Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật III Phục Sinh
CHÚA PHỤC SINH AN ỦI NHỮNG NGƯỜI THẤT VỌNG
Khi con người rơi vào chán
nản thất vọng, người ta thường đặt câu hỏi: Chúa ở đâu? Chúa ở đâu trong lúc
tôi đau khổ? Chúa ở đâu khi thế giới chìm ngập trong cơn đại dịch này? Chúa có
thấy nhân loại đang chết chóc, sợ hãi như thế này không? Chúa có thấy hàng
ngàn người chết vì dịch mỗi ngày không? Tại sao Chúa không can thiệp? Đây là những
câu hỏi muôn thuở mỗi khi con người gặp tai ương thử thách. Thiên Chúa vẫn luôn
trả lời mọi chất vấn của con người, nhưng vì con người quen sống trong âm thanh
ồn ào, luôn để lòng bị xáo động nên họ chỉ biết đặt câu hỏi mà không muốn lắng
nghe câu trả lời.
Hôm nay, câu chuyện hai
môn đệ trên đường Emaus đã cho thấy: Thiên Chúa luôn thấu cảm với nỗi đau của
con người và của từng người. Thiên Chúa luôn hiện diện ở bên và đồng hành với
con người, nhưng chỉ có ít người nhận ra Ngài, ít người muốn mời Ngài vào nhà
và ép Ngài ở lại dùng bữa với gia đình mình.
Hai môn đệ trên đường
Emaus là hình ảnh của những con người chán nản vì thất vọng, sợ hãi vì thảm họa
và đau khổ vì mất người thân. Tuy không phải là một trong số mười hai tông đồ,
nhưng chắc chắn hai ông này cũng ở trong nhóm thân hữu của Chúa. Các ông đã bỏ
lại tất cả gia đình, vợ con, sự nghiệp để đi theo Chúa Giêsu. Có thể các ông
cũng nuôi trong lòng một kỳ vọng trần tục nào đó, khi Thầy Giêsu khởi nghĩa
thành công, các ông sẽ được chia sẻ vinh quang, quyền lực với Chúa. Nhưng giờ
đây, với cái chết kinh hoàng của Thầy, bầu trời tương lai của các ông như tan vỡ.
Các ông hoàn toàn mất hết hy vọng vì Thầy các ông đã chết. Cái chết của Thầy
khiến các ông hoàn toàn suy sụp. Hai môn đệ này đã tháo lui bằng cách trở về
quê cũ, với con người cũ, công việc cũ.
Thấu hiểu được tâm trạng của
hai người học trò đáng thương này, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các ông.
Ngài không hiện ra theo cách Ngài đã hiện ra với các phụ nữ hoặc với các tông đồ,
nhưng Ngài hiện ra trong hình ảnh của một người bạn đồng hành cùng đi với họ.
Ngài chủ động bước đến, gợi chuyện với hai ông: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Câu hỏi của
Chúa là dịp để các ông trải lòng với Ngài, nhưng trên gương mặt họ chưa hết vẻ
buồn rầu. Một trong hai người tên là Cleophat đã giãi bày tâm trạng của họ về
chuyện ông Giêsu Nazareth bị bắt, bị giết, bị đóng đinh trên cây thập giá. Ông
cũng nói lên nhận định và tâm trạng của mình đối với Thầy Giêsu: “Ngài là một ngôn sứ đầy uy thế trong lời nói
cũng như việc làm, trước mặt Thiên Chúa cũng như toàn dân… Chúng tôi vẫn hy vọng
Ngài là Đấng sẽ cứu chuộc Israel.” Điều làm các ông hoang mang hơn nữa là: “Có mấy bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng
tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ và không thấy xác Người. Các bà còn bảo rằng,
các thiên thần bảo: Người đang sống. Vài người chúng tôi chạy ra xem mộ thì thấy
đúng như vậy, còn Ngài thì họ không thấy.”
Chúa Giêsu Phục Sinh đã lắng
nghe những lời tâm sự, chia sẻ của các ông, Chúa thấu hiểu nỗi lòng còn ngổn
ngang nhiều thứ của họ. Chúa nói với hai ông:
“Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh chậm tin vào lời các ngôn sứ. Đức Kitô
lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”
Qua câu trả lời, Chúa Phục Sinh mời gọi hai môn đệ này trước hết cần đọc, lắng
nghe và suy gẫm những lời ngôn sứ, tức là những lời được chép trong Kinh Thánh.
Vì tất cả những việc liên quan đến Chúa Giêsu đều đã được các ngôn sứ báo từ
trước. Những ai siêng năng đọc và suy gẫm sách Kinh Thánh, thì sẽ đón nhận được
niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Để khơi lại đức tin cho hai môn đệ này, Chúa Giêsu
dùng chính những lời đã chép trong sách ngôn sứ, bắt đầu từ Môsê để giải thích
cho các ông hiểu về sứ mạng của Người. Có thể vì trước đây các ông đi theo Chúa,
nhưng vẫn để lòng mình quá ồn ào về những sự kiện bên ngoài mà bỏ quên việc đọc
và suy gẫm Kinh Thánh, nên lòng các ông bị mù tối.
Để thử lòng các ông, khi gần
đến làng, Chúa Giêsu làm như còn phải đi tiếp nữa. Hai ông lúc này mời, ép, Người:
“Mời ông ở lại với chúng tôi vì trời đã về
chiều và ngày sắp tàn.” Sau một hành trình đi bên Chúa Phục Sinh, dù chưa
nhận ra Ngài, nhưng hai môn đệ này đã cảm nhận được sự ấm áp, an toàn, sức sống
như được phục hồi. Giờ đây, khi “trời về
chiều và ngày sắp tàn” các ông cảm thấy phải đối diện với một sự bất an
trong tâm hồn. Hai ông đã cố nài ép vị khách: “Mời ông ở lại với chúng tôi.” Trước sự khao khát của hai ông, Chúa
Giêsu Phục Sinh đã ở lại với họ, vào trong nhà của họ, và cùng dùng bữa tối với
các ông.
Khi cùng các ông dùng bữa tối, “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng,
bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại
biến mất.” Hình ảnh “bữa tối” này nhắc lại hình ảnh bữa tối Thứ Năm Tuần
Thánh, Chúa Giêsu cũng làm cùng một cử chỉ như vậy và truyền cho các môn đệ: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà
uống vì này là mình, máu Thầy.” Thấy cử chỉ và nghi thức quen thuộc này,
đón nhận tấm bánh từ người khách đồng hành, hai môn đệ nhận ra đó chính là Chúa
Giêsu, Thầy của mình. Các ông đã nhớ lại suốt một hành trình dài Chúa đã đồng
hành với các ông, đã làm cho tâm hồn các ông ấm lại và hồi sinh. Giờ đây, với một
tinh thần mới, một sức mạnh mới, một con người hoàn toàn mới, các ông phấn khởi,
chỗi dậy trở lại Giêrusalem ngay trong đêm để gặp nhóm Mười Một. Các vị này đã
làm chứng cho hai ông về việc Chúa sống lại, còn hai ông thì kể lại những gì đã
xảy ra cho mình lúc đi đường và khi bẻ bánh. Họ cùng nhau phấn khởi vui mừng.
Chúa Giêsu đã chết thật và
Người đã sống lại thật và đang sống, đang hiện diện, đang đồng hành với chúng
ta. Đó cũng là những lời minh chứng của các tông đồ, đặc biệt là của Phêrô
trong sách Công Vụ hôm nay. Phêrô quả quyết với mọi người: “Chúa Giêsu Nazareth đã bị anh em đóng đinh
Ngài trên thập giá, nhưng Thiên Chúa quyền năng đã làm cho Ngài chỗi dây từ cõi
chết.” Chính Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi đau khổ và cái chết, khỏi sợ
hãi và thất vọng.
Thưa quý Ông bà anh chị em,
như đã gợi ý ở trên, mỗi khi gặp tại ương thử thách, con người thường quay lại
trách móc Thiên Chúa và kể cả thách thức Ngài, chất vấn Ngài. Thiên Chúa vẫn
luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và luôn trả lời cho từng người. Tuy nhiên,
vì con người quen sống trong âm thanh ồn ào, luôn để lòng bị xáo động, tránh né
sự thinh lặng, khiến họ chỉ biết đặt câu hỏi mà không muốn lắng nghe câu trả lời
từ nơi Chúa.
Chúa đã nghe thấy tiếng
khóc than của cả thế giới trong cơn đại dịch; Chúa thấu hiểu nỗi đau từ vị giáo
hoàng cao tuổi, cho đến một thiếu nhi nhỏ bé; nỗi lo lắng của những người có
trách nhiệm và sự hy sinh vất vả của những y bác sĩ; nỗi sợ hãi của nhân loại,
của các bệnh nhân và gia đình. Chúa nghe và Chúa biết. Chúa vẫn đang đồng hành
với chúng ta để an ủi nâng đỡ, chia sẻ, cảm thông. Tuy nhiên, có thể mắt chúng
ta bị che phủ hoặc chúng ta chỉ mải đặt câu hỏi mà không nhận ra Ngài. Chúa vẫn
đang nói, nhưng có thể chúng ta chưa quan tâm để nghe. Chúa đang nói với chúng
ta qua Kinh Thánh mà đã lâu nay, chúng ta tránh né, chúng ta không đọc, không
suy. Chúa rất muốn vào nhà chúng ta dùng bữa, nhưng chúng ta không thiết tha mời
Ngài, vì thế Ngài lại phải đứng ở ngoài cửa chờ đợi.
Tiệc Thánh Thể, thánh lễ
là bữa ăn mỗi ngày, nơi đây chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa, lòng
chúng ta được ấm lên nhờ lời Chúa, nhưng nhiều khi chúng ta đã quá coi thường. Chúng
ta lấy nhiều lý do để biện minh cho sự từ chối đến gặp Chúa mỗi ngày nơi thánh
lễ. Những ngày này, khi không được đến với thánh lễ, ta mới cảm thấy mình đã từng
coi thường những điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, Chúa vẫn có cách của Ngài.
Hơn khi nào hết, trong hoàn cảnh này, nhiều người đã biết quan tâm hơn đến việc
tham dự thánh lễ và đọc Kinh Thánh. Các thánh lễ online tuy không phải là cách
tốt nhất, nhưng lúc này, cũng là cách Chúa dùng để quy tụ cả gia đình, để mọi
người đem thánh lễ về với cuộc sống, đem nhà thờ về với gia đình.
Xin Chúa cho chúng ta
không ngừng nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong cuộc đời mình, qua các
biến cố đang xảy ra cho thế giới để chúng ta không rơi vào chán nản thất vọng. Xin
cho chúng ta để cho tâm hồn mình tĩnh lặng để nghe được những câu trả lời từ
Thiên Chúa, thay vì kêu ca oán trách Chúa. Xin cho chúng ta biết tận dụng những
ngày này để xây dựng bầu khí đạo đức của gia đình, mà bấy lâu ta đã xem nhẹ, và
xin cho các cuộc xum họp trong gia đình: cầu nguyện, hiệp thông thánh lễ và các
bữa cơm luôn có Chúa Phục Sinh hiện diện nâng đỡ. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức
Trí