Suy
Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B
THIÊN CHÚA NUÔI DƯỠNG DÂN NGƯỜI
Ngày nay, ngành nông nghiệp trên thế giới
đã phát triển vượt bậc, cung cấp lương thực cho gần 8 tỷ người trên thế giới.
Tuy nhiên, số lương thực này không được phân bố đồng đều, nhiều quốc gia tại
Châu Phi hoặc các nước chậm phát triển, tình trạng đói nghèo thiếu lương thực
đang diễn ra thường xuyên. Trong cái nhìn đức tin, chúng ta nhận thấy, Thiên
Chúa ban cho con người vũ trụ, cùng ban cho họ có khả năng nghiên cứu, tìm ra
những phương pháp để làm cho vũ trụ này sinh sôi nảy nở, góp phần nuôi sống
nhân loại. Có thể nói, Thiên Chúa đang trao cho con người quyền “làm phép lạ” của
Ngài, để con người tiếp tục đem lại cơm bánh cho nhau. Thiên Chúa không chỉ nuôi
nhân loại bằng cơm bánh thể xác, nhưng Ngài còn nuôi dưỡng đời sống tâm hồn của
con người qua lương thực thiêng liêng là Lời của Chúa và Thánh Thể Ngài. Chúa
nhật tuần trước Lời Chúa nói về việc Thiên Chúa quy tụ dân dưới sự hướng dẫn bảo
vệ của Chúa. Hôm nay, các bài đọc Lời Chúa nhấn mạnh đến việc: Qua những con
người có lòng chạnh thương, Thiên Chúa yêu thương chăm sóc và nuôi dưỡng dân
Ngài bằng lương thực vật chất và thiêng liêng.
Lương thực của Chúa được ban cho những
ai có lòng tin và lòng quảng đại, để qua những tấm lòng quảng đại và đôi tay mở
rộng của họ, lương thực Chúa ban lại được chuyển đến với nhiều người khác nữa.
Sách các vua kể lại câu chuyện thời tiên tri Eliseo: “Lúc bấy giờ trong miền
đang đói kém. Có một người đem đến biếu vị tiên tri hai mươi chiếc bánh và một
bịch cốm. Tiên tri Eliseo không dành riêng cho mình. Ông sai chú tiểu đồng đem
phân chia cho dân chúng. Chú tiểu đồng nói, có vài cái bánh làm sao có để đủ
chia cho hàng trăm người. Vị tiên tri bảo: ‘Cứ
phân phát cho mọi người, vì Chúa Chúa sẽ cho họ ăn mà còn dư’. Quả thật đám
đông dân chúng đang đói, được ăn một bữa no nê mà vẫn còn dư”. Nếu tiên tri
Eliseo để dành phần bánh cho riêng mình, nó cũng chỉ là hai mươi cái bánh lúa mạch.
Nhưng vị tiên tri đã nghĩ đến một đám đông dân chúng, ông dám chia tất cả những
gì người khác tặng ông cho những người đang đói. Thiên Chúa đã dùng sự quảng đại,
biết quan tâm đến người khác của ông, Ngài đã biến số lương thực ít ỏi: hai
mươi chiếc bánh lúa mạch, thành một bữa ăn lớn nuôi sống nhiều người.
Thánh Gioan cho thấy, chính Chúa Giêsu
là một vị Thiên Chúa chạnh thương. Vì có trái tim chạnh thương, Chúa Giêsu có
thể dễ dàng nhận ra những nhu cầu của anh chị em chung quanh. Một đám người rất
đông đi theo Chúa để được nghe lời Chúa giảng và chứng kiến những dấu lạ, được
Chúa Giêsu nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, được chữa lành những đau khổ bệnh tật
trong tâm hồn. Chúa Giêsu không dừng lại ở việc chăm lo đời sống tâm hồn cho
dân chúng, Ngài còn quan tâm đến nhu cầu thực tế của họ đó là việc ăn uống. Trước
mặt Chúa là một đám đông đang đói cả về tinh thần lẫn vật chất, mệt mỏi cả thể
xác lẫn tâm hồn. Chúa Giêsu muốn truyền cho các tông đồ ngọn lửa từ trái tim chạnh
thương của Ngài, Ngài muốn các ông cũng phải lưu tâm đến đời sống của dân
chúng. Chúa nói với philipphê: “Ta mua
đâu được bánh cho họ ăn?”
Tác giả Tin Mừng mở ngoặc cho biết:
Chúa nói như thế là để thử các ông, xem lòng các ông như thế nào, phản ứng ra
sao khi trước mắt là một đám đông đang thiếu đói. Trước câu gợi ý của Chúa
Giêsu, các tông đồ dường như muốn làm ngơ, không muốn nhận trách nhiệm về mình.
Các ông thưa: “Thưa Thầy, có mua đến hai
trăm quan tiền cũng chẳng đủ mỗi người một chút”. Trả lời như thế, các ông
cho thấy sự bất lực của mình. Tuy nhiên, có lẽ hiểu được ý Chúa, các tông đồ đã
nỗ lực với hết sức của mình. Các ông đã tìm ra một em bé có năm chiếc bánh và
hai con cá rồi đưa em bé đến cho Chúa. Với sự nỗ lực của các tông đồ cùng với sự
quảng đại của em bé dâng tặng cho Chúa phần ăn của mình, Chúa Giêsu đã thực thi
quyền năng của Ngài. Chúa Giêsu muốn các tông đồ chủ động cộng tác với Chúa,
Ngài sai các ông sắp xếp cho đám đông ngồi xuống trên bãi cỏ theo từng nhóm.
Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi trao cho các môn đệ để các ông phân
phát bánh cho dân. Cá cũng được phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Qua
việc này, Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu có thể làm phép lạ trực tiếp không cần
đến sự trợ giúp của các tông đồ. Nhưng, Chúa muốn qua tay các tông đồ, để các
ông là người phân phát bánh và là những người phục vụ đám đông. Hôm đó hơn năm
ngàn người, không kể phụ nữ và trẻ em, được ăn uống no nê từ năm chiếc bánh và
hai con cá. Sau khi chứng kiến phép lạ, dân chúng nhận ra Chúa Giêsu là một vị
Ngôn Sứ, Đấng phải đến thế gian. Có nghĩa là họ đã tin Ngài là Đấng Mêsia, Đấng
Cứu Thế. Họ muốn tôn Chúa làm vua, nhưng Chúa đã trốn lên núi một mình. Chúa
Giêsu đã không muốn dân chúng tôn mình làm vua theo kiểu thế gian. Vì Ngài đến
không phải để giải quyết những vấn đề chính trị hay xã hội, nhưng là để giải
thoát tâm hồn con người, giúp họ thoát khỏi sự nô lệ trói buộc của ma quỷ và tội
lỗi. Chúa còn muốn giúp mỗi người phá vỡ sự hẹp hòi nhỏ nhen trong trái tim để
biết chạnh thương, biết nghĩ đến những nhu cầu của anh em. Chúa giúp chúng ta
phá vỡ thành trì của sự ích kỷ trong mỗi người để chúng ta biết mở rộng vòng
tay ra với anh chị em. Khi đó các vấn đề xã hội sẽ được giải quyết.
Xa hơn nữa, phép lạ hóa bánh ra nhiều
nuôi đám dông dân chúng ăn no đến dư thừa, còn là hình ảnh báo trước việc Chúa
Giêsu sẽ thiết đãi nhân loại một thứ bánh thần linh là máu thịt của Chúa. Qua bữa
Tiệc Ly và cái chết thập giá, Chúa Giêsu đã bẻ chính mạng sống và con người của
mình, mà phân chia cho toàn thể nhân loại. Chúa Giêsu vẫn đang thực hiện phép lạ
này mỗi ngày trong thánh lễ. Bí Tích Thánh Thể là máu thịt của Chúa vẫn đang được
Giáo Hội dâng lên Chúa Cha với tâm tình tạ ơn mỗi ngày và bẻ ra để phân phát,
nuôi dưỡng đời sống linh hồn các tín hữu. Tất cả mọi người được mời gọi đến
lãnh nhận bánh thần linh là máu thịt của Chúa để được tăng cường sinh lực, đem
lại sự sống đời đời cho linh hồn.
“Chúng
ta kiếm gì cho họ ăn đi”
– đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện mỗi ngày. Chúa muốn chúng ta chứ
không phải ai khác, là người chia sẻ với anh chị em chung quanh. Chúng ta không
thể làm ngơ, không thể tránh né trước sự đói khổ cả tinh thần và thể xác của
anh em. Chính chúng ta sẽ phải chạnh thương, cảm thông và tìm kiếm lương thực
thiêng liêng và lương thực vật chất cho họ. Hàng tỷ người đang thiếu đói của ăn
vật chất mỗi ngày, trái lại cũng có hàng tỷ người đang ăn uống tiêu dùng dư thừa
hoang phí, nhưng không biết chia sẻ. Nhân loại ngày nay đang bị bơ vơ thiếu thốn
của ăn thiêng liêng nuôi sống tâm hồn. Nhiều người dư thưa vật chất, nhưng tâm
hồn thiếu đói, thiếu tình thương, thiếu sự thông cảm và sự quan tâm, sống trong
buồn chán, thất vọng. Nhiều người đang bơ vơ lạc lối giữa biết bao trào lưu sống
của xã hội như hưởng thụ, thực dụng, lợi dụng, tiêu dùng, khiến họ không biết
đâu là đường đưa tới sự thật và sự sống đời đời. Các chủ thuyết duy vật, vô thần
đang biến con người thành những kẻ giàu có vật chất, nhưng tâm hồn trống rỗng,
vô cảm, vô lương tâm. Chủ thuyết này đang ảnh hưởng trên nhiều người chúng ta. Để
tẩy trừ được ảnh hưởng này, mỗi người cần đến với Chúa đón nhận của ăn là Lời
và Mình Máu Chúa, đón nhận tình yêu từ nơi Chúa để trái tim của mình mềm ra, từ
đó chúng ta mới có thể chạnh thương với anh chị em chung quanh.
Mẹ Têrêsa Cancutta kể lại: “Có một gia
đình nghèo, gồm một người mẹ bệnh tật không thể lao động và ba đứa con nhỏ,
ngày nào các sơ cũng đem đồ ăn đến cho gia đình này. Tuy nhiên, có điều lạ, là
cứ sau khi nhận phần ăn, thì đứa con gái lớn lại gói một nửa phần quà đem đi
đâu đó. Các sơ hỏi người mẹ: ‘Sao phần ăn các sơ đem đến, bà và các con lại
không ăn?’ Người mẹ trả lời: ‘bốn mẹ con chúng con ăn một nửa cũng đã đủ no rồi.
Ở dãy phố bên kia cũng có một gia đình bốn người, họ cũng khó khăn thiếu đói
như chúng con. Chúng con đem chia cho họ phần ăn của mình”.
Chúa muốn mỗi chúng ta có tấm lòng quảng
đại như em bé, dâng tặng cho Chúa phần ăn của mình. Chúa sẽ biến mỗi phần ăn bé
nhỏ đó thành phép lạ lớn lao nuôi sống cả thế giới này. Chúng ta cũng có thể
dâng cho Chúa thời giờ, sức lực, khả năng ít ỏi của mình để phục vụ Chúa và anh
em, Chúa sẽ làm cho việc bé nhỏ của chúng ta thành những việc lớn lao. Xin Chúa
cho chúng ta có một trái tim chạnh thương, một tâm hồn rộng mở và một đôi tay
quảng đại luôn biết chia sẻ với anh em, để qua chúng ta Thiên Chúa nuôi dưỡng
nhân loại này cả thể xác và linh hồn. Amen.
(Linh mục
Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc)