Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Phục Sinh C
MỤC TỬ XÓT THƯƠNG

Nhiều người ngày nay tuy ngại sinh con, nuôi
con, nhưng thay vì chăm sóc con, người ta chăm sóc cho thú cưng. Họ chăm sóc
những vật nuôi, thú cưng như để cân bằng tâm lý, hoặc có những con vật được yêu
thích vì nó đẹp, khôn hoặc nó trung thành với chủ. Ngày xưa theo văn hóa Do
Thái, người mục tử chăn chiên, họ yêu mến chiên như yêu chính đứa con của mình.
Con chiên không chỉ là vật nuôi gắn liền với cuộc sống du mục, mà nó còn là tài
sản, là bạn, là thành viên trong các gia đình, được yêu mến và chăm sóc như cha
mẹ chăm sóc cho con. Con chiên là giống vật hiền lành, mến chủ, nó cũng là con
vật dễ bị tấn công và bị tổn thương, vì thế người chăn chiên luôn là người bảo
vệ chiên của mình.
Một vài nét về văn hóa Do
Thái như thế để chúng ta có thể dễ hiểu ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, Thiên Chúa
được so sánh là Mục Tử Xót Thương. Mục tử là hình ảnh rất gần gũi đối với người
Do Thái. Tuy nhiên, khi so sánh : Ta là mục tử tốt lành, Chúa Giêsu muốn cho
thấy Ngài thực sự là người dẫn dắt đoàn chiên và Ngài trổi vượt hơn hẳn các
người chăn chiên khác.
Ngay từ xa xưa, các tiên
tri, đặc biệt là Isaia, đã dùng hình ảnh mục tử và đàn chiên để nói về tương
quan giữa Thiên Chúa và Israel. Israel là đàn chiên và Thiên Chúa là mục tử của
họ. Thiên Chúa đã tuyển chọn Israel từ giữa muôn dân, Ngài quy tụ họ thành một
dân, được thánh hiến dành riêng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa như người mục tử vô
cùng vất vả vì đàn chiên là Israel : Khi Isrel tản lạc bởi chiến tranh, Thiên
Chúa đã quy tụ họ về, khi họ bị đau khổ đàn áp bởi cuộc sống làm nô lệ, Thiên
Chúa đã ra tay giải thoát họ. Khi họ sai đường lạc lối, Thiên Chúa đã uốn năn
dạy dỗ và chỉ cho họ cách sống đẹp lòng Chúa. Trong hành trình sa mạc, Thiên
Chúa như người mục tử lo từng miếng ăn giấc ngủ, nguồn nước cho Israel để nuôi
sống họ. Khi họ xa đàn, lạc lối, Thiên Chúa sửa dạy, nhưng rồi lại xót thương
tha thứ.
Đến thời đã định, Thiên
Chúa đã cho Con của Ngài là Chúa Giêsu đến để cùng sống với đàn chiên là
Israel. Chúa Giêsu đã thể hiện vai trò là một mục tử hết lòng xót thương chăm
sóc cho đoàn chiên và sẵn sàng hiến thân để bảo vệ đoàn chiên của Chúa. Chúa
Giêsu đã mang trong mình một trái tim chạnh thương : Ngài chạnh lòng khi thấy
đám đông dân chúng đói khổ bơ vơ như những con chiên không có người chăn ; Ngài
đã quên ăn quên nghỉ để tiếp tục giảng dạy cho họ, chỉ cho họ biết phải sống
sao cho xứng đáng ; Ngài làm phép lạ hóa bánh để nuôi sống họ vì sợ họ đói lả
dọc đường.
Chúa Giêsu cho thấy, những
thượng tế, là những người thiếu trách nhiệm chăm lo đời sống đức tin cho dân
Chúa. Chúa Giêsu là một mục tử có lương tâm và trách nhiệm với đoàn chiên mà
Thiên Chúa Cha đã trao cho Người. Ngài nghiêm khắc không chấp nhận tội lỗi,
nhưng lại hết sức nhân từ yêu thương, thông cảm và tha thứ cho tội nhân. Ngài
sẵn sàng cúi xuống để phục vụ, để nâng những con người yếu đuối hèn kém lên.
Ngài đem đến cho chiên của Ngài sự an ủi vổ về, cũng như hướng dẫn họ sống theo
đúng giời răn lề luật của Thiên Chúa. Ngài thương yêu đoàn chiên của Ngài đến
nỗi hiến trao chính con người và mạng sống cho nhân loại.
Trước cuộc thương khó, Vị
Mục tử Giêsu đã hiến ban thịt máu mình làm của ăn, của uống nuôi dưỡng đoàn
chiên. Trong cuộc khổ hình thập giá, Ngài đã hiến ban đến giọt máu và nước cuối
cùng để cứu thoát con người khỏi tay ma quỷ và thần chết. Ngài đã trải qua một
cuộc chiến cam go với sự chết và đã chiến thắng bằng cuộc phục sinh vinh quang,
đã đem lại sự sống đời đời cho đoàn chiên. Trong đoạn tin Mừng hôm nay, Chúa
Giêsu còn quả quyết : Không bao giờ Ngài để cho chiên của Ngài phải bị diệt
vong và không một sức mạnh nào có thể cướp được chúng khỏi tay Ngài , khỏi tình
yêu thương của Ngài.
Chúa Giêsu đã chấp nhận hy
sinh cả mạng sống để giành lấy đoàn chiên khỏi tay mà quỷ và sự chết. Bởi vì
đoàn chiên nhân loại này, là “tài sản, là gia nghiệp” của Thiên Chúa và còn là
quà tặng mà Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài. Vì thế, bằng mọi cách, Chúa Giêsu
đã yêu thương và bảo vệ đoàn chiên khỏi mọi sự tấn công của ma quỷ và thế gian
: Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.
Chúa Giêsu còn khẳng đình : Tôi và Chúa Cha
là một. Điều này không chỉ là mạc khải về bản tính Thiên Chúa nơi Ngài, mà
còn cho thấy sức mạnh vô song của Thiên Chúa đã dùng để bảo vệ đoàn chiên nhân
loại của Ngài.
Không chỉ nói về vai trò
và tình yêu thương của mục tử, Chúa Giêsu cũng nói đến trách nhiệm và bổn phận
của mỗi con chiên : Chiên của tôi thì
nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Như vậy, để xứng đáng trở
thành con chiên của Chúa, chúng ta phải nghe
được tiếng nói của vị Mục Tử Giêsu. Chúng ta chỉ thực sự là chiên của Chúa Giêsu
khi chúng ta nghe được tiếng của Ngài. Nghe không chỉ là đón nhận âm thanh, mà
là đón nhận lời dạy và giáo huấn của Ngài, là bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài.
Chỉ khi bước theo sự dẫn dắt của Mục Tử Giêsu, chúng ta mới không bị lạc đường,
không gặp nguy hiểm và mới có thể bước vào đồng cỏ Nước Trời.
Tiêu chuẩn để làm chiên
của Chúa Giêsu : Tôi biết chúng và chúng
theo tôi. Tức là phải để cho Chúa
biết mình và mình biết Chúa. Để
Chúa biết mình là để Ngài thấu tỏ tâm hồn, cuộc sống và mọi hành động của mình.
Nói cách khác, tức là sống, làm việc và hành động đưới cái nhìn của Chúa, trong
sự hiện diện của Chúa. Chúa nhìn thấu tâm hồn, ý nghĩ và hành động mỗi người,
không có gì có thể che được mắt Ngài. Vì thế, muốn làm chiên của Chúa, cần phải
sống và cư xử với nhau một các ngay thẳng, không gian dối, đúng với tư cách là
con của Chúa, là những người đã được Chúa cứu chuộc. Đồng thời, chính mình cũng
phải biết Chúa, tức là biết Chúa là ai, Chúa muốn tôi làm gì, Chúa có vị trí
nào trong đời tôi và tôi có vị trí nào trong bàn tay Chúa?
Sau cùng, để thực sự là
chiên của Chúa thì phải bước theo Chúa.
Chiên phải bước theo người chăn, học trò phải theo thầy, con cái phải theo lời
chỉ dạy của cha mẹ. Mục tử Giêsu cũng muốn chúng ta có thái độ như thế. Bước
theo Chúa là bước đi trong sự bảo vệ, theo sự dẫn dắt của Chúa, và bước đi cùng
với các anh chị em khác. Bước theo Chúa là theo sát con đường Chúa đi, là con
đường yêu thương phục vụ, dám hy sinh, cho dù phải đánh đổi mạng sống, không
thể rẽ ngang, cũng đừng tách đàn, đừng nấn ná cũng đừng la cà. Theo Chúa còn là
tuân theo lời chỉ dạy của Chúa, qua việc sống các mối phúc của Tin Mừng, là dám
sống yêu thương đến tận cùng và dám bước vào con đường thập giá với Chúa vì yêu
thương anh em.
Các tông đồ là những con
chiên đầu tiên của Chúa đã sống những tiêu chuẩn của Mục Tử Giêsu. Một khi các
ông đã đón nhận được đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, được cùng sống với Ngài,
học nơi Ngài, biết về Ngài, giờ đây các ông trở thành những người nói về Mục Tử
Giêsu cho mọi người. Chúa Giêsu không mãi hiện diện bằng thể xác với đoàn chiên
nhân loại của Ngài, ngài đã muốn có nhiều các cộng tác viên để tiếp tục chăm
sóc bảo vệ đoàn chiên nhân loại. Các tông đồ đã ý thức và đã lãnh nhận sứ mạng
này từ nơi Chúa Giêsu, để đến lượt các ông, theo gương mục tử Giêsu, các ông
hết mình chăm lo cho đoàn chiên của Chúa.
Với ơn của Bí Tích rừa
tội, chúng ta vừa là chiên của Mục tử Giêsu đồng thời cũng được tham dự vào vai
trò là mục tử của Chúa Giêsu. Là chiên của Chúa, xin cho chúng ta luôn nhận ra
tình yêu thương của Mục tử Giêsu đế ta sống gắn bó với Ngài, tin tưởng vào Ngài
dù khi vui hay khi gặp thử thách. Xin cho chúng ta luôn để tâm lắng nghe và làm
theo tiếng Chúa nói với mình. Chúa nói với mỗi người qua Lời của Chúa và qua
việc cử hành phụng vụ mỗi ngày. Xin cho chúng ta biết chăm chỉ học hỏi để biết
Chúa nhiều hơn và cũng dám mở lòng, sống khiêm tốn để cho Chúa biết cuộc sống
và con người chúng ta. Chúa biết chúng ta yếu đuối cần đến lòng thương xót của
Ngài. Xin Cho chúng ta luôn để cho Chúa yêu thương và trung thành theo Chúa dù
có phải trải qua những lúc đen tối và thử thách nhất. Amen.