CHÚA NHẬT III PS:
“VÀ CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI”
Có
lẽ nhiều người đã từng nghe hoặc từng hát bài “Và con tim đã vui trở lại” của Đức
Huy. Lời bài hát nói lên tâm trạng của một người lầm lũi bước đi, tìm kiếm cho
mình một tương lai. Anh lao vào những cuộc vui của xã hội, nhưng chỉ tìm thấy
chán nản, thất bại, bế tắc. Chỉ khi một luồng sáng từ trên cao chiếu rọi vào
tâm hồn và chỉ cho anh một con đường phải đi, tác giả mới tìm lại được niềm vui
và hạnh phúc trong cuộc sống. Anh đã tâm sự: Tìm một con đường, tìm một lối đi,
ngày qua ngày, đời nhiều vấn nghi, lạc loài niềm tin, sống không ngày mai, sống
quen không ai cần ai, cứ vui cho trọn hôm nay. Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước
đi, một mình tôi về, nhiều lần ướt mi, chợt tình yêu đến trong ánh nắng mai, xóa
tan màn đêm u tối, cho tôi biến đổi tâm hồn, thành một người mới. Và con tim đã
vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai, tình yêu chiếu ánh sáng vào đời, tôi
hy vọng được ơn cứu rỗi, và con tim đã vui trở lại, và niềm tin đã dâng về người,
trọn tâm hồn nguyện yêu mãi riêng người mà thôi... Và bây giờ, ngày buồn
đã qua, mọi lỗi lầm, cũng được thứ tha, tình yêu đã đến trong ánh nắng mai, xóa
tan màn đêm u tối, cho tôi biến đổi tâm hồn, thành một người mới.Và con tim đã
vui trở lại ... Dẫu như tôi phải đi qua vực sâu tối, tôi vẫn không sợ hãi gì,
vì người gần bên tôi mãi.
Có
thể so sánh niềm vui của tác giả Đức Huy tìm lại được một hướng đi giống với niềm
vui của hai môn đệ trên đường Emaus và của các Tông đồ sau ngày Chúa Phục Sinh.
Quả thật, với cái chết của Thầy Giêsu, cánh cửa tương lai của các Tông đồ như bị
đóng lại. Trước mắt các ông chỉ còn là một màu đen tối, u buồn, sợ hãi lẫn thất
vọng. Có nhiều người trong họ đã buông xuôi và tính đến việc bỏ về quê như hai
môn đệ Emaus, có người bỏ đi một nơi nào đó như Tôma. Các Tông đồ khi đi theo
Chúa, họ đã đặt biết bao hy vọng và niềm tin vào Thầy mình, giờ đây họ như bị bế
tắc.
Đang
lúc các ông rơi vào tình trạng chán nản, thất vọng như thế, chính Chúa Giêsu đã
chủ động và tìm cách lấy lại tinh thần cho các ông. Ngài đã lần lượt hiện ra với
các phụ nữ, với các Tông đồ, với hai môn đệ trên đường Emaus để an ủi và giúp
các ông lấy lại được thăng bằng cho cuộc sống. Câu chuyện trong bài Tin Mừng
hôm nay xảy ra sau khi Chúa Phục Sinh đã đồng hành với hai môn đệ trên đường
Emaus. Ngài giải thích Kinh Thánh để củng cố đức tin và an ủi họ, cho họ nhận
ra Ngài lúc bẻ bánh. Hai môn đệ đã vô cùng phấn khởi trở lại Giêrusalem để thuật
lại kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh cho các Tông đồ khác.
Khi
các ông còn đang nói thì chính Chúa Giêsu đứng giữa các ông và bảo: Bình an cho
các con !Bình an chính là món quà mà Chúa Phục Sinh trao tặng cho các Tông đồ
và là món quà thích hợp nhất cho các ông lúc này. Chúa Giêsu đã thấu hiểu tâm
trạng của các Tông đồ. Các ông dường như chưa hoàn hồn, chưa hết đau đớn về cái
chết của Thầy cộng thêm nỗi sợ vì liên lụy tới Thầy Giêsu. Có lẽ điều khiến các
Tông đồ dù nghe thấy những người kia kể lại về việc họ đã gặp Chúa, nhưng vẫn
không tin, là vì họ đã chôn vùi cả tinh thần, ý chí và niềm tin của mình trong
ngôi mộ của Thầy. Vì vậy, khi Chúa hiện ra đứng trước mặt, các ông kinh hồn bạt
vía vì tưởng là bóng ma.
Chúa
Giêsu đã phải trấn tĩnh, thuyết phục các ông và tìm cách chứng minh Ngài chính
là Thầy của họ, Đấng đã chết và đã sống lại thật: Sao anh em lại nghi ngờ? Cứ sờ
mà xem, ma không có xương thịt như anh em thấy Thầy đây. Rồi Ngài cho các ông
xem dấu vết nơi tay chân Ngài. Dường như ánh mắt nghi ngờ vẫn còn nơi các Tông
đồ. Chúa Giêsu đã phải cho các ông thấy một dấu chứng khác khi hỏi các ông: Anh
em có gì ăn không? Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng, Người ăn trước mặt
các ông. Chắc chắn thân xác phục sinh của Chúa Giêsu không cần phải ăn uống,
nhưng Ngài vẫn ăn trước mặt các Tông đồ, để các ông tin Ngài đã sống lại thật
trong thân xác thật chứ không phải là ảo ảnh hay nằm mơ.
Dù
thuyết phục các Tông đồ bằng các dấu chứng như thế, Chúa Giêsu vẫn muốn xây dựng
đức tin của các Tông đồ trên nền tảng vững chắc hơn, đó là dựa trên Thánh Kinh.
Ngài nhắc lại cho các ông tất cả các sách Luật, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh đã
chép về Ngài phải được ứng nghiệm. Khi nhắc đến Môse và các Ngôn Sứ tức là nhắc
đến toàn bộ Thánh Kinh đã nói trước về cuộc tử nạn phục sinh và ơn Cứu độ mà Đấng
Cứu Thế sẽ thực hiện để cứu chuộc nhân loại. Tác giá Luca còn nhấn mạnh: Bấy giờ,
Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Được Chúa mở trí tức là được Chúa phá
đi màn đêm u tối, cho tâm hồn biến đổi thành một người mới.
Chúa
Giêsu nhắc lại cho các Tông đồ những đoạn Kinh Thánh nói về Đấng Kitô phải chịu
khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại. Điều này chứng tỏ rằng : Để đón
nhận được Tin Mừng Phục Sinh và trở thành người loan báo về mầu nhiệm Phục Sinh
cần phải đọc lại Kinh Thánh và tin vào những gì Kinh Thánh đã nói về Chúa
Giêsu. Đây chính là nền tảng cho đức tin của chúng ta, vì ngày nay, chúng ta
không được thấy Chúa Phục Sinh hiện ra, cũng không thấy ngôi mộ trống, nhưng chúng
ta vẫn có thể tin và đón nhận Chúa Phục Sinh nhờ lời minh chứng của Kinh Thánh
và của Giáo Hội.
Thánh
Phêrô sau khi đã chứng kiến ngôi mộ trống, những lần Chúa hiện ra và đọc lại
Kinh Thánh, ông đã tin. Niềm tin vào sự Phục Sinh đã biến đổi hoàn toàn con người
của ông. Từ một con người nhát sợ, ông trở thành can đảm ; từ một người trốn
tránh, nay ông dám đứng ra để nhận trách nhiệm làm chứng về Chúa Phục sinh. Bài
đọc một cho thấy Phêrô đã trích lời Kinh Thánh và nhắc đến việc Thiên Chúa hứa
với các Tổ phụ rằng sẽ ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Tuy nhiên, những thế hệ con
cháu của các tổ phụ đã từ chối và đã đóng đinh Ngài trên cây thánh giá. Thiên
Chúa quyền năng đã tôn vinh Đức Giêsu và làm cho Ngài từ cõi chết sống lại. Điều
quan trọng lúc này là hãy sám hối về hành động ấy, quay trở lại với Thiên Chúa
và tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô.
Cùng
với việc tin Chúa Giêsu Phục Sinh thì cũng đồng thời phải nhân danh Người rao
giảng cho muôn dân. Chính anh em là chứng nhân về những điều đó. Đây là trách
nhiệm Chúa trao cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể nói về Chúa Phục sinh khi ta
tin Ngài và đã gặp Ngài, vì nếu chúng ta chưa xác tín hoặc chưa gặp Ngài, lời
chứng của chúng ta sẽ không đủ xác tín và thiếu thuyết phục. Như vậy, để trở
thành chứng nhân về việc Phục sinh, chúng ta phải đọc và gẫm suy lời Kinh Thánh
mỗi ngày. Kinh Thánh sẽ củng cố đức tin cho chúng ta. Giống như hai mộn đệ trên
đường Emaus, cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình cũng có những lúc thăng trầm,
sóng gió. Có nhiều khi toan tính, dự định không thành, làm ăn thất bại ; nhiều
khi vì áp lực của xã hội khiến cho cuộc sống căng thẳng, mệt mỏi. Chúng ta tin
rằng, Chúa Phục sinh không bao giờ để chúng ta thất vọng, Ngài luôn đồng hành
bên ta để giúp ta tìm lại niềm vui cho cuộc sống. Chúa Giêsu cũng sẽ dùng Lời
Kinh Thánh để an ủi, nâng đỡ mỗi người. Ngài sẽcho chúng ta nhận ra Người trong
bữa tối khi chúng ta cố mời ép Người vào cư ngụ trong gia đình, trong tâm hồn.
Ngài hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể để những ai đến với Ngài sẽ nhận ra sự hiện
diện quyền năng của Ngài.
Tin
và loan truyền Chúa Phục Sinh, chúng ta không thể để mình sống trong ủ dột, buồn
chán, bi quan, thất vọng ; ngược lại, chúng ta phải sống trong niềm vui. Dân
ngoại sẽ không thể đón nhận Tin Mừng chúng ta loan báo khi chúng ta mang trên
mình gương mặt buồn bã, tinh thần uể oải. Niềm vui của Tin Mừng không phải là
niềm vui ồn ào bên ngoài, mà là niềm vui phát xuất từ trong tâm hồn vì tin rằng
chúng ta đã được cứu độ và trở nên con của Thiên Chúa. Niềm vui ấy sẽ phải lan
tỏa ra cho mọi người, qua lời nói qua cử chỉ và qua cách sống đẹp của mỗi Kitô
hữu nơi gia đình, nơi chòm xóm và nơi mỗi người đang làm việc.
Xin
Chúa cho mỗi người cảm nhận được niềm vui Phục sinh và trở thành người loan báo
tin vui Phục sinh cho anh chị em. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc