CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM C
HIỆP THÔNG VỚI GIÁO HỘI TRONG ĐỨC TIN
Tin Mừng Ga
20,19-31
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều
đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói
: “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui
mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã
sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo :
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ;
anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô,
không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã
được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu
tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi
chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông
Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông
và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào
đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng
lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con
!” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những
người không thấy mà tin !”
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ;
nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã
được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa,
và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Suy niệm
Thưa quý OBACE, Tổng thống Putin quyết định mở cuộc chiến tranh xâm lược đất
nước Ukraina vào cuối tháng hai vừa qua đã gieo bao đau thương, tàn phá, chết
chóc cho người dân và đất nước Ukraina. Các thành phố lớn phải chịu những trận
bom đạn trở nên những thành phố chết, hoang tàn. Mặc dù đã cố gắng biện minh
cho hành động của mình, nhưng ông Putin cũng không thể thuyết phục được thế giới
và người dân Nga đồng thuận về hành động của ông. Do đó đã gây ra sự chia rẽ,
thù hằn trong các tầng lớp người Nga và các quốc gia trên thế giới. Tổng thống
Putin đã cố gắng dùng quân đội, cảnh sát đàn áp vào nhà tù để buộc người dân Ukraina
phải quy thuận, nhưng chỉ gây thêm chia rẽ oán thù.
Cách đây hơn hai ngàn năm, sau cái chết vô cùng ghê sợ của Thầy Giêsu,
nhiều người nghĩ rằng, các môn đệ và những kẻ tin Ngài sẽ chia rẽ, tan tác. Nhưng
không phải như thế, sau cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, Kinh Thánh cho
chúng ta thấy sự nổi bật của Simon Phêrô với vai trò là một thủ lãnh. Ông không
có vũ khí, quân đội, không sức mạnh quân sự, nhưng chỉ bằng một đức tin chắc chắn
vào Thầy Giêsu đã chết và sống lại, ông đã quy tụ được một cộng đoàn tín hữu cùng
hiệp thông, hiệp nhất với ông sống và thi hành sứ mạng loan báo Chúa Phục Sinh
và xây dựng Giáo Hội.
Sách Công vụ trong bài đọc một cho thấy một thời đại mới đã mở ra, sau những
ngày u ám sợ hãi bởi cái chết của Thầy Giêsu. Những hồ nghi, sợ hãi đã ta biến,
Simon và các Tông đồ đã trở nên những con người hoàn toàn mới. Trước đây họ
mang mặc cảm là “cùng bọn” với Giêsu, vì thế các ông phải trốn tránh sự
truy lùng của người Do Thái. Vậy mà giờ đây, sách Công vụ cho chúng ta hình ảnh
một Simon Phêrô đã trở thành thủ lãnh của Giáo Hội, là điểm quy tụ tất cả anh
em Tông đồ và các tín hữu, trong sự hiệp thông cùng một đức tin cùng việc phụng
thờ Thiên Chúa. Ông không còn lén lút sợ hãi, nhưng bước đi công khai, hiên
ngang, dõng dạc, đầy uy lực và quyền năng của Thiên Chúa ban cho: “Hồi đó,
nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện nhờ bàn tay các Tông đồ.”
Đặc điểm chung khiến cho các tín hữu sơ khai cùng đồng tâm nhất trí và
quy tụ chung quanh Phêrô đó là niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Cả cộng đoàn vây
quanh Simon Phêrô để nghe lời chứng của ông và các Tông đồ, cùng với Simon cử hành
việc thờ phượng Thiên Chúa: “Mọi tín hữu đồng tâm nhất trí…Càng ngày càng có
thêm nhiều người tin theo Chúa, cả đàn ông đàn bà rất đông.” Simon Phêrô hiện
diện trong cộng đoàn sơ khai không phải là một Simon khiếp sợ, chối Thầy ngày
trước nữa, mà là hình ảnh, là hiện thân của Đức Giêsu và có quyền năng Thiên Chúa
trao ban. Vì thế: “Người ta khiêng những kẻ đau ốm ra đường phố và đặt trên
chõng, để khi Phêrô đi ngang qua, cái bóng của ông phủ lên ai thì người đó được
khỏi.”
Bài Tin Mừng hôm nay kể về hai lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông
đồ. Lần thứ nhất vào chiều Chúa nhật tuần trước. Lần thứ hai vào tám ngày sau,
tức là hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh lại hiện ra với các Tông đồ và cách riêng
cho Tôma. Vì sự quan tâm và tình yêu thương đặc biệt của Chúa Phục Sinh dành
cho các môn đệ của mình, cách riêng Tôma, một con người đang bị tổn thương nhiều
hơn, Chúa đã dành cho ông lòng xót thương đặc biệt. Cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh
vào ngày thứ tám được coi như cuộc hiện ra dành riêng cho Tôma.
Chúa nhật này được chọn làm Chúa
nhật tôn kính Lòng Thương Xót Chúa là vì Chúa Phục Sinh không muốn để một người
nào phải sống trong đau khổ, dằn vặt về thể xác lẫn tinh thần. Riêng Tôma, ông đang
rất đau khổ dằn vặt vì lần trước Chúa hiện ra, ông đã chưa được thấy Chúa. Ông
vẫn còn dằn vặn trăn trở về đức tin của mình trước Mầu nhiệm Phục sinh. Vì thế,
Chúa đã hiện ra lần thứ hai này là vì Tôma và cho Tôma. Hơn nữa, Chúa Phục Sinh
còn cho Tôma được xỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn Người. Chúa
cho ông được đụng chạm đến vết thương của Người và được chạm vào trái tim yêu thương
của Chúa. Ông đã đón nhận được lòng khoan dung, thương xót từ nơi trái tim Chúa,
đức tin của Tôma đã hồi sinh và ông tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, Lạy Thiên Chúa
của tôi!”
Tại sao trước đó cùng ăn, cùng ở với các Tông đồ, cùng sống với Chúa Giêsu
mà sau đó Tôma đã không đón nhận được đức tin Chúa Phục Sinh? Thưa – Tin Mừng hôm
nay cũng cho thấy lý do quan trọng khiến cho Tôma không đón nhận được niềm tin
phục sinh, đó là ông đã đánh mất sự hiệp thông hiệp nhất với Simon, với các Tông
đồ là Giáo Hội, khiến ông không thể đón nhận được đức tin.
Có lẽ Tôma là một con người thực tế, ông muốn tự mình khám phá về Mầu nhiệm
Phục sinh. Tám ngày trước, ông đã một mình tách ra khỏi cộng đoàn của Simon và
các Tông đồ để đi tìm một câu trả lời cho riêng mình. Do đó, khi Chúa Phục Sinh
hiện ra với anh em vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, đã không có sự hiện diện
của Tôma ở đó. Điều này càng khiến Tôma đau khổ dằn vặt hơn khi ông cảm thấy mình
như bị rời ra khỏi cộng đoàn anh em Tông đồ trong đức tin. Ông không tìm được sự
bình an và niềm vui ở bên ngoài cộng đoàn, cho đến khi ông quay trở lại với anh
em Tông đồ. Mặc dù anh em đã làm chứng cho Tôma rằng: “Chúng tôi đã được thấy
Chúa.” Tôma vẫn cương quyết: “Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu
tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.”
Chỉ khi trở lại với sự hiệp thông, hiệp nhất trọn vẹn với Simon và các Tông
đồ, tức là hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội, Tôma đã được phục hồi lòng tin và đã
nhận ra Chúa Phục Sinh trong cộng đoàn đồng tâm hiệp nhất này: “Tám ngày
sau, các môn đệ họp nhau trong nhà và có Tôma ở đó, Đức Giêsu đã hiện đến với các
ông và nói: Bình an cho các con.” Chúa Phục Sinh đã dành sự ưu ái đặc biệt
và lòng thương xót của Ngài cho Tôma - một môn đệ còn đang bị tổn thương trong
tâm hồn, đang bị chơi vơi trong đức tin. Chúa đã gọi đích danh ông: “Tôma! Hãy
đặt ngón tay con vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay con ra và thọc
vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin!” Tôma đã được giải
toả khỏi bế tắc trong tâm hồn, ông được trở lại cùng một đức tin với anh em Tông
đồ. Ông đã tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi!”
Đức Giêsu đã mở ra một cái nhìn rộng lớn hơn cho Tôma và những tín hữu thuộc
các thế hệ sau các Tông đồ. Họ là những người không được tận mắt chứng kiến Chúa
Phục Sinh như các Tông đồ, cũng không được đụng chạm đến vết thương của Chúa như
Tôma, nhưng họ vẫn tin nhờ lời chứng của Phêrô và các Tông đồ. Họ là những người
được Thiên Chúa chúc phúc: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.”
Thưa quý OBACE, những người được Chúa Phục Sinh chúc phúc là chúng ta hôm
nay. Chúng ta không được thấy Chúa Phục Sinh hiện ra, nhưng chúng ta tin. Chúng
ta đón nhận đức tin này qua lời rao giảng của Giáo Hội dưới sự dẫn dắt của đấng
kế vị thánh Phêrô và các Tông đồ. Tuy nhiên, đức tin của chúng ta chỉ có thể đứng
vững và được nuôi dưỡng mỗi ngày nhờ sự gắn bó hiệp thông cách mật thiết với Giáo
Hội. Vì Giáo hội là nhân chứng đáng tin nhất trong đời sống đức tin của chúng
ta; vì Giáo Hội là thầy dạy và là người thi hành sứ mạng loan báo tin Mừng Phục
sinh của Đức Giêsu cho đến tận cùng trái đất.
Sống theo tinh thần hiệp nhất, hiệp thông trong Giáo Hội, chúng ta phải có
trách nhiệm xây dựng sự hiệp thông, hiệp nhất của Giáo Hội trong đức tin, đức ái;
cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa và cùng nhau lên đường loan báo Chúa Phục Sinh cho
mọi người. Chỉ khi chúng ta sống cách trọn vẹn sự hiệp thông với Giáo Hội, lắng
nghe và thi hành theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, thì đời sống chứng tá của chúng
ta mới có thể đáng tin trước mặt mọi người. Chúng ta sẽ không tự mình rao giảng
một Đức Giêsu Phục Sinh nào khác, một giáo lý nào khác ngoài Đức Giêsu Phục Sinh
đã được Simon và các Tông đồ rao giảng, làm chứng và đã chết vì niềm tin ấy.
Xin cho chúng ta luôn tin vào lòng Chúa thương xót, sống khiêm nhường trước
mặt Chúa và mọi người, hiệp thông hiệp nhất với nhau trong Giáo Hội, chuyên chăm
thờ phượng Chúa qua việc tham dự Thánh lễ mỗi ngày, lắng nghe và suy gẫm Tin Mừng
để được Chúa Phục Sinh biến đổi và giúp ta trở thành những chứng nhân sống động
đáng tin về Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh cho thế giới hôm nay. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí