Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba
Tuần IV Phục Sinh Năm C
TRỤC XOAY CỨU ĐỘ

Bài đọc I: Cv 11: 19-26
19 Vậy những
người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Tê-pha-nô, đi đến tận
miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a. Họ không rao giảng lời Chúa cho
ai ngoài người Do-thái.
20 Nhưng trong
nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê; những người này, khi đến An-ti-ô-khi-a,
đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ.21
Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.22
Tin ấy đến tai Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, nên người ta cử ông Ba-na-ba đi
An-ti-ô-khi-a.23 Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông
Ba-na-ba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa,24
vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất
đông theo Chúa.25 Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô.26
Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến An-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong
Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại
An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu.
Phúc Âm: Ga 10: 22-30
22
Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là
mùa đông.23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang
Sa-lô-môn.24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: "Ông
còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô,
thì xin nói công khai cho chúng tôi biết." 25 Đức Giê-su đáp:
"Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân
danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.26 Nhưng các ông không
tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.27 Chiên của tôi
thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.28 Tôi ban cho
chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được
chúng khỏi tay tôi. 29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn
hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.30 Tôi và Chúa Cha là
một."
Suy Niệm:
Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy điều kỳ diệu nơi chương trình Cứu độ
của Thiên Chúa với nhân loại chúng ta.
1. Trục xoay Cứu Độ.
Thánh sử Gioan đặt bản văn
này trong khung cảnh lễ Cung Hiến Đền Thờ, là lễ hội ánh sáng của người Do
Thái. Do đó sự kiện những người Do Thái chất vấn Đức Giêsu về sứ mạng Messia là
điều rất quan trọng: "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến
bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết."
(Ga 10, 24). Nếu hôm đó Đức Giêsu đáp lại những đòi hỏi của họ thì chắc chắn
trục xoay Cứu Độ sẽ xoay theo chiều
hướng khác, và Đức Giêsu sẽ được tôn vinh theo kiểu Messia trần gian.
Nhưng không, Đức Giêsu đã
không chiều theo ý họ, Ngài đến để làm theo thánh ý Chúa Cha: "Tôi đã nói
với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi,
những việc đó làm chứng cho tôi". Trục xoay Cứu Độ vẫn theo chiều hướng
Chúa Cha đẫ ấn định, nhưng giờ đây Đức Giêsu đã mở ra một hướng mới, không còn
dành riêng cho những người Do thái, mà mở ra cho mọi thành phần, là những người
nghe và thực hành điều Đức Giêsu dạy. Vì thế Đức Giêsu nói tiếp: "Chiên
của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi".
Đến thời các thánh Tông
Đồ, trục xoay Cứu Độ tiếp tục mở rộng, chính nhờ việc bách hại mà các Tông Đồ
phải tản mác mỗi người mỗi nơi, nhớ đó Tin mừng ra đi đến với dân ngoại.
"Trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê; những người này, khi đến
An-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho
họ". Những người Antiôkhia là những người không có sách thánh, không có
sách luật, họ là những người dân ngoại, và thành Antiôkhia là một thành phố xa
hoa, sống buông thả, tội lỗi và phóng túng, nhưng họ đã đón nhận Tin mừng bằng
việc từ bỏ đời sống cũ, sống rập khuân theo Đức Giêsu, gia nhập đoàn chiên của
Ngài. Điều này khó tin nhưng có thật, đã được kiểm chứng bởi Banaba, sách Công
vụ tông đồ kể lại: "Tin ấy đến tai Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, nên người
ta cử ông Banaba đi Antiôkhia. Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông
Banaba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa". Và sau
được giáo dục bởi tông đồ Phaolô, dung mạo Đức Giêsu càng trở nên rõ nét nơi
những người đón nhận Tin mừng đến độ: "Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu
tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu".
2. Thách đố thời đại hôm nay
Tại Antiôkhia, Tin mừng
không được loan báo bởi các tông đồ, nhưng từ
mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê. Họ là những người tiên phong ra đi đến
với dân ngoại và làm cho dân ngoại đón nhận Tin mừng. Những người di dân Sýp và
Ky rê nê này họ không bị đánh mất nền tảng đức tin, nhưng trái lại qua cách
sống và làm ăn buôn bán, họ đã thuyết phục được dân Antiôkhia bằng chính chất
Kitô trong họ. Họ sống với niềm vui Tin mừng có trong họ. Còn chúng ta hôm nay
thì sao? Liệu chất Kitô và niềm vui Tin mừng còn thể hiện nơi người tín hữu
không?
Thánh Giêgôriô khuyên
chúng ta: "Nhờ lòng nhân lành của Chúa, chúng ta đã được một danh hiệu
trọng đại nhất, thánh thiện nhất, ở trên hết mọi danh hiệu, để được mang chính
danh Thánh Chúa Kitô mà được gọi là kitô hữu, thì chúng ta cũng phải liệu để
mọi ý nghĩa của danh hiệu ấy tỏ ra rõ ràng ở nơi chúng ta, kẻo nó chỉ là một hư
danh ở nơi chung ta, trái lại chúng ta phải lấy cả đời sống mà minh
chứng". Thánh Ignatiô cũng nhắn nhủ: "Ai đã là kitô hữu mà còn muốn
mang thêm một danh hiệu nào khác, thì không phải là người thuộc về Thiên
Chúa".
Tam Thái