyền bính. Yêu mến vị Mục tử nhân lành là hoàn toàn đồng hóa với Ngài bằng cách thực hiện những hành vi của Ngài. Tin mừng nói cho chúng ta biết rằng Chúa Giê su đã đến trần gian để phục vụ chứ không phải để phục vụ. Ngài là đấng dám bỏ 99 con chiên trong sa mạc để đi tìm con chiên lạc mất cho đến khi tìm lại được.

Chủ nhật hôm nay chúng ta phải cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Ơn gọi là lời mời gọi mà Thiên Chúa ngỏ với dân của Người. Ngài kêu gọi các linh mục, các tu sĩ, nữ tu, các ki tô hữu dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng hoặc trong việc phục vụ Hội Thánh. Tất cả đều được sai đi. Chúng ta cầu xin Chúa ở với họ, để họ không nói về những điều không phải là Tin mừng. Ước gì ngang qua đời sống và lời nói của chúng ta, mỗi người có thể nhận biết và yêu thương Đức Ki tô nhiều hơn.

Ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện xin Chúa sai nhiều mục tử theo lòng mong ước của Ngài, sai nhiều giáo dân dấn thân cho cộng đòan, các ứng viên vào đời tu để làm chứng nhân cho tính tuyệt đối của Thiên Chúa, các nhà thừa sai loan báo tin mừng ở những nơi chưa biết đến, các thầy dòng, và nữ đan sĩ liên kết lời cầu nguyện và cuộc sống của họ với Chúa Giê su Ki tô.

Chúa tiếp tục kêu gọi người ta vào sứ vụ. Không ai có thể đáp trả thay cho người khác, Ngài tin tưởng nơi từng người chúng ta, và có đủ việc làm cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta được quảng đại thông phần vào công cuộc cứu độ thế giới.

Đặc biệt chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các Linh Mục. Xin Chúa ban cho các ngài được sức mạnh và can đảm để hòan thành sứ mạng to lớn và khó khăn mà Chúa đã giao phó. Xin Ngài ban cho tất cả các tín hữu được nhận biết và đón nhận ơn ban Thánh Thể và Linh mục mà Chúa dành cho họ. Xin Chúa ban cho chúng ta được sống tình yêu của Chúa ngõ hầu tình yêu ấy lắp đầy cuộc sống chúng ta.

ĐÀO SÂU

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Cv 13,14, 43-52 Vì người Do thái từ chối đón nhận Tin mừng nên Phao lô và Barnaba quay về phía các dân ngoại

Tv 100, 1-2, 3, 5 Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ  

Kh 7, 9, 14b-17 Trong một thị kiến, Gioan đã nhìn thấy niềm vui của đoàn người được cứu chuộc         

Ga 10, 27-30 Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời

 

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: MỤC TỬ NHÂN LÀNH. Chúa Giê su tự xưng là mục tử và là mục tử tốt lành (BTM) mà tiên tri Ê-dê-ki-ên (34), đã báo trước. Nhưng vì ưu tư ‘còn những chiên không thuộc ràn nầy’ (Ga 10,16), nên Ngài đã chọn gọi các tông đồ và sai họ đi. Chính Chúa Giê su đến với lương dân nơi con người của các tông đồ (Bđ1). Ngài chính là Chiên Con sẽ chăn dắt chúng ta, luôn đưa chúng ta đến nguồn mạch sự sống (Bđ 2).

2. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một kể lại chuyến hành trình truyền giáo của Thánh Phao lô và Barnaba tại thành An-tiô-kia Psi-đia. Ngày sa bát cả thành phố tụ tập trong hội đường Do thái để nghe các ngài rao giảng về Đức Ki tô. Trong khi người Do thái phản đối và tìm cách bách hại Phao lô và Barnaba, thì dân ngoại vui mừng tiếp nhận Lời Thiên Chúa và tôn vinh Người.

3. HỎI: Thính giả gồm những thành phần nào?

THƯA: Thành phần những người tham dự trong hội đường ở An-tiô-kia Psi-đia có thể gồm ba thành phần khác nhau. Trước tiên phải kể đến những người Do thái, kế đến là những người tân tòng, không phải Do thái nhưng đã gia nhập đạo, đã giữ luật Mô sê, kể cả việc cắt bì. Luca gọi họ là những ‘người cải đạo Do thái’. Thành phần thứ ba là những người kính sợ Thiên Chúa, mà ở đây Lu ca gọi là những người ngoại giáo, có thiện cảm với Do thái giáo, thường hay tham dự nghi thức ngày sa bát, biết Kinh Thánh nhưng chưa chịu cắt bì và giữ luật Mô-sê.

4. HỎI: Ý định ban đầu của Thánh Phao lô như thế nào?

THƯA: Khi bắt đầu đi truyền giáo, ý định của Phao lô thật rõ ràng. Trước tiên Ngài sẽ vào Hội đường để rao giảng Chúa Giê su Na-gia-rét cho anh em Do thái. Ngài tin rằng một người Do thái đọc Kinh thánh thì thế nào cũng nhận ra Chúa Giê su chính là Đấng Mê-si-a, và trở thành người Ki tô hữu. Vì thế việc đầu tiên là cố gắng lôi kéo nhiều người Do thái khác chấp nhận Chúa Giê su là Đức Ki tô. Và khi dân Do thái đã tòng giáo thì Ngài mới bắt đầu rao giảng cho dân ngoại.

5. HỎI: Tại sao thế?

THƯA: Vì đối với Phao lô cũng như những người đương thời, chương trình của Thiên Chúa gồm hai giai đoạn: trước tiên Người mạc khải cho dân ưu tuyển để rồi sau đó chính dân ưu tuyển nầy sẽ phải loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa cho các dân khác. Để diễn tả điều đó, I-sai-a đã nói: ‘Ta sẽ biến ngươi thành ánh sáng muôn dân để mang ơn cứu độ của ta đến tận cùng trái đất’. Chính Chúa Giê su cũng đã tryền cho các môn đệ: ‘Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri’ (Mt 10, 5).

6. HỎI: Thực tế đã xảy ra như thế nào?

THƯA: Ngày sa bát đầu tiên, Phao lô và Ba-na-ba đến hội đường An-ti-o-ki-a được tiếp đón khá nồng hậu khiến Phao lô hy vọng sẽ có nhiều người trở lại. Ngày thứ bảy kế tiếp, Ngài lại đến hội đường, nhưng lần nầy lại không được như lần đầu vì nhiều người Do thái bắt đầu phản ứng chống lại Phao lô. Đó là những người từ chối không chấp nhận Chúa Giê su là đấng Mê-si-a mà họ đang mong đợi. Trong khi đó, nhóm dân ngoại ‘vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo’ (Cv 13, 48).

7. HỎI: Và Phao lô đã thay đổi hẵn chương trình truyền giáo của mình?

THƯA: Đúng thế. Chính tại An-tiô-kia Psi-đia mà Phao lô đã chạm trán với người Do thái cứng lòng tin, nên thay đổi hướng truyền giáo của mình: thay vì rao giảng Đức Ki tô cho người Do thái trước, Ngài chuyển hướng sang rao giảng cho người ngoại.

8. HỎI: Bài đọc 2 (Kh 7, 9.14b-17) có nội dung như thế nào?

THƯA: Chúa Giê su chính là Con chiên rửa sạch tội lỗi trần gian và là Mục tử qui tụ tất cả muôn dân trước nhan Thiên Chúa và ban nước để họ được sống đời đời.

9. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Ga 10, 27-30) như thế nào?

THƯA: Đoạn văn chúng ta đọc hôm nay nằm trong bối cảnh lễ Cung Hiến thuộc chương 10 Tin mừng Gioan, nhằm trả lời cho câu hỏi Chúa Giê su có phải là Đấng Mê-si-a không (10, 24). Có ba phần: 1) Đoàn chiên và Chúa Giê su (10, 27-28); 2) Đoàn chiên và Chúa Cha (10, 29); 3) Chúa Giê su và Chúa Cha là một (10, 30).

10. HỎI: Hoàn cảnh nào đưa đến diễn từ của Chúa Giê su?

THƯA: Lúc bấy giờ Ngài đang ở trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, trong hành lang mà người ta gọi là ‘Cửa Sa-lô-môn’. Người Do thái muốn dồn Ngài vào chân tường nên vây quanh Ngài và hỏi: ‘Ngài để chúng tôi phải thắc mắc đến bao giờ? Nếu Ngài là Đấng Mê-si-a, Ngài hãy nói trắng ra’. Lời họ là một thứ tối hậu thư: ‘Ngài phải cho chúng tôi biết Ngài có phải là Đấng Ki tô hay không?’

11. HỎI: Chúa Giê su đã trả lời như thế nào?

THƯA: Thay vì trả lời: ‘Phải, Ta là Đấng Mê-si-a’, Chúa Giêsu lại nói về các con chiên của Ngài. Đó cũng là cách khẳng định! Vì dân Do thái thường tự ví mình là một đàn chiên, và đấng chăn chiên chính là Đấng Mê-si-a. Tóm lại, Chúa Giê dùng ngôn ngữ thông thường để xác định rằng Ngài chính là Đấng Mê-si-a. Và các thính giả của Ngài hiểu rõ điều đó.

12. HỎI: Chúa Giê su còn khẳng định điều gì nữa không?

THƯA: Nhưng Chúa Giê su còn đi xa hơn nữa, khi nói về các con chiên của Ngài, Ngài dám khẳng định rằng: ‘Ta ban cho chúng sự sống đời đời, chúng sẽ không phải chết, không ai có thể giựt chúng ra khỏi tay Ta’. Kiểu nói rất táo bạo: ai có thể đem lại sự sống đời đời nếu không phải là chính Thiên Chúa.

13. HỎI: Kiểu nói: ‘Không ai có thể giựt chúng khỏi tay Cha’ có nghĩa gì?

THƯA: Kiểu nói: ‘Không ai có thể giựt chúng khỏi tay Cha’ khiến người nghe liên tưởng đến kiểu nói ‘Ở trong tay Thiên Chúa’ thường xuất hiện trong Cựu Ước (x. Gr 18,16; Qh 9,1; Đnl 32,39; 33,3). Vì thế, Chúa Giê su đặt hai kiểu nói ngang hàng ‘Tay Ta’ và ‘Tay Cha Ta’. Vậy là chẳng những Ngài khẳng định mình là Đấng Mê-si-a, mà còn cho mình ngang hàng với Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa nữa. Đối với người Do thái, đó là điều không thể chấp nhận được.

14. HỎI: Tại sao người Do thái không thể chấp nhận điều đó?

THƯA: Vì người ta đang chờ đợi đấng Mê-si-a là một người, nên không tưởng tượng được Ngài có thể là Thiên Chúa. Đàng khác, niềm tin không lay chuyển vào một Thiên Chúa độc nhất không cho phép họ tin vào thần tính của Chúa Giê su. Vì thế họ tố cáo Ngài: ‘Điều mà ông vừa nói là một lời phạm thượng, vì ông là một người mà tự cho mình là Thiên Chúa’.

15. HỎI: Hậu quả ra sao?

THƯA: Một lần nữa, Chúa Giê su vấp phải sự không hiểu biết của những người đang nóng lòng chờ đợi Đấng Mê-si-a đến. Đúng như điều Gioan đã nói: ‘Ngài đến nhà Ngài và người nhả của Ngài đã không tiếp nhận Ngài’ (Ga 1, 11).

16. HỎI: Như thế Chúa Giê su hoàn toàn thất bại?

THƯA: Không. Ngài không mất tất cả. Chúa Giê su vẫn có những kẻ tin vào Ngài. Chính từ số sót đó phát sinh ra dân tộc những kẻ tin: ‘Chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết theo Ta. Ta ban cho chúng sự sống đời đời’.

17. HỎI: ‘Không bao giờ chúng phải diệt vong’ có nghĩa gì?

THƯA: Chúa Giê su đang nói về sự sống đời đời Ngài sẽ ban cho các chiên của Ngài. Tình yêu của Ngài là bảo đảm cho mọi người ơn cứu độ. Ở đây không nói đến sự cộng tác của các tín hữu, cũng như không nói đến việc con người có thể phản bội và có thể diệt vong.

18. HỎI: Chúa Giê su có ý gì khi nói: ‘Không ai có thể giựt chúng ta khỏi tay tôi’?

THƯA: Dù thái độ chống đối mà Chúa gặp phải, dù cái kết cục bi thảm được nhìn thấy trước, nhưng Chúa Giê su vẫn lạc quan về chiến thắng của Ngài: ‘Không ai có thể giựt chúng ra khỏi tay Ta’. Ở đây vang vọng lại chiến thắng của Chúa Giê su: ‘Anh em hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian’.

19. HỎI: ‘Tôi và Chúa Cha là một’ có nghĩa gì?

THƯA: Qua lời tuyên bố trên, Chúa Giê su muốn khẳng định sự hiệp thông mật thiết của Ngài với Cha Ngài. Đó là khẳng định rõ ràng nhất Ngài là Thiên Chúa. Và người Do thái đã hiểu như thế nên họ đã ném đá Ngài vì họ cho rằng: ‘Ông là một người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa’.

20. HỎI: Chúa Giêsu cũng ban cho một phương cách khác để thuộc vào số những người được Ngài biết đến?

THƯA: Vâng, liền sau đó, Ngài đã cho biết thêm: ‘Và chúng đi theo tôi’. Do đó, việc đi theo Chúa Kitô là một phương thế để Ngài có thể biết chúng ta một cách sâu xa.

21. HỎI: Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Mỗi người phải nỗ lực sống tư cách là chiên của Chúa như lời Chúa đã dạy: ‘Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi’.

2. Mỗi người phải cố gắng luyện tập cho có một tấm lòng và cách thức chăm sóc cho đàn chiên của Chúa Giê-su Ki-tô, mà Chúa đã giao phó cho chúng ta (những chiên ấy là vợ/chồng, cha mẹ/con cái/anh chị em, nhân viên/hội viên/giáo dân, người nghèo/ tàng tật/neo đơn….)

GLCG: 590 Chỉ với căn tính là Thiên Chúa, Ðức Giê-su mới có quyền đưa ra đòi hỏi tuyệt đối: ‘Ai không theo tôi, là chống lại tôi’ (Mt 12, 30); hay tuyên bố: ‘ở đây có người còn hơn ông Giô-na nữa,…. còn hơn vua Xa-lô-mon nữa’ (Mt 12, 41-42), ‘hơn cả Ðền Thờ nữa’ (Mt 12, 6); cũng như khi nhắc lại lời Ða-vít đã gọi Ðấng Mê-si-a là Chúa của ông (x. Mt 12, 36-37); Người khẳng định: ‘Trước khi có tổ phụ Áp-ra-ham, vẫn có tôi’ (Ga 8, 58); thậm chí Người còn nói: ‘Tôi và Chúa Cha là một’ (Ga 10, 30).

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh_ Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh Năm C: "SỰ SỐNG VĨNH CỬU"_Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Phục Sinh: "QUÀ TẶNG TÌNH YÊU"_Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Phục Sinh: "Khao Khát Chúa"_Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Phục Sinh C_Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh C: GIÁO HỘI LÀ QUÀ TẶNG VÀ LÀ TRUNG GIAN LÒNG THƯƠNG XÓT_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     CHỦ NHẬT 3 PHỤC SINH_Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Tông Huấn mới của Đức Thánh Cha: “Amoris laetitia”
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh C: LÒNG MẾN, ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC THA TỘI VÀ ĐƯỢC TRAO QUYỀN MỤC TỬ_Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh C_ Lm.Jos Tạ Duy Tuyền