Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh C
YÊU THƯƠNG LÀ GIỚI RĂN MỚI
Cuối tháng ba vừa qua, trước khi bị bãi nhiệm, Thủ
tướng Việt Nam có lời chia tay với các thành viên chính phủ. Ông cầu chúc cho
những người nghỉ hưu có sức khỏe và còn căn căn dặn mọi thành viên : Hãy ráng sống
cho tử tế. Lập tức, chủ đề sống tử tế được các trang mạng và báo chí đề cập đến
nhiều hơn. Có người cho rằng sau sự nghiệp chính trường, ông đã có đầy đủ mọi
thứ, chỉ còn thiếu một điều, đó là sự tử tế. Người khác cho rằng không chỉ
riêng cá nhân ông, mà cả xã hội Việt Nam, nhất là trong chốn quan trường, điều
đang thiếu trầm trọng nhất đó là sự tử tế đối với nhau. Nhận định đó có lẽ
không sai, vì thực tế con người ngày nay sống và cư xử với nhau thiếu tình yêu
thương, thiếu sự tử tế và cũng không quan tâm đến việc đối xử tử tế với nhau.
Là con cái Chúa, chúng ta được mời gọi sống và cư
xử với nhau bằng tình yêu thương và lòng nhân ái trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì
chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Chúa Giêsu truyền cho chúng ta giới răn mới này
trong bữa tiệc ly, khi Giuđa vừa rời khỏi phòng tiệc. Trong khung cảnh của bữa tiệc ly, khi Chúa Giêsu sống
những giờ phút cuối cùng thật thân thương với các môn đệ, thì Giuđa đã vì tiền
mà phản bội lại Thầy, anh đối xử thiếu tử tế với Thầy và với anh em. Trong cuộc
sống, tiền bạc có thể biến người ta trở thành kẻ thù của nhau, cư xử độc ác với
nhau. Cũng vì tiền bạc, người ta có thể đánh mất sự tử tế phải có trong con người.
Giuđa đã đánh mất tình yêu và sự lương thiện trong tâm hồn nên anh đã hành động
bất lương và bất nhân như thế.
Chúa Giêsu, dù đối diện với hành động bất nhân của
Giuđa, Ngài không phản ứng giận dữ, cũng không muốn các tông đồ có cái nhìn
khác về Giuđa, trái lại, Ngài hướng lòng các môn đệ về với Thiên Chúa Cha. Chúa
Giêsu đã dùng lời lẽ hết sức thân thương để nói với các môn đệ : Hỡi anh em là
những người con bé nhỏ của Thầy, …Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh
em hãy yêu thương nhau.
Gọi là giới răn mới, vì giới răn yêu thương của
Chúa Giêsu vượt trội hơn giới răn của Cựu Ước. Giới răn yêu thương của Cựu Ước
bị giới hạn trong phạm vi dòng tộc, quốc gia, có ranh giới giữa bạn và thù. Còn
giới răn mới của Chúa Giêsu đòi hỏi một tình yêu không giới hạn, không biên giới
và không còn phân biệt bạn thù, vì tất cả mọi người đều cần được yêu thương và
môn đệ của Chúa phải dám yêu thương không giới hạn.
Gọi là giới răn mới, vì giới răn này đòi phải có
những con người có tinh thần được đổi mới. Con người cũ là con người bị ảnh hưởng
của tội lỗi, của cái tôi và sự ích kỷ. Con người mới là con người đã được Tin Mừng
của Chúa Giêsu biến đổi, có một trái tim quảng đại, một tấm lòng chạnh thương mới
có thể sống theo luật mới của Chúa.
Chúa Giêsu còn muốn chúng ta : Anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Tức là, chúng ta không chỉ yêu
thương nhau theo cảm xúc tự nhiên, mà còn phải yêu thương nhau như đã được Chúa
yêu. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta không chỉ như tình yêu của cha mẹ dành
cho con cái, Ngài còn yêu thương đến nỗi chấp nhận từ bỏ địa vị của mình để đến
ở với con người. Ngài cùng chia vui sẻ buồn với thân phận con người chúng ta, sẵn
sàng tha thứ khi chúng ta phản bội Ngài. Ngài không kết án khi chúng ta phạm tội,
nhưng luôn cho chúng ta có cơ hội để sửa chữa sai lầm. Ngài chạnh thương khi thấy
chúng ta bơ vơ đói khổ, đã cúi xuống để yêu thương, phục vụ và rửa chân cho các
môn đệ. Sau cùng, Ngài đã chấp nhận chết thay để cho chúng ta được sống. Như thế,
yêu như Chúa đã yêu tức là dám sống và hành động yêu thương như chính Chúa
Giêsu. Sống yêu thương sẽ là dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ Chúa. Mọi người
sẽ nhận ra chúng ta thuộc về Chúa Giêsu khi chúng ta sống yêu thương.
Đón nhận giới răn yêu thương, chúng ta được mời gọi
phải thực hành và đem tình yêu thương vào xã hội hôm nay. Xã hội chúng ta đang
sống dường như vắng bóng của tình yêu. Những gương sống cao đẹp, nhân ái, tử tế
với nhau càng ngày càng khan hiếm. Trái lại, sự ích kỷ, bất công, gian dối và
cái ác ngày càng gia tăng và gây đau khổ cho nhiều người. Con người cư xử với
nhau thiếu tử tế, nhưng thừa bạo lực; tình trạng tội ác, giết người xảy ra thường
xuyên. Không ở đâu trở nên tồi tệ như tại Việt Nam, người ta sống bần cùng đến
độ phải đi ăn cắp con chó; cũng không ở đâu người ta cư xử với nhau ác như ở Việt
Nam, chỉ vì một con chó, kẻ trộm chó bị cả làng kéo ra đánh cho đến chết.
Với một tinh thần mới, các tông đồ đã hăng hái lên
đường rao truyền Tin Mừng yêu thương của Chúa cho mọi người, dù phải trải qua
biết bao khó khăn, thử thách. Tiếp nối bước chân các Ngài, các tín hữu ngày nay
được mời gọi đem tình yêu thương của Chúa đến với những người đau khổ, bất hạnh,
bắt đầu từ nơi giáo xóm cho đến các vùng truyền giáo xa xôi. Cần bắt đầu từ những
việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, bằng cách gia tăng vị ngọt của tình yêu vào
mọi lời nói, mọi cách cư xử.
Việt Nam đã bị loại ra khỏi danh sách những nơi
đáng sống vì lý do người ta không cảm thấy an toàn thoải mái, bầu khí không
thân thiện, con người đối xử với nhau thiếu lịch sự văn minh. Nếu đánh giá
khách quan, liệu môi trường giáo xứ chúng ta có phải là môi trường đáng sống
hay không ?
Nhờ ơn Bí tích Rửa tội, chúng ta đã trở thành con
người mới, do đó, chúng ta phải sống và thực hành giới răn mới của Chúa Giêsu
là : Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Cuộc sống chạy theo vật
chất đang biến con người trở thành ích kỷ. Sự ích kỷ chính là thuốc độc, là khối
u ung thư đang từng ngày giết chết tình yêu trong tâm hồn, phá hủy các tương
quan giữa con người với nhau. Để sống và thực hành giới răn yêu thương của
Chúa, đòi chúng ta phải chấp nhận cắt bỏ khối u ích kỷ này để có thể nghĩ đến
và quan tâm tới người khác.
Tình yêu không chỉ dừng lại nơi sự quan tâm, Chúa
còn đòi chúng ta bước xa hơn, đó là phải yêu như Chúa đã yêu. Có nghĩa là chúng
ta phải dám mở toang tâm hồn, mở rộng đôi tay và mở rộng cửa nhà, để cho tình
yêu của mình tuôn tràn đến mọi người một cách quảng đại, không giới hạn, không
điều kiện. Hơn nữa, yêu như Chúa yêu có nghĩa là chúng ta phải dám chấp nhận sự
thua thiệt về phía mình, dám chấp nhận hy sinh quyền lợi, và nếu cần, hi sinh cả
cuộc sống cho những anh chị em chung quanh.
Hãy bắt đầu sống và thực hành giới răn yêu thương
từ trong gia đình bằng việc nói với nhau cách bao dung thông cảm hơn, cư xử với
nhau tử tế hơn, giàu lòng nhân ái, nhân văn hơn. Tình yêu và sự hy sinh của cha
mẹ dành cho con cái thật thiêng liêng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ đã để cho tình cảm
này trở nên xuống cấp, vấy bẩn bởi sự so đo tính toán với con cái. Chỉ khi được
sống trong tình yêu và hạnh phúc thật, con trẻ mới có thể phát triển một cách
quân bình và có một tâm hồn biết yêu thương.
Kế đến, hãy thực thi giới răn yêu thương nơi anh
chị em trong gia đình và nơi lối xóm, bằng việc sống với nhau cách quảng đại,
liên đới, cư xử với nhau cách văn minh lịch sự. Tiền bạc và quyền lợi có thể dễ
dàng phá vỡ tình anh em trong gia đình, tình xóm ngõ. Anh em trong nhà, bà con
trong xóm, có thể chỉ vì một lời nói, một chút của cải, vì cách cư xử thiếu
tình yêu, thiếu tử tế, thiếu lịch sự có thể làm tổn thương, sứt mẻ tình anh em và láng giềng. Thực hiện giới răn
yêu thương, chúng ta cần làm cho tình anh em gia đình ngày thêm găn bó, tình
xóm ngõ ngày thêm bền chặt. Mỗi người cần biết hy sinh lợi ích riêng mình để vun
đắp cho lợi ích chung.
Xã hội là môi trường chúng ta phải sống và thực
hành giới răn yêu thương của Chúa. Chúng ta chưa cần làm những việc to lớn,
nhưng hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ. Mỗi người hãy góp cho xã hội nhiều nụ cười
hơn, nhiều cử chỉ đẹp và nhiều lòng nhân ái hơn. Việc làm yêu thương có sức lan
tỏa. Khi chúng ta kiên trì gieo mầm yêu thương mỗi ngày, hoa trái yêu thương sẽ
nảy nở trong xã hội này. Hãy gieo thật nhiều hạt mầm nhân ái, quảng đại và thứ
tha, xã hội sẽ bớt đi những cái ác. Hãy gieo nhiều hạt mầm yêu thương, công bằng
và lương thiện, môi trường sống của xã hội này sẽ trở nên đáng sống hơn.
Xin Chúa Giêsu Phục sinh, biến đổi chúng ta nên
con người mới để chúng ta có thể thực hành được giới răn mới của Chúa. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc