Suy Niệm
Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Phục Sinh
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU
LỜI
CHÚA: Ga 15, 1-8
1 Khi ấy,
Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người
trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy
mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người
cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3
Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh
em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với
cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại
trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì
không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6
Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo.
Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7
Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em
cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều
làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của
Thầy”.
SUY NIỆM
Tại một cuộc
hội thảo về đối thoại liên tôn, có Đức Đạt Lai Lạt Ma và thần học gia Leonardo
Boff cùng tham dự. Lúc tạm nghỉ, thần học gia tiến lại hỏi Đức Lạt Ma: - Thưa
ngài, theo ngài tôn giáo nào là tốt nhất? Nhà thần học nghĩ thầm chắc ngài sẽ
nói Phật giáo Tây Tạng hoặc các tôn giáo phương Đông lâu đời hơn Kitô giáo. Đức Lạt Ma trầm ngâm giây
lát và nói: - Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến
gần Đấng Tối Cao; là tôn giáo giúp anh trở thành con người tốt, biết sống
thương cảm hơn, biết hành động theo lẽ phải, biết sống từ bỏ, đối xử dịu dàng
và nhân hậu hơn, sống có trách nhiệm và đạo đức hơn. Anh bạn ơi, tôi không
quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay không. Điều tôi quan
tâm là cách cư xử của anh đối với người đồng loại, với gia đình, với cộng đồng
và thế giới. Hãy nhớ rằng vũ trụ sẽ phản ánh lại những hành động và tư tưởng của
chúng ta. Chúng ta sẽ nhận được những gì chúng ta làm cho người khác. Hạnh phúc
không phải là số mệnh. Đó là cách mà chúng ta lựa chọn.
Khi tạo dựng, Thiên Chúa đặt
trong trái tim con người nỗi khát vọng hướng về điều thiện, sự cao cả, niềm
linh thánh. Vì thế con người dù phàm tục yếu hèn nhưng vẫn khắc khoải tìm kiếm
chân lý sự thật, tìm niềm vui và hạnh phúc. Chúa Giêsu đã từng căn dặn các môn
đệ, điều quan trọng trước tiên là tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn những sự khác
Người sẽ ban cho sau (x. Mt 6, 33). Xưa dân Do Thái được thử thách trong sa mạc
40 năm dài mới được vào Đất Hứa, nay người Kitô hữu cũng phải được tôi luyện để
đạt đến hạnh phúc Nước Trời. Có nhiều
phương cách giúp ta đạt được mục đích tối hậu, đó là sống yêu thương, công
bằng, tin tưởng trong mọi cơn gian nan thử thách. Tìm kiếm đưa đến gặp gỡ. Gặp
gỡ kết tạo tương giao. Tương giao gần gũi đưa đến cảm thương yêu mến. Trong
trích đoạn Tin Mừng hôm nay, cụm từ “ở
lại” được sử dụng 8 lần trong 4 câu. Điều này cho thấy Đức Giêsu tha thiết
các môn đệ có sự gắn kết gần gũi thân thiết với Người.
Thiên
Chúa chuẩn bị cho mỗi người chúng ta một nơi ở xứng đáng trong cung lòng Chúa Cha.
Thế nhưng
chúng ta lại mải mê chạy theo những thế lực của trần gian như tiền bạc, sắc đẹp,
quyền lực. Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh tỉnh chúng ta, đặc biệt những người trẻ
về cám dỗ muốn vượt ra khỏi tầm tay của Thiên Chúa. Đừng để mình bị đánh bật khỏi
cội rễ căn nguyên của sự thiện và những truyền thống văn hóa nhân bản tốt đẹp
(x. Christus Vivit 181). Mỗi ngày sống
là mỗi bước chúng ta tiến đến sự hoàn thiện trong Thiên Chúa. Hành trình này
đòi hỏi chúng ta phải cố gắng không ngừng với sự nâng đỡ của Thánh Thần. Người
sẽ giúp chúng ta nhận biết thánh ý của Thiên Chúa.
Đức
Giêsu là tấm gương trong suốt phản ánh dung mạo hiền hậu của Chúa Cha. Người là Nguyên Lý đưa con người đến nguồn
sống. Đức Giêsu là khuôn vàng thước ngọc của nền nhân bản đích thực. Vì vậy
người Kitô hữu cũng phải có một đức tin trưởng thành và chín chắn để không chạy
theo những gì là trào lưu nhưng phải bén rễ sâu trong tình bằng hữu với Đức
Kitô. Tình bạn này mở rộng tâm hồn chúng ta biết đón nhận tất cả những gì là
tốt đẹp, giúp ta biết biện phân giữa giả dối và chân lý (x. ĐTC Bênêđictô XVI,
Tông du Cameroun và Angola 20/03/2009).
Con
người đi tìm một tôn giáo không phải để thỏa mãn sự hiếu kỳ nhưng là để tiến đến
sự sống trường cửu và hạnh phúc viên mãn. Thánh tiến sĩ Augustinô sau nhiều năm
trăn trở lạc lối trong những đam mê, ngài đã tìm thấy nguồn sống và niềm vui
đích thực nơi Thiên Chúa. Thánh nhân đã thốt lên niềm hạnh phúc từ sâu thẳm tâm
hồn “Ôi, Chúa là chân lý vĩnh cửu, là
tình yêu chân thật và là sự vĩnh cửu dấu yêu! Chúa là Thiên Chúa của con, đêm
ngày con khao khát Chúa. Con yêu Chúa quá muộn, lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa
vừa mới mãi, con yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vẫn ở trong con, mà hồi ấy con cứ
ở ngoài và cứ tìm Chúa bên ngoài” (Tự
Thuật).
Đọc Tin Mừng Thánh Gioan,
chúng ta như được thưởng thức một bản tình ca tuyệt đẹp mà trong đó “tình yêu”
được xem là một “âm chủ”. Vì tất cả mọi lời nói việc làm của Chúa Giêsu đều diễn
tả tình yêu tự hiến vâng phục ý Chúa Cha và hiến mạng để chuộc tội cho loài người
chúng ta. Ngài đã đến thế gian để yêu con người với nỗi cuồng si bất tận. Ngài
luôn chạnh lòng thương, đồng cảm với niềm vui nỗi buồn của con người. Đi đến đâu Chúa Giêsu thi ân giáng phúc đến đó. Người đến để chia sẻ niềm vui trong tiệc cưới tại Cana và cũng đến đồng bàn với những người tội lỗi. Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi cho con người, chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền về thể xác cũng như tâm hồn. Người cho người mù sáng mắt, người què đi được, xua trừ ma quỷ, tẩy sạch những gì là nhơ uế. Người đặc biệt yêu
thương người tội lỗi, góa bụa, trẻ em, người thấp cổ bé mọn...
Thiên Chúa bộc lộ cho con người biết mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa thật
lớn lao, cao sâu đến nỗi hy sinh cả Người Con Một Duy Nhất. Tình yêu ấy là sự kết
hợp và vâng phục ý Cha được thực hiện qua Đức Giêsu. Vì thế ai yêu thương thì
nên giống Thiên Chúa, và khi yêu thương con người được gọi là bạn hữu của Thiên
Chúa. Chính Thiên Chúa đã tác tạo
con người có trái tim biết yêu thương để họ được nên giống Thiên Chúa và được ở
lại trong Người.
Xin
Chúa khơi lên trong lòng chúng ta lời đáp trả khiêm tốn chân thành, để chúng ta
mãi được ở lại trong tình thương của Thiên Chúa.
Nt. M. Anh Thư, OP