Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
II Mùa Vọng C
CON ĐƯỜNG CỦA
LÒNG XÓT THƯƠNG
Năm
ngoái, khi làm con đường đắt nhất hành tinh tại Hà Nội, vì tránh ngôi nhà của một
quan chức nào đó, người ta đã phải uốn cong con đường. Khi bị truy vấn, họ
không dám nói lên sự thật mà lại biện minh gọi đó là đoạn cong mềm mại. Ở Đồng
Nai, dự án con đường bờ sông cũng bị dừng lại nhiều năm, đến nay chưa hoàn tất
được vì vướng phải những ngôi nhà “nhạy cảm”. Người ta nói rằng, có lẽ ở Việt
Nam, luật pháp chưa nghiêm minh hoặc do một ảnh hưởng ngầm nào đó nên mới có
tình trạng như thế. Những ngày vừa qua, UBND Tp.HCM đã phải rút ra bài học sâu
sắc khi làm ăn với nước ngoài, đó là nhà thầu Nhật Bản đòi phạt mỗi ngày 2,5 tỷ
đồng vì chậm bàn giao mặt bằng đường xe điện Bến Thành - Suối Tiên do vướng mắc
giải tỏa đền bù. Đến nay, việc trễ hợp đồng đã gần 2 năm, số tiền nộp phạt lên
đến hàng trăm tỷ.
Con
đường trong tâm hồn của mỗi người cũng bị tình trạng giống như thế. Có những lối
sống bị bẻ cong, bị vướng mắc vì phải tránh né những bận vướng trong tâm hồn không
giải toả được. Thiên Chúa muốn đến với mỗi người để bày tỏ tình yêu thương, nhưng
con người vẫn không giải tỏa được những khúc quanh co, những bận vướng đó, khiến
Thiên Chúa không đến với ta được.
Bài
đọc một, tiên tri Baruc mô tả những việc Thiên Chúa yêu thương thực hiện cho
dân Người. Qua lời vị tiên tri, Thiên Chúa nói với dân Israel: Hỡi Giêrusalem,
hãy cởi bỏ áo tang chế mà mặc lấy áo vinh quang. Hãy khoác lên mình áo công
chính và đội triều thiên vinh quang mà Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. Thiên Chúa sẽ
cho khắp hoàn cầu được nhìn thấy ánh vinh quang rực rỡ của ngươi. Vị tiên tri
còn tiên báo ngày tất cả con cái của Thiên Chúa sẽ được quy tụ về trong niềm
vui mừng hớn hở : Ngày xưa, chúng bị giải đi như những tên nô lệ, nay sẽ đến
ngày, Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với Giêrusalem trong tiếng cười hân hoan.
Lời
tiên báo của Baruc gợi lên hình ảnh của một vị Thiên Chúa hết mực xót thương
dân Người. Cho dù Israel có phản bội, từ chối Thiên Chúa, thì Thiên Chúa vẫn
không thể từ chối họ. Ngài vẫn cho họ cơ hội và tương lai tươi sáng. Tuy nhiên,
Thiên Chúa vẫn chờ đợi nơi dân Người một thái độ thích hợp trước tình yêu của
Ngài. Bài đọc một cũng cho thấy, để Thiên Chúa có thể đến viếng thăm và đem dân
trở về, họ phải chẩn bị một con đường cho ngay thẳng: bạt thấp núi cao gò đồi,
lấp đầy hố sâu, san phẳng những chỗ gập ghềnh. Trên con đường đó, Thiên Chúa sẽ
dẫn họ bước đi dưới ánh sáng và lòng từ bi công chính của Người.
Con
đường Chúa kêu mời Israel chuẩn bị là con đường trở về quê hương, nhưng cũng
còn là con đường của mỗi người trở về với Chúa. Cần phải san bằng tất cả những
chỗ gập ghềnh trên con đường ấy, để Thiên Chúa có thể đến với con người và con
người có thể về với Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ cho thấy, Thiên Chúa của chúng
ta là vị Thiên Chúa luôn chủ động bước đến con người. Ngài như người mục tử
không biết mệt mỏi để tìm kiếm và cứu chữa những con chiên bị lạc, bị thương
tích.
Tin
Mừng Luca cho thấy, Thiên Chúa đã bước vào lịch sử nhân loại. Ngài không còn đứng
bên trên hoặc bên ngoài để nhìn vào con người, nhưng đã chấp nhận bước vào thế
giới, nhập cuộc với con người, để có thể đem tình yêu thương của Thiên Chúa cho
thế giới loài người theo cách thức của con người. Việc Thánh Luca liệt kê các nhân
vật trong lịch sử: Năm thứ mưới lăm triều hoàng đế Tiberiô, Phongxiô Philatô
làm tổng trấn…để cho thấy việc xuất hiện của Gioan Tiền Hô và của Đấng Cứu Thế
không phải là một câu chuyện hoang tưởng, mà là một biến cố lịch sử, tức là có
thể xác định được không gian và thời gian.
Gioan
được chọn trở thành người dọn đường cho Đấng Cứu thế. Ông mời gọi mọi người chuẩn
bị tâm hồn, thay đổi thái độ sống, để có thể đón nhận lòng thương xót của Thiên
Chúa. Ông cũng kêu gọi mọi người tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa để sám
hối và đón nhận ơn tha thứ. Sám hối không chỉ là than khóc về quá khứ, nhưng phải
là một quyết tâm thay đổi từ trong suy nghĩ đến hành động, thay đổi nếp sống cũ
không phù hợp với Thiên Chúa để tạo lập một nếp sống mới tốt hơn. Sám hối đòi mỗi
người phải có những hành động quyết liệt: Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, mở lối
cho thẳng để Người đi. Như thế, việc sám hối là việc cần phải làm ngay lúc này,
không thể chần chừ, phải luôn dọn sẵn, để bất cứ lúc nào Thiên Chúa cũng có thể
đến với con người. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho phẳng,
đường quanh co uốn lại cho ngay, đường gồ ghề phải san cho bằng. Con đường
Gioan nói lúc này chắc chắn không phải là con đường bằng đất bằng đá nữa mà là
con đường trong tâm hồn.
Như
vậy, để đón nhận Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, là hiện thân của lòng Chúa thương
xót, chúng ta cần phải khai thông những chỗ ùn tắc trong tâm hồn. Mọi đồi núi của
sự kiêu căng, tự mãn, tự phụ cần phải được san phẳng, vì Thiên Chúa chống lại kẻ
kiêu căng và Ngài nâng cao kẻ khiêm nhường. Mọi chỗ gồ ghề trong tâm hồn là những
lối sống quanh co, gian dối, là cách làm ăn bất minh, bất chính cần phải được
làm cho bằng phẳng để có thể có được một tâm hồn bình an, một lương tâm trong
sáng. Nếu như con đường quốc lộ, chính quyền có thể dùng biện pháp cưỡng chế giải
toả cho thông thoáng, nhưng con đường trong tâm hồn thì không thể cưỡng chế bằng
bất cứ biện pháp nào nếu một khi người đó không muốn. Vì thế, không ai khác hơn
là chính mỗi người phải tự nắn lại con đường mình đang đi, tự mình giải toả những
vướng mắc đang cản trở bước tiến của mình cũng như cản đường của Thiên Chúa.
Chúng
ta cũng cần phải san bằng những con đường gồ ghề trong gia đình. Do sự khác biệt
về tuổi tác giữa các thế hệ, do sự tác động của xã hội, khiến cho nhiều gia
đình vợ chồng cha mẹ, con cái, dù ở trong một nhà nhưng vẫn không thể đến với
nhau, không thể nói chuyện với nhau. Nhiều gia đình anh em, cha mẹ vì một chút
quyền lợi, của cải đất đai mà không còn nhìn mặt nhau, coi nhau như người dưng
nước lã. Cần phải lấp đầy con đường này bằng tình yêu thương và sự quảng đại, bằng
sự cảm thông và tha thứ, để các thành viên trong gia đình có thể bước đến với
nhau.
Cũng
còn có những con đường đang bị vướng mắc bởi sự giàu có, bởi sự tiện nghi và bởi
thiếu tình yêu thương trắc ẩn bởi ít khi đi lại, khiến cho nó trở nên rậm rạp
um tùm, đó là con đường đến với người nghèo và những người bất hạnh. Sống trong
Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót là cơ hội để chúng ta khai thông những con đường
này. Hãy chủ động dẹp đi những bận vướng, những rào cản để mỗi người có thể đi
ra khỏi sự giàu có hưởng thụ, khỏi sự êm ấm an toàn của mình để có thể đến với
những con người nghèo khó, bất hạnh. Họ đang cần nơi chúng ta không hẳn là tiền
bạc bố thí, nhưng họ đang cần nơi chúng ta tình yêu thương và sự cảm thông, tôn
trọng. Đừng cố ý hay vô tình nhân danh những con người nghèo khó này để trục lợi
hay làm tổn thương họ.
Chúng
ta cũng cần phải giải tỏa và làm thông thoáng con đường đến với anh chị em.
Trong thực tế, nhiều người, nhiều nhà đã chặn rào bịt lối của nhau khiến cho
hàng xóm không còn lối ra. Cũng vậy, trong đời sống đạo cũng như đời sống thường
ngày, chúng ta cũng đã lấn chiếm đường xá, xây ụ đắp mô khiến đường xá trở nên
nhỏ hẹp. Con đường bên ngoài đã trở nên nhỏ hẹp thì con đường trong tâm hồn sẽ
không còn có thể đi lại được được nữa, vì đã bị những sự nghi kỵ, ghen tị rào
kín. Có nhiều người là hàng xóm với nhau, nhưng đã nhiều năm nghi kỵ, thù hận đến
độ ra trông thấy nhau, vào trông thấy nhau mà không có được một lời chào hay
thăm hỏi.
Hội
Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi chúng ta bảo vệ và làm cho môi trường sống trở
nên sạch đẹp. Hãy bắt đầu từ con đường ở cửa nhà mình, đừng biến đường chung
thành của riêng, đừng xả rác và làm tắc nghẽn con đường và dòng nước chảy. Trái
lại, hãy làm cho mọi con đường trước cửa nhà, trong ngõ xóm trở nên sạch đẹp,
thông thoáng, cũng cần làm sạch đẹp mọi con đường trong tâm hồn. Hãy trồng thêm
cây xanh, bông hoa không chỉ ở cửa nhà mà còn phải trồng nhiều bông hoa trong
tâm hồn của mình, để con đường ấy sẽ là con đường chờ đón Chúa đến trong và
cũng là con đường để chúng ta có thể đến với anh em trong niềm vui. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc