SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ BẢY TUẦN IV PHỤC SINH

LỜI CHÚA: Ga 14,7-14
(7) Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy.
Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người". (8) Ông
Philípphê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là
chúng con mãn nguyện".
(9) Ðức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu,
thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao
anh lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha'? (10) Anh không tin rằng
Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh
em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Ðấng luôn ở trong Thầy, chính
Người làm những việc của mình. (11) Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa
Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không, thì hãy tin vì chính các việc kia
vậy. (12) Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng
sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. (13) Và bất cứ điều gì anh em nhân danh
Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. (14) Nếu
anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.
SUY NIỆM
Chúng
ta không thể biết Thiên Chúa nếu Ngài không tỏ mình cho chúng ta.
Sự
kỳ vĩ của vũ trụ uy hùng, của thiên nhiên xinh đẹp cùng với sự kỳ diệu phong
phú của muôn loài, muôn vật có thể mặc khải – tỏ ra cho chúng ta thấy một Thiên
Chúa toàn năng, toàn mỹ.
Mặc
khải Thánh kinh cho chúng ta thấy ‘lưng’ của Thiên Chúa; (Mô-sê: Xh 33, 22 -
23) nghĩa là nhờ các ngôn sứ, qua việc suy ngẫm các sự kiện, biến cố lịch sử mà
chúng ta thấy được ý định của Thiên Chúa, biết được Thiên Chúa là Đấng huệ ái,
bao dung, đầy tình yêu thương xót.
Tuy
nhiên, chỉ duy nhất nơi Người Con – Đức Giê-su Ki-tô cho chúng ta thấy được một
Thiên Chúa sống động cụ thể với những tâm tư, ước muốn, tình cảm và hành động
của Người: “Ai xem thấy Thầy là xem thấy Cha…. Các con hãy tin rằng Thầy ở
trong Cha và Cha ở trong Thầy.” (c.9 – 10)
Như
thế, nhờ Đức Giê-su mà chúng ta biết được Thiên Chúa, biết được sự Chân – Thiện
– Mỹ của Người;
Nhờ
Đức Giê-su mà chúng ta biết được Thiên Chúa yêu thương chúng ta thế nào – một
tình yêu kỳ diệu, tuyệt vời, vô điều kiện, vô vị lợi – một tình yêu xót thương.
Quả
thế, Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng nên Ngài cũng thương xót vô cùng;
Ngài
là người cha nhân hậu đối với những đứa con hoang đàng, là Mục tử nhân lành
kiếm tìm con chiên lạc, bênh vực, làm bạn với những người tội lỗi, những bị gạt
ra bên lề xã hội để phục hồi phẩm giá của họ, đưa họ về nẻo chính đường ngay
(x. Lc 15, 1 - 31); Ngài chạnh lòng thương đối với những ai khốn khổ nghèo hèn,
là người Sa-ma-ri-ta-nô tốt lành cứu giúp những kẻ bất hạnh (x. Mt 9, 35 – 39;
10, 1. 6 – 8; Lc 10, 29 - 37); Ngài tha thứ cho những kẻ giết Ngài, dạy chúng
ta phải yêu thương cả kẻ thù ghét chúng ta (x. Lc, 6, 27 – 35; 23, 34)…. Ngài
ghét thói giả hình, lòng dạ độc ác kiêu căng và yêu thương, tôn vinh lòng chân
thành, sự khiêm nhu hiền lành…(x. Lc 1, 46 – 53; 10,21; 18, 9 – 17). Sự công
bằng của Thiên Chúa cũng là sự công bằng của tình yêu: Ngài cho mưa xuống trên
người lành và kẻ dữ (Mt 5, 45), Dụ ngôn người làm việc giờ thứ mười một (x. Mt
20, 1 - 16), người đầy tớ mắc nợ mười ngàn nén vàng (x. Mt 18, 23 - 35)…; và
còn rất nhiều điều nữa mà chúng ta có thể chiêm ngắm dung mạo của Thiên Chúa
nơi Đức Giê-su Ki-tô trong Tin mừng – một Thiên Chúa toàn mỹ - hoàn thiện, đầy
lòng xót thương; và Ngài mời gọi chúng ta hãy nên giống như Ngài (x. Mt 5, 48).
“Ai
thấy Thầy là xem thấy Chúa Cha”, Tin vào Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta tin tưởng
vào tình thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta – một tình thương
độc đáo, cá vị, mời gọi chúng ta can đảm bám chắc vào ngài, để Ngài dẫn dắt
cuộc đời dẫu cho đời có nhiều chông gai, thử thách… - Chúng ta tin chắc rằng
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Đồng
thời, Đức Giê-su muốn Ki-tô hữu chúng ta cũng phản ánh dung mạo của Người cho
tất cả mọi anh em còn xa lạ với Chúa để họ được nhận biết Người; nghĩa là: nhìn
vào đời sống các con, thiên hạ sẽ nhận biết được sự tốt lành của Thiên Chúa
chân thật. Cụ thể: Tình thương được diễn tả bằng những cử chỉ cảm thông, chia
sẻ, và phục vụ cách vô vị lợi – “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là
môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau” (x. Ga 13, 35); bên cạnh đó, chúng ta
còn phản ánh dung mạo của Đức Ki-tô bằng đời sống ngay thẳng, thật thà, liêm
chính không gian dối, lươn lẹo, lọc lừa, hay tham lam, ích kỷ nơi học đường,
trong công sở, chỗ làm việc…
“Ai
tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm
được những việc lớn lao hơn.” Nhận biết
và tin vào Thiên Chúa, chúng ta được thúc đẩy dấn thân để thực thi trọn vẹn ý
muốn của Người. Như Thiên Chúa ở trong Đức Ki-tô và làm mọi việc (c. 10), chúng
ta hãy tha thiết gắn bó và cầu xin để Đức Ki-tô làm mọi việc trong chúng ta hầu
thi hành thánh ý của Người; và như thế chắc chắn muôn điều kỳ diệu sẽ được thực
hiện trong cuộc sống.
Trong
năm thánh lòng thương xót này, chúng ta cần tích cực nhiều hơn nữa để qua chúng
ta, Đức Giê-su bày tỏ lòng thương xót đối với nhân loại còn đang bị chìm ngập
trong tối tăm, đau khổ và sự dữ, đem lại nguồn tin yêu, hy vọng và ủi an cho
mọi người.
Cầu
nguyện
Lạy
Chúa Giê-su, chúng con thờ lạy và ngợi khen lòng thương xót Chúa; Xin thương
xót chúng con là kẻ tội lỗi.
Xin
ban cho chúng con niềm tin tưởng vào lòng khoan dung, xót thương của Người và
giúp chúng con sống tinh thần sám hối – canh tân mỗi ngày.
Xin
cho mỗi Ki-tô hữu chúng con trở nên chứng nhân phản ánh dung mạo tình yêu và
lòng xót thương của Chúa bằng những việc làm cụ thể để “Thiên hạ thấy những
việc chúng con làm mà ngợi khen cha trên trời” (x.Mt 5, 16). Amen
Nt. Maria Vũ Thị Chinh Anh, OP