Suy Niệm Lời
Chúa Chúa Nhật VII Thư ờng Niên A
YÊU
KẺ THÙ
Từ
xưa đến nay, đạo Công Giáo vẫn được biết đến như một đạo yêu thương và tha thứ.
Đây cũng là nét đặc trưng giúp cho nhiều người có thể phân biệt đạo Công Giáo với
các tôn giáo khác. Bởi vì, chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài phải đi
đến một bậc cao nhất trong tình yêu đối với anh em, đó là tha thứ. Không chỉ
tha thứ cho những người thân hoặc bạn hữu, những người làm tổn thương mình,
nhưng Chúa muốn chúng ta phải yêu thương, tha thứ cho cả kẻ thù và những kẻ làm
khổ mình.
Đoạn
Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay là điểm sáng về tình yêu thương tha thứ trong
các lời dạy của Chúa được thánh Matthew ghi lại. Với những lời dạy này, Tin Mừng
cho thấy sự trổi vượt trong giáo lý của Chúa Giêsu so với Cựu Ước. Anh em đã
nghe Luật dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Đừng
chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì giơ cả má bên trái nữa.
Thời Cựu Ước, luật Mose cho phép được báo thù ngang bằng, tương xứng: mắt đền mắt,
răng đền răng. Tuy nhiên, sự báo thù này không giải quyết được vấn đề, cũng
không đem đến hòa bình, trái lại, báo thù chỉ có thể đem đến bạo lực và gia
tăng bạo lực mà thôi.
Trước
hết, Chúa Giêsu muốn môn đệ của Ngài phải từ bỏ tất cả nguyên nhân đưa đến bạo
lực, báo thù và thay thế nó bằng sự tha thứ và yêu thương: Đừng chống cự người
ác, ai vả má bên phải thì đưa cho nó cả má bên trái. Việc làm này không phải là
nhu nhược, cũng không phải làm ngơ cho sự ác xảy ra. Chúa Giêsu khi đứng trước
dinh thầy thượng tế Anna, một tên lính vả mặt Người, Chúa Giêsu đã nói với anh
ta: Nếu tôi nói sai, thì chỉ cho tôi biết sai ở chỗ nào, nếu tôi nói phải, sao
anh lại đánh tôi ? Như thế, Chúa không bỏ qua sự bất công, Chúa đòi anh ta phải
hành động theo chuẩn mực là sự thật.
Khi
dạy: Ai vả má bên phải thì đưa cả má bên trái, điều đó có nghĩa là gì? Theo
thói quen của người Do Thái, khi dùng lưng bàn tay để vả người khác, có nghĩa
là làm nhục công khai; khi dùng lòng bàn tay chạm vào má bên trái là dấu chỉ của
yêu thương, chúc phúc. Như thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta không phải đưa má ra để
thách thức người khác, nhưng đối xử thế nào để biến kẻ thù ghét thành người yêu
thương mình, biến kẻ làm đều ác thành người làm điều lành. Để làm được như thế,
cần phải có một tấm lòng quảng đại, tha thứ và yêu thương. Ai muốn lấy áo trong
thì cho nó cả áo ngoài, ai muốn anh đi với nó một dặm thì hãy đi với nó hai dặm;
ai xin thì hãy cho, ai vay mượn thì đừng từ chối.
Không
chỉ không trả thù, Chúa Giêsu còn muốn các môn đệ của Ngài phải nói điều tốt và
làm điều tốt cho những kẻ bách hại, kẻ làm khổ mình. Luật xưa dạy rằng: Hãy yêu
đồng loại và ghét địch thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu
nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. Đòi hỏi này thật khó, nhưng chúng ta buộc phải
đi đến mức thực hành này. Trong cuộc sống, người ta thường hay để lòng thù ghét
nhau. Có những mối thù được cất giữ nhiều năm, có khi được truyền lại từ đời
này qua đời khác. Chúa Giêsu không muốn chúng ta nuôi dưỡng hận thù, nhưng phải
biến kẻ thù thành người được yêu thương, làm cho kẻ ghét mình trở thành người
mình quan tâm, làm mọi điều tốt đẹp cho kẻ thù. Muốn thực hành được điều này,
chúng ta phải dám tha thứ, bỏ qua giận hờn và không bao giờ để sự thù oán trong
tâm hồn mình.
Chỉ
khi thực hành được như thế, chúng ta mới xứng đáng là con Cha trên trời. Vì,
không cha mẹ nào có thể an vui khi thấy con cái giận hờn, thù oán nhau. Thiên
Chúa là Đấng quan phòng và thương xót tất cả mọi người, cho dù họ là người tốt
hay kẻ xấu, thì không lẽ gì chúng ta lại phân biệt đối xử hoặc thù oán lẫn
nhau. Nếu chúng ta chỉ cư xử với nhau theo kiểu có đi có lại, có yêu có ghét,
thì chúng ta không hơn gì dân ngoại. Dân ngoại có thể yêu kẻ yêu mình, ghét kẻ
ghét mình, nhưng người môn đệ của Chúa phải yêu những người không yêu mình,
thích những người không thích mình; yêu những người mình không muốn yêu và
thích những người mình không ưa thích. Chỉ khi hành xử như thế, chúng ta mới xứng
đáng được gọi là con Cha trên trời, trở nên hoàn thiện như lời mời gọi của
Chúa: Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.
Trở
nên hoàn thiện như Thiên Chúa là lời mời gọi đòi chúng ta phải cố gắng mỗi
ngày. Con người tự nhiên bị chi phối bởi cái tôi và sự tự ái, tính ích kỷ, khiến
chúng ta khó để hành xử cách quảng đại, yêu thương, tha thứ như Chúa muốn.
Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết, có một Đấng Trợ lực và ban sức mạnh để ta
có thể chu toàn được những đòi hỏi của Tin Mừng, đó là Thánh Thần. Thánh Thần
đang hiện diện trong tâm hồn mỗi người như trong đền thờ của Ngài. Vì thế, mỗi
khi phải đối diện với đòi hỏi yêu thương và tha thứ cho những kẻ làm khổ mình,
hãy xin với Thánh Thần để Ngài ban sức mạnh trợ giúp chúng ta. Thánh Thần còn
làm cho ta luôn thuộc về Chúa Kitô và giúp ta biết sống và hành động theo gương
Chúa Kitô.
Trong
thực tế, việc yêu thương tha thứ cho nhau vẫn là cái ngưỡng, không phải ai cũng
có thể vượt qua. Sự thù oán giận dữ vẫn đang diễn ra nơi nhiều người, nhiều gia
đình. Có những gia đình cha mẹ con cái không còn nhìn mặt nhau, anh chị em giận
hờn thù oán từ năm này qua năm khác. Để có thể tha thứ, làm hòa, mỗi bên phải hạ
mình xuống, nhìn nhận sự sai lỗi của mình, chủ động đi bước trước đến với anh
em và thực tâm hòa giải. Kế đến, hãy loại bỏ khỏi mình tư tưởng và tất cả mọi
hành động trả đũa trả thù, nhưng biết nói điều tốt và làm điều tốt cho nhau,
cho dù người kia có làm tổn thương đến mình. Tiếp đến là hãy cư xử bao dung độ
lượng và cầu nguyện cho nhau, xin Chúa giúp ta loại trừ khỏi mình sự giận dỗi để
biết đón nhận người khác. Kiên trì và quyết tâm thực hiện như thế, Thánh Thần của
Thiên Chúa sẽ gia tăng sức mạnh và tình yêu trong ta, để ta có thể hàn gắn được
rạn nứt, nối lại tương quan tốt đẹp với anh chị em.
Hãy
bắt đầu thực hành việc yêu thương tha thứ từ trong gia đình. Đừng nhìn vợ, chồng
mình như kẻ thù, mà hãy nhìn nhau như món quà Chúa trao tặng để biết đón nhận
cách trân trọng, cho dù món quà đó không như mình mong đợi. Hãy can đảm tha thứ,
yêu thương kể cả khi bị vợ, chồng xúc phạm, làm tổn thương hoặc khi bị phản bội,
vì cũng đã nhiều lần chúng ta làm tổn thương hoặc phản bội người khác. Anh em
trong gia đình hãy can đảm để tha thứ cho nhau những bất đồng, những hiểu lầm
xích mích có thể xảy ra. Con cùng một cha, gà cùng một mẹ, chúng ta không thể
thù ghét, hoặc nhìn nhau như kẻ thù, nhưng đón nhận nhau trong tình ruột thịt để
yêu thương, cảm thông và quảng đại với nhau.
Xã
hội ngày nay, cùng với phim ảnh, dường như đang cổ võ cho sự trả thù báo oán và
bất khoan dung với nhau. Sống trong xã hội như thế, chúng ta càng phải thể hiện
tư cách là những người tuyên xưng Chúa là Cha và nhìn nhận nhau là anh em qua chính
cách cư xử của mình. Xã hội này sẽ trở nên hòa bình khi mỗi người loại trừ thù
oán ; cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu thoải mái khi mỗi người biết sống bao dung.
Xã hội sẽ thay đổi nên tốt hơn, cuộc sống sẽ yên bình hơn khi mỗi chúng ta biết
tha thứ và biến những kẻ thù thành những người đáng yêu mến.
Xin
Chúa Thánh Thần thêm sức mạnh giúp chúng ta thi hành được đòi hỏi của Tin Mừng
hôm nay. Amen.