Suy Niệm Lời Chúa Thứ
Năm Tuần XIII Thường Niên
LÒNG THƯƠNG XÓT
Lời Chúa: ( Mt 9,
1-8)
(1)Ðức Giêsu xuống thuyền, băng qua bờ, trở về thành của mình. (2)Và
kìa, người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có
lòng tin như vậy, Ðức Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con
đã được tha tội rồi!" (3)Và kìa mấy kinh sư nghĩ bụng rằng:
"Ông này nói phạm thượng". (4)Nhưng Ðức Giêsu biết ý nghĩ
của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? (5)Trong
hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo:
"Ðứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? (6)vậy, để các ông
biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Ðức Giêsu bảo người
bại liệt: "Hãy đứng dậy, vác giường mà về nhà đi!". (7)Người
bại liệt đứng dậy, đi về nhà. (8)Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn
vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.
Suy Niệm
Ngày 13 tháng 3 năm 2015, tại
đền thờ Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã công bố mở Năm thánh đặc biệt
vào Lễ Mẹ Vô Nhiễm, gọi là "Năm Thánh Lòng Thương Xót". Chúng
ta cũng biết Tin Mừng Thánh Luca được mệnh danh là Tin Mừng về lòng thương xót
của Chúa với nhiều dụ ngôn điển hình, thực tế.
Nhưng
hôm nay, qua phần đầu của chương 9, thánh Mat-thêu cũng cho chúng ta thấy hình ảnh
của Đấng tỏ lòng thương xót với người bất toại. Tuy ông bị bệnh tật về thể
lý, nhưng Chúa Giê-su đã biểu lộ Ngài là Đấng có uy quyền, có sức mạnh chữa trị
cả phần hồn lẫn phần xác. Đây là sứ vụ của Ngài và chính sứ vụ ấy đã gây ra những
trận chiến đối đầu với các kinh sư và thượng tế Do Thái.
"Đức Giê-su xuống
thuyền, băng qua hồ, trở về thành…" (c.1). Mở đầu chương 9, chúng
ta thấy Chúa Giê-su vất vả dong duổi trên mọi nẻo đường vì sứ vụ rao giảng Tin
Mừng và chữa lành mọi bệnh tật. Điển hình Ngài vừa chữa lành cho hai
người bị quỷ ám miền Gadara. Bây giờ, Ngài đang trên đường trở về thành của
mình – thành Caphacnaum, nơi Ngài khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Vừa về đến
thành, "người ta đã khiêng đến một kẻ bại liệt nằm trên giường". Ở
đây, chúng ta không thấy nói về việc: giường được 4 người khiêng hoặc họ đã leo
lên, dỡ mái nhà thế nào… Nhưng thánh sử tóm gọn vấn đề "Thấy họ có lòng
tin, Đức Giê-su nói với người bị bại: Này con, tội con đã được tha" (c.2).
Đại từ "họ" ở đây ám chỉ đến những người đã khiêng kẻ bại liệt tới
xin được chữa lành. Như vậy, nhờ lòng tin bạn bè và những người thân mà phép lạ
xảy ra trên đương sự. Chúng ta thấy câu
trả lời của Chúa Giê-su không khớp với câu hỏi. Ngài có vẻ đãng trí. Người ta
xin Ngài chữa bệnh bại liệt thì Ngài lại nói về ơn tha tội. Ngài lầm lẫn ư? Và
lầm lẫn cách phạm thượng – theo kiểu nhận xét của người Do Thái (c.3). Chúa
Giê-su, Đấng thấu hiểu tâm can con người, liền trách người Do Thái có tư tuởng
xấu. Ngài nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy. Trong 2 điều:
Con đã được tha tội và… đứng dậy mà đi… điều nào dễ hơn? (c.5). Chúa Giê-su đã
đưa ra 2 vấn nạn: chữa lành phần hồn là "tha tội" và chữa trị phần
xác là "đứng dậy mà đi". Qua đó, Ngài muốn khẳng định việc Ngài tỏ lộ
uy quyền trong sứ vụ "Ở dưới đất, Con Người có quyền tha tội" (c. 6a).
Dĩ nhiên đây là lời nói của Chúa Giê-su nên chúng ta không biết được Ngài muốn
nói con người theo nghĩa danh từ chung hay danh từ riêng. Nhưng thánh sử
Mát-thêu đã mặc cho nó một tên riêng. Vì theo truyền thống Do Thái, Con Người
là một danh xưng chỉ về Đức Giê-su. Đó là nhân vật thiên giới, được Thiên Chúa
ban cho quyền xét xử vũ trụ (Mt 25, 31). Điều này nói lên bản tính Thiên Chúa của
Ngài. Nhưng ngay tại trần gian, con người cũng được Thiên Chúa ban cho quyền
tha tội qua con người Giê-su lịch sử. Ngày nay, ơn tha thứ vẫn được Thiên Chúa
thông truyền và thực thi nơi các cộng đoàn Ki-tô giáo, qua bàn tay các linh mục
thừa tác.
Cuộc tranh luận đối đầu giữa
Đức Giê-su và các kinh sư cũng là tư tưởng đối lập giữa giới luật sĩ và cộng
đoàn Ki-tô giáo sống vào thời Mát-thêu bấy giờ. Các luật sĩ chỉ công nhận duy một
mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội và việc thực hành tha tội trong Giáo Hội
là phạm thượng. Còn Giáo Hội thì đặt trọn niềm tin vào Chúa Giê-su, Đấng lãnh
nhận quyền năng từ Thiên Chúa và Ngài đã ban truyền lại cho Giáo Hội sứ mạng và
quyền năng này.
Thấy người bại liệt đứng dậy
và vác giường về nhà theo lệnh của Chúa Giê-su, mọi người sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa (c.8).
Hành vi sợ hãi và tôn vinh của dân chúng chứng tỏ họ công nhận quyền năng của
Thiên Chúa đã được ban cho con người. Ngày nay, nhiều Ki-tô hữu không muốn lãnh
nhận bí tích Hòa Giải và không tin vào năng quyền của bí tích ấy, nên họ rất ngại
hoặc không thích lãnh bí tích Hòa Giải mỗi tháng. Phần lớn chỉ xưng tội một năm
một lần trong mùa Phục Sinh theo luật Giáo Hội buộc. Có lẽ chúng ta chưa tin
vào quyền năng Thiên Chúa trao cho con người. Có lẽ phần lớn chúng ta nhìn các
linh mục khi trao ban bí tích dưới nhãn quan con người với bản tính tự nhiên
cũng đầy yếu đuối, vấp váp và không xứng đáng.
Lạy Chúa, có lẽ do ảnh hưởng
xã hội tục hóa và thực dụng, nên chúng con muốn đong, đo, cân, đếm… con người và sự vật với những gì mà con mắt phàm
tục chúng con đang thấy. Xin Ngài mở mắt tâm hồn chúng con, mở con mắt đức tin…
để chúng con đừng cứng lòng nữa, để chúng con cũng được như dân Do Thái xưa:
công nhận quyền năng Thiên Chúa đã ban cho con người mà tin và tôn vinh Thiên
Chúa.
Lạy Chúa, xin dủ lòng
thương xót và ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.
Nữ Tỳ Thánh Thể