Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVIII Thường Niên B
SỐNG SIÊU THÓAT ĐỂ NÊN MÔN ĐỆ THỰC SỰ CỦA ĐỨC GIÊ-SU
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 10, 17-30
(17) Đức Giê-su vừa lên
đường, thì có một người chạy đến, quì xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy
nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. (18) Đức Giê-su
đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? không có ai nhân lành cả, trừ một mình
Thiên Chúa. (19) Hẳn anh biết điều răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ
trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”.(20) Anh ta
nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. (21) Đức Giê-su
đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có
một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho
tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (22) Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó và
buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (23) Đức Giê-su rảo mắt nhìn xung
quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa
biết bao!” (24) Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại nói
tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! (25) Con lạc đà
chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. (26) Các ông lại
càng sửng sốt hơn nữa, và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” (27) Đức Giê-su
nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng
đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể
được”. (28) Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng
con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (29) Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em:
Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, vì Thầy và vì
Tin Mừng, (30) mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em,
chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời
đời ở đời sau”.
2. Ý CHÍNH:
Chàng
thanh niên trong Tin Mừng hôm nay tuy muốn nên hoàn thiện, và đã có thiện chí
tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa từ nhỏ. Nhưng anh lại không đủ dũng cảm và
lòng tín thác vào Chúa quan phòng để làm theo lời khuyên của Đức Giê-su là:
Chia sẻ của cải cho người nghèo để biến nó thành kho báu ân sủng trên trời, rồi
đi theo làm môn đệ của Người. Sau đó, trả lời cho Phê-rô về phần thưởng của môn
đệ, Đức Giê-su hứa sẽ ban gấp trăm những điều họ đã tự nguyện từ bỏ. Người cũng
tiên báo những khó khăn họ sẽ gặp phải trên đường truyền giáo và sau này sẽ
được sự sống muôn đời!”.
3. CHÚ THÍCH:
-
C 17-18: + Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến: Mác-cô chỉ nói
trống là “có một người”, đang khi Tin Mừng Lu-ca nói rõ hơn là: “Có một thủ
lãnh” (x. Lc 18,18), và Tin Mừng Mát-thêu nói là “một thanh niên” (x. Mt
19,20). + quì xuống trước mặt Người: Đây là thái độ biểu lộ lòng tôn kính đối
với Đức Giê-su, mà người Do Thái quen làm đối với một Rab-bi họ kính trọng. + Thưa
Thầy nhân lành: Khi gọi Đức Giê-su là “nhân lành”, anh thanh niên tỏ ý ngưỡng
mộ tác phong của Người, thể hiện qua lời nói, thái độ và hành động của Người
đối với các bệnh nhân và trẻ thơ... + tôi phải làm gì để được sự sống đời đời
làm gia nghiệp?: sự sống đời đời (x. Đn 12,2) có thể hiểu là sự sống sau khi
sống lại, không nhất thiết hàm ý “bất tử”. Cũng có thể coi đồng nghĩa với “Nước
Thiên Chúa” (x. 9,43-47). Anh ta xin Đức Giê-su tư vấn giúp anh biết phải làm
gì để được vào Nước Thiên Chúa mà Người rao giảng và thiết lập. + Sao anh nói
tôi là nhân lành?: Về bản tính lòai người, Đức Giê-su khiêm tốn từ chối không
nhận hai từ “nhân lành” mà chàng thanh niên khen tặng. + Không có ai nhân lành
cả, trừ một mình Thiên Chúa: Người cho chàng thanh niên biết rằng: Sự nhân lành
tuyệt đối chỉ có nơi một mình Thiên Chúa. Thiên Chúa vừa là mẫu mực, vừa là
nguồn gốc của mọi điều thiện hảo. Thực ra, với tư cách là “Con Thiên Chúa”, Đức
Giê-su cũng xứng đáng được gọi là “Đấng Nhân Lành” ngang bằng Thiên Chúa.
-
C 19-20: + Hẳn anh biết các điều răn: “chớ giết người...”: Các điều này phần
lớn được rút từ phần hai của Thập Giới (Xh 20,12-17; Đnl 5,16-21), về những
quan hệ giữa người với người. Nêu ra những giới răn này, Đức Giê-su muốn chàng
thanh niên kiểm điểm đời sống về những điều cấm chứ chưa đề cập đến những bổn
phận cần làm. + “Tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”: Câu trả lời của chàng thanh niên
cho thấy anh có lòng thành thật, không phô trương tự mãn như người Pha-ri-sêu
trong Đền Thờ (x. Lc 18,11-12). Qua câu n2y, anh thanh niên chỉ muốn hỏi rằng:
Từ trước đến nay, tôi chưa làm thiệt hại cho ai điều gì. Vậy tôi cần làm gì thêm
nữa để nên hoàn thiện? (x. Mt 19,20-21).
-
C 21-22: + Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến: Người biểu lộ
tình cảm đối với anh thanh niên đầy thiện chí này, + Anh chỉ thiếu có một điều:
Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên
trời. Rồi hãy đến theo tôi: .Để nên trọn lành, ngoài việc giữ các giới răn như
anh đã làm, Đức Giê-su khuyên anh làm ba việc này: Một là về bán gia sản để
không còn bị lòng tham của cải ràng buộc; Hai là đem số tiền ấy chia sẻ cho
người nghèo để biến nó trở thành kho báu thiêng liêng trên trời; Ba là quyết
tâm đi theo làm môn đệ Đức Giê-su. + Anh ta sa sầm nét mặt, và buồn rầu bỏ đi,
vì anh ta có nhiều của cải: Chàng thanh niên thất vọng chán nản bỏ đi, vì anh
không thể từ bỏ lòng tham của cải thế gian như đòi hỏi của Đức Giê-su. Anh muốn
nên trọn lành nhưng không muốn từ bỏ của cải vật chất. Nói cách khác: Anh ta
yêu tiền bạc hơn quyết tâm muốn nên hoàn thiện.
-
C 23-25: + Những người có của thì khó vào nước Thiên Chúa biết bao!”: Câu nói
tỏ ý thương tiếc một tâm hồn tuy thiện chí, nhưng lại bị lòng ham mê tiền bạc
trói buộc, đến nỗi không thể vươn cao lên đỉnh trọn lành! + Các môn đệ sững sờ:
Các ông sững sờ kinh ngạc, vì lời dạy của Đức Giê-su khác hẳn suy nghĩ của các
ông và người Do thái thời đó: Giàu có là một hồng ân do Thiên Chúa thưởng ban cho
người công chính, như tác giả Thánh Vịnh 37 đã viết: “Từ nhỏ dại tới nay tôi
già cả, chưa thấy người công chính bị bỏ rơi, hoặc dòng giống phải ăn mày thiên
hạ. Ngày ngày họ thông cảm và cho mượn cho vay. Dòng giống mai sau hưởng phúc
lành. Hãy làm lành lánh dữ, bạn sẽ được một nơi ở muôn đời. Bởi vì Chúa yêu
thích điều chính trực, chẳng bỏ rơi những bậc hiếu trung...” (Tv 37,25-28). + “Con
lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”: Trước đây các
nhà giảng thuyết và chú giải đã tìm ra một cái cửa nhỏ bên cạnh cổng lớn ở
tường thành Giê-ru-sa-lem, mà một con lạc đà không thể đi qua, và một vài thủ
bản Kinh Thánh đọc là “sợi dây thừng” (kamilos) thay vì “con lạc đà” (kamêlos),
chúng ta phải công nhận đây là một kiểu nói ngoa ngữ (x. Mt 23,24; Lc 6,41-42):
Đức Giê-su dùng hình ảnh con lạc đà to lớn không thể chui lọt qua lỗ kim khâu
nhỏ để dạy rằng: Người giàu có hay những kẻ tham lam dựa vào thế lực của đồng tiền
sẽ không thể vào được Nước Thiên Chúa!
-
C 26-27: + Thế thì ai có thể được cứu?: Nghe lời giải thích của Đức Giê-su, các
môn đệ càng kinh ngạc và thất vọng hơn khi nghĩ đến bản thân các ông cũng tham
lam tiền bạc, nên cũng khó vào Nước Thiên Chúa, nên đã thốt lên: “Thế thì ai có
thể được cứu!?”. + “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên
Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa: “mọi sự đều có thể được”: Đức Giê-su
cho thấy hiệu lực của ơn chúa: Những gì lòai người không thể vượt qua, thì lại
chẳng là gì trước quyền năng của Thiên Chúa. Vì đối với Thiên Chúa “mọi sự đều
có thể được” (x Lc 1,37).
-
c 28-30: + Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!:
Phê-rô kể ra những gian lao vất vả trên bước đường theo Thầy, để yêu cầu Thầy
bù đắp phần thiệt thòi ấy. + Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con
hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng: Đức Giê-su hứa chắc rằng: những ai đã
quảng đại từ bỏ của cải, tình cảm ruột thịt vì lòng mến Người và dấn thân đi
loan báo Tin Mừng, thì sẽ được lại gấp trăm những gì đã dâng hiến. Họ sẽ có
thêm một gia đình mới là Cộng Đoàn Giáo Hội, sẽ được quản lý các công trình lớn
lao của Hội Thánh... và cuối cùng còn được hạnh phúc vui hưởng sự sống đời đời.
+ cùng với sự ngược đãi: Tin Mừng Mác-cô cũng tiên báo những đau khổ sỉ nhục mà
các môn đệ phải chịu do các đầu mục Do Thái gây ra để cùng với Thầy đi con
đường “Qua đau khổ vào vinh quang” (x. Mc 8,31).
4. CÂU HỎI: 1) Thái độ quì gối xuống
trước mặt Đức Giê-su của chàng thanh niên trong Tin Mừng nói lên điều gì? 2) Tại
sao anh ta gọi Đức Giê-su là “Thầy nhân lành”? 3) Đức Giê-su kể ra một số điều
cấm làm nhằm mục đích gì? 4) Câu trả lời của chàng thanh niên cho thấy tình
trạng tâm hồn anh thế nào? 5) Đức Giê-su biểu lộ cảm tình đối với anh ta ra
sao? 6) Ba điều Đức Giê-su dạy chàng thanh niên làm để nên trọn lành là những
việc gì? 7) Tại sao anh không làm theo lời Đức Giê-su dạy mà buồn rầu bỏ đi? 8)
Câu Đức Giê-su nói: “Những người có của thật khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”
cho thấy Người lấy làm tiếc cho chàng thanh niên này về điều gì? 9) Tại sao các
môn đệ lại kinh ngạc sững sờ khi nghe Đức Giê-su cho biết người giàu có khó vào
Nước Thiên Chúa? 10) Đức Giê-su còn dùng hình ảnh nào cho thấy người giàu thật
khó có thể vào được Nước Thiên Chúa? 11) Các môn đệ đã thốt lên câu nào ho thấy
sự hoang mang của các ông? 12) Lời trấn an các môn đệ cho thấy sức mạnh của ơn
Thiên Chúa thế nào? Câu này tương tự câu nào trong biến cố Truyền Tin? 13) Đức Giê-su
hứa sẽ làm gì để bù đắp sự mất mát của các môn đệ khi phụng sự Người? 14) Qua
câu “kèm theo sự ngược đãi” Đức Giê-su muốn ám chỉ điều gì?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su đưa mắt nhìn
anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là
hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo. anh sẽ được một kho tàng trên
trời. rồi hãy đến theo Tôi (Mc 10,21).
2. CÂU CHUYỆN:
1) COI THƯỜNG CỦA CẢI LÀ BƯỚC
ĐẦU ĐỂ TRỞ NÊN HOÀN THIỆN:
Một
người nhà giàu đã nhận thánh PHILIPPHÊ NÊRI làm linh hướng và đến xưng tội với
ngài hằng tháng. Ông này là người giàu có và có thiện chí muốn nên thánh thiện
giống như Chúa Giêsu. Nhưng sau một thời gian học tập mà cứ dậm chân tại chỗ,
ông đâm ra thất vọng không còn đến bàn hỏi thánh nhân nữa. Mấy tháng liền không
thấy ông đến, thánh Philipphê liền tìm đến nhà để thăm. Ngài thấy ngôi nhà của
ông bài trí rất sang trọng và tại góc phòng có kê một chiếc tủ nhỏ bằng gỗ, bên
trong đựng các vật quý giá của chủ nhân. Rồi khi thấy trên tường phòng khách có
treo một cây thánh giá có tầm cao quá tầm tay với, ngài liền nói với ông: “Tôi
thấy ông cao lớn. Vậy ông thử đứng với tay xem có chạm tới cây thánh giá kia không
?”. Nhưng dù đã cố gắng hết sức, ông nhà giàu vẫn không sao với tay tới được cây
thánh giá. Bấy giờ thánh nhân liền cùng ông kéo chiếc tủ gỗ ở góc phòng kia đến
làm bệ kê và lần này ông đã có thể dễ dàng chạm được tới cây thánh giá. Khi trở
lại chỗ ngồi, thánh nhân mới nói với ông nhà giàu rằng: “Để có thể nên trọn
lành giống như Chúa Giêsu, điều quan trọng nhất là ông phải coi thường của cải
và sẵn sàng dùng tiền Chúa ban để quảng đại chia sẻ cho những người nghèo khổ
bất hạnh, rồi ông mới có thể đi theo con đường hẹp và leo dốc trở thành môn đệ
của Chúa Giêsu như Người đã nói với chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng: “Anh
chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo. anh sẽ
được một kho tàng trên trời. rồi hãy đến theo Tôi” (Mc 10,21).
2) CẦN NHIỆT TÌNH VÀ QUYẾT
TÂM CAO MỚI LÀM ĐƯỢC NHỮNG VIỆC LỚN LAO:
Có
một người kia làm nghề bán sách rong. Anh ta đi từ nhà này sang nhà khác, mang
theo một túi to chứa nhiều loại sách quí. Một hôm anh ta bước vào nhà một bác
nông dân. Ông này đang ngồi đu đưa trên chiếc ghế xích đu ở sân trước nhà, với
dáng điệu của người ung dung nhàn hạ. Người bán sách tiến đến gần ngỏ lời:
“Thưa ông, tôi xin giới thiệu với ông một cuốn sách dạy về một phương pháp canh
tác mới, sẽ làm phát sinh hoa trái gấp 10 lần phương pháp canh tác hiện nay”.
Nhưng bác nông dân cứ tiếp tục đu đưa chiếc xích đu mà không quan tâm đến lời
của người bán sách dạo. Sau một lúc im lặng, cuối cùng bác nông dân mới liếc
mắt nhìn người bán sách và nói rằng: “Này anh bạn trẻ, nói thật với anh: Chẳng
cần đến sách của anh, tôi cũng biết cách làm cho cây cối ra hoa trái gấp mười
lần hiện nay đấy. Nhưng hiện giờ tôi chỉ muốn được hưởng những giờ phút yên
tĩnh nhàn hạ”.
3. THẢO LUẬN:
1)
Mỗi buổi tối trước khi nghỉ đêm, bạn hãy dành vài ba phút để tự vấn lương tâm
như sau: Hôm nay tôi đã làm được việc nào hữu ích cho cha mẹ, chồng vợ hay một
ai đó cần được trợ giúp hay không?
2)
Để thực hành câu “mỗi ngày làm vui lòng ít là một người”, ngòai sự dốc quyết,
chúng ta cần phải làm gì?
4. SUY NIỆM:
1) Thái độ của các tín hữu
đối với tiền của:
-
Trong cuộc sống hằng ngày, tiền bạc luôn có giá trị và sức mạnh như người ta
thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được” và ”Đồng tiền là Tiên là Phật”… vì nó
có khả năng mang lại cho con người một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn. Do đó, ngòai
các tu sĩ được ơn kêu gọi dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong đời dâng
hiến, nên cần sống siêu thoát thể hiện qua việc từ bỏ của cải vật chất như Đức
Giêsu đề nghị chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay: “Anh chỉ thiếu có một
điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho
tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21). Còn đối với những người bình
thường chúng ta đều không cần bán đi tài sản để phân phát đi tất cả. Vì như bao
người khác, mọi người chúng ta đều cần tiền để thỏa mãn những nhu cầu về thể
xác như: đi lại, ăn ở, may mặc, học hành, giải trí… và để khỏi trở thành gánh
nặng cho xã hội (x 2 Tx 3,8), để không bị vong thân bán rẻ phẩm hạnh của mình nếu
rơi vào hoàn cảnh “khố rách áo ôm”, “chạy ăn từng bữa”… là nguyên nhân dẫn đến các
tệ nạn xã hôi như người ta thường nói: “Đói ăn vụng, túng làm liều”, “Bần cùng
sinh đạo tặc!” …
2)
vừa làm tôi tiền của” (x. Lc 16,13) và đừng coi tiền bạc là ông chủ, nhưng hãy
coi nó như đầy tớ. Vì: “Đồng tiền sẽ là một ông chủ xấu, nhưng lại là một người
đầy tớ tốt”. Một khi coi đồng tiền chỉ là phương tiện, nó sẽ giúp chúng ta làm
được những việc lớn lao, giúp chúng ta chu toàn nhiệm vụ “Làm vinh danh Thiên
Chúa và vì phần rỗi các linh hồn” (thánh Inhaxiô Loyôla).
2) Lòng tham của cải vật
chất là một trở ngại lớn rất khó để vào Nước Trời:
Ai
trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co giữa một bên là ước muốn nên thánh
thiện và bên kia là sức quyến rũ lôi kéo của tiền bạc và hưởng thụ tiện nghi vật
chất. Chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng hôm nay đã tuân giữ các giứoi
răn, nhưng lại không vượt qua được lòng ham mê của cải và sự hưởng thụ không muốn
chia tiền của cho người nghèo khó, vì anh coi giàu có là phúc lành do Thiên
Chúa ban, đang khi Đức Giê-su lại coi sự siêu thoát khỏi lòng tham lam của cải
vật chất là trở ngại để theo làm môn đệ của Người: “Chồn cáo có hang, chim trời
có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Mt 8.20). Người đòi các môn
đệ phải có nếp sống đơn giản nghèo khó khi thi hành sứ vụ tông đồ như chỉ thị
của Đức Giêsu: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương
thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo (Lc 9,3). Sự từ bỏ của cải và người thân của
các môn đệ sẽ được Thiên Chúa bù đắp gấp bội như lời hứa của Đức Giêsu: “Chẳng
hề có ai bỏ nhà cửa, anh em chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và
vì Tin Mừng, mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em,
chị em, mẹ con hay ruộng đất gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời
đời ở đời sau” (Mc 10,30).
Như
vậy, tiền của tuy tốt và mang lại nhiều ích lợi cho con người nếu biết sử dụng.
Nó chỉ xấu và có hại cho con người khi bị sử dụng để làm điều xấu. Thực vậy, có
nhiều người đã vì đồng tiền thúc đẩy nên đã đánh mất lý tưởng cuộc đời, chà đạp
lên phẩm giá của mình và người khác. Vì đồng tiền mà nhiều người đã chối bỏ đức
tin, phớt lờ tiếng lương tâm cáo trách để thực hành những điều bất chính, tội
lỗi… Đây là nguy cơ mà bất cứ ai cũng đều có thể nắc phải. Đối với những người
có lòng ham mê tiền của người đó đã trở thành con lạc đà to lớn không thể chui
qua lỗ kim nhỏ bé để vào được Nước Trời như lời Chúa phán.
3) Người môn đệ Đức Giêsu phải
có thái độ nào đối với tiền bạc của cải:
-
Trong cuộc sống đời thường, tiền bạc cũng như mọi thứ khác đều có thể phát sinh
lợi ích nếu người ta biết sử dung chúng như sau:
Một
đồng tiền mang ra kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi.
Một
ánh lửa được chia sẻ là một ánh lửa tỏa lan.
Một
vết dầu được thả vào chất lỏng là một vết dầu loang xa.
Đôi
môi có sẵn sàng mở ra thì mới có được nụ cười.
Bàn
tay có mở ra chia sẻ thì tâm hồn mới cảm thấy niềm vui hạnh phúc.
-
Về phạm vi thiêng liêng, Tin Mừng hôm nay cũng ghi lại Lời Chúa dạy: hãy biết
sử dụng tiền của để mang lại ích lợi thực sự cho mình bây giờ và mai sau. Chúa Giêsu
không bảo chàng thanh niên giàu có hãy vứt bỏ gia sản tiền của đang chiếm hữu, nhưng
Người muốn anh đổi nó thành tiền và biến tiền của vật chất thành đồng tiền thiêng
liêng bằng cách quảng đại chia cho những người nghèo khổ bất hạnh. Thái độ dứt
khoát đó chính là điều kiện để anh có thể theo làm môn đệ của Người: “Hãy đi
bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi
hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).
4) Chúng tôi phải làm gì?
-
Đức Giê-su luôn mời gọi các môn đệ hãy sống khiêm hạ nghèo khó thể hiện qua
thái độ coi thường tiền bạc vật chất để có lối sống siêu thoát. Vì “Được lời
lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì” (Mt 16,26).
Những ai quyết tâm sống yêu thương thể hiện qua việc sẵn sàng nhường cơm sẻ áo với
những người nghèo khổ bất hạnh… cũng được kể như đã làm cho chính Đức Giêsu như
Người đã nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một
trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta
vậy” (Mt 25,40).
-
Vì đối với Chúa Giê-su: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Đàng khác,
khi chúng ta chấp nhận từ bỏ của cải vật chất ở đời này, thì cũng sẽ có được
mối lợi là Đức Giêsu, như thánh Phao-lô đã dạy: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt
thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi, vì
Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và được
kết hợp với Người” (Pl 3,8). Khi chúng ta biết quảng đại chia sẻ của cải cho
người khác, thì Thiên Chúa cũng sẽ quảng đại ban lại cho chúng ta muôn vàn ân
sủng nhiều hơn gấp bội, như lời Chúa Giêsu: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên
Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn đã lắc và đầy tràn
mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong
lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).
-
Bước theo Đức Giêsu hôm nay đòi chúng ta phải từ bỏ mình không phải một lần trong
đời, nhưng là mọi ngày trong suốt cuộc sống ở trần gian như lời Chúa dạy: “ Ai
muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập gía mình hàng ngày mà theo tôi”.
Mỗi người chúng ta đều được Chúa mời gọi hãy từ bỏ những gì mình đang có, nhất
là từ bỏ những thói hư như tham lam của cải tiền bạc bất chính, thói ham thích
hưởng thụ các khoái lạc xác thịt… để có thể thuộc về Chúa Giêsu cách trọn vẹn.
Cụ
thể, mỗi người chúng ta hãy loại trừ lối sống đạo vụ hình thức bề ngoài theo
thói quen mà thiếu sự xác tín, thiếu lòng mến Chúa yêu người, nhất là thiếu
tính dấn thân trong cuộc sồng và làm chứng cho Chúa, để loan báo Người cho tha
nhân đang sống chung quanh ta.
5. NGUYỆN CẦU:
Lạy
Chúa Giê-su. Hôm nay con hiểu rằng: Vào Nước Trời thật khó biết bao! Cái khó ấy
phát sinh từ lòng tham không đáy của con: Là người giàu có, con sẽ coi của cải
là tài sản riêng mình. Còn nếu nghèo khó, con lại ước mơ giàu sang vượt quá khả
năng của con. Xin Chúa giúp con ý thức rằng: Của cải vật chất tuy có giá trị
nuôi sống con người, nhưng lại không mấy bền vững. Chúa muốn con trước tiên
phải “lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Còn việc ăn gì,
mặc gì, làm gì thì có Chúa sẽ lo giúp con sau”. Xin dạy con luôn biết quảng đại
dấn thân phục vụ Chúa trong mọi người để đáp lại lời mời gọi của Chúa trong Tin
Mừng hôm nay, vì biết rằng: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh; Chính
lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; Chính khi thứ tha là khi được tha thứ;
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Kinh Hòa Bình).
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ)
XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM