GẮN BÓ VỚI
“Chúa
Giêsu giục các môn đệ xuống thuyền, qua bờ bên kia trước”;
“Giải
tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện”.
LỜI
CHÚA Mc 6,34 – 44
(34) Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu thấy
một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người
chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (35) Vì bấy giờ đã
khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: "Ở đây hoang vắng và bây giờ
đã khá muộn. (36) Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và
làng mạc chung quanh mà mua gì ăn." (37) Người đáp: "Thì
chính anh em hãy cho họ ăn đi!" Các ông nói với Người: "Chúng con
phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?" (38)
Người bảo các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? Ði coi xem!" Khi biết
rồi, các ông thưa: "Có năm chiếc bánh và hai con cá." (39)
Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngả lưng thành từng nhóm trên cỏ xanh. (40)
Họ ngả lưng xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. (41)
Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc
tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người
cũng chia hai con cá cho mọi người. (42) Ai nấy đều ăn và được no
nê. (43) Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy,
cùng với cá còn dư. (44) Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.
SUY
NIỆM
Sau bữa
tiệc hào phóng, các môn đệ chưa kịp tận hưởng sự ngọt ngào thành công ngoạn mục
của Thầy, thì Chúa Giêsu buộc họ xuống thuyền qua bờ bên kia; còn Ngài thì lên
núi cầu nguyện. Như vậy, xem ra các môn đệ ‘gắn bó với’ tiếng tăm; Thầy của họ lại
‘gắn bó với’ Cha trên trời.
Cảm xúc của
những thành công tức thời không làm dao động đời sống nội tâm của Chúa Giêsu; những
lời tung hô và những tràng vỗ tay không làm trệch hướng đôi mắt tâm hồn Ngài vốn
luôn quy hướng về ánh mắt Chúa Cha. Với Chúa Giêsu, điều an ủi và nâng đỡ cốt
lõi cho tâm hồn Ngài không phải là kết quả huy hoàng gặt hái trong việc tông đồ,
nhưng là sự nhiệm hiệp với Cha. Vì thế, dù kết quả sứ vụ có thế nào đi nữa, dễ
hay khó, được hay mất, nội tâm của Chúa Giêsu vẫn quân bình; bởi lẽ, động lực
bên trong của Ngài vẫn chỉ là một, đó là Chúa Cha. Tinh thần bền bỉ và ý chí
kiên định của Ngài không dựa trên những kết quả nhất thời, nhưng dựa trên sự
bình an và niềm vui sâu sắc khi ‘gắn bó với’ Cha, thuộc trọn về Cha.
Chúa
Giêsu đã bảo vệ cái không gian linh thánh này thật chặt chẽ trong trái tim Ngài
bằng một yếu tố then chốt, đó là thời gian. Dành thời gian cho việc cầu nguyện
là xây dựng bức tường bảo vệ nơi tôn nghiêm của Thiên Chúa trong tâm hồn mình;
thời gian dành riêng cho Chúa là yếu tố tạo nên cơ hội cho việc xây dựng Nước
Trời trong tâm hồn mỗi người; cùng lúc, thiết lập Nước Trời chung quanh mình. Từ
đó, những gì đã xảy ra trong cuộc đời, thành công hay thất bại; tung hô hay dè
bĩu; vỗ tay hay ném đá… tất cả đều là những gì thuộc về bên ngoài, sẽ trôi qua;
có thể rất hời hợt, cũng có thể rất viển vông và cũng rất mực phù hoa. Thế
nhưng, một điều căn bản còn lại, không bao giờ mất, đó là tấm lòng yêu mến của
người con, yêu mến của người môn đệ. Ý thức được điều này, như Chúa Giêsu,
chúng ta sẽ ôm lấy những gì là vĩnh cửu, là tự hiến và hoàn hảo trong tình yêu
khi chỉ lưu tâm đến việc sống một đời sống ‘gắn bó với’ Thiên Chúa.
Đó là lý
do Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện sau phép lạ hiển hách của Ngài. Còn các môn đệ
thì sao? Tin Mừng nói, Chúa Giêsu buộc họ xuống thuyền; bởi lẽ, họ đang ‘gắn bó
với’ tiếng tăm, với những lời khen. Hụt hẫng, tiếc nuối, họ phải rời bỏ đám
đông, ra đi và phải vượt biển đêm khuya; không những thế, họ còn phải lao đao
vì ngược gió và lại một phen thất kinh hồn vía khi thấy Thầy đi trên mặt nước,
tiến về phía họ khiến họ tưởng là ma. Phản ứng bàng hoàng đó cho thấy, một khi
não trạng vụ lợi, cầu danh dấy lên; khi mà ‘tinh thần thế tục’ bắt đầu nhen
nhúm, khi tâm con người ‘vọng động’… thì bấy giờ, người ta sẽ đánh mất bình an để
từ đó, khó lòng nhận ra những thực tại thánh thiêng chung quanh mình; bằng chứng
là cả khi Thầy đang hiện diện ở đó, các môn đệ cũng tưởng là ma; và này, những
biến cố xảy ra với họ luôn luôn là ngược gió, chướng khí; và tha nhân lúc bấy
giờ, cũng toàn là những con người trái ý.
Một trong
những bài kiểm tra các phi hành gia phải trải qua, đó là họ phải làm gì khi gặp
sự cố. Khi sự cố xảy ra, câu hỏi đầu tiên họ phải đặt ra là, “Có phải vật này
đang bay đúng hướng không?”. Nếu câu trả lời là có, thì sẽ không có nguy hiểm
ngay lập tức, họ không cần phải phản ứng thái quá. Khi Apollo 12 cất cánh, nó bị
sét đánh; bảng điều khiển bắt đầu phát sáng với các tín hiệu màu cam và đỏ. Lập
tức, phi hành đoàn bị cám dỗ “Làm một điều gì đó!”; thế nhưng, ‘Pete’ Conrad,
phi công trưởng đã hét lên, “Có phải vật này vẫn bay đúng hướng?”; hai phi hành
gia khác trả lời “‘Yes!’, nó đang hướng tới mặt trăng!”, và theo đèn tín hiệu,
họ tuần tự giải quyết từng vấn đề. Appolo 12 đã thành công trong lần đáp xuống
mặt trăng lần thứ hai của con người.
Anh Chị
em,
Trong mọi
cảnh huống cuộc đời, không cần đợi đến khi các sự cố xảy ra, nhưng sẽ rất hữu
ích nếu chúng ta luôn tự hỏi, “Tôi đang ‘gắn bó với’ cái gì? Tôi đang bay đúng
hướng?”. Những câu hỏi thường xuyên này sẽ giúp chúng ta định hướng cuộc sống một
cách đúng đắn, thiết lập một trật tự ưu tiên trong đời sống mình; đồng thời, biết
điều chỉnh mỗi khi trệch hướng, khi không còn ‘gắn bó với’ Chúa; tắt một lời,
khi chúng ta mất bình an, chạy theo hư danh… chỉ vì thiếu cầu nguyện.
Chúng ta
có thể cầu nguyện,
“Lạy
Chúa, xin đừng để thế gian mê hoặc con bởi những tung hô của nó; xin cho con chỉ
biết làm vui lòng Chúa, và một chỉ ‘gắn bó với’ Ngài”, Amen.
Lm.
Minh Anh, Tgp. Huế