Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Phục Sinh C
NGƯỜI MÔN ĐỆ GIỮA THẾ GIAN
Lời Chúa: Ga 15, 18-21
18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng
nó đã ghét Thầy trước. 19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái
gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách
anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20 Hãy
nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ
Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ
lời anh em. 21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những
điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã
sai Thầy. Suy niệm:
Sau khi Đức Giêsu mời gọi các môn đệ “Hãy ở lại
trong tình yêu của Ngài” (x. Ga 15, 1-17), để các ông được kín múc nguồn sức sống,
nguồn sung mãn vô biên của tình yêu cứu độ, được liên kết cách mật thiết với
Chúa “như cành nho gắn kết với cây nho”; để các ông có đủ dũng lực để thực thi
điều Đức Giêsu truyền dạy, đó là “hãy yêu thương nhau”. Giờ đây, Đức Giêsu chỉ
cho các môn đệ thấy “nơi mình đang thuộc về”: “…Anh em không thuộc về thế gian, Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi
thế gian” (Ga 15, 19b).
Chính lẽ đó, thế gian ghét các môn đệ, vì thế gian
ghét Đức Giêsu (x. c 18-19); và thế gian cũng sẽ ngược đãi các môn đệ [bắt bớ
các môn đệ] (x.Ga 15,20-21) vì các môn đệ không thuộc về chúng (c.19), nhưng
thuộc về Đức Kitô (c.21). Bởi lẽ, thế
gian chỉ yêu thích những gì thuộc về chúng. Đây quả là một thách đố cho các môn
đệ, vì để lể làm chứng cho tình yêu, cho chân lý và sự thật giữa thế gian, thì
các ông phải chấp nhận bị ngược đãi, bách hại. Vậy nên, nếu người môn đệ không
bám rễ sâu vào Đức Giêsu, không liên kết cách thường xuyên và mật thiết với Ngài,
thì rất khó khăn khi bị thế gian lên án và ngược đãi. “Thế gian” ở đây, thánh
Gioan muốn ám chỉ các tổ chức trần thế xã hội của con người không có Chúa.
Chúng xem Thiên Chúa hoàn toàn không cần thiết cho đời sống con người, cùng với
đó là sự nghi ngờ bất kỳ ai không giống như chúng, như thể sự khác biệt ấy là một
mối nguy hại cho tính bền vững của chúng vậy.
Đức Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy nơi mình thuộc về,
và khuyến khích các ông nên can đảm làm chứng về Ngài giữa thế gian. Thế gian
ghét anh em vì chúng đã ghét Thầy trước, thế gian chống đối anh em vì anh em đã
mang danh Thầy, vì chúng không biết Đấng đã sai Thầy. Do đó, sứ mệnh mà các môn
đệ mang trên mình, không phải là sứ mệnh của chính họ nhưng là sự tiếp nối sứ mệnh
của Đức Kitô. Họ ra đi trong ân sủng, họ đến giữa thế gian để mang ân sủng ấy
thánh hóa những ai đang khao khát ơn cứu độ, và họ dám chết vì ân sủng mình đã
nhận lãnh để sinh ích cho kẻ khác, như hạt lúa mì chết đi để sinh nhiều bông hạt
vậy.
Đời sống người ki-tô hữu chúng ta ngày nay cũng vậy,
cần phải tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, của các tông đồ, là đem sự thật, sự bình
an và ơn cứu độ vào xã hội mà chúng ta đang sống, một xã hội đang thiếu vắng sự
thiện và dư tràn sự tàn bạo ác tâm. Sự lương thiện nơi người tín hữu có thể là
mối nguy hại cho chính mình, như một giáo viên chân chính luôn có nguy cơ bị đẩy
ra khỏi guồng máy của nền thương mại hóa giáo dục chỉ cần có tiền; như một vị
quan thanh liêm luôn bị guồng máy của sự cửa quyền, bất công nhiều tham nhủng
tìm cách khử trừ; như một người công nhân lương thiện luôn bị bóc lột sức lao động
cách bất công; như một nhóm người yêu chuộng công lý luôn bị các thể chế bất
công tìm cách triệt hạ…. Thế gian là thế, luôn tìm cách loại trừ những ai không
giống mình.
Là một ki-tô hữu thực sự, đòi hỏi căn bản là phải
có can đảm sống khác người khác trong xã hội hội đầy “ô nhiễm” này. Sống khác
người thật nguy hiểm, nhưng để trở thành người Ki-tô hữu cần phải chấp nhận
nguy cơ ấy. Bởi họ thuộc về Đức Kitô, tức là xem Chúa là thực tại duy nhất và tối
hậu; chứ không thuộc về thế gian, nghĩa là xem Chúa hoàn toàn không cần thiết
cho đời sống con người.
Lạy Chúa, giữa một trần thế mà sự ác, sự tàn bạo bất
công gần như đang thắng thế, xin hãy giúp chũng con là những Ki-tô hữu, những
môn đệ của Chúa, dám luôn can đảm sống đúng căn tính của mình, để qua đó muôn
dân nước nhận biết tình yêu thương vô bờ của Chúa. Amen!
(Xuân Hạ, OMI)