Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

 ĐẤNG CỨU ĐỘ ĐƯỢC BAN TẶNG CHO NHÂN LOẠI

le ban n.jpg

Con người ngày nay cảm thấy bất lực, không thể giải quyết được trước biết bao đau khổ, chết chóc, bất công, bất hạnh đang xảy ra cho nhân loại. Vì thế, từ rất xa xưa, con người hằng mong ước một Đấng cứu tinh sẽ đến để giải thoát nhân loại khỏi đau khổ, bất công và thiết lập sự công bằng trên trái đất, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân loại. Cũng đã có nhiều người xuất hiện tự xưng là đấng cứu thế, nhưng cuối cùng những người đó cũng không đem lại được thay đổi gì cho nhân loại.

Trong ngày đại lễ Chúa Giáng Sinh này, chúng ta được nghe lặp lại nhiều lần lời của sứ thần đã nói với các mục đồng vào đêm Chúa Giáng Sinh và còn được Giáo Hội lặp lại trong suốt Mùa Giáng Sinh này: “Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành của Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa”. Lời này chính là sứ điệp Giáng Sinh và là lời tuyên xưng của mỗi chúng ta: “Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Độ duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Ngoài Ngài ra không có một đấng cứu độ nào khác”.

Cách Chúa Giêsu khoảng năm trăm năm, tiên tri Isaia đã thấy trước ngày Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Ông đã tiên báo bằng những lời xác tín đầy hân hoan: “Đây là lời của Đức Chúa, hãy loan truyền cho khắp cùng cõi đất…Kìa ơn cứu độ của ngươi đang tới. Kìa phần thưởng của người theo sát một bên… Chúng ta sẽ được gọi là dân thánh, là những người được Đức Chúa cứu chuộc”. Với những lời tiên báo này, vị tiên tri đã cho thấy trước việc Thiên Chúa sẽ cứu chuộc nhân loại. Ngài sẽ không để con người phải chờ đợi lâu nữa, Ngài sẽ đến và mang theo phần thưởng cho những kẻ tín trung. Vị tiên tri còn cho thấy Thiên Chúa thực hiện một việc lạ lùng là làm cho con người trở thành một dân mới là dân thánh thuộc về Thiên Chúa. Tất cả những người được Chúa cứu chuộc thì thuộc về Thiên Chúa và là những người được Thiên Chúa chúc phúc.

Lời tiên báo của Isaia nay được sứ thần loan báo cách rõ ràng trong đêm Chúa Giáng Sinh: “Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành của Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa”. Sứ điệp này có ý nghĩa gì? Khi nói đến Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành của Đavit, sứ thần quả quyết rằng Hài Nhi mới sinh, quả thật, đã làm ứng nghiệm Lời Chúa hứa từ ngàn xưa rằng, Đấng Cứu Thế sẽ xuất thân từ dòng dõi vua Đavit. Sứ thần còn giải thích thêm: “Người là Đấng Kitô”, có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, là Đấng Mesia mà muôn dân mong đợi. “Người chính là Đức Chúa”, có nghĩa Người là Thiên Chúa, Đấng mà dân tộc Do Thái vẫn tôn thờ, là Đấng tạo dựng và giải thoát.

Những người đón nhận tin vui Giáng Sinh đầu tiên không phải là giới thượng lưu, bậc tư tế, nhưng lại là những mục đồng, là thành phần thấp kém trong xã hội Do Thái. Thiên Chúa đã muốn bắt đầu chương trình vĩ đại của Ngài bằng những điều hết sức đơn sơ bé nhỏ. Ngài bước vào trần gian cách âm thầm nơi hang Belem, không kèn trống, không nghi lễ; giờ đây những con người đón nhận sứ điệp cứu độ này cũng lại là những con người thấp hèn. Chính những con người nghèo hèn này, lại là những người có tâm hồn sẵn sàng chờ đón Chúa đến và sẵn sàng bước theo Chúa. Thánh Luca kể cho chúng ta điều đó: “Khi các thiên sứ rời đi, những người này bảo nhau: Nào ta sang Belem để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã cho ta biết. Họ đã hối hả lên đường và gặp bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi mới sinh đặt nằm trong máng cỏ”. Thái độ của các mục đồng trước tin vui Giáng Sinh là cùng rủ nhau và hối hả lên đường. Việc các mục đồng mau chóng lên đường chứng tỏ là họ đã tin vào lời của sứ thần. Hành trình của họ đã được đền đáp bằng việc họ gặp thấy “bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi mới sinh đặt nằm trong máng cỏ”.

Các mục đồng không một chút hồ nghi về khung cảnh đơn sơ thánh thiêng mà họ đã nhìn thấy. Sau khi đã gặp được Hài Nhi, “họ đã kể lại cho mọi người về các điều họ đã được nghe và nói về Hài Nhi này”. Điều này cho thấy, tất cả những người đã được gặp Chúa thì đều được biến đổi, được củng cố đức tin và trở thành những người nói về Chúa cho người khác. Thánh Luca ghi lại những phản ứng và những cảm xúc của những người nghe các lời kể của các mục đồng: “Những người nghe các mục đồng đều ngạc nhiên về tất cả những gì các mục đồng nói cho họ biết”. Thái độ ngạc nhiên của mọi người khi nghe nói về việc Hài Nhi mới sinh trong cảnh nghèo hèn chính là Đức Kitô là Đức Chúa. Thái độ ngạc nhiên này dẫn đến thái độ cảm phục và suy phục Thiên Chúa. Còn các mục đồng tiếp tục ra về vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa vì những điều họ đã được tai nghe mắt thấy. Đây là thái độ của những người đã tin, đã thuộc về Thiên Chúa, họ trở về với cuộc sống thường ngày với một tinh thần mới, niềm vui mới. Cuộc đời của họ đã được biến đổi bởi họ đã tin nhận Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Độ nhân loại mà họ đã được nhìn thấy, tiếp xúc, đụng chạm đến Người. Cuộc đời của các mục đồng giờ đây sẽ trở thành lời ca tụng tôn vinh Thiên Chúa và là chứng nhân của Chúa.

Thánh Luca cũng ghi nhận thái độ, tâm tình của Đức Maria trong biến cố sinh hạ Đấng Cứu Thế: “Bà Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng”. Mẹ đã đón nhận Đấng Cứu Độ bằng thái độ của đức tin. Mẹ tin rằng Hài Nhi mới sinh, bé nhỏ yếu ớt đang cần đến vòng tay và dòng sữa của Mẹ, vừa là con của Mẹ vừa là Con Thiên Chúa. Mẹ đã tin và thể hiện lòng tin qua việc ghi nhớ và suy gẫm tất cả những điều kỳ diệu Thiên Chúa đang thực hiện trước mặt Mẹ.

Thánh Phaolô đã suy gẫm về mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh và  nhận ra rằng: Tất cả những gì đang diễn ra trong mầu nhiệm Giáng Sinh đều nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa xuống thế làm người trong cảnh nghèo hèn, sống đơn sơ trong giá đình Nazareth, rao giảng Tin Mừng và chấp nhận cái chết trên thập giá chỉ vì yêu thương con người và muốn cứu chuộc con người. Không phải vì con người làm nên công trạng gì khiến Thiên Chúa phải đánh đổi Con của Ngài như thế, mà chỉ vì Chúa yêu thương. Thiên Chúa có thể cứu chuộc nhân loại bằng nhiều cách, nhưng Thiên Chúa đã không chọn bất cứ một cách nào khác, mà Ngài đã chọn cho Con của Ngài xuống thế, để ở với con người, chia sẻ thân phận con người với nhân loại và cuối cùng là chết thay cho nhân loại để cho nhân loại được sống. Trong thư gửi cho Titô, thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi nhân ái của Người, Người cứu chúng ta không phải vì chúng ta đã làm điều công chính, mà vì Người thương xót”.

Thưa quý OBACE, Hài Nhi Giêsu chính là Đấng Cứu Độ, là quà tặng Thiên Chúa ban cho nhân loại và cho từng người. Còn việc đón nhận Hài Nhi Giêsu như thế nào và để Người ở chỗ nào trong cuộc đời đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Hài Nhi Giêsu quả thật là quà tặng lớn lao, là ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho nhân loại. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn chúng ta đón nhận Con của Ngài như một món quà lưu niệm, được cất giữ, nhưng là một món quà sống động. Vì thế, chúng ta cần đặt món quà Hài Nhi Giêsu vào trong một tâm hồn ấm áp của lòng mến; đặt Hài Nhi vào một vị trí ưu tiên nhất trong tâm hồn và chỗ ưu tiên trong gia đình.

Hang đá Belem tuy đơn sơ nghèo nàn, nhưng là nơi Chúa chọn, Chúa cũng muốn được sinh ra trong những tâm hồn đơn sơ khiêm nhường, không vướng tội lỗi và tật xấu. Chúa được sinh ra trong gia đình của Giuse và Maria, tuy nghèo nhưng là một gia đình thánh, gia đình ngập tràn yêu thương và đạo đức. Ngày nay Chúa cũng muốn được sinh ra nơi các gia đình như thế. Vì vậy, mỗi người cần làm cho gia đình mình trở nên đơn sơ thánh thiện, đạo đức và yêu thương để đón Chúa sinh ra mỗi ngày.

Chúa Giêsu vẫn đang được “sinh ra” mỗi ngày nơi Bí Tích Thánh Thể. Chúa đang gõ cửa các gia đình, các tâm hồn để cho Chúa ghé thăm và cư ngụ. Nhiều người lấy lý do làm ăn, bận rộn hoặc nhiều lý do khác để từ chối Ngài, sợ Ngài chiếm chỗ hoặc làm phiền. Chúa không bao giờ chiếm chỗ của ai, Chúa cũng không lấy gì của ai, không làm phiền ai. Chúa đến tâm hồn nào, gia đình nào, Chúa sẽ ban cho gia đình và tâm hồn ấy niềm vui và sự bình an. Hang đá Belem mãi mãi cũng chỉ là một nơi tăm tối dành cho súc vật, nhưng từ khi Chúa được sinh ra nơi đó, Chúa đã làm cho hang đá Belem trở nên ngập tràn ánh sáng, trở thành biểu tượng của lòng thương xót Chúa.

Xin Chúa giúp chúng ta xác tín cách chắc chắn Hài Nhi Giêsu chính là Đấng Cứu độ Thiên Chúa ban cho nhân loại. Ngoài Ngài ra sẽ không có một đấng cứu độ nào khác, không một ai khác có thể cứu nhân loại hoặc đem hạnh phúc cho nhân loại, để nhờ tin và tuân theo sự hướng dẫn của Ngài, chúng ta đón nhận được ơn cứu độ Ngài ban tặng. Amen.

Lm Giuse Đỗ Nghĩa Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Rạng Đông - Lm Đan Vinh - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Đêm Vọng Giáng Sinh - Lm Đan Vinh - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Đêm Vọng Giáng Sinh - Lm Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Thầy Đa Minh Trần văn Tân, SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư sau lễ Hiển Linh_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí