Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh
ĐỒNG CẢM VÀ LIÊN ĐỚI
TRONG SỰ CÔNG TÁC VỚI THIÊN
CHÚA
Lời Chúa: Ga 6, 1-15
(1)
Sau đó, Ðức Giêsu sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria. (2)
Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ
Người làm cho những kẻ đau ốm. (3) Ðức Giêsu lên núi và ngồi đó với
các môn đệ. (4) Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người
Dothái.
(5)
Ngước mắt lên, Ðức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi
ông Philípphê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?" (6)
Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. (7)
Ông Philípphê đáp: "Thưa có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ
cho mỗi người một chút". (8) Một trong các môn đệ, là ông Anrê,
anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: (9) "Ở đây có một em bé có
năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào
đâu!" (10) Ðức Giêsu nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi
xuống đi". Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã
tới khoảng năm ngàn. (11) Vậy, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ
ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như
vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. (12) Khi họ đã no nê rồi, Người bảo
các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi". (13)
Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn
lại, và chất đầy được mười hai thúng. (14) Dân chúng thấy dấu lạ Ðức
Giêsu làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Ðấng phải đến thế
gian!" (15) Nhưng Ðức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà
tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
Suy Niệm
Trình thuật về Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều trong bài Tin
mừng hôm nay từ “năm cái bánh lúa mạch và hai con cá” (Ga. 6,9). Trong bốn
phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm, phép lạ trong bài Tin mừng hôm này đều được cả bốn
thánh sử ghi lại. Việc Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân
chúng cho thấy ba đặc tính căn bản: đồng cảm, liên đới, và cộng tác với Thiên
Chúa.
Đặc tính đầu tiên là sự đồng cảm. Đức Giêsu đã đồng cảm với
dân chúng khi nhận ra họ đang đói khát. Ngước mắt lên, Đức Giêsu thấy đám đông
đang đói khát nhưng không thể để cho dân chúng ra về. Trong cuộc sống thường nhật,
sự đồng cảm rất quan trọng. Sự đồng cảm trước tiên là chung vui với người vui
cũng như chia buồn với người đau khổ. Kế tiếp, người có sự đồng cảm là người có
khả năng để nhận ra nhu cầu của người khác qua quan sát. Trong những ngày qua,
mọi người đang phải tự cách ly xã hội vì nạn dịch Covid-19. Để động viên, cổ vũ
cho mọi người, mọi nhà thực hiện nghiêm những quy định, trên các phương tiện
truyền thông đại chúng cũng như các trang mạng xã hội tràn ngập những quan điểm
đầy lạc quan như: đây là cơ hội để chúng ta sống chậm lại, là lúc chúng ta cùng
nhau gắn kết yêu thương trong gia đình. Trong thời gian cách ly, có một vài người
dành thời gian rảnh rỗi chế biến những món ăn thật ngon đưa lên mạng xã hội. Thế
nhưng, phía sau sự lãng mạn và bình yên đó là ngổn ngang những lo toan của biết
bao nhiêu con người, nỗi lo về công ăn việc làm, nợ nần, cơm, áo, gạo, tiền,…
Có phải khi họ là những người giàu có nên thiếu sự đồng cảm với người nghèo
đang phải vất vả vật lộn với từng bữa ăn trong mùa dịch Covid-19?
Thế nên, sự đồng cảm cần dẫn đến sự liên đới trong hành động
cụ thể. Trong cuộc sống với mọi người, đồng cảm tự nó là tốt nhưng chưa đủ. Đồng
cảm mà thiếu việc làm cụ thể thì chỉ là hình thức. Chính vì thiếu việc làm cụ
thể, sự đồng cảm đôi khi trở thành hình thức, giả dối. Trên thực tế, sự đồng cảm
với hành động cụ thể không được nhiều. Khi thấy dân chúng đói khát, Đức Giêsu
đã không những đồng cảm với họ nhưng còn thể hiện tình liên đới với đám đông
qua việc cho họ được ăn no nê. Đức Giêsu không chỉ có lòng cảm thương nhưng còn
ra tay hành động thiết thực. Hơn thế nữa, Ngài còn mời gọi các môn thể hiện
lòng trắc ẩn qua hành động cụ thể. Thoạt
đầu, các môn đệ nại đến những lý do để thoái thác hành động, nhưng sau cùng Đức Giêsu bắt họ hành động. Thế là
các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa.
Với quyền năng của Chúa, Ngài có thể tự làm phép lạ hoá
bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Nhưng Ngài muốn sự cộng tác của con người và
các môn đệ. Đây là đặc tính kế tiếp cho mỗi người Kitô hữu. Đó là cộng tác vào
công trình của Thiên Chúa. Tuy đóng góp của con người là rất nhỏ bé so với
Thiên Chúa nhưng nó rất cần thiết. Sự cộng tác vào công trình của Thiên Chúa sẽ
giúp chúng ta loại bỏ thái độ tất cả đều khoán trắng cho Thiên Chúa. Đứng trước
nạn dịch Covid-19, là người con của Chúa cần tin tưởng vào sự quan phòng và an
bài của Thiên Chúa. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cần tự lo cho chính bản thân
mình cũng như qua việc thể hiện sự chia sẻ với những người khác.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết động lòng trắc ẩn với
những gì đang xảy ra chung quanh. Xin giúp chúng con đủ can đảm để biến sự cảm
thông thành những hành động cụ thể. Cuối cùng, xin ban cho chúng con đủ khiêm tốn
để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Bertrand Nguyễn Thanh
Hoài