THỨ NĂM TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN
LỄ THÁNH LAURENSÔ PHÓ TẾ TỬ ĐẠO
LỜI CHÚA: Ga 12, 24-26
24 Khi ấy, Đức
Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo
vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi,
nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống
đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục
vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy”.
SUY NIỆM
Sự sống
con người vốn đáng quý, bởi nó bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Trong sự vâng
phục Chúa Cha, Chúa Giêsu đã được sai đến để yêu thương cứu chuộc con người
khỏi mọi tội lỗi, và cho con người sự sống vĩnh cửu. Noi gương Chúa Giêsu, có
những người đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa,
một tình yêu bất diệt vượt trên mọi đau khổ và cả cái chết. Đó chính là thánh
Laurensô tử đạo mà hôm nay Giáo hội mừng kính.
Thánh Laurensô sinh tại một thị trấn ở Aragon, nước
Tây Ban Nha. Ngay từ khi còn trẻ, Laurensô đã được gửi đi du học ở Rôma.
Tại đó, ngài đã được Đức Giáo hoàng Xíttô II trao chức phó tế để phục vụ trong
nhà thờ và giúp đỡ những người nghèo như “tài sản của Giáo hội”.
Vào tháng
8 năm 258, Hoàng đế Valerianô ra lệnh cấm đạo, Đức Giáo hoàng Xíttô II bị kết
án tử hình cùng với sáu phó tế, trong đó có Laurensô. Khi bị bắt, viên tổng
trấn Roma yêu cầu Laurensô giao tất cả tài sản của Giáo hội cho đế chế. Tuy
nhiên, theo lời chỉ dạy của Đức Giáo Hoàng, trước khi ra pháp trường, Laurensô
đã phân phát hết tiền của, tài sản của Giáo hội cho người nghèo, ngài còn bán
cả các phẩm phục quý giá để có thêm tiền phân phát.
Khi
tổng trấn chất vấn về số tài sản ấy thì Laurensô đã khẳng định những người
nghèo, những người khuyết tật, người mù lòa và đau khổ mới là những thực sự là ‘tài
sản của Giáo hội’. Viên tổng trấn nổi giận, buộc Laurensô phải dâng lễ tiến các
thần minh. Vị phó tế Laurensô đã từ khước dù phải chịu mọi cực hình, bị nướng
trên giàn sắt nung đỏ và đã lãnh phúc tử đạo vào ngày 10 tháng 8 năm 258 tại Rôma. Trước khi
chết, ngài đã cầu
xin cho mọi tín hữu trong thành phố Rôma được ơn trở lại với Ðức Kitô, và cho Ðức
Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới.
Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo được các tín hữu ở
Rôma yêu mến một cách đặc biệt. Thời Trung Cổ, đã có ít là 34 thánh đường ở
Rôma được dâng kính thánh nhân. Ngài cũng là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành
Roma.
Thánh Laurensô đã sống triệt để Lời Chúa dạy, như hạt
lúa mì chịu chôn vùi dưới đất, thánh nhân đã chịu mục nát trong thân phận con người
để trỗi dậy mạnh mẽ trong sức sống mới của Thiên Chúa. “Người được lãnh nhận Đấng trao ban chính mình tại bàn tiệc thánh thế
nào, thì người cũng trao hiến chính mình làm của ăn cho người khác như vậy. Khi
sống người yêu mến Đức Kitô, thì lúc chết người cũng bắt chước Đức Kitô. Các
thánh tử đạo đã đi theo Đức Kitô đến nỗi chịu đổ máu, chịu đau khổ như Người.
Các thánh tử đạo đã đi theo Đức Kitô, nhưng không phải chỉ có các ngài thôi. Quả
thế, các ngài đi qua, cầu vẫn chưa sập; các ngài uống nước, suối vẫn chưa khô.
Thưa anh em, vườn của Chúa có đủ các loại hoa: không phải chỉ có hoa hồng tử đạo,
mà còn có hoa huệ khiết trinh, có dây trường xuân hôn nhân, có hoa tím góa bụa”.
Mỗi người chúng ta dù ở bậc sống nào cũng được mời gọi
góp hương sắc cho vườn hoa của Giáo hội. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về
chính mình khi gặp những đau khổ thử thách, đó chính là trường đào luyện để
chúng ta nên giống Đức Kitô “Người vốn dĩ
là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa. Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên
giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến
nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Chúng ta dễ
dàng theo Chúa khi được những điều may lành, nhưng cũng dễ dàng bỏ Chúa khi gặp
khó khăn thử thách. Vì thế chúng ta phải tha thiết xin Chúa ban ơn để chúng ta
đủ sức đón nhận những nghịch cảnh trong niềm tín thác. Các thánh cũng là những
con người yếu đuối như chúng ta, nhưng các ngài biết dựa vào sức mạnh của Chúa
và quy hướng mọi sự về Chúa.
Cuộc sống xã hội hôm nay luôn cần những con người biết
yêu mến và bảo vệ Giáo hội, nhất là những người nghèo khổ. Trong Tông huấn Niềm
Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm nhận rằng “Khi đời sống nội tâm tự khép kín trên những hứng thú riêng tư, thì sẽ
không còn chỗ cho kẻ khác, người nghèo không tìm được lối vào; người ta không
còn nghe được tiếng của Thiên Chúa; không còn hưởng được niềm vui êm ái tình
yêu của Người, không còn hứng thú làm việc thiện” (EG 2). Vì thế, Đức Thánh
Cha mời gọi chúng ta hãy canh tân việc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô để có
được sức bật mới mẻ tràn đầy niềm vui, biết ra đi trao tặng yêu thương, sự quan
tâm chia sẻ với những người nghèo khổ và những ai đang đói khát tình thương cứu
độ.
Ngày hôm nay, chúng ta không còn phải tử đạo qua
gươm giáo hay lửa nung thiêu đốt, nhưng chúng ta có thể làm chứng cho Tin Mừng
bằng thái độ sống công bằng bác ái, bằng lòng thương cảm đối với những người
nghèo khổ, người bị gạt ra bên lề xã hội, những con người bị tước mất quyền sống
và quyền được hưởng tự do là con cái Chúa. Noi gương thánh Laurensô, chúng ta
hãy cùng nắm lấy tay nhau tạo nên một vòng tròn yêu thương, lan tỏa và tiếp
thêm sức mạnh của Chúa cho thế giới đang từng ngày nghèo đi và thiếu vắng tình
thương.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng đã
đến thế gian để yêu thương và cứu chuộc nhân loại nghèo khổ, xin cho chúng con
biết đón nhận những điều trái ý trong cuộc sống, biết thánh hóa những đau khổ
trở thành ân phúc thiêng liêng mang lại cho chúng con niềm hạnh phúc đích thực.
Thánh Laurensô đã một
lòng vì Chúa, vì Giáo hội và những người nghèo, xin cho
chúng con cũng có được tâm tình và lòng quảng đại như
thánh nhân, trung kiên làm chứng cho Chúa dù phải chịu đau khổ bách hại. Amen.
Nt. M. Anh Thư OP