Ngày VII trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
« Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ
giữa chúng ta »
(Ga 1, 1-18)
Bài Tin Mừng trong ngày cuối cùng của năm dương lịch 2013, như tất cả chúng ta đều biết, là trang đầu tiên của sách Tin Mừng theo thánh Gioan ; bài Tin Mừng này chiếu rọi một ánh sáng rực rỡ, một ánh sáng chỉ có thể đến từ mặc khải của Thiên Chúa, vào một sự kiện rất nhỏ bé, đơn sơ và nghèo khó, đó là sự hiện diện của : « Một trẻ sơ sinh bọc tã, năm trong máng cỏ » ở giữa chúng ta, như sứ thần nói với các mục đồng trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh (Lc 2, 1-14).
Một ánh sáng rực rỡ đến từ mặc khải của Thiên Chúa, ngày nay được diễn tả qua vô số ánh sáng đủ màu mà chúng ta trang hoàng cho hang đá với lòng mến, sẽ giúp chúng ta chiêm ngắm biến cố sinh ra của Đức Giê-su ở chiều sâu và nhất là mời gọi chúng ta thực hiện cùng một kinh nghiệm thiêng liêng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta, như thánh Gioan diễn tả trong phần mở đầu sách Tin Mừng của mình.
Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục chiêm ngắm « Hài Nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ », nhưng lần này, chúng ta sẽ chăm chú lắng nghe, với đôi tai và con tim của Đức Maria, lời của thánh Gioan, « Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến », nói về mầu nhiệm Giáng Sinh.
1. Kinh nghiệm đón nhận sự sống như là ánh sáng, từ Ngôi Lời sự sống và ánh sáng (c. 1-9)
Lời Chúa trong bài Tin Mừng mời gọi chúng ta nhớ lại ơn huệ sự sống nhờ Ngôi Lời : « nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành ». Thực vậy, theo St 1, Thiên Chúa đã sáng tạo bằng Lời (chúng ta có thể đếm được mười lần công thức : « Thiên Chúa Nói »). Chúng ta thường nghĩ rằng trước khi Thiên Chúa sáng tạo, chỉ có hư vô mà thôi. Tuy nhiên, trình thuật St 1, được long trọng công bố đầu tiên trong đêm canh thức Vượt Qua, mặc khải cho chúng ta rằng, trước hành động sáng tạo của Thiên Chúa, đã có cái gì rồi: “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm » (St 1, 1-2). Như vậy là đã có nhiều thứ (đất, vực thẳm, nước…), nhưng tất cả còn ở trong tình trạng hỗn mang và tăm tối. Hỗn mang và tăm tối, là nơi chốn của sự chết, của chết chóc. Tất cả chúng ta đều đang sống, chúng ta có nhận ra, sự sống này được Ngôi Lời ban cho chúng ta mỗi ngày không ? Cuộc sống của mỗi chúng ta, đời sống cộng đoàn của chúng ta, thế giới chúng đang sống, nếu không đón nhận Lời Chúa, để cho Lời Chúa tiếp tục sáng tạo soi sáng, dẫn dắt, nuôi sống thì cũng sẽ rơi vào tình trạng hỗn mang và tăm tối như thế, nghĩa là rơi vào tình trạng chết chóc.
Và thật là kì diệu, khi Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan, mặc khải cho chúng ta rằng : « Nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. » Thực vậy, theo St 1, công trình sáng tạo đầu tiên, chính là ánh sáng : Thiên Chúa Nói : « Hãy có Ánh Sáng » (St 1, 3) ; và từ Ánh Sáng phát sinh mọi sự, và nhất là Sự Sống. Vậy, chúng ta có sống sự sống của chúng ta như là ánh sáng không, hay như là bóng tối ? Như ở nơi Ngôi Lời, ánh sáng và sự sống là một. Ước gì sự sống của chúng ta bừng sáng và làm cho bừng sáng, nghĩa là đầy sức sống của Thiên Chúa và làm cho lan tỏa sức sống của Thiên Chúa, ngang qua cách chúng ta hiện diện mỗi ngày. Chúa vẫn ban cho chúng ta Lời của Người, Sự sống của Người, để cho lời chúng ta, sự sống của chúng ta trở thành ánh sáng ; hay đúng hơn, lời và sự sống của Người bừng sáng trong lời và sự sống của chúng ta.
2. Kinh nghiệm tái sinh làm con Thiên Chúa, như Ngôi Lời là Con Một Thiên Chúa (c. 10-15)
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì được ơn « đón nhận » Ngôi Lời nhập thể, như thánh Giuse, Đức Mẹ và như các mục đồng. Bởi lẽ, đón nhận sự sống từ Ngôi Lời và sống sự sống như là ánh sáng, chính là ơn huệ và hành trình tái sinh trở nên con Thiên Chúa, như Ngôi Lời là Con Một Thiên Chúa.
Hành trình tái sinh bởi Thiên Chúa để trở thành con Thiên Chúa và trở thành anh chị em của nhau thật không dễ dàng, cũng giống như mọi cuộc cưu mang và sinh ra đều lâu dài và khó khăn. Vì thế, « Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta », để trở nên khuôn mẫu và đường đi cho chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta mỗi ngày, với sự cảm thông và lòng bao dung, bằng Lời của Ngài, bằng Mình và Máu thánh của Ngài. Trong đời sống dâng hiến, các tu sĩ nam nữ được mời gọi dâng hiến tương quan huyết thống, để đón nhận, sống và làm chứng cho ơn tái sinh bởi Thiên Chúa, theo gương Thánh Gia : « Họ được sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa » (c. 13)
Xin cho chúng ta đón nhận Ngôi Lời nhập thể mỗi ngày và suốt đời. Và đó chính là ý nghĩa sâu sa của Đêm Canh Thức Giáng Sinh : chúng ta thực sự đón nhận Người và sống sự đón nhận này cả đời và mỗi ngày.
3. Kinh nghiệm lãnh nhận « hết ơn này tới ơn khác »
Với kinh nghiệm tái sinh làm con Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi đọc lại đời mình, để nhận ra « hết ơn này tới ơn khác », nhất là vào thời điểm kết thúc năm dương lịch này, để tạ ơn và ca tụng Chúa, cách hồn nhiên như các mục đồng. Bởi vì, chỉ với tâm tình của người con thảo, giống như Đức Giê-su đối với Thiên Chúa cha, chúng ta mới có thể nhận ra « hết ơn này tới ơn khác », mà Thiên Chúa tình yêu đã ban cho chúng ta.
« Hết ơn này tới ơn khác », nhưng ơn lớn nhất và bền vững nhất, chính là ân sủng và sự thật mà Đức Ki-tô thông truyền cho chúng ta, bởi vì Ngài là « Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật ». Ân sủng và sự thật mà Ngôi Lời thông truyền cho chúng ta, chính là khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, khuôn mặt mà Lề luật của Mô-sê và mọi thứ Lề Luật không bày tỏ hết được và nhiều khi còn che đậy, và nhất là bị ma quỉ, vốn là bóng tối và dối trá, làm cho sai lệch nơi tâm trí chúng ta, ngay từ nguồn gốc của sự sống (x. St 3, 1-7).
* * *
Khởi từ những kinh nghiệm này, giống như thánh Gioan Tẩy Giả và cả thánh Gioan, « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến » nữa, chúng ta được mời gọi làm chứng và loan báo về Ngôi Lời :
Là Sự Sống và là Ánh Sáng.
Là Con Một Thiên Chúa.
Và là Đấng ban cho chúng ta ân sủng và sự thật.
Giuse Nguyễn Văn Lộc