Suy Niệm Lời
Chúa Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên
CHÚA
HIỂN DUNG
LỜI CHÚA: Mc 9, 2-10
2 Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan
đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới
một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không
có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4
Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. 5 Bấy giờ, ông
Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng
con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. 6 Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các
ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây
bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy
vâng nghe lời Người”. 8 Các ông chợt
nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi.
9 Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể
lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau
xem câu “từ trong cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
SUY NIỆM
Trong cuộc sống bộn bề công việc, đôi lúc chúng ta
cảm thấy mệt mỏi và mong muốn được người khác trợ giúp. Những lúc gặp gian nan
thử thách khiến tâm hồn xao xuyến, chúng ta mong muốn được người nâng đỡ để tìm
lại niềm vui và sự bình an trong tâm hồn.
Tin mừng thánh Matcô thuật lại rằng: Sau khi nghe
Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn sắp tới, các môn đệ tỏ ra hoang mang sợ hãi
không biết số phận mình rồi sẽ ra sao. Hiểu được tâm trạng lo lắng ấy, Đức
Giêsu đưa ba môn đệ thân tín nhất là ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn
núi cao, rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên
trắng tinh như ánh sáng. Rồi có ông Môsê và ngôn sứ Êlia hiện ra đàm đạo với
Chúa Giêsu. Chứng kiến cảnh vinh quang ấy, môn đệ Phêrô cảm thấy ngất ngây muốn
ở lại đó để tận hưởng hạnh phúc, nhưng Chúa Giêsu mời gọi các ông xuống núi, trở
lại với cuộc sống thường ngày và tiến về Giêrusalem để cùng chịu khổ hình thập
giá với Người.
Cuộc hiển dung của Chúa Giêsu như một dấu hiệu
loan báo trước về vinh quang phục sinh của Người. Đức Giêsu đối diện với đau khổ
bằng thái độ tin tưởng phó thác. Người không trốn chạy nhưng đón nhận với trọn
niềm vâng phục thẳm sâu. Người không hề than van trách móc nhưng tự nguyện trao
hiến với trọn con tim và thể xác. Người ân cần đón nhận và uống cạn chén đắng
Cha trao. Trên đỉnh đồi Canvê, Chúa Giêsu đã thu tích vạn vật, gánh lấy tội
muôn dân mà đưa lên cây thập giá. Trái tim Người đã rộng mở khơi nguồn các Bí
tích và khai sinh Giáo Hội. Người đã chiến thắng sự dữ, vượt qua cái chết để tiến
vào vinh quang.
Ngày nay, người kitô hữu luôn phải đối mặt với nhiều
thử thách về đức tin và lòng trông cậy. Là con người, ai trong chúng ta cũng có
những nỗi sợ rất chung và cũng rất riêng hằng âm thầm đeo bám từng người như: sợ
đau khổ, nghèo đói, sợ già nua, sợ xấu, sợ cô đơn, sợ bị bắt bớ, bị bỏ rơi...và
nhất là sợ chết. Trên hết mọi nỗi sợ thì tội lỗi là một nỗi đáng sợ nhất. Tội lỗi
làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa, khi ấy chúng ta bước đi trong đêm tối,
trong nỗi hoang mang đổ vỡ và không tìm được ánh sáng của niềm hy vọng. Biến cố
hiển dung mời gọi chúng ta hướng nhìn về Chúa Giêsu Phục sinh để có đủ nghị lực
thắng vượt mọi nghịch cảnh và đau khổ. Chúng ta cần xác tín rằng, con người chỉ
có được sự bình an và hạnh phúc đích thực khi sống tín thác vào Thiên Chúa. Đây
là chân lý nền tảng mà Giáo Hội không ngừng mời gọi chúng ta thực hành trong cầu
nguyện và thực thi tình bác ái đối với tha nhân.
Chúa Giêsu đã vượt qua khổ giá để đi đến vinh
quang, ước gì chúng ta khám phá được ý nghĩa và giá trị của đau khổ để biết tìm
đến Chúa như nguồn trợ lực đỡ nâng và đi trọn hành trình đức tin của mình.
Chúng ta hãy lắng nghe lại lời thánh Phaolô khuyên nhủ ông Timôthê can đảm làm
chứng về Chúa Giêsu như sau: “Anh đừng hổ
thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của
Chúa; dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để
loan báo tin Mừng... Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết,
Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo.
Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu đau khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên
gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự
để mưu ích cho những gì Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong
Đức Kitô Giêsu và được vinh quang muôn đời” (2 Tm 1, 8; 2, 8-10).
Biến cố hiển dung cho chúng thấy một khía cạnh khác
của tình yêu thương của Thiên Chúa. Người luôn ban ơn trợ lực bằng mọi cách để
chuộc lấy chúng ta khỏi đau khổ và sự chết. Cho dù loài người chúng ta có bất xứng
tội lỗi ra sao thì Thiên Chúa vẫn luôn có cách để yêu thương và cứu độ chúng
ta. Nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác tín rằng
“Chúa tìm cách đi vào tâm hồn con người,
tìm ra một khe hở nhỏ để Ngài ban ơn. Ngài không muốn bất kỳ một ai hư mất.
Lòng Thương Xót của Ngài lớn lao hơn tội của chúng ta đến vô cùng, liều thuốc của
Ngài mạnh mẽ hơn bệnh tật của chúng ta đến vô tận…Thiên Chúa chờ đợi, Ngài chờ
đợi chúng ta chừa cho Ngài dù chỉ là một khe hở nhỏ nhất để Ngài có thể thực hiện
sự tha thứ và lòng nhân từ của Ngài trong chúng ta”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến hình trên núi trước mặt
các môn đệ, xin thanh luyện và biến đổi đời sống chúng con để trở nên đồng hình
đồng dạng với Chúa. Khi chiêm ngắm vinh quang của Chúa, xin cho chúng con đừng
chỉ thụ hưởng mà biết dấn thân phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo hèn
bé nhỏ. Chúa đã vượt qua cái chết và bước vào vinh quang, xin cho chúng con vượt
qua con người yếu đuối ích kỷ của mình để thiết tha tìm kiếm và sống theo thánh
ý Chúa. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP