Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 13

CHỦ NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

tc ty.jpg

Con người được Thiên Chúa dựng nên là để sống và sống hạnh phúc. Ngài không làm ra cái chết. Chính vì thế mà sự chết luôn luôn đi ngược lại bản năng và ước vọng của con người và luôn làm cho họ hoảng sợ. Ngày Chủ nhật là cơ hội tốt để đánh thức niềm tin Ki tô của chúng ta bởi khi cử hành sự PHỤC SINH của Đức Ki tô, chúng ta tường niệm Ngài đã chiến thắng sự chết để dành lại sự sống cho chúng ta.

Sách Khôn Ngoan:

Tại sao có sự chết? Nó từ đâu đến? Đức tin của chúng ta chứng thực rằng sự chết chỉ là một cuộc vượt qua đến một cuộc sống tốt hơn, tự do hơn, thiêng liêng hơn, gần với Thiên Chúa vĩnh cửu đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Người, nghĩa là có thể sống VĨNH CỬU.

Thánh Vịnh 29:

“Lệ tuôn rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo”. Dù vậy đêm đen vẫn gần gủi với chúng ta. Được dựng nên để cho chúng ta nghỉ ngơi, đêm đen vẫn là giờ mà Chúa làm việc trong và cho chúng ta. Có những đêm mang lại niềm tin cho chúng ta. Đêm càng sâu, thì chúng ta càng hi vọng ánh sáng ban ngày sắp ló dạng.

Thư Cô rin tô:

Dù là Đấng giàu có mọi sự, Chúa đã tự nguyện trở nên NGHÈO để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ sự NGHÈO KHÓ của Ngài. Thánh Phao lô kết hợp sứ mạng Lời của ngài với sứ mạng quyên tiền cho những người nghèo. Sự chia sẻ đó là một hành vi phụng vụ đáp ứng một vấn đề công bằng, những người giàu nhất có trách nhiệm về đời sống của những người nghèo nhất. Người giàu là người quản lí của Chúa, không những có nhiệm vụ phân phát cho người nghèo cái dư thừa, mà còn san sẻ cả những cái cần thiết của mình nữa. Điều gì họ làm cho những kẻ bé nhỏ, chính là làm cho chính Đức Ki tô vậy.

Tin mừng Mc 5,21-43

Sau bài diễn từ bằng dụ ngôn, Mc gom vào đây bốn phép lạ. Dù là giáo huấn hay hành động, tất cả đều biểu lộ cho thấy Nước Thiên Chúa hiện diện theo cách thức riêng. Chúa Giê su đang ở trên bờ phía Tây hồ Ga li lê với đám đông do thái, Ngài truyền cho các môn đệ sang bờ bên kia, phần đất của các dân ngoại. Giữa biển Ngài dẹp yên sóng gió (4,35-41). Ơ bờ bên kia, Ngài chữa một người bị quỉ ám (5,1-20) khiến cho dân ngoại kinh ngạc. Trở lại bờ bên nầy, Ngài chữa lành người bị băng huyết và cho con gái ông Gia ia sống lại. Mọi người đều kinh ngạc sững sờ (5,21-43). Bốn phép lạ tỏ rõ quyền năng siêu phàm nơi con người Chúa Giê su, khiến người ta đặt câu hỏi về chân tính của Ngài: “Người nầy là ai?” (4,41).

Đoạn văn nầy gồm hai phép lạ ghép lại: cứu sống con gái Gia ia và chữa người phụ nữ bị băng huyết. Xét theo cách hành văn thì dường như lúc đầu đây là hai câu chuyện độc lập với nhau.

Ông Trưởng Hội đường: Đây là lần đầu tiên một người có trách nhiệm trong đời sống tôn giáo do thái đến quì gối dưới chân Chúa Giê su giữa đám đông. Từ trước tới giờ, Ngài chỉ gặp toàn là chống đối thù nghịch từ phía các luật sĩ và người biệt phái (3,22).

Sờ vào áo của Ngài: Để ý đến sự quan trọng gán cho việc chạm đến Chúa Giê su: nhiều bệnh nhân muốn chạm đến Ngài (3,10; 6,56); thỉnh thoảng Chúa Giê su cũng chạm đến người bệnh (1,41: người phung cùi; 7,33: người câm điếc; 8,22: người mù; và cả trẻ em nữa; 10,13). Điều nầy cũng được nói đến trong Giáo Hội sơ khai (Cv 19,11-12).

Tôi mà sờ được: Người đàn bà không van xin lời nào, mà chỉ đơn giản làm một hành động kín đáo vì sợ người ta thấy. Trong đó diễn tả tất cả niềm tin và kính trọng của Bà đối với Chúa Giê su.

Sẽ được cứu: kiểu nói hơi lạ, thay vì nói sẽ được chữa lành. Như thế thánh sử Mác cô muốn cho chúng ta nhìn thấy trong việc chữa lành nầy biểu tượng của ơn cứu độ qua đức tin: điều mà người phụ nữ hy vọng khi sờ vào Chúa Giê su thì quan trọng hơn là sự chữa lành bệnh của bà.

Một năng lực: ở đây Mác cô không muốn mô tả hậu quả nhiệm mầu của một sự đụng chạm thể lí. Ngài chỉ muốn gợi ý về sự hiệu nghiệm của đức tin và sự lan tỏa quyền năng cứu độ của Chúa Giê su.

Con hãy về bình an: Thay vì quở trách, Chúa Giê su truyền cho người phụ nữ ra về. Ngài còn đề cao đức tin của bà và tái nhận bà vào dân Thiên Chúa.

Chỉ cần tin thôi: ở đây tất cả đều được vận dụng để nhấn mạnh quyền năng của Chúa Giê su trên sự chết.

Phêrô: Cả ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan sẽ được hiện diện trong cuộc biến hình của Chúa Giê su (9,2) và trong cơn hấp hối (14,33). Sự hiện diện của các ông gợi lên tính cách quyết định của biến cố mà các ông là nhân chứng.

Ngủ: chi tiết nầy nhắc lại câu thánh Gioan 11,11: “Bạn Lagiarô của chúng ta đang ngủ”. Hình ảnh giấc ngủ để chỉ sự chết rất thường thấy trong Thánh Kinh. Nhưng trong Tân Ước, nhờ Chúa Giê su, sự chết phải được coi như giấc ngủ, và sự sống lại là sự thức dậy (X. Ep. 5,14).

Họ chế nhạo Người: như trên thánh giá, Chúa Giê su vấp phải sự không hiểu biết cùa những người chứng kiến.

Người cầm lấy tay nó: Chúa Giê su hành động như thể Ngài giúp đứa bé ngồi dậy sau khi ngủ. Hành động nầy nhắc độc giả nhớ đến lời sấm Isaia 41,10.13.

Không được để một ai biết việc ấy: lại một lần nữa Chúa Giê su nhấn mạnh đến việc cần phải giữ bí mật về con người của Ngài (1,34). Ngài không đến để làm phép lạ hoặc nhằm gây ấn tượng mạnh trên đám đông bằng những việc kì diệu cả thể, nhưng là để tăng thêm đức tin cho những kẻ đã bắt đầu tin vào Ngài.

Cho con bé ăn: ở đây cũng như trong các trình thuật hiện ra sau khi sống lại (Lc 24,43) chi tiết nầy nhằm nhấn mạnh chuyện có thực chứ không phải là ảo giác hay ma quái. Hơn nữa cũng có thể đây là biểu tượng chỉ phép Thánh Thể sau khi người tân tòng chịu phép rửa được sống lại trong đời sống mới.

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng hôm nay gồm hai câu truyện khác biệt lồng vào nhau, kể lại hai biến cố có một tương quan sâu xa: cả hai trường hợp đều đề cao Chúa Giê su là Chúa của sự sống; và để đến với Ngài, cần có một lộ trình đức tin.

Khởi đầu người phụ nữ không có lòng tin. Bà bị thúc đầy bởi một ý muốn mà ai trong chúng ta đôi lúc cũng đều có, khi nghe đồn về một vị thầy thuốc chữa bệnh tài tình. Đã mười hai năm rồi bà bị khổ sở vì bệnh xuất huyết. Nỗi đau phần xác kéo theo nỗi đau tâm hồn, vì theo luật do thái, người bị bệnh như bà bị coi là ô uế, bị loại ra khỏi đời sống xã hội và tôn giáo. Và cũng chính vì lí do đó mà bà không thể đến gặp trực tiếp Chúa Giê su được, vì bà không được phép ở giữa đám đông. Bà không dám ra mặt vì sợ người ta xua đuổi, nên cuối cùng liều mạng làm một hành vi lén lút.

Vì thế, điều bà mong muốn là được chạm nhẹ vào áo choàng của Chúa. Hành vi đó rất bình thường không có gì đáng gọi là đức tin. Cũng có thể gọi đó là một thứ mê tín dị đoan. Nhưng chính qua hành vi đó mà Chúa Giê su đã gặp bà. Ngài sẽ dẫn bà trên hành trình tới đức tin. Ngài không nói với bà: «Con đã được khỏi bệnh» nhưng «con đã được cứu thoát ». Ngài muốn cho bà biết rằng bà sắp có thể gặp Thiên Chúa  trong một tương quan đích thực. Cùng với mọi người, bà sẽ có thể đến hội đường để ca tụng vinh quang Thiên Chúa. Bà cũng có thể tái lập những mối quan hệ bình thường với hàng xóm láng giềng. Được cứu thoát là như thế, không chỉ ở mặt ngoài, mà được tái nhập vào cộng đoàn cùng với những người khác.

Đối với ông Giaia cũng thế. Ông không có gì để mất. Đứa bé gái của ông đang lâm cơn nguy biến. Niềm tin của ông là điều mà ai trong chúng ta cũng có thể có trong những trường hợp tương tự. Nếu tôi có một người bà con mắc chứng bệnh không thể chữa khỏi, thì tôi cũng van vái tứ phía để tìm thày chạy thuốc. Nếu người ta nói với ông Giaia rằng Chúa Giê su có thể phục sinh những người đã chết, có lẽ ông không tin. Ông chỉ đơn giản nghĩ rằng Chúa Giê su là một vị Thầy chữa bệnh tài tình, thế thôi. Thế mà ở ngay mức độ số không đức tin của ông Giaia mà Chúa Giê su đến gặp ông, bởi vì ông không đành cam chịu số phận trong khi thuốc men và khoa học đã bất lực.

Vì thế, khi có người đến nói với ông rằng con gái ông đã chết, Chúa Giê su đã phải kéo ông ra và nói với ông rằng: “Đừng sợ; hãy tin là được”. Con gái ông đang ngủ, và Chúa Giê su đi đánh thức nó dậy, như người ta đỡ một người đang nằm đứng dậy. Chỉ bấy giờ, con người mới làm cuộc hành trình đức tin. Nhưng người lôi kéo họ đi chính là Chúa Giê su.

Cả hai bước tiến có một điểm chung là Đức Ki tô đến gặp hai người ngay khởi điểm đức tin và Ngài sẽ giúp họ bước tới; lí do là vì cả hai người không chịu chào thua trước bệnh tật và nỗi khốn cùng. Điều đó muốn nói với chúng ta một vài điều quan trọng:

Trước hết, không được đầu hàng. Đừng như những người thất vọng trước bệnh tật, đau khổ và sự chết rằng: «Còn làm gì được nữa đâu?». Nếu chúng ta đầu hàng trước, nếu chúng ta không làm gì cả để chiến đấu chống lại sự dữ trong và chung quanh chúng ta, thì sẽ không bao giờ gặp được Chúa Giê su. Ngài gặp chúng ta trong khi chúng ta can đảm chống lại sự ác bởi vì sự chống lại đó cũng phát xuất từ Ngài.

Thứ hai, chúng ta không được tìm cách đo lường mức độ đức tin của chúng ta, và càng không được đo lường đức tin của người khác. Nói về một ai đó rằng đó là một người tín hữu tốt là không có nghĩa gì cả. Điều quan trọng chính là việc Chúa Giê su đến gặp gỡ tôi để giúp tôi đi một đoạn đường đức tin, với điều kiện là tôi để cho Ngài dẫn tôi đi. Với điều kiện là tôi hướng về Ngài; chứ không chỉ chờ đến khi tất cả các phương tiên con người đều trở nên vô ích. Chúa Giê su nói với chúng ta: «Hãy tin, đừng sợ!».

Thứ ba, nếu tôi có được một niềm tin vào Thiên Chúa, thì những cách ứng xử trong cuộc đời tôi sẽ mang một dáng dấp khác hẳn. Tôi không phải là những người lúc nào cũng sợ tương lai, hoặc chỉ sống cho hiện tại. Cuộc sống hằng ngày của tôi sẽ mang một nét đặc biệt khác, trong viển tượng vượt qua, một ngày nào đó từ một «giấc ngủ» Chúa Giê su sẽ đánh thức tôi. Tôi sẽ có một niềm xác tín khác và một sự bình an thanh thản lớn hơn trong tâm hồn.

Qua lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến việc làm cho đức tin lớn lên. Chúa Giê su mời gọi chúng ta đứng lên, thức dậy và sống lại. Ước muốn lớn nhất của Ngài là chúng ta trở thành những người ki tô đứng vững và từ bỏ sự tầm thường, ích kỉ, hèn nhát và vô vọng của chúng ta. Đừng quên lời kinh lạ lùng của Đức Cha Dom Helder Camara: «Tôi cầu nguyện không ngừng cho người anh của người con trai hoang đàng được trở lại. Tôi luôn nghe lời cảnh giác đáng sợ: Người con thứ nhất đã thức dậy khỏi tội lỗi. Còn người thứ hai, bao giờ thì nó thức dậy khỏi nhân đức của nó?» Đừng sợ đến với Chúa Giê su khi chúng ta cảm thấy mình là tội nhân. «Nơi nào tội lỗi đầy tràn thì ân sủng càng chan chứa». Ước gì tin mừng ấy soi sáng cuộc đời chúng ta! Đừng bao giờ ngần ngại dìm mình trong đại dương tình yêu là trong chính Thiên Chúa!

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Sách Khôn Ngoan là sách gì?

THƯA: Sách Khôn ngoan được xếp vào loại sách giáo huấn trong bộ Kinh Thánh. Sách được biên soạn ở thế kỷ thứ I trước Chúa Giáng Sinh, trong môi trường văn hoá Hy lạp ở Alexandria bên Ai cập. Mục tiêu của quyển sách là nhằm chống lại sức cuốn hút của văn hoá Hy lạp đang làm cho đức tin người Do thái bị lung lạc bằng cách đề cao sự khôn ngoan của Thiên Chúa, bộc lộ trong số phận của mỗi con người và trong lịch sử Dân Chúa.

2.HỎI: Việc ấy có dễ dàng không?

THƯA: Không hề dễ dàng, vì độc giả của ông đã quen với nền văn hóa Hi lạp, vốn chuộng lí trí và đặc biệt triết học cố gắng dùng lí trí để khám phá các bí mật của tri thức. Trong khi đó, đức tin dạy rằng chỉ có Thiên Chúa nắm giữ chìa khóa hiểu biết mọi sự. và chỉ có  những người khiêm nhu mới được Thiên Chúa mạc khải mà thôi (Mt 11,25).

3. HỎI: Nội dung bài đọc một (1, 13 - 15 ; 2, 23 - 24) như thế nào?

THƯA: Bài đọc trích từ sách khôn ngoan dạy rằng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng Sự Sống. Từ ý định cho đến chương trình và hành động của Thiên Chúa đều là vì Sự Sống. Cái chết không do Thiên Chúa nhưng do quỷ dữ ganh tỵ mà ra. Vì ganh tỵ, quỷ dữ mới cám dỗ nguyên tổ phạm tội bất tuân mà ăn trái cấm nên cái chết mới xâm nhập vào thế gian.

4. HỎI: Đức tin Do thái giáo trước sự sống như thế nào?

THƯA: Rất lạc quan: “Những gì sinh ra trong thế gian đều tốt đẹp” giống như khẳng định trong sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31).

5. HỎI: Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa gì?

THƯA: Vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên chúng ta là những người sống, được dựng nên để sống đời đời.

6. HỎI: Vậy thì trước sự chết Thiên Chúa đã thất bại rồi sao?

THƯA: Không. Có điều Ngài liều khi tạo dựng con người có tự do. Tự do đi về phía sự chết thiêng liêng, xa cách Thiên Chúa.

7. HỎI: Tác giả sách Khôn ngoan khuyến khích độc giả nên đứng về phía nào?

THƯA: Tác giả sách Khôn ngoan khuyến khích độc giả nên đứng về phía Thiên Chúa.

8. HỎI: Thái độ của người ngoại trước cái chết như thế nào?

THƯA: Người Do thái cũng như người Hi lạp từ lâu biết rằng sự chết là một điều không tránh khỏi. Tuy nhiên chính đức tin đã là điều tạo sự khác biệt trước cái chết. Thái độ của người ngoại là tận hưởng giờ phút hiện tại, làm tất cả những gì mình muốn bằng mọi cách mình thích: “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty. Vậy, nào đến đây, hưởng lấy của đời này, tuổi còn trẻ, ta cố mà tận dụng hết những chi đang có sẵn trên trần” (Kn 2,1.6).

9. HỎI: Còn người Do thái?

THƯA: Trái lại , thái độ của người Do thái trước cái chết hoàn toàn khác hẳn. Niềm tin dạy họ rằng cuộc sống hiện tại này đã là hạt giống cho đời vĩnh cửu: “Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (2,23). Có thể cuộc sống trần gian nầy không đem lại phần thưởng cho những người đã sống tốt, nhưng Thiên Chúa là đấng vô cùng công chính sẽ thực hiện sự công chính của Ngài

10. HỎI: Câu 24 nói về cái chết nào?

THƯA: Câu 24 không thể nói về cái chết thân xác bởi vì tất cả, tin hay không tin, đều có kinh nghiệm về cái chết một ngày nào đó. Tác giả muốn đề cập đến cái chết thiêng liêng, tức là lìa xa Thiên Chúa. Đối với tác  giả sách Khôn ngoan, sự sống lại chỉ được hứa ban cho những người công chính. Còn người ngoại, những kẻ chọn đứng về phía sự chết, nghĩa là chống lại Thiên Chúa, sẽ không được sống lại.

11. HỎI: ‘Công chính thì vĩnh cửu và bất tử’(c.15) có nghĩa gì?

THƯA: Cuộc sống những người công chính không chấm dứt với cái chết thể lí, nhưng được kéo dài vô tận trong vinh quang với Thiên Chúa.

12. HỎI: ‘Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn’ (c.23) như vậy là con người không phải chết (thể lí)?

THƯA: Không phải thế! Con người vẫn phải chết (thể lí). Nhưng điều chúng ta tin là cái chết thể lí ấy không phải là chấm dứt mọi sự nhưng là một đoạn đường đưa đến một sự sống được biến hình, một cuộc sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa.

13. HỎI: Bài đọc một có liên kết với bài tin mừng không?

THƯA: Có. Ngay câu đầu tiên, tác giả tuyên xưng: “Thiên Chúa không làm ra cái chết”(1,13). Không chỉ là chết thể xác mà còn cả cái chết thiêng liêng đưa con người vĩnh viễn rời xa Thiên Chúa. Sách Khôn ngoan khẳng định một cách chắc chắn phần thưởng là cuộc sống với Thiên Chúa dù không nói đến sự sống lại của thân xác. Bài tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giê su là Chúa của sự sống khi phục sinh con gái ông Giaia và chữa lành bệnh cho người phụ nữ.

14. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?

THƯA: Trong xã hội Do thái đương thời, cuộc sống sau cái chết không phải là niềm tin được tất cả mọi người chia sẻ: người Pharisêu thì tin, còn người Sađukêô thì không. Nói chung, người ta vẫn tin rằng số phận của tất cả mọi người sau cái chết đều giống nhau, đó là một cuộc sống ở âm phủ xa cách Thiên Chúa. Phần thưởng, hay điều ngược lại là hình phạt, được ban phát ngay ở đời nầy như được sống lâu, đông con nhiều cháu, giàu sang.

15. HỎI: Thánh Mác cô nhấn mạnh đến điều gì trong hai trình thuật phép lạ?

THƯA: Thánh Mác cô muốn nhấn mạnh đến sự bất lực của con người trong việc chữa lành bệnh nhân và cứu giúp một người lâm cơn nguy tử. Người đàn bà ‘bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản mà bệnh vẫn không thuyên giảm’ (c. 26). Và nỗi thất vọng của gia nhân ông trưởng hội đường: ‘Con gái ông đã chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa’ (c. 35).

16. HỎI: Thánh Mác cô nhấn mạnh đến sự bất lực của con người nhằm mục đích gì?

THƯA: Nhằm làm nổi bật quyền năng của Chúa Giê su: một năng lực quyền phép phát xuất từ Ngài đã chữa lành bệnh người phụ nữ và cứu sống con gái ông Giaia. Đó là một quyền năng của riêng Ngài, mà không tiên tri nào trong thời Cựu Ước có được, dù cũng đã phục sinh những người đã chết. Tiên tri Êlia phục sinh con gái bà góa Sarépta (1V17,17-24), hay tiên tri Êlisê cứu sống con trai bà Sunamita (2V4,18-37) phải khẩn cầu quyền năng của Thiên Chúa trước khi ra tay làm phép lạ. Quyền năng diệu kì đó cho thấy Chúa Giê su chính là Chúa của sự sống.

17. HỎI: Trưởng hội đường có nhiệm vụ gì?

THƯA: Trưởng hội đường có nhiệm vụ tổ chức các cuộc hội họp các tín hữu trong ngày Sa bát và các ngày lễ lớn, hướng dẫn cầu nguyện và hát thánh cả, và chỉ định người ct nghĩa đoạn Kinh Thánh vừa đọc. Có một hội đồng giúp việc cho ông ấy và cũng có một trợ tá trông coi vấn đề vật chất. Ở đây không nói rõ Giai rô là trưởng hay một thành phần trong cộng đoàn.

18. HỎI: Đặt tay trên bệnh nhân có ý nghĩa gì?

THƯA: Đặt tay trên bệnh nhân là nét thông thường trong nghi thức chữa bệnh thời cổ. Nó phát xuất từ ý tưởng cho rằng người chữa bệnh là một người có quyền năng chữa lành và có thể chuyển thông quyền phép ấy cho người bệnh.

19. HỎI: ‘Để nó được cứu chữa và được sống’ có nghĩa gì?

THƯA: Đó là hai từ chuyên môn được dùng trong Giáo Hội sơ khai để nói đế sự cứu độ và sự sống phục sinh. Điều nầy chứng tỏ rằng Ki tô hữu thời đó coi việc con gái ông Giaia được phục sinh là tiền ảnh hoặc hưởng trước cuộc phục sinh của những ai tin vào Ngài.

20. HỎI: Tại sao người đàn bà nghĩ rằng, ‘sờ vào áo choàng của Người thôi là sẽ được cứu chữa’?

THƯA: Vì bệnh của bà làm cho bà trở nên ô uế, khiến bà không được công khai đến gần Chúa Giê su xin Ngài cứu chữa. Đàng khác, tất cả những gì bà chạm đến cũng đều ra ô uế, nên bà không dám đụng chạm đến Ngài. Vì thế chỉ còn cách là đụng đến áo choàng của Ngài để được chữa lành.

21. HỎI: Tại sao bà hoảng sợ khi bị Chúa Giê su phát hiện?

THƯA: Có thể vì  bà tưởng mình đã làm cho Chúa Giê su trở nên ô uế vì sự đụng chạm ấy (Lv 15,25-30), nhưng có lẽ đúng hơn là vì bà thấy mình bị Chúa Giê su phát hiện đã lén lút lấy cắp năng lực chữa bệnh từ Ngài phát ra.

22. HỎI: Câu nói của Chúa Giê su có nghĩa gì (c.34)?

THƯA: Chúa Giê su đã nói với bà: ‘Này con, lòng tin đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh’. Chúa cũng nói như thế với người mù Bartimê (Mc 10,52). Như thế, để có thể được Chúa Giê su chữa bệnh và phục sinh, chỉ cần điều kiện duy nhất là lòng tin. Tin vào Chúa Giê su là điều cần và đủ để được cứu độ. Người ta có thể tự do tin (như ông Giaia) hay không tin (những kẻ chế nhạo Ngài). Nhưng những kẻ không tin là ‘đứng về phe quỹ dữ, đều phải nếm mùi cái chết’ (Kn 2,24, bài đọc 1).

23. HỎI: Tại sao Chúa Giê su bảo họ cho con bé ăn?

THƯA: Chi tiết ấy xác nhận đây là sự phục sinh thân xác, ma quỉ không có thân xác nên không ăn được. ‘Bất cứ lúc nào Ngài cho kẻ chết sống lại, Ngài đều truyền phải cho người đó ăn, để việc sống lại không bị hiểu là một ảo tưởng hay lừa dối’ (T. Hiêrônimô).

24. HỎI: Hai phép lạ mang lại sứ điệp nào?

THƯA: Cả hai câu truyện kể lại trong tin mừng hôm nay cho thấy quyền năng siêu phàm nơi Chúa Giê su. Ngài có thể làm phép lạ, làm được những việc mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm được như trong trường hợp con gái ông Giaia (1 Sm 2,6; Kn 16,13). Thỉnh thoảng Ngài cứu chữa qua trung gian người khác (như Êlia trong 1V17,21; Êlisa trong 2V4,33; Phê rô trong Cv 9,36; Phao lô trong Cv 20,7). Thiên Chúa luôn luôn muốn cứu độ tất cả mọi người, và thường hơn bằng những cách thức thông thường mà ít khi chúng ta nhận ra. Do đó, cần phải xác tín rằng khi có một cản trở nào đó để lãnh nhận ơn cứu độ, Thiên Chúa sẽ cất đi nếu chúng ta biết tin tưởng kêu xin Ngài. Điều duy nhất mà Chúa đang chở đợi chúng ta là nỗ lực làm trọn thánh ý Ngài.

25. HỎI: Phải thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay bằng cách nào?

THƯA: Bằng nhiều cách sau đây: Một là biết trân trọng sự sống của chúng ta cũng như của người khác vì đó là quà tặng vô cùng quý giá của Thiên Chúa. Sự sống được hiểu là sự sống thể lý cũng như sự sống tinh thần và tâm linh. Hai là có tâm tình và lời kinh cảm tạ đối với Thiên Chúa là Đấng đã ban sự sống cho chúng ta và cho muôn người, muôn vật. Ba là cố gắng bênh vực, bảo vệ và phục hồi sự sống ở nơi ta cũng như ở quanh ta, bằng cách chống lại các thế lực hủy diệt và hỗ trợ các nỗ lực phòng sự sống trong gia đình và cộng đồng xã hội.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phêrô và Phaolô_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phêrô Và Phaolô_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên_Lm Đan Vinh - HSTM

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Thường Niên Tuần XII: LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ _ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng OP
     SPREAD THE WORD OF GOD - CHÚA NHẬT THỨ XIII THƯỜNG NIÊN. THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ (demo)
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên A: RƯỢU MỚI – BẦU DA MỚI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên: LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên: MỐI PHÚC CỦA NIỀM TIN. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XIII Thường niên. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ ba tuần XIII Thường Niên A: “Thưa Thầy, xin cứu chúng con”. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai tuần XIII Thường Niên: XIN Ý CHA THỂ HIỆN. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên năm A- Lễ Thánh Phêrô Phaolô. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên năm A. Nhiều tác giả