Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III
Phục Sinh
ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA TRONG CUỘC SỐNG
I.
HỌC LỜI CHÚA
1.
TIN MỪNG: Lc 24, 13-35
(13) Cùng ngày hôm ấy, có
hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách
Giê-ru-sa-lem sáu mươi dặm. (14) Họ trò chuyện với nhau về tất cả
những sự việc mới xảy ra. (15) Đang lúc trò chuyện và bàn tán, thì
chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. (16) Nhưng mắt họ
còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (17) Người hỏi họ: “Các anh vừa
đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt
buồn rầu. (8) Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc
ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết
những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. (19) Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?”
Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một Ngôn sứ đầy uy thế
trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.
(20) Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người
để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá (21)
Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ
cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày
thứ ba rồi. (22) Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng
tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, (23)
không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện
ra bảo rằng Người vẫn sống. (24) Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra
mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói: còn chính Người thì họ
không thấy”. (25) Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Ôi những
kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ ! (26) Nào Đức
Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh
quang của Người sao ? (27) Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn
sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong
tất cả Sách Thánh. (28) Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su
làm như còn phải đi xa hơn nữa. (29) Họ nài ép Người rằng: “Mời ông
ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy
giờ Người vào ở lại với họ (30) Khi đồng bàn với họ, Người cầm
lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. (31) Mắt họ liền
mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (32) Họ mới
bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh
cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (33) Ngay lúc
ấy, họ đứng dậy, quay trở về Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và
các bạn hữu đang tụ họp lại đó (34) Những người này bảo hai ông:
“Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon” (35) Còn hai
ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận
ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
2.
Ý CHÍNH: CHÚA PHỤC SINH ĐỒNG HÀNH VỚI HAI MÔN ĐỆ LÀNG EM-MAU:
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Phục Sinh đã hiện ra đồng hành với hai
môn đệ đang chán nản bỏ về quê là làng Em-mau. Nhờ nghe Lời Chúa mà hai người
này từ tâm trạng bị vấp ngã trước mầu nhiệm thập giá (18 và 21), đã lấy
lại đức tin (25-27.32). Hơn nữa họ còn nhận ra Chúa Phục Sinh khi tham dự lễ nghi
bẻ bánh (30-31). Rồi nhờ đức tin mà họ đã lập tức trở về Giê-ru-sa-lem để loan báo
Tin Mừng cho anh em.
3.
CHÚ THÍCH:
-
C 13-16: + Cùng ngày hôm ấy: Tức là ngày Thứ Nhất trong tuần. + Có
hai người trong nhóm môn đệ: Hai môn đệ này thuộc nhóm 72 (x. Lc
10,1), không thuộc nhóm 12. Tin Mừng nhắc đến tên một trong hai ông là
Cơ-lê-ô-pát (18). Còn ông thứ hai không được nêu tên và được suy đoán là chính
Lu-ca, tác giả đã tường thuật câu chuyện này. + Làng Em-mau: Một nơi
cách Giê-ru-sa-lem khoảng 11 km về phía Tây. Nhưng cho tới nay các nhà
chú giải vẫn chưa xác định được vị trí của ngôi làng này. + Họ
trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra:
Biến cố tử nạn của Đức Giê-su là mối bận tâm sâu đậm của các môn
đệ, đến nỗi dù đang buồn chán thất vọng, các ông vẫn bàn tán với
nhau đang khi đi đường. + Chính Đức Giê-su tiến đến gần và
cùng đi với họ: Đức Giê-su Phục Sinh luôn yêu thương và quan tâm
đến các môn đệ. Khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn nan giải, thì Người liền
hiện đến để ban ơn nâng đỡ. + Mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận
ra Người: Bị ngăn cản có thể do tâm trạng buồn sầu thất vọng,
nên không nghĩ người khách lạ kia lại có thể là Thầy Giê-su của họ.
Cũng có thể do khuôn mặt Đức Giê-su Phục Sinh đã được biến dạng khác
với khi còn sống. Trước đó vào sáng Ngày Thứ Nhất trong tuần, bà
Ma-ri-a Mác-đa-la cũng đã không nhận ra Chúa khi Người hiện ra bên mộ đã
an táng Người.
-
C 17-18: + “Các anh vừa đi vừa trao
đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” : Chúa Phục Sinh chủ động bắt chuyện để các ông
dễ dàng tâm sự những lo buồn chất chứa trong lòng. + Chắc ông là người duy nhất
trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem…: Các ông nghĩ đây là một khách hành
hương đi lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua, và không quan tâm đến một biến
cố lớn lao mới xảy ra trong thành mấy ngày qua.
-
C 19-21: + Chuyện ông Giê-su Na-da-rét…: Cho đến lúc này, các môn đệ mới công nhận
Đức Giê-su là Ngôn sứ có quyền lực trong lời rao giảng và các phép
lạ đã làm. Các ông đi theo Người với hy vọng có được một địa vị trong Vương
quốc của Người. + Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp
Người để Người bị án tử hình: Sự kiện mới xảy ra đã làm
các ông chán nản thất vọng: các nhà lãnh đạo dân Ít-ra-en đã nộp
Người để quan Phi-la-tô kết án đóng đinh thập giá. Còn Thiên Chúa thì
không làm gì để cứu vị Ngôn sứ của Người. Sự việc xảy ra tới nay
đã sang ngày thứ ba rồi !
-
C 22-24: + Cũng có mấy người đàn bà
trong nhóm chúng tôi…:
Tâm trạng của các ông vẫn hoang mang, dù mấy phụ nữ và các Tông đồ
đã nhìn thấy mồ trống, và thiên thần hiện ra bảo rằng “Người vẫn còn
sống”, nhưng riêng các ông này thì cho điều đó thật khó tin. Câu này cho
thấy hai môn đệ này không phải thuộc loại người dễ tin. Do đó, một khi họ
tin thì chắc đã phải có những bằng chứng xác đáng không thể phản
bác được.
-
C 25-27: + Ôi những kẻ tối dạ, những
lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ !: Lời Chúa quở trách đức tin yếu kém của hai ông
có hơi nặng nề, nhưng thực ra vẫn hàm chứa một tình cảm âu yếm. + Nào
Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong
vinh quang của Người sao ?: Chúa Giê-su nhắc lại lời Người đã
từng báo trước về số phận của Người trước đó: “Con Người phải chịu
đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết
chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22; 17,25). + Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê
và tất cả các ngôn sứ…: Luật Mô-sê và sấm ngôn của các ngôn
sứ ám chỉ tòan bộ Thánh Kinh Cựu Ước, đã làm chứng về con đường cứu
thế mà Đức Giê-su đã chọn theo là: « Qua đau khổ vào trong vinh
quang » (x. Lc 24,44 tt).
-
C 28-31: + Đức Giê-su làm như còn
phải đi xa hơn nữa:
Thái độ giả vờ ở đây không phải là giả dối, nhưng là cách thức thử xem
phản ứng của các môn đệ, để biết các ông có thực lòng muốn nghe và muốn
Người ở lại với mình hay không. Một đức tin chỉ có giá trị khi người
tin tự nguyện mở lòng đón nhận, chứ không chấp nhận do bị ép buộc. + Họ
nài ép Người: Đây là thái độ hiếu khách quen thuộc của Người
Pa-lét-tin (x. Lc 14,23). Chính Lời Chúa giải thích Kinh Thánh đã đánh
tan những lo lắng bất an trong lòng hai môn đệ, nên các ông đã xin
Người ở lại nhà các ông để có thể tiếp tục nói chuyện với các ông. +
Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp
tàn: Đây là lời hai môn đệ mời vị khách lạ kia ở lại cách
khép léo tế nhị. Đây cũng là lời cầu nguyện chân thành của các tín
hữu trước khi được hiệp lễ.
-
C 32-31: + Khi đồng bàn với họ,
Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ: Khó có thể nghĩ rằng Đức Giê-su đã truyền
phép Thánh Thể như Người đã làm trong bữa Tiệc Ly. Nhưng ở đây, Lu-ca
cố ý dùng kiểu nói quen thuộc trong phụng vụ Thánh Thể (x. Lc 22,19),
là cử chỉ Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. 9,16), ám chỉ
nghi lễ Bẻ Bánh (x. Cv 2,46; 20,7.11). Sau này mỗi khi tham dự thánh
lễ, các tín hữu cũng được nghe lời Chúa giáo huấn và được tham dự
bàn tiệc Thánh Thể như hai môn đệ hôm nay. + Mắt họ liền mở ra và họ
nhận ra Người: Tiến trình đức tin của các tín hữu cũng bắt
đầu từ việc lắng nghe Lời Chúa, rồi tin theo Chúa và được thánh hóa
nhờ tham dự bàn tiệc Thánh Thể, như bà Ly-đi-a thời Giáo Hội sơ khai
(x. Cv 24,13-15). + Nhưng Người lại biến mất: Từ đây Chúa Giê-su sẽ hiện
diện cách thiêng liêng vô hình khi các tín hữu đọc Thánh Kinh, nghe
lời giảng của các mục tử, tham dự thánh lễ và phục vụ bác ái…
-
C 32-35: + Lòng chúng ta đã chẳng
bừng cháy lên sao ?:
Nhờ được nghe giảng Thánh Kinh, các môn đệ đã thấy được ý nghĩa
cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su như một chặng đường Người phải trải qua
để vào trong vinh quang phục sinh. + Ngay lúc ấy, họ đứng dậy…:
Việc nhận ra Chúa Phục Sinh và lòng tin yêu Chúa đã biến đổi hai môn
đệ từ chỗ thất vọng muốn buông xuôi, trở thành con người mới đầy
phấn khởi và hy vọng. Tâm trạng ấy làm các ông hăng hái đi lại quãng
đường dài 11 cây số trở về Giê-ru-sa-lem để báo tin vui cho các tông
đồ và môn đệ khác. + Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện
ra với ông Si-mon: Sự kiện Si-mon Phê-rô được Chúa Phục Sinh
hiện ra trước các tông đồ khác đã được chính Chúa Giê-su tiên báo
trước cuộc khổ nạn (x Lc 22,31-32) và sau này cũng được thánh Phao-lô
nhắc đến trong thư Cô-rin-tô (x 1 Cr 15,5). + Thuật lại những việc đã
xảy ra dọc đường: Cuối cùng hai ông đã chia sẻ niềm vui Phục
Sinh cho Nhóm Mười Một tông đồ và các môn đệ ở Giê-ru-sa-lem.
4. CÂU HỎI: 1) Hai môn đệ quê làng
Em-mau kể trên thuộc nhóm 12 tông đồ hay nhóm 72 môn đệ ? Tên của các
ông là gì ? 2) Tại sao hai môn đệ làng Em-mau và bà Ma-ri-a Mác-đa-la
lại không nhận ra ngay người đang nói chuyện với mình là Chúa Phục
Sinh? 3) Việc Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ làng Em-mau nói lên
điều gì về tình yêu của Người đối với các tín hữu chúng ta ? 4) Câu
trả lời của hai môn đệ cho thấy đức tin của các ông về sứ mạng của
Đức Giê-su thế nào ? Các ông đi theo Đức Giê-su nhằm mục đích gì ?
Tại sao giờ đây các ông lại chán nản tuyệt vọng ? 5) Hai môn đệ này
có phải là những người dễ tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa
Giê-su không ? Tại sao ? 6) Chúa Giê-su trong vai khách bộ hành đã làm
gì để củng cố đức tin còn non yếu của hai môn đệ ? 7) Chúa Giê-su giả
vờ muốn đi xa hơn nhằm mục đích gì ? 8) Câu nào của hai môn đệ là
lời cầu nguyện mẫu về lòng tin yêu Chúa cho các tín hữu chúng ta hôm
nay ? 9) Hai môn đệ đã nhận ra người khách lạ chính là Thầy Giê-su
Phục Sinh khi nào ? 10) Hai ông cho biết lòng mình bừng cháy lên ngọn
lửa tin yêu Chúa vào lúc nào ? 11) Điều gì khiến hai môn đệ vội vã đi loan
báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh em?
II.
SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Họ mới bảo nhau: “Dọc đường khi
Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta
đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 24, 32)
2.
CÂU CHUYỆN:
1)
CHÚA BỒNG TA TRÊN ĐÔI TAY CỦA NGƯỜI ?
Một người tân tòng sau khi theo đạo đã gặp phải nhiều tai ương
hoạn nạn: bệnh tật, rủi ro mất xe, mất tiền bạc… Anh đã nhiều lần
xin Chúa cho tai qua nạn khỏi mà xem ra Chúa vẫn ngỏanh mặt làm ngơ
khiến anh đâm ra chán nản và thôi không cầu nguyện và cũng không đến
nhà thờ dự lễ nữa. Thế rồi một đêm kia, anh nằm mơ thấy mình đang đi
bách bộ với Chúa Giê-su trên bãi biển. Anh quay nhìn ra sau thì thấy
trên nền cát ướt có 4 dấu chân: hai dấu chân lớn của Chúa, và hai
dấu chân nhỏ của anh. Khi gặp chỗ lởm chởm nhiều sỏi đá thì anh
không thấy Chúa đi bên cạnh nữa. Quay lại nhìn thì anh chỉ thấy hai
dấu chân trên cát của anh. Anh chán nản ngồi nghỉ mệt trên một tảng
đá thì Chúa Giê-su lại hiện đến ngồi bên. Anh thắc mắc hỏi Người:
“Lạy Chúa, vừa qua Chúa biến đi đâu để con phải một mình đương đầu
với những khó khăn như vậy ?” Bấy giờ Chúa Giê-su mới âu yếm nhìn anh
và nói: “Con hãy thử nhìn kỹ lại xem hai dấu chân trên cát kia là
của ai ?” Lúc đó, anh ta mới nhìn kỹ và nhận ra đó hai dấu chân to là
của Chúa Giê-su. Anh lại hỏi: “Lạy Chúa, thế thì dấu chân của con đâu
?” Chúa liền trả lời: “Con ơi, hãy nhớ rằng: Ta luôn ở bên con mọi giây
phút trong cuộc đời con. Chính khi con gặp gian nan thử thách là lúc Ta đang
bồng con trên cánh tay Ta đó !”
2)
CHÚA ĐẾN VỚI CHÚNG TA QUA THA NHÂN CẦN ĐƯỢC TRỢ GIÚP :
Vào một buổi sáng cuối đông, bác thợ giầy thức dậy rất sớm dọn dẹp nhà cửa
và cho thêm củi than vào lò sưởi để đón chờ khách quý là Chúa Giê-su. Người đã
hiện ra với bác trong giấc mơ ban đêm và hứa sẽ đến nhà thăm bác vào ngày hôm
sau. Khi ánh bình minh vừa ló rạng, thì bác thợ
giầy đã nghe thấy có tiếng gõ ngoài cửa. Tưởng là Chúa đã đến, bác liền
vội ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đứng mặt bác không phải là Chúa Giê-su, mà là anh
phát thư như mọi lần. Băng tuyết ngoài trời khiến mặt mũi và tay chân của anh
ta đỏ lên như gấc. Bác thợ giầy cảm thông liền mời anh ta vào nhà ngồi bên lò
sưởi và pha trà nóng mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đã nói
lời cám ơn và từ giã đi lo công việc.
Ít phứt sau, nhìn qua khung cửa kính, bác thấy một bé gái khoảng 7-8 tuổi
đang co ro đứng trước cửa nhà khóc, bác liền ra hỏi thăm thì được biết em bị
lạc mẹ ngoài chợ và đang tìm đường về nhà nhưng không tìm thấy đường vì tuyết
rơi trắng xóa. Bác thợ giầy liền lấy bút viết vài chữ trên tờ giấy và gắn ngoài
cửa nhà để thông báo cho Chúa Giê-su biết mình cần đi ra ngòai một lát. Nhưng
tìm đường dẫn cô bé về nhà không đơn giản. Mất mấy tiếng đồng hồ bác mới tìm được
nhà của đứa bé, và khi ra về thì trời đã xế chiều.
Về đến nhà, bác lại thấy có người đang ngồi đợi nhưng không phải là Chúa,
mà là một bà mẹ trẻ gần nhà với vẻ mặt buồn bã. Chị cho biết đứa con nhỏ của chị
đang lên cơn sốt ở nhà và chị chạy sang tìm bác để nhờ giúp đưa bé đi nhà
thương. Bác thợ giầy liền hối hả theo chị về nhà giúp đưa cháu bé đến bệnh viện
chăm sóc. Nửa đêm bác mới trở về nhà mình và nằm lăn ra giường ngủ quên cả việc
ăn uống. Trong giấc mơ, bác thợ giầy đã nghe thấy tiếng Chúa Giê-su: « Hôm
nay Ta cám ơn con đã sẵn sàng tiếp đón và cho Ta vào nhà để sưởi ấm và còn dọn
trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn Ta bị lạc có thể trở về nhà mình. Cám
ơn con đã giúp đưa Ta đến bệnh viện để kịp thời thuốc thang chữa trị ». Thì ra
hôm nay Chúa Giê-su đã giữ lời hứa đến thăm bác thợ giầy không phải một mà là
ba lần. Người hiện thân qua những người cần được trợ giúp như Người đã nói:
« Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của
Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy » (Mt 25,40).
3)
TIN CẬY VÀO QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA:
Được thăng giáo hoàng là một việc rất trọng đại. Khi Đức Pi-ô XI
đăng quang, sau khi thực hiện xong các lễ nghi rồi, ngài về phòng riêng, ngồi
vào chiếc bàn viết của Đức tiên Giáo hoàng Bê-nê-dic-tô XV, thì tự nhiên ngài
cảm thấy một mối lo âu ập xuống trên mình, vì tình hình Giáo hội khi ấy đang bị
kẻ thù tấn công tư bề, Hội Thánh đang trải qua một giai đoạn thử thách mới :
Tuy Thế Chiến Thứ Nhất đã chấm dứt, nhưng Thế chiến Thứ Hai lại đang âm ỉ và có
thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nghĩ đến những chuyện ấy, lòng Đức Pi-ô XI ngập tràn
lo âu. Bấy giờ ngài qùi gối trước Thánh Giá và cầu nguyện sốt sắng. Đang lúc cầu
nguyện, tự nhiên tay ngài chạm vào một tấm ảnh đặt trên bàn làm việc của Đức tiên
giáo hoàng, ngài liền cầm tấm ảnh lên xem và nỗi lo sợ trong lòng trước đó tự
nhiên biến mất. Ngài cảm thấy tâm hồn được bình an. Đó là bức hình vẽ Chúa Giê-su
đang đứng trên mũi thuyền và ra lệnh cho sóng gió yên lặng. Từ ngày đó,
Đức Pi-ô XI luôn để bức ảnh ấy trên bàn làm việc, và mỗi khi gặp hoàn cảnh khó
khăn không biết phải làm gì, Đức Pi-ô XI lại ngồi nhìn vào bức ảnh rồi cầu xin
Chúa Giê-su hãy phán một lời, thế là mọi khó khăn đang gặp đều tự nhiên tan
biến (W.J. Diamond- Đồng cỏ non).
4)
TÍN THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG QUAN PHÒNG CỦA CHÚA:
Một sĩ quan công giáo, người Anh được sai đến phục vụ tại một nơi xa xôi
hẻo lánh. Ông cùng với gia đình xuống tầu đến nhiệm sở mới. Tầu rời bến được
vài ngày thì biển động dữ dôi. Một cơn bão ập đến làm tầu có nguy cơ bị
đắm. Mọi người trên tầu hết sức sợ hãi. Bà vợ của vị sĩ quan là
người mất bình tĩnh hơn cả vì bà đã không tiếc lời trách móc
chồng đã đưa cả gia đình vào mối nguy hiểm, nhất là khi thấy chồng
vô tư chẳng mấy quan tâm. Chính thái độ bình thản của chồng khiến bà càng thêm
tức giận.
Trước tình thế đó, sau khi nói mấy lời an ủi vợ, viên sĩ quan đã rời căn
phòng và một lát sau quay lại với thanh kiếm tuốt trần trên tay.
Bằng ánh mắt đau khổ ông tiến lại bên vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Mới đầu bà
ta tái xanh mặt mày, nhưng sau đó bà bỗng cười không chút nao núng sợ hãi. Viên
sĩ quan hỏi :
- Làm sao mình có thể cười khi sắp bị mũi kiếm đâm vào ngực?
- Tại sao em lại phải sợ khi lưỡi kiếm ấy trong tay của người chồng rất mực
yêu em.
Bấy giờ viên sĩ quan liền nghiêm giọng giải thích:
- Vậy tại sao em lại muốn anh phải sợ cơn bão tố này, khi biết nó nằm trong
bàn tay quan phòng của Thiên Chúa là Đấng quyền năng và hằng yêu thương
anh ?
3.
SUY NIỆM:
1)
TÂM TRẠNG CỦA HAI MÔN ĐỆ LÀNG EM-MAU:
Đây là hai trong số 72 môn đệ của Đức Giê-su đã được Người sai từng hai
người đi giảng đạo (x. Lc 10,1a). Hai ông đã đến Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua.
Giờ đây đại lễ đã xong, hai ông quay trở về nhà riêng tại làng Em-mau. Một trong
hai ông tên là Cờ-lê-ô-pát, còn người kia không được nêu tên, có thể là chính tác
giả Lu-ca. Hai ông này vừa đi vừa trò chuyện với nhau với vẻ mặt buồn bã thất
vọng. Sở dĩ họ mang tâm trạng như thế là vì mấy lý do như sau:
- Một là vì Đức Giê-su « là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc
làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các
thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án
tử hình, và đóng đinh Người vào thập giá » (Lc 24,19b-20).
- Hai là biến cố đau thương của Đức Giê-su đã xảy ra trái với ước vọng của
các ông khi đi theo Thầy, khiến các ông hoàn toàn thất vọng và muốn buông xuôi:
« Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng
sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Nhưng các sự việc ấy đã xẩy ra đến nay là ngày thứ
ba rồi » (Lc 24,21).
2)
VAI TRÒ CỦA KINH THÁNH VÀ BÍ TÍCH THÁNH
THỂ CỦNG CỐ ĐỨC TIN:
- Biến cố tử nạn của Đức Giê-su là mối bận tâm sâu đậm của các môn
đệ, đến nỗi dù đang buồn chán thất vọng, các ông vẫn bàn tán với
nhau khi đi đường. Đức Giê-su Phục Sinh đã yêu thương và luôn quan tâm đến
các môn đệ, nên Người đã chủ động hiện đến đồng hành bắt chuyện và giải
thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong Sách Thánh. Nhờ cảm nghiệm được Lời Chúa nên các ông đã lấy
lại niềm tin qua câu nói: “Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi
dọc đường, Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó
sao?” (Lc 24,32).
- Tuy nhiên hai môn đệ chỉ nhận ra Người khi tham dự bí
tích Thánh Thể : Hai ông đã mời Người
ở lại : “Mời ông ở lại với chúng
tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn (Lc 24,29). Rồi chính bầu khí yêu thương chia sẻ Bánh
Thánh giữa cộng đoàn mà mắt họ đã mở ra, như Tin Mừng thuật lại:
« Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng
và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và nhận ra Người, nhưng
Người lại biến mất » (Lc 24,30-31).
3)
ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA TRONG CUỘC SỐNG:
Trong cuộc sống, mỗi lần gặp phải thử thách, nhiều người trong chúng
ta thường nghĩ rằng: Chúa đã bỏ rơi mình rồi. Chúa không còn quan tâm
giúp mình nữa… và từ đó sinh ra chán nản, bỏ bê đọc kinh cầu
nguyện, lười biếng dự lễ Chúa Nhật và có khi còn mê tín dị đoan: đi
coi bói tóan, cậy nhờ sự giúp đỡ của thầy bùa thầy ngải… Chúng ta cần xác
tín rằng: Chúa Phục Sinh vẫn luôn đồng hành với chúng ta. Không những
Người ở bên ta khi ta được bình an, mà ngay cả những lúc ta gặp gian
nan khốn khó như bị bệnh tật, tai nạn, thất bại… Người vẫn ở bên và đồng hành
với chúng ta. Người sẵn sàng trợ giúp và bồng ẵm ta trên tay nếu ta biết tín
thác cậy trông vào Người. Hãy siêng năng tham dự thánh lễ để được nghe Lời Chúa
giáo huấn và được kết hiệp mật thiết với Chúa Thánh Thể khi lên rước lễ.
4)
SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI HÔM NAY:
- Hai môn đệ làng Em-mau sau khi gặp Chúa đã lập tức trở về Giê-ru-sa-lem để
chia sẻ Tin Mừng Phục Sinh cho cộng đoàn.
- Loan báo Tin Mừng hôm nay không những là chia sẻ niềm tin yêu cho tha
nhân bằng đời sống quên mình vị tha và khiêm nhường phục vụ, mà còn là sự thực
thi bác ái cụ thể như kinh « Thương Người có mười bốn mối » đã dạy.
Nhờ đó đến ngày phán xét chúng ta sẽ được Chúa đón nhận vào hưởng hạnh phúc đời
đời trong Nước Trời như lời Chúa phán: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương
Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói,
các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi
đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các
ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25,34-36).
4. THẢO LUẬN: Khi gặp một người lỡ
đường xin tá túc ban đêm, chúng ta nên làm gì để vừa bảo đảm an toàn
cho gia đình, vừa thực hành bác ái “Cho khách đỗ nhà” như kinh Thương
Người đã dạy ?
5.
NGUYỆN CẦU:
1) Bài Hát « Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn sợ chi. Có
Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn thiếu gì. Dù trời tăm tối, bước đi không lo
lạc lối. Đường dù nguy nan, không chút vấn vương tâm hồn ».
2) LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ở
lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn rồi, vì
lòng chúng con đang khao khát được nghe lời Chúa. Xin ở lại với chúng
con, vì đức tin chúng con mỏng dòn yếu đuối, rất cần được Chúa trợ
giúp vượt qua khó khăn của cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì
chúng con dễ sa chân lạc bước, chỉ biết tìm kiếm thỏa mãn những đam mê
bất chính và dễ chán nản buông xuôi khi gặp thử thách gian nan. Xin ở
với chúng con, để chúng con thấy Chúa đang hiện diện nơi những người
đau khổ và chân thành phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Xin ở lại
với chúng con, vì khi gặp được Chúa, chúng con sẽ được ơn biến đổi
cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì tâm hồn chúng con vẫn còn xao
xuyến mãi, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM