HIỆP
SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 12 TN B
G 38,1.8-11 ; 2 Cr
5,14-17 ; Mc 4,35-41
TÍN THÁC VÀO TÌNH
THƯƠNG VÀ QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA
I.HỌC
LỜI CHÚA
1.TIN
MỪNG : Mc 4,35-41
(c
35) Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : Chúng ta sang bờ bên
kia đi !” (36) Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn
trên thuyền. Có những thuyền khác cũng theo Người. (37) Và một trận cuồng phong
nổi lên, sóng ập vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước. (38) Trong khi đó, Đức
Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức
Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì sao ?”
(39) Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi ! Câm đi !” Gió
liền tắt, và biển lặng như tờ. (40) Rồi Người bảo các ông :”Sao nhát thế ? Làm
sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ? (41) Các Ong hoảng sợ và nói với nhau
:”Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”
2.Ý
CHÍNH : Đức Giê-su chứng tỏ quyền năng trên gió bão biển khơi,
tượng trưng cho thế lực của ma quỉ chống lại Thiên Chúa. Người đã dùng lời
quyền năng dẹp yên sóng gió để củng cố đức tin yếu kém của các môn đệ. Đồng
thời cũng giúp các ông kiên vững niềm tin khi gặp thử thách bách hại sau này.
3.CHÚ
THÍCH :
-C
35-36 : +Chúng ta sang bờ bên kia đi" : Biển
hồ ở đây là hồ Ga-li-lê, cũng có tên Giê-nê-sa-rét hay Ti-nê-ri-a. Đây là một
các hồ lớn nằm bên trong đất liền xứ Ga-li-lê, dài 21 km và rộng 13 Km. Hồ thấp
hơn mặt biển 210 mét nên khí hậu ấm áp dễ chịu, nhưng cũng thương hay có những
trận cuồng phong. Biển hồ theo nghĩa của Thánh Kinh là một thế lực gian ác
chống lại Thiên Chúa và loài người. Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ tại vùng
biển hồ này. Chẳng hạn: Hóa bánh ra nhiều (x Mt 14,14-31); Đi trên mặt nước (x
Mt 14,25); Chữa nhiều bệnh nhân (x Mt 15,29-31); Hiện ra sau khi sống lại (x Ga
21,1); Mẻ cá lạ lùng (x Ga 21,4-8).
-C
37-38 : +Và một cơn cuồng phong nổi lên :
Cơn cuồng phong đe doạ sẽ nhấn chìm thuyền của các tông đồ xuống lòng biển,
tiên báo những nguy hiểm thử thách mà Hội Thánh sẽ phải trải qua sau này. +Đức
Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ : Trong khi chiếc
thuyền và những người trên thuyền lâm nguy vì bị bão tố trù dập thì Đức Giê-su
vẫn nằm ngủ để thử thách đức tin của các môn đệ. Giấc ngủ còn ám chỉ về sự chết
của Người (x Tv 13, 4; Ep 5, 14).. +Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói
: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì sao ?” : Đánh
thức là hành động của các môn đệ kêu cầu Đức Giệ-su cứu giúp trong lúc nguy nan.
Điều này cho thấy lòng tin yếu kém của các ông vì nghi ngờ quyền năng và tình
thương của Thầy. +Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi. Thầy chẳng lo gì
sao ?” : Các môn đệ hốt hoảng khi thấy thuyền của các ông sắp bị chìm
đắm giữa biển
khơi
mà xem ra thầy các ông không hay biết hay không quan tâm.
-C
39-41 : +Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi ! Câm đi
!” : Đức Giê-su bày tỏ uy quyền trên gió bão và biển khơi. Ra
lệnh cho ai chứng tỏ có quyền trên người đó. Khi truyền cho sóng gió yên lặng,
Đức Giê-su chứng tỏ quyền năng trấn áp các thế lực gian ác của Người. +Lập
tức gió ngưng biển lặng : cho thấy sự dữ đã phải tùng phục uy quyền của
Con Thiên Chúa. +”Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin
?: Đức Giê-su quở trách sự hèn tin của các môn đệ như nhiều lần Người
đã từng trách các ông chậm tin: “Hỡi những kẻ ngu muội và trí lòng chậm tin”(Lc
24, 25); “Người quở mắng sự cứng tin chai đá của họ, bởi họ không tin những kẻ
đã thấy Người sống lại” (Mc 16,14). +Vậy người này là ai, mà cả đến gió
và biển cũng tuân lệnh ? : Các môn đệ ngạc nhiên và đầy lòng thán phục
Đức Giê-su, khi họ chứng kiến hiệu lực của lời truyền của Người trên gió bão biển
khơi.
4.CÂU
HỎI : 1-Biển hồ Ga-li-lê còn có những tên gọi nào ? Dài rộng bao nhiêu ? 2-Đức
Giê-su đã làm các phép lạ nào tại vùng biển hồ này ? 3-Cơn cuồng phong tượng
trưng cho điều gì ? 4-Đức Giê-su ngủ ở đàng lái trong khi cuồng phong nổi lên
nhằm mục đích gì ? 5-hành động đánh thức Đức Giê-su nói lên điều gì về đức tin
của các môn đệ ? 6-Đức Giê-su bày tỏ quyền năng Con Thiên Chúa qua lời nói và
hành động nào ? 7-Ngoài lần này, Đức Giê-su còn trách sự hèn tin của các môn đệ
trong hoàn cảnh nào khác nữa không ? 8-Các môn đệ đã thể hiện đức tin thế nào
khi chứng kiến phép lạ Đức Giê-su thực hiện trên thiên nhiên ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI
CHÚA : Môn đệ liền nói :”Người là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh
?”(Mc 4,41).
2.CÂU
CHUYỆN :
1) EM
BÉ TÍN CẬY VÀO TÀI NĂNG CỦA CHA MÌNH:
Trong
một chuyến du hành vượt Đại Tây Dương, nhiều du khách đang đứng trên boong ngắm
cảnh hoàng hôn mặt trời đang dần lặn xuống biển. Bỗng mây đen ùn ùn kéo tới,
chẳng mấy lúc làm tối sầm cả vùng trời. Rồi sấm chớp đổ xuống liên hồi, trên
mặt biển giông tố cuồn cuộn nổi lên, gió càng lúc càng thét gào dữ dội. Mọi
người trên boong chen lấn nhau đi về phòng mình, duy chỉ một bé trai là tiếp
tục chơi trên boong khi trận cuồng phong chuẩn bị đổ xuống.
Khi
có người hỏi « Em không thấy sợ khi cơn giông tố đang ập đến sao ? »
Em thản nhiên đáp lại: «Em không sợ, vì ba em đang cầm lái con tàu này mà ! ».
Giống
như cậu bé đã tin tưởng ở cha mình đang cầm lái con tàu, mỗi người chúng ta
cũng hãy vững tin Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu và quyền năng. Ngài sẽ hướng
dẫn chúng ta bước theo đường lối của Ngài để tới bến bình an.
2) QUYỀN
NĂNG CỦA CHÚA BIỂU LỘ QUA MỘT SINH VẬT TẦM THƯỜNG:
Ngày
kia khi tôi đang ngồi ăn trong phòng thì một con ruồi từ bên ngoài bay vào. Nó
bay mấy vòng trên bàn rồi nhẹ nhàng hạ cánh xuống miếng chuối ăn dở trên
bàn.... Con ruồi đã có thể làm bất cứ điều gì nó thích và bay đến bất cứ nơi
nào nó muốn.
Từ
con ruồi, tôi miên man suy nghĩ về quyền năng của Thiên Chúa: Con ruồi chỉ là một
sinh vật nhỏ bé và không chút giá trị, thế nhưng hoạt động của nó lại trổi vượt
hơn hẳn một chiếc máy bay tinh xảo đắt tiền.... Ruồi cất cánh mà không cần lấy
đà như máy bay thông thường. Đang bay nhưng nó vẫn có thể đáp xuống ngay. Ruồi
không bị rơi, không va chạm vào vật nào khác và cũng không bị tai nạn như máy
bay. Nó không cần phải học bay và động cơ cũng không bao giờ bị trục trặc hay
gặp sự cố. Và cuối cùng nó có khả năng sản xuất ra hàng ngàn vạn con ruồi tương
tự mà không phải tốn bao nhiêu công sức.
Con
ruồi cho chúng ta thấy quyền năng vô biên của Thiên Chúa trong thiên nhiên.
3) CÓ
ĐỨC TIN KHI CHỨNG KIẾN PHÉP LẠ TẠI LỘ ĐỨC :
Một
sinh viên y khoa người Tây Ban Nha đi viếng trung tâm hành hương Đức Mẹ tại Lộ
Đức bên Pháp. Ở đại học Madrid, chàng sinh viên này đã nghe các giáo sư vô tín
ngưỡng nói về Lộ Đức như là nơi sản xuất các điều mê tín trong tôn giáo. Nên
trong thời gian ba tháng này, anh sinh viên muốn điều tra thực hư về các phép
lạ ở đây. Cũng tại nơi này anh đã được tận mắt chứng kiến một phép lạ như anh
thuật lại:
"Hôm
đó tôi đang ở sân Vương cung Thánh đường Lộ Đức cùng với các bà chị của tôi chờ
Kiệu Mình Thánh Chúa sắp đi qua. Bấy giờ một bà tuổi trung tuần đang đẩy một
chiếc xe lăn đi tới ngay trước mắt chúng tôi. Bà chị tôi chỉ chiếc xe lăn
nói : "Kìa hãy coi cậu con trai đáng thương của bà ta !" Đó là
một anh chàng khoảng 20 tuổi bị bại liệt và toàn thân biến dạng. Mẹ của anh ta
đang lần chuỗi to tiếng, kèm theo lời cầu nguyện "Lạy Đức Nữ Đồng Trinh,
xin hãy giúp đỡ chúng con !".
Khi
Đức Giám Mục ban phép lành Mình Thánh cho chàng thanh niên bại liệt, đang lúc
anh ta nhìn vào mặt nhật có đựng Mình Thánh Chúa. Đột nhiên chàng thanh niên
bại liệt trỗi dậy, từ từ bước ra khỏi chiếc xe lăn và đã hoàn toàn bình phục!
Dân chúng thấy vậy liền hô to trong niềm vui hân hoan: "Phép
lạ ! Phép lạ !"
Sau
đó nhờ có giấy phép, nên tôi được xem các bằng chứng xác minh phép lạ này. Tôi
không thể diễn tả hết những điều tôi cảm nhận và về tâm trạng của tôi lúc đó.
Tôi đến từ trường Y Khoa Đại Học Madrid, nơi có nhiều giáo sư vô tín nổi tiếng
và nhiều sinh viên bạn học của tôi luôn miệng nhạo báng các phép lạ. Thế mà giờ
đây, tôi đã được chứng kiến tỏ tường một phép lạ do Chúa Giê-su Thánh Thể thực
hiện. Khi ấy tôi đã cảm nhận được sức mạnh vô song của Chúa và thế giới chung
quanh thật nhỏ bé. Tôi đã trở về Madrid và ba tháng sau tôi chính thức gia nhập
vào Tập Viện Dòng Tên».
4) SỨC MẠNH VÔ SONG CỦA MỘT LỜI
CẦU NGUYỆN TÍN THÁC CẬY TRÔNG:
XÁC
INH-LÍT (Charles Inglis), một nhà truyền giáo nổi tiếng thánh thiện đã kể lại
câu chuyện như sau: trên một chuyến đi biển kia có một nhà truyền giáo tên là
GIOÓC-DƠ MU-LƠ ở BỚ-RAI-TƠN, dự định sẽ đến nhà thờ lớn ở QUÊ-BÉC giảng đạo vào
chiều thứ Bảy cuối tuần. Nhưng do bị sương mù quá dầy khiến vị thuyên trưởng
phải cho tàu chạy chậm và như thế khiến nhà truyền giáo sẽ bị trễ hẹn. Bấy giờ
nhà truyền giáo mới nói với thuyền trưởng là mình có cách làm sớm tan làn sương
mù kia đi. Thuyền trưởng nghĩ ông này bị mát dây thần kinh nên không thèm để ý.
Bấy giờ nhà truyền giáo liền yêu cầu thuyền trưởng cùng cầu nguyện với mình.
Rồi ông một mình quỳ gối xuống dâng một lời cầu nguyện sốt sắng, đang khi viên
thuyền trưởng vẫn đứng nhìn với thái độ không mấy tin tưởng. Chờ cho nhà truyền
giáo cầu nguyện xong, vị thuyền trưởng mới nói : “Ngài có biết độ dày của sương
mù kia đến cỡ nào không ?”. Nhà truyền giáo trả lời :”Không biết! Nhưng tôi
không nhìn vào sương mù. Tôi chỉ nhìn vào Đấng dựng nên sương mù mà thôi”. Bấy
giờ viên thuyền trưởng định quỳ gối xuống cầu nguyện thì nhà truyền giáo ngăn
lại và nói : “Nếu lòng ông không tin thì cầu nguyện nào có ích gì ? Hơn nữa,
tôi tin chắc Chúa đã nhận lời cầu của tôi rồi nên ông chẳng cần phải cầu thêm
làm chi! Tôi đã nhận biết Chúa được 57 năm rồi, và trong suốt thời gian đó
không ngày nào mà tôi không thưa chuyện với Người. Bây giờ ông hãy mở cửa ra mà
xem công việc Chúa làm”. Quả nhiên khi mở cửa sổ ra thì viên thuyền trưởng thấy
làn sương mù dày đặc trước đó đã tan biến hết, con tàu lại tiếp tục tăng tốc và
cuối cùng đã cập bến đúng thời gian như lịch trình đã định.
Câu chuyện
trên cho chúng ta thấy đức tin mạnh mẽ của nhà truyền giáo. Chính Chúa Giê-su
đã luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha và hoàn toàn tín thác cậy trông nơi
Cha. Ngày nay, vì thiếu lòng tin nên người ta coi thường việc cầu nguyện. Mỗi
khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn hay gặp gian nan thử thách, người ta thường chỉ
biết dựa vào sức riêng mình, đang khi lẽ ra vừa phải cầu xin Chúa
soi sáng để tìm ra giải pháp tốt nhất, lại vừa phải cố gắng giải quyết các khó
khăn trở lực ấy.
3.SUY NIỆM :
Tin Mừng
kể lại cảnh tượng xảy ra trên biển hồ Ga-li-lê: Đức Giê-su đang ngủ. Ngài ngủ
vì mệt mỏi sau khi ngồi trên thuyền như giảng đài để dạy dỗ dân chúng trên bờ hồ. Các
môn đệ đều là các ngư phủ chuyên nghiệp, và vùng biển này là điạ bàn hoạt động
quen thuộc của các ông, thế mà trong cơn bão táp hiện tại các ông
lại bị hoảng loạn.
1. Chúa ngủ trong khoang thuyền giữa cơn gió bão:
Theo Chúa không phải lúc nào cũng thuận buồn xuôi gió hay luôn
được hưởng thái bình thịnh vượng. Ngay cả những lúc chúng
ta không có tội hay đang trong tâm trạng nghi ngờ, thì giông tố vẫn có thể xảy ra. Chúa không hứa ban cho chúng ta được thư thái an nhàn
giữa trần gian, nhưng đòi ta phải sẵn
sàng chiến đấu, sẵn sàng bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo
Người… để sẽ được cùng
Người vào trong vinh quang phục sinh.
2. Phản ứng của các môn đệ trước cơn
phong ba: Câu
nói biểu lộ sự kinh hãi tột độ và ngụ ý trách móc Thầy
Giê-su đã không quan tâm đến
môn đệ trong lúc nguy nan. Ngày nay một bộ phận tín hữu chúng ta cũng thường
hay suy nghĩ như vậy mỗi khi ta
bị cơn bão cuộc đời vùi dập. Chúng ta thường nghĩ rằng mình tin Chúa thì đương nhiên sẽ được Chúa che chở cứu giúp vượt qua lúc nguy
nan, vì đó là trách nhiệm mà Chúa phải chu toàn, đang khi lẽ ra ta phải vừa xin Chúa ban ơn soi sáng, lại vừa phải cố gắng
vượt qua các cơn nguy nan thử thách gặp phải.
3. Vậy chúng ta phải làm gì ? :
-Khi sự sầu muộn đến như nó phải đến : Ta tin rằng Chúa sẽ biến đổi bóng tối của sự chết thành
ánh sáng phục sinh vĩnh cửu. Người sẽ giúp chúng ta tin cậy vào tình yêu vô biên
của Ngài. Chằng hạn khi ta bị mất một người thân, thì nên biết rằng: Chết không phải là
hết, nhưng là bước vào một cuộc sống
mới vĩnh hằng và mai ngày chúng ta sẽ
được gặp lại người thân trên Thiên
đàng.
-Khi chúng ta gặp phải một hoàn cảnh nan giải: Khi ta không biết phải làm gì, phải giải quyết thế nào
mới đúng, chúng ta hãy thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa, nếu Chúa ở trong hoàn
cảnh của con bây giờ thì Chúa sẽ làm gì ?” hoặc: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?” Bấy giờ Chúa sẽ nói trong lương
tâm để giúp chúng ta tìm ra con đường phải đi và ta sẽ mạnh dạn thưa với Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã thưa với Chúa Cha: ” Lạy Cha. Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7) .
-Khi gặp cơn lo âu bối rối: Khi ta phải lo về một tương lai bất định,
lo cho con cái … Chúng ta hãy ý thức về lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa
để trông cậy phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Người sẽ giúp chúng ta đạt
tới hạnh phúc đời này và đời sau. Bấy giờ tâm hồn chúng ta sẽ được bình an,
như lời Chúa Giê-su phán: ”Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng
tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và
hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ
được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”
(Mt 11,28-30).
4.THẢO LUẬN : 1) Một người có đức tin vững mạnh có bị
thất bại hay gặp những sự gian nan khốn khó trong cuộc đời không ? 2) Một người
chỉ biết khoanh tay cầu xin mà không cố gắng giải quyết những khó khăn gặp phải thì
có đức tin mạnh không?
Tại sao? 3) Khi gặp gian nan thử thách, người tín hữu cần làm gì để chứng tỏ đức tin vững mạnh?
5.CẦU NGUYỆN :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con luôn tin vào tình
thương quan phòng của Thiên Chúa. Cho chúng con biết xử dụng những tài
năng Chúa ban để giải quyết những trở
ngại gặp phải trong cuộc sống. Mỗi khi gặp điều trái ý, xin cho chúng con cố gắng giải quyết
và nếu gặp bất lợi sẽ dâng lời cầu
nguyện như
Chúa khi xưa: “Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho con khòi uống chén này.
Nhưng đừng theo ý riêng con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26,39). Xin cho chúng con ý
thức Chúa luôn ở với con để con vững tâm tiến bước như lời bài hát: “Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn sợ chi. Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn thiếu gì”. Xin cho con năng dâng lời ngợi
khen cảm tạ ơn Chúa
về muôn ơn lành Ngài đã thương ban, cho con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a dâng lời
ngợi khen cảm tạ tình thương bao la của Thiên Chúa, vì Ngài đã làm cho Mẹ biết bao điều lớn lao kỳ diệu (x Lc 1,46-55).-
AMEN.
LM
ĐAN VINH - HHTM