Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm C
CHÚA GIÊSU - MỤC TỬ XÓT THƯƠNG
Tại
Đền thờ Thánh Phêrô, trong Thánh Lễ Làm Phép Dầu vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh
(28.3.2013), ĐTC Phanxicô nói với các Linh mục: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của
mình”. Đức Thánh Cha đã gợi lên một hình ảnh thật ấn tượng: mục tử phải có mùi của chiên. Người
chăn chiên sống gần gũi, gắn bó với đàn chiên, lo lắng chăm sóc, bảo vệ đàn
chiên của mình đến nỗi mùi của chiên đã ngấm vào không những áo quần mà cả da
thịt mục tử. Linh mục, người chăn chiên về đàng thiêng liêng cũng phải như vậy.
Chúa Nhật thứ IV mùa Phục sinh được
gọi là Chúa nhật Chúa Chiên lành và là ngày cầu nguyện cho ơn gọi sống đời tu
trì tận hiến. Các bài đọc cho thấy Chúa Giêsu chính là mục tử nhân lành mang đậm
mùi chiên, xót thương và chăm sóc cho chúng ta là đoàn chiên của Chúa. Hình ảnh
người chăn và đoàn chiên là một hình ảnh gần gũi trong văn hóa du mục của người
Do Thái. Con chiên không chỉ là tài sản, mà người chăn và con chiên gắn bó, ăn
ngủ như là bè bạn, là người thân và là con cái trong gia đình.
Khi dùng hình ảnh mục tử mang mùi của chiên, Đức Thánh Cha
muốn nhìn vào gương Mục tử Giêsu, dấn thân, đồng cảm với con chiên. Mục tử
không chỉ là người đi trước dẫn dắt, còn đàn chiên ngoan ngoãn theo sau, nhưng
mục tử phải là người đi cùng, đi với và ở giữa đàn chiên để đồng cảm, để thấu
hiểu, để chia sẻ với nỗi đau của con chiên. Chỉ khi mục tử ở với đoàn chiên,
lăn lộn với đoàn chiên, thì mới có mùi chiên. Mang mùi chiên, tức là mục tử phải
chấp nhận mang vào mình những khổ đau, những hoàn cảnh khó khăn, phải dám ôm vào
lòng những con chiên ghẻ lở thương tích, phải biết từng con chiên và chữa lành
những vết thương, đau yếu, bệnh tật nơi con chiên. Chúa Giêsu chính là mục tử
mang mùi của chiên khi Ngài nói với người Do Thái: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.
Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.
Mục tử biết chiên là mục tử mang
mùi chiên: “Tôi biết chúng và chúng theo
tôi”. Khác với những kẻ chăn thuê là những người làm công lấy tiền. Kẻ chăn
thuê là người làm theo giờ và chỉ làm những gì được thuê, ngoài ra hắn sẽ không
quan tâm đến đoàn chiên, vì chiên không phải là của hắn. Chúa Giêsu là mục tử
đích thật, là mục tử biết chiên, tức là biết hoàn cảnh, tình trạng của mỗi con
chiên của mình, như cha mẹ biết tính tình của từng đứa con. Biết chiên không chỉ
là sự hiểu biết bên ngoài, trái lại còn là sự gắn bó, cảm thông và chia sẻ thực
sự cả những vấn đề của tâm hồn. Chúa Giêsu biết chúng ta yếu đuối cần được chăm
sóc và bảo vệ khỏi sự tấn công của ma quỷ, tội lỗi và sự chết, Ngài đã chiến đấu
thay cho đoàn chiên, chấp nhận mang thương tích, đã chết vì đoàn chiên và đã sống
lại để đem lại sự sống cho đoàn chiên.
Mục tử hy sinh mạng sống để bảo vệ
đoàn chiên, trao ban sự sống cho đoàn chiên là mục tử mang mùi chiên: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không
bao giờ chúng phải diệt vong”. Đối với mục tử đích thật, đoàn chiên không
phải là nguồn cung cấp thịt và sữa, nhưng như là những người thân thiết ruột thịt
và là những người được mục tử yêu thương và phục vụ. Chúa Giêsu là mục tử mang
mùi của chiên, khi Ngài chấp nhận từ bỏ địa vị của Thiên Chúa, để mang lấy thân
phận yếu đuối của con người, trở nên giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi.
Ngài yêu chúng ta là đoàn chiên của Ngài, đã chấp nhận trở nên của ăn của uống
nuôi sống chúng ta, chịu đau đớn khổ nhục và chết vì chúng ta. Trên cây thập
giá, Ngài đã trao ban Thần Khí cho nhân loại và sống lại để vĩnh viễn tiêu diệt
thần chết đem lại sự sống thần linh cho chúng ta.
Bài đọc sách Khải Huyền cho thấy
Chúa Giêsu chính là Con Chiên của Thiên Chúa Cha, là Đấng gánh tội trần gian.
Vì vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa, mang lấy thân phận con người, vâng lời
cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá, chết vì nhân loại và
chết thay cho nhân loại. Vì thế, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người và đặt Người
làm Mục Tử, là người dẫn dắt tất cả đoàn chiên, là thủ lãnh toàn thể nhân loại,
để dẫn đưa nhân loại đến đồng cỏ hạnh phúc Nước Trời. Sách Khải Huyền cho thấy
hình ảnh đoàn dân của Thiên Chúa là những người đã được Chúa cứu chuộc, họ thuộc
mọi nước mọi dân, được tẩy rửa tội lỗi nhờ máu của con chiên là Đức Giêsu. Những
người này được Mục Tử Giêsu quy tụ và dẫn dắt đến thành Giêrusalem trên trời là
Nước Trời. Nơi đó họ không còn đau khổ, không còn khóc lóc than van, nhưng được
ngập tràn hạnh phúc vì có Đức Giêsu vừa là Con Chiên hy sinh cho họ vừa là Mục
Tử dẫn dắt họ.
Chúa Giêsu đã trao đoàn chiên của
Ngài cho các tông đồ, để các ngài tiếp tục yêu thương chăm sóc đoàn chiên của
Chúa. Vì thế, các vị này cũng sẽ phải mang trái tim, thái độ và cách sống của
Chúa Giêsu, tức là cũng phải mang vào mình mùi chiên như Đức Giêsu. Sách Công Vụ
Tông Đồ kể lại các hoạt động của Phêrô, Phaolô và các tông đồ trong vai trò là
mục tử của Giáo Hội. Bài đọc một cho thấy Phaolô và Barnaba đã miệt mài với việc
chăm lo cho đoàn chiên, xây dựng cộng đoàn. Các Ngài không giới hạn, không loại
trừ bất cứ ai, không chùn bước trước những trở ngại nào. Khi những người Do
Thái từ chối đón nhận Tin Mừng, các Ngài đã quay về phía các dân ngoại, chăm lo
và phục vụ Tin Mừng cho dân ngoại. Các Ngài đã vất vả bôn ba khắp nơi để xây dựng,
củng cố đức tin cho đoàn chiên, nhất là khi đoàn chiên phải đương đầu với các
cơn bách hại. Trong những lúc khó khăn nhất, trong các cơn bách hại, các tông đồ
đã hiện diện ở giữa cộng đoàn để nâng đỡ đoàn chiên. Sau cùng các Ngài cũng noi
gương Thầy Giêsu hy sinh mạng sống mình, để bảo vệ đoàn chiên Chúa đã trao cho
các Ngài.
Các tông đồ lại chọn những đấng kế
vị các Ngài và những cộng tác viên để tiếp tục chăm lo cho đoàn chiên của Chúa
là Giáo Hội. Trong quá khứ và trong hiện tại, vẫn có một số người lãnh nhận vai
trò mục tử nhưng lại ngại ngùng khi phải sống với đoàn chiên, gắn bó với chiên
và sợ mùi hôi hám của chiên, nên không dám mang vào mình mùi của Chiên theo
gương Mục tử Giêsu. Bên cạnh đó còn rất nhiều các mục tử đang thầm lặng mỗi
ngày hy sinh vất vả vì đoàn chiên, đau nỗi đau của đoàn chiên, trăn trở với những
khắc khoải khó khăn mà đoàn chiên đang gánh chịu. Có nhiều mục tử lăn xả với
đoàn chiên đến độ phải hao mòn thân xác, sức khỏe và chết ở giữa đoàn chiên vì
đã mạnh dạn bênh vực đoàn chiên khỏi sự tấn công của sói dữ ngày nay. Cũng
không ít mục tử đã dành cả cuộc đời để cố gắng nên giống mục tử Giêsu, gắn bó
hy sinh vì đoàn chiên, nhưng lại bị sự tấn công từ chính những người mà mình đã
yêu thương chăm sóc và hy sinh.
Chúa Giêsu nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết
chúng và chúng theo tôi”. Đó cũng là những tiêu chuẩn để mỗi người nhận biết
mình có phải là chiên của Chúa Giêsu và có thuộc về đoàn chiên của Ngài hay
không. Chúng ta chỉ thực sự là chiên của Chúa khi chúng ta nghe được tiếng Chúa
và đi theo Chúa. Chúng ta sẽ nghe được tiếng Chúa nói qua Lời của Chúa được
công bố mỗi ngày trong Thánh Lễ, nơi giờ kinh gia đình. Chúng ta cần nghe được
tiếng Chúa, bước theo Chúa qua sự hướng dẫn của Giáo Hội. Có nhiều người nhận
mình là chiên của Chúa nhưng lại rất ít nghe Lời Chúa, không dám bước theo và từ
chối sự hướng dẫn của Giáo Hội. Những người này muốn tự mình đi một con đường
riêng và muốn Mục tử đi theo mình và muốn lôi kéo những người khác về hùa với
mình.
Chúng ta cầu nguyện cho các mục tử
trong Giáo Hội, xin cho các ngài vừa là mục tử nhân danh Chúa chăm lo cho đoàn
chiên, vừa là những con chiên của Chúa. Là con chiên, xin cho các Ngài luôn biết
nghe Lời của Chúa, bước theo Chúa đến cùng. Là mục tử, xin cho các Ngài dám
mang lấy mùi chiên, hy sinh phục vụ đoàn chiên của Chúa và hết mình vì đoàn
chiên, dẫn dắt đoàn chiên đi theo con đường Chúa muốn. Chúng ta cũng cầu nguyện
cho mỗi chúng ta là con chiên của Chúa, xin cho chúng ta luôn là những con
chiên trưởng thành, luôn biết lắng nghe, thực hành Lời Chúa và mạnh dạn bước
theo Chúa, dù có những lúc phải trải qua đau khổ, gian nan thử thách. Xin cho
chúng ta biết góp phần xây dựng sự hiệp thông hiệp nhất trong đoàn dân Chúa.
Chúng ta cầu nguyện cho có nhiều
bạn trẻ, thanh thiếu niên nam nữ quảng đại đáp lại Lời Chúa mời gọi theo Chúa,
tham gia vào vai trò mục tử của Chúa Giêsu trong đời sống tu trì, dám hy sinh
tuổi trẻ và cuộc đời để phục vụ đoàn chiên của Chúa và mang vào mình mùi chiên
như Mục tử Giêsu. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí