Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 13

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật tuần XIII Thường Niên C

TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU

hanh-trinh-nua-vong-trai-dat-tong-thong-my-barack-obama-toi-viet-nam_22229295.jpg

Cuối tháng năm vừa qua, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã để lại một ấn tượng rất mạnh nơi dân chúng, đặc biệt thành phần giới trẻ. Hàng ngàn người đã tập trung hai bên đường nơi đoàn xe của Tổng Thống đi qua chỉ để được nhìn thấy đoàn xe của ông. Tại Hà Nội, nhiều người đã thức suốt đêm chờ ngoài cửa khách sạn, nơi phái đoàn ở, để hy vọng được nhìn thấy mặt ông Obama. Ông đã có những bài diễn văn thật xuất sắc, thu hút, tạo sức bật cho tuổi trẻ mà họ không thấy nơi lãnh đạo của mình. Có những bạn trẻ coi ông Obama như một thần tượng, nhiều người khác coi ông như là biểu tượng của sự vươn lên và thành công. Nhiều người trước đây từng coi Mỹ như kẻ thù, nay họ đã hoàn toàn thay đổi quan điểm, họ coi ông như biểu tượng của một quốc gia tự do, một cường quốc kinh tế. Hai người phụ nữ được hân hạnh bắt tay, chụp hình với ông, họ hạnh phúc sung sướng vì được bắt tay, được chụp hình chung với con người quyền lực nhất thế giới. Người Việt Nam thấy nơi ông sự gần gũi và có sức hút quần chúng cách lạ thường. Sự kiện viếng thăm của ông Obama khiến cho truyền thông và nhiều người quên hẳn ngày bầu cử hôm trước.

Thưa quý OBACE, chắc chắn Chúa Giêsu ngày xưa cũng có một sức hút ghê gớm đối với người dân. Bao quanh Người có lúc là một đám đông không đếm nổi, có khi là một bữa ăn tối với hơn năm ngàn người đàn ông. Người ta theo Chúa vì phong cách gần gũi của Ngài, những bài giảng nảy lửa như một nhà lãnh đạo, những lời mời gọi như một nhà cách mạng. Nhiều người trẻ ngày xưa nhìn Chúa Giêsu như một thần tượng hấp dẫn, một biểu tượng của sự tự do, một nhà cải cách xã hội. Vì thế, có nhiều người trẻ say mê bước theo Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lợi dụng sự nhiệt tình của người dân. Ngài không tạo cho họ những ảo tưởng, không hứa hẹn một cuộc cách mạng xã hội, sứ mạng của Ngài hoàn toàn khác với những gì dân chúng đang nghĩ về Ngài. Con đường của Chúa Giêsu là con đường yêu thương chứ không phải là bạo lực. Sứ mạng của Ngài là giải thoát và cứu độ con người khỏi nguyên nhân gây ra đau khổ, là ma quỷ và tội lỗi, đem lại cho con người tự do. Vì thế, những ai tin theo và muốn trở nên môn đệ của Ngài cũng sẽ phải đi cùng một con đường với Ngài.

Tin Mừng cho thấy, gần tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem. Tại đó, Chúa Giêsu đã chấp nhận bước vào cuộc hành trình thập giá vì yêu thương con người. Khi nói Chúa Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem, tức là Ngài ý thức rõ ràng về cuộc khổ hình thập giá phía trước mà Ngài sẽ trải qua bắt đầu từ Galilêa, ngang qua Samaria và lên đến đỉnh cao là Giêrusalem..

Tuy nhiên, khi Ngài đi ngang qua Samaria, dân làng tỏ ra không quan tâm, không nuốn đón tiếp Ngài, họ công khai từ chối Chúa. Giacôbê và Gioan đã nổi giận vì thấy Thầy mình bị từ chối. Các ông cứ tưởng rằng các ông theo Chúa thì mọi người sẽ kính nể, sẽ tôn trọng các ông. Tính tự ái nổi lên, các ông thưa :  Thưa Thầy, thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không ? Các ông đã muốn mượn danh Chúa để thị uy, muốn nhân danh Chúa để làm điều ác. Chúa Giêsu đã không đồng ý với suy nghĩ và hành động của các ông. Ngài quay lại quở mắng các ông vì lời đề nghị và sự nóng nảy đó. Rồi Thầy trò đi sang làng khác. Đó là cách trả lời của Chúa Giêsu.

Liền sau đó, có kẻ chủ động đến xin với Chúa : Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin theo Thầy. Chúa Giêsu trả lời : Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu. Câu trả lời cho thấy, việc theo Chúa không thể là quyết định bồng bột, cũng không phải là sự thúc đẩy bởi ảo tưởng như theo một thần tượng, theo Chúa không phải để tìm kiếm một chỗ dựa kinh tế hoặc tìm kiếm một vị trí quyền lực. Nhưng, để làm môn đệ của Chúa phải chấp nhận từ bỏ, thoát khỏi ràng buộc của vật chất và những cám dỗ của trần gian. Theo Chúa là dám bước đi trong vô định, dám đặt trọn tương lai trong bàn tay của Chúa, không có sự tính toán thiệt hơn theo thói đời nữa.

Kế đến là một người khác được Đức Giêsu mời gọi: Anh hãy theo tôi. Chắc hẳn người này đã có một đời sống thích hợp, nên Đức Giêsu đã ngỏ lời với anh. Tuy nhiên, anh đã không quảng đại đủ. Anh thưa: Xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Một lời xin xem ra thật chính đáng, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời anh: Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa. Trả lời như thế, Chúa Giêsu cho thấy việc loan báo Tin Mừng sự sống thì quan trọng hơn sự chết, việc đáp trả lời mời gọi của Chúa phải là quyết định dứt khoát, không thể nấn ná.

Người tiếp theo được gọi đã đưa ra một lý do: Tôi sẽ theo Thầy, nhưng xin cho tôi về từ biệt gia đình trước đã. Chúa trả lời: Ai cầm cày mà còn ngó lại đàng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Chúa không phủ nhận tình cảm gia đình, Chúa cũng không từ chối bổn phận thảo hiếu làm con, nhưng Chúa cho thấy sự cấp bách của lời mời gọi. Việc chọn theo Chúa Giêsu, đáp trả lời mời gọi làm môn đệ và là người loan báo Nước Trời phải là ưu tiên trên mọi ưu tiên, không vì bất cứ lý do gì có thể trì hoãn sứ mạng này. Theo Chúa là một quyết định dứt khoát không tiếc nuối để có thể bước vào cùng một hành trình với Chúa.

Đòi hỏi theo Chúa như vậy có khó quá không? Ngày xưa, khi ông Elisa được Elia gọi, Elisa đã về từ giã cha mẹ, sau đó ông còn bắt một cặp bò, làm thịt thiết đãi mọi người rồi sau đó đứng dậy đi theo ông Elia. Nhưng đến thời Tân Ước, Thánh Phaolô đã giải thích rằng vì chúng ta đã được Đức Kitô giải thoát, trở nên con người tự do. Vì thế, chúng ta sẽ không để mình bị ràng buộc hoặc làm nô lệ cho thế gian, danh vọng hay tình cảm nữa. Thánh Phaolô còn dạy: Anh em đừng lạm dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Hãy sống theo Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc lề luật nữa.

Mỗi chúng ta đã là môn đệ của Chúa Giêsu nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta đang đi theo Chúa trong tâm trạng nào? Có thể nhiều người theo Chúa cũng giống đám đông hiếu kỳ hoặc vì truyền thống của gia đình, mà chưa có một sự đáp trả mang tính cá nhân của mình trước lời mời gọi của Chúa. Có những người theo Chúa giống như đám đông chờ xem tổng thống xuất hiện, tức là họ cũng nhìn Chúa, theo Chúa như một con người quyền lực có khả năng làm phép lạ đáp ứng lời cầu xin của cá nhân.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người xác định lại mục đích chúng ta theo Chúa để làm gì ? Chúng ta tìm kiếm chờ đợi điều gì? Chúa cho thấy rằng, theo Chúa không phải tìm kiếm quyền lực, cũng không phải nhân danh Chúa để triệt hạ người khác, nhưng là phải gạt bỏ con người mình khỏi những tự ái nóng giận, sống tự do thanh thoát. Theo Chúa không phải để tìm kiếm sự dễ dãi, cũng không tìm kiếm địa vị danh vọng, nhưng là dám cùng Chúa bước vào một hành trình yêu thương phục vụ, hành trình hy sinh đón nhận thập giá.

Lời mời gọi bước theo Chúa là lời mời gọi gỡ bỏ mọi thứ ràng buộc, dù là những ràng buộc chính đáng nhất để có thể sống hoàn toàn tự do thanh thoát. Thực tế, chúng ta đang bị biết bao lực cản và trói buộc khiến chúng ta không thể bước theo con đường của Đức Giêsu. Ràng buộc đó có thể là những lo toan của cuộc sống, của cơm ăn áo mặc, công ăn việc làm khiến chúng ta không còn thời giờ và cũng không còn chỗ cho Chúa trong tâm hồn. Có những người để cho các mối quan hệ xã hội, bạn hữu ràng buộc khiến họ bỏ quên gia đình, và quên việc sống theo Tin Mừng.

Nhiều bạn trẻ ngại bước theo Chúa vì bị giằng co, lôi kéo bởi những ảo tưởng bên ngoài, họ bị lệ thuộc vào các thứ thần tượng, các thứ thời trang và các lôi kéo khác. Nhiều người nghĩ rằng theo Chúa là phải sống một cuộc sống khù khờ quê mùa lạc hậu. Chúa không buộc chúng ta phải quê mùa lỗi thời như thế, nhưng Chúa muốn các bạn sống một tuổi trẻ tràn đầy và sung mãn, sống vui tươi vì biết mình được Chúa yêu.

Xin cho mỗi chúng ta quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa và xin Chúa ở bên chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phêrô và Phaolô_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phêrô Và Phaolô_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên_Lm Đan Vinh - HSTM

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên: CÁI MỚI CỦA CHÚA_Nt. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên_Lễ Thánh Tôma Tông Đồ: "TÔ MA - MẪU NGƯỜI TÍN HỮU NGÀY NAY"_Xuân Hạ, OMI
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên:LÒNG THƯƠNG XÓT_ Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên: "CHỮA NGƯỜI BẠI LIỆT"_ Lm. Dom Nguyễn Thành Tiến
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên: CON THUYỀN HỘI THÁNH_Lm. Giuse Nguyễn Quốc Huy
     PHIM THÁNH PHÊRÔ
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ: HAI CỘT TRỤ GIÁO HỘI_ Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII Thường Niên B. Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII Thường Niên B. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII Thường Niên B. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông