SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU
TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
GIA ĐÌNH SỐNG VÀ
LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG.
LỜI CHÚA : Lc 12, 1-7
Khi ấy,
có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên
Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ
mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị
tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các
con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ
tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.
"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con
đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được
nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết
chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy.
"Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền
sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi
tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn
trọng hơn nhiều con chim sẻ".
SUY NIỆM :
Chúa Giêsu dạy các môn đệ
của Ngài 3 điểm : sống trung thực, làm chứng cho Tin Mừng, và can đảm, tín thác
vào sự quan phòng của Chúa.
Áp dụng Lời Chúa dạy, mỗi
người, mỗi gia đình Công giáo trở thành “giáo điểm truyền giáo” cho gia đình
của mình và cho các gia đình xung quanh.
1.Cảnh giác về sự giả
hình, dối trá.
Các thượng tế, biệt phái
và luật sĩ là ba thành phần có nhiều quyền hành cả trong tôn giáo cũng như
ngoài xã hội vào như thời Chúa Giêsu.
Rất nhiều lần Ngài đã
tranh luận và lên án các luật sĩ, biệt phái về tội giả hình, ưa chuộng hình
thức bên ngoài mà tâm hồn thì trống rỗng. Họ nói nhiều mà làm ít. Họ luôn tỏ ra
bề ngoài đạo đức mẫu mực, nhưng lòng họ thì hám danh, phô trương và tham lam.
Vì thế, Chúa Giêsu cảnh
giác các môn đệ của Ngài rằng : "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt
phái, nghĩa là sự giả hình”.
Sống trong xã hội phức tạp
hiện nay, chúng ta khó nhận ra đâu là đồ thật và đâu là đồ giả,.. Nhiều người
đã bị mắc lừa, bị lừa gạt bởi rất nhiều kẻ giả danh, đội lốt người thật để lừa
đảo tiền bạc, tài sản của biết bao nhiêu nạn nhân.
Đối với chúng ta, Chúa mời
gọi chúng ta cũng cần phải tránh thứ men giả hình. Trong cuộc sống, chúng ta
không chỉ cảnh giác những kẻ lừa đảo, lừa gạt, mà còn phai sống trung thực,
chân thành, sống theo lương tâm, sống theo sự thật; chúng ta không chỉ ngay
thật với chính mình, mà còn ngay thật với Thiên Chúa và với tha nhân nữa.
2.Loan báo Tin Mừng cho
mọi người.
Loan báo Tin Mừng là một
sứ vụ quan trọng cho người Kitô hữu. Vì là lệnh truyền, nên không ai có thể
châm chước hay chối từ.
“Những điều các con nói
trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai
trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.”
Tin Mừng chúng ta đón nhận
từ nơi Chúa Kitô, thông qua các tông đồ và Hội Thánh. Đón nhận Tin Mừng, không
những giúp chúng ta nên hoàn thiện, mà còn mời gọi mỗi người chúng ta phải công
bố, gieo rắc để nhiều người được nhận biết mà tin vào Chúa Giêsu, sống theo Tin
Mừng và làm chứng cho Tin Mừng yêu thương và cứu độ.
Sống Năm Tân Phúc Âm Hóa
đời sống gia đình, thử hỏi : Gia đình tôi có cộng tác với cộng đoàn Hội thánh
địa phương (giáo họ, giáo xứ, giáo phận) hay với Giáo hội hoàn vũ, trong sứ vụ
Hiệp thông Truyền giáo hay không?
Sống Năm Tân Phúc Âm Hóa
đời sống gia đình, chúng ta cùng nhau nhìn lại “Cách thức sống đạo của gia đình
tôi có làm chúng tôi tách biệt hay xa lạ với xóm giềng hay nên gương sáng để họ
đối chiếu và bị cuốn hút?”
Mỗi gia đình Kitô hữu là
Hội Thánh tại gia, có bổn phận phải bảo vệ và thông truyền đức tin. Gia đình
tiếp tục sứ vụ truyền giáo qua ơn Bí tích rửa tội và Thêm sức thúc đẩy.
Qua Bí tích hôn phối, vợ
chồng và người cha người mẹ Kitô hữu được biến đổi trở thành những “nhà truyền
giáo” thực sự của tình yêu và sự sống (Tông huấn Gia đình, số 54).
Trước tiên, các thành viên
gia đình hãy làm chứng tá đức tin cho một thành viên nào trong gia đình chưa
sống đức tin hay còn nguội lạnh với đức tin, hầu thúc đẩy và nâng đỡ người ấy
gặp gỡ Chúa Kitô.
Kế đến, các gia đình hãy “dùng
gương sáng và lời chứng” của mình để soi sáng cho “những ai đang tìm kiếm chân
lý”(LG, 35), hoặc loan báo Tin mừng qua sự phục vụ con người trong các môi
trường sống của mình. (x.Chủ đề tháng 10-2014, Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống gia
đình của UBMVGĐ).
3.Không sợ hãi, nhưng luôn
can đảm và tín thác vào Chúa.
Sống đạo, sống đức tin vào
Chúa Kitô là phải sống với tất cả tấm lòng, chân thành và yêu mến. Cần tránh
thái độ giả hình, giả bộ.
Người tín hữu sống đạo là
đi theo Đức Kitô và làm chứng cho Ngài luôn gặp phải những thử thách, phải chịu
nhiều thiệt thòi, giống như thời các tông đồ, thời kỳ cấm đạo của tổ tiên chúng
ta là các Thánh Tử đạo Việt Nam.
Nhưng chúng ta không sợ,
vì có Chúa là niềm an ủi, khích lệ và quan phòng, yêu thương chúng ta.
"Thầy bảo các con là
những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ.”
Xin Chúa ban cho chúng ta
và các gia đình Công giáo can đảm làm chứng cho Tin Mừng, nhờ đó Danh Cha được
tỏa sáng và ơn cứu độ của Đức Kitô đến với toàn thể nhân loại. Amen.