Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên
KHẮC GHI VÀO TÂM KHẢM
LỜI CHÚA: Mt 16, 13-23
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt
thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người
là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là
Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói
với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa
rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả
lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt
hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy
bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa
địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì
con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất,
trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với
ai rằng Người là Ðức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ
cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi
các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại.
Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy
khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô
rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì
con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự
thuộc về loài người".
SUY NIỆM
Nhà điêu
khắc Dannecker người Đức, đã để nhiều công khó trong công tác tạc một bức tượng
của Chúa Giêsu bằng cẩm thạch. Trong hai năm đầu, bức
tượng đã xong, nhà điêu khắc mời một em bé vào phòng vẽ của mình và hỏi em bé
rằng:
- Ai đó?
Em bé tức
khắc trả lời:
- Một vĩ
nhân.
Nhà điêu
khắc buồn và nghĩ rằng công khó của mình trong hai năm như đã hỏng. Ông tiếp
tục tạc lại trong sáu năm nữa và mời một em bé khác vào phòng vẽ và hỏi:
- Em biết
bức tượng này là của ai không?
Sau khi
nhìn bức tượng một lúc, yên lặng và nước mắt trào ra đôi mi, em khẽ nói:
- Hỡi
những con trẻ đau khổ hãy đến cùng ta!
Nhà điêu
khắc thỏa mãn, thành công về tác phẩm của mình. Nhà điêu khắc Dannecker sau đó
đã tuyên bố:
- Tôi dã
thấy Chúa Cứu Thế Giêsu và hình ảnh của Ngài đã thể hiện trong khi tôi tạc bức
tượng Ngài bằng
cẩm thạch này.
Sau đó không lâu, hoàng đế Napoléon Bonaparte yêu
cầu nhà điêu khắc tạc một bức tượng nữ thần Vệ Nữ cho bảo tàng viện Louvre,
Paris và hứa trả một món tiền rất lớn, nhưng Dannecker từ chối, nói rằng: một
người đã thấy Đấng Kitô, và đã tạc vẻ mặt của Ngài không thể dùng nghệ thuật
vào thần thánh đời này khiến cho nghệ thuật của mình hóa ra phàm tục.(Sưu tầm)
1/
Ta sẽ ghi khắc vào tâm khảm chúng, Ta là Thiên Chúa
Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước với dân
riêng của Ngài tại núi Sinai, Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân Israen, khi họ giữa
giao ước của Ngài. Nhưng Israen đã hủy bỏ giao ước này như tiên
tri Giêrêmiah tuyên sấm hôm nay: “Chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc
dầu Ta là Chúa Tể của chúng.” Họ đã không trung thành với Chúa khi chạy theo
các thần ngọai bang để thờ phượng chúng. Họ đã không tuân giữ các điều răn Chúa
truyền bằng lối sống bất công và vô luân. Lẽ ra họ phải diệt vong nhưng Thiên
Chúa giầu lòng thương xót, Ngài đã cho tiên tri Giêrêmia loan báo về một giao
ước mới, giao ước đó không còn ghi khắc trên bia đá, nhưng được ghi khắc vào
tâm khảm, vào trái tim, để con người nhận ra Thiên Chúa không phải vì sợ chết
sợ phạt, mà là vì yêu vì mến.
Lời triên tri này đã được ứng nghiệm nơi
Simon Phêrô, khi được Chúa Giêsu hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”.
Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời quả quyết
của Chúa Giêsu: “không
phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên
trời”. Đúng vậy, Thiên Chúa đã khắc ghi vào trái tim
Phêrô, để rồi ngài đã trở nên một Tông đồ có thể thưa lên với Thầy của mình:
“Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
2/
Ta sẽ ghi khắc vào tâm khảm chúng, lề luật của Ta
Chúa Giêsu đã đến trần gian, Người đã đưa lề
luật về dúng ý nghĩa đó là luật tình yêu, luật bác ái, luật yêu thương, và để
chứng minh cho điều đó, Người đã loan báo: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau
khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày
thứ ba sẽ sống lại”. Nếu một lúc nào đó trái
tim chúng ta bị lu mờ, bị rong rêu che lấp luật yêu thương của Chúa, thì chúng
ta sẽ thấy việc Chúa Giêsu làm là điên dại, là vô bổ. Nhưng nếu trái tim chúng
ta đậm nét khắc của Chúa, thì chúng ta sẽ
nhận ra đó là tình yêu, yêu cho đến chết.
Nhờ sự khắc ghi vào trong trái tim lề luật của
Chúa, hình ảnh của Chúa, sẽ giúp cho người kitô hữu trở nên những chứng nhân, sống
quảng đại, dấn thân như Thầy Giêsu.
Tam
Thái.