CHỦ NHẬT PHỤC SINH B
Giáo Hội đang ở đỉnh cao của năm Phụng vụ với ngày lễ lớn nhất trong năm, ngày kỉ niệm sự Phục sinh của Chúa Giê su. Vì tầm quan trọng ấy, nên lễ Phục sinh được chuẩn bị bằng một đêm canh thức cầu nguyện. Đêm canh thức là vết tích còn sót lại của những đêm mà các tín hữu đầu tiên trải qua để chúc tụng Chúa và cử hành phép rửa cho tất cả các dự tòng.
Sách Cv 10, 34.37-43
Trong mùa Phục sinh nầy, không cần phải đọc lại Cựu ước nữa, bởi vì ý nghĩa của Quá khứ ấy được sáng tỏ. Đó chính là điều mà các tông đồ đã công bố cho người Do thái và cả các dân ngọai. Họ là các Chứng nhân của Tin mừng trong thế giới. Bằng lời đơn sơ dễ hiểu, nhưng đầy xác tín của một chứng nhân, Thánh Phê rô đã tóm tắt cuộc đời Chúa Giê su, từ lúc rời Na gia rét khởi sự rao giảng cho đến khi bị giết treo trên thập giá rồi sống lại, và cuối cùng trao cho các tông đồ sứ mạng làm chứng cho Ngài.
Thánh vịnh 117
Khi hát Thánh vịnh nầy, người Do thái tưởng nhớ tất cả những nguy hiểm mà họ đã gặp và Chúa đã cứu họ trong suốt lịch sử của mình. Thánh vịnh nầy gợi lại cách thức mà Thiên Chúa đã dùng để xoay chuyển các tình thế nguy hiểm nhất. Được hát lên sau ngày Đức Ki tô sống lại, bài thánh vịnh nầy mang ý nghĩa phong phú hơn. Chúa Giê su bị dân Ngài lọai bỏ đã trở nên Nền tảng tạo dựng một Vũ trụ mới.
Thư Cl 3,1-4
Phải sống làm sao cho xứng đáng với với cuộc đời mới mà họ đã bước vào sau khi đã được cùng chết và cùng sống lại với Đức Ki tô trong bí tích thanh tẩy. Họ phải ý thức sự khác biệt trong đời sống mới so với đời sống cũ. Nếu trước kia, họ sống theo tinh thần và tiêu chuẩn trần gian, nhưng giờ thì phải lo tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.
Tin mừng Mc 16,1-8
Ngài đã trỗi dậy rồi, không còn ở đây nữa
NGỮ CẢNH
Nếu đoạn Mc (16,9-20) là phần thêm vào, thì đoạn tin mừng của chúng ta là đọan kết luận của Mc. Tin mừng kết thúc với sứ điệp phục sinh hoàn toàn vượt ngoài sự hiểu biết của con người: Đức Giê su Na gia rét đã sống lại.
Chúng ta có thể đọc đoạn văn theo bố cục như sau:
1. Hoàn cảnh (cc.1-2)
2. Ngạc nhiên đầu tiên (cc. 3-4)
3. Gặp gỡ thiên thần (cc.5-6)
4. Sứ điệp thiên thần (cc.6-7)
5. Kết luận (8)
TÌM HIỂU
Ngày sa bát: ngày sa bát kết thúc vào lúc trước mặt trời lặn. Như thế, vào buổi chiều các bà đi mua dầu thơm.
Maria Mác đa la: cùng với một vài bà khác (15,40), là chứng nhân gần thập giá và việc mai táng Chúa Giê su (15,47).
Ướp xác Chúa Giê su: đây không nói đến kỹ thuật ướp xác, nhưng là tẩm dầu thơm, theo phong tục của người do thái nhằm thanh tẩy xác chết. Cả Mt 28,1 và Ga 20,1 đều không nói đến dầu thơm mua sau ngày sa bát: theo họ thì các bà đến chỉ đơn giản để “nhìn” mà thôi. Đối với Luca 23,56 thì các bà đã đi mua dầu thơm trước ngày sa bát
Sáng tinh sương: trọn một ngày đã qua kể từ buổi chiều khởi đầu ngày sa bát (15,42) và buổi chiều kết thúc (16,1). Do đó theo cách tính của người phương đông là ngày hôm sau của ngày tiếp theo sau cái chết của Chúa Giê su.
Cách ghi chú thời biểu trên ngoài giá trị thực, còn có giá trị biểu tượng nữa: khởi đầu một tạo dựng mới, được soi sáng bởi mặt trời mới là chính Đức Ki tô phục sinh. “Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏ rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi” (Kh 21,23).
Tảng đá: mối bận tâm muộn màn của các bà được nói tới ở đây không nhằm thông tin về tâm lí của các nhân vật, nhưng chỉ nhằm mục đích giúp cho độc giả lần lượt nhận ra tất cả tầm mức nơi các sự kiện sẽ được trình bày – khối đá được đẩy qua một bên, ngôi mộ trống. Lời giải thích các sự kiện ấy được đặt trên một bình diện không đơn thuần mang tính cách nhân loại.
Lăn ra một bên rồi: bởi ai? Thể thụ động gợi ý là do hành động của Thiên Chúa.
Một người thanh niên: cả bốn tin mừng đều nói đến ngôi mộ trống. Lc đặt ở đó “hai người đàn ông” mặc áo trắng sáng. Ga thì ”hai thiên thần” ở 20,21. Nhưng ở 20,1-2 thì lại không ghi nhận một vị nào cả. Còn Maria thì nói đến một thiên thần của Chúa, diện mạo sáng chói như “làn chớp” đã lăn tảng đá ra và ngồi trên đó.
Những sự khác biệt đó cho ta hiểu rằng các tác giả tin mừng phát hoạ khung cảnh không như các sử gia nhằm cho biết những chi tiết chính xác câu truyện, nhưng nhằm giúp cho độc giả nhận thức mầu nhiệm của đức tin. Dường như theo truyền thống cổ nhất như trong Ga 20,1-2, ở ngôi mộ không có ai cả. Sự can thiệp của một sứ giả tương đương với một cách thức thường thấy trong Thánh Kinh: đó là kiểu giải thích cho độc giả điều mà các bà lẽ ra phải hiểu trong đức tin.
Trong Mc, có một thiên thần? Dường như là không.
Áo trắng cũng còn là y phục của những người “đã trải qua một cuộc gian khổ lớn lao” (Kh 7,14), hoặc của nhừng người tín hữu được Đức Ki tô cứu độ. Đó là chiếc áo trắng dài của những người được rửa tội. Như trong trường hợp của người thanh niên ở ngôi mộ, họ có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Đức Ki tô phục sinh (x.14,51).
Bên phải: là vị trí ưu tiên, danh dự như trong Lc 1,11.
Đức Giê su Na gia rét: chi tiết chính xác nầy nhằm nhấn mạnh đến căn tính của Đấng mà họ đang tìm: chính là Ngài!
Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa: hai câu nầy được Mt đảo ngược ở câu 28,6 hơi có khuynh hướng hộ giáo. Ngược lại ở đây, chỉ đơn thuần xác nhận không có xác Chúa Giê su. Còn về lời khẳng định nền tảng (“Người đã trỗi dậy”), không được tách rời khẳng định đi trước (“Đấng bị đóng đinh”), tạo thành lời phát biểu của đức tin được lặp lại và khai triển trong sách Cv và tin mừng: Chúa Giê su, Đấng bị đóng đinh đã sống lại.
Mc muốn nói khẳng định rằng Chúa Giê su: sau khi đã chết, Chúa Giê su không còn nằm dưới quyền sự chết nữa: Thiên Chúa đã đánh thức Ngài khỏi giấc ngủ của sự chết và đã cho Ngài trỗi dậy. Nhưng sự phục sinh của Chúa Giê su không được quan niệm đơn thuần như một sự trở lại cuộc sống trần gian, hay một sự sống sót tản mạn và bất định. Nhưng đây là một sự sống mới, vinh quang, vẫn có những đặc tính thân thể con người nhưng trong một hình thái khác: vẫn là một con người riêng biệt, một con người hiện diện đầy và hoạt động trước người khác.
Ông Phê rô: ở đây đặc biệt nhắc tới ông Phê rô là phù hợp với truyền thống cho rằng Đấng sống lại đã hiện ra với ông Si mon, đồng thời được khẳng định trong lời tuyên xưng đức tin cổ nhất ghi lại trong thư 1 Cr 15,3-5 và ở lời kết câu truyện Em maus: Lc 24,34. Lần nầy khép lại một loạt các lần ông Phê rô được nhắc lại trong suốt tin mừng, và nhấn mạnh rằng việc ông chối Chúa không hề có ảnh hưởng nào trong việc ông được Chúa Giê su chọn. (x. Ga 21,15-19).
Ga li lê: đấng Phục sinh triệu tập các môn đệ của Người tại chính nơi mà Người đã xuất hiện lần đầu tiên và đã kêu gọi các ông đi theo Người. Chính lúc nầy đây, sự kêu gọi ban đầu mang hết ý nghĩa của nó. Việc truyền giảng tin mừng được ngầm nói đến ở đây, sẽ được phát biểu một các minh nhiên hơn trong Mt 28,16-20 trong phần nối dài đoạn Mt 4,14-15.
Như Người đã nói với các ông: x. Mc 14,28.
Không nói gì với ai: nếu các bà nầy đã không nói gì cả, làm sao chúng ta có thể biết điều đã xảy ra? Do đó người ta phải nghĩ rằng đối với Mc sự im lặng nầy không dứt khoát.
SỨ ĐIỆP
Trong ngày chủ nhật Phục sinh hôm nay cũng như trong suốt mùa Phục sinh, Halleluia là câu hát không ngừng được mọi người tín hữu hát vang trong các bài thánh ca. Halleluia là từ híp pri có nghĩa là ‘Hãy ca tụng Thiên Chúa’, hãy tạ ơn Ngài.
Chắc hẳn còn có rất nhiều điều trong cuộc sống ngăn cản chúng ta hòa chung khúc hát Halleluia với mọi người. Đó có thể là những ưu tư lo lắng cho hiện tại hoặc tương lai, buồn nản thất vọng trước bệnh tật, hay mất mát người thân. Cũng có thể là khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, khiến cho cuộc sống bấp bênh. Và dù không gặp phải một khó khăn nào như thế, thì nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng ngăn chận tất cả ngững cái xấu trên thế gian, như bạo lực, hận thù, chiến tranh, chia rẻ, đói kém.
Trong tình huống như thế, người ki tô hát khúc Halleluia ca tụng Thiên Chúa đã thực hiện điều kì diệu nơi Đức Ki tô phục sinh thì không phải là để trốn chạy thực tế hay tìm chỗ trú ẩn an toàn trong tôn giáo. Đức tin Ki tô giáo không phải là trốn chạy cuộc sống, nhưng là một thái độ sống thực tế tuyệt vời. Nó đòi buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào hiện tại để sáng suốt hoạch định cho tương lai. Nhưng cái nhìn ấy chúng ta đặt trong một viễn tượng mới bởi vì căn bản đức tin của chúng ta là chính Chúa Giê su phục sinh. Ngài hiện diện trong lòng cuộc sống của chúng ta. Ngài sai chúng ta đi đến với những người đã gặp thử thách và đau khổ, và chờ đợi chúng ta hiện diện bên cạnh như những chứng nhân cho niềm hi vọng thúc đẩy chúng ta.
Trong suốt mùa Phục sinh nầy, chúng ta nghe đọc lại những chứng từ tin mừng nói về sự phục sinh của Chúa Giê su. Nếu để ý, chúng ta nhận thấy câu chuyện được kể lại bằng nhiều cách khác nhau đến nỗi ta không thể làm một bảng tường trình tổng hợp về biến cố nầy. Nhưng dù khác biệt nhau, nhưng tất cả các trình thuật đều đồng qui ở một điều căn bản: những giây phút đầu tiên, các bạn của Chúa Giê su đã không tin Thầy mình sống lại. Họ hoảng sợ, nghi ngờ nói với nhau: “Làm gì có chuyện đó được!”. Theo tin mừng Gioan, chỉ trử có một người đã tin, đó là Gioan, còn tất cả các môn đệ khác đều mang chung tâm trạng hoang mang sợ hãi.
Còn những người phụ nữ đối diện trước ngôi mộ trống, được trao phó sứ mạng loan báo tin mừng phục sinh thì cũng sợ hãi chạy về nhà nấp mình sau những cánh cửa đóng kín. Trừ Gioan ra, ai cũng nghĩ rằng sở dĩ ngôi mồ trống là vì người ta đã lấy cắp xác Chúa và đem đi nơi khác. Thế mà sau một khoảng thời gian ngắn, những con người ấy nhát đảm ấy đã được biến đổi hoàn toàn. Từ nghi ngờ họ đã tin tưởng, từ nỗi hoang mang sợ hãi họ đã đi đến niềm xác tín không gì lay chuyển được trong suốt cuộc đời. Điều gì đã xảy ra? Chủ yếu chính là một kinh nghiệm mà mỗi người đã trải qua khi nhìn thấy và gặp gỡ với Chúa Giê su Phục sinh. Người đã sống với họ trước kia, đã bị giết chết, thì nay đã sống lại và hiện ra với họ. Họ đã ăn uống với Ngài. Họ đã đụng chạm đến Ngài, cả cuộc sống của họ đã bị Ngài chạm đến.
Cũng chính Đức Ki tô phục sinh đến gặp chúng ta hôm nay để củng cố đức tin chúng ta. Ngài hiện diện trong bí tích Thánh Thể để qui tụ chúng ta và cũng muốn ở với chúng ta qua những niềm vui nỗi buồn cuộc sống, qua những hành vi chia sẻ và liên đới, qua công ăn việc làm cũng như giải trí. Từ nay, không còn điều gì trong cuộc sống chúng ta lại có thể lạ lẫm đối với Ngài. Sống như những người sống lại là nói với người khác rằng họ cũng có thể chỗi dậy, cũng có thể đi đến Ánh sáng, cũng là con cái Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng muốn họ ở gần Ngài mãi mãi.
Tin mừng ngày hôm nay chính là: Thiên Chúa không ở về phía sự dữ, đau khổ và sự chết, nhưng đứng về phía sự sống, về phía những người sống. Nếu chúng ta bị bệnh tật hay đau khổ, thì phải tin chắc rằng chúng không đến từ Thiên Chúa. Một vì Thiên Chúa yêu thương chỉ có thể đứng về phía sự sống. Ngang qua sự phục sinh của Chúa Giê su, các tông đồ khám phá rằng Thiên Chúa là đấng mạnh hơn sự chết. Từ đó, họ xác tín rằng nếu Thiên Chúa mạnh hơn sự chết, nếu Ngài có thể phục sinh Con của Ngài, thì trong cuộc chiến chống lại các mãnh lực sự dữ, chúng ta được bảo đảm toàn thắng.
Trong sự kiện phục sinh, các môn đệ tìm thấy một bảo đảm vững chắc cho cuộc sống của họ. Họ sẵn sàng đương đầu với mọi cuộc đau khổ, mọi cuộc tra tấn hành hình, và chấp nhận ngay cả cái chết hơn là chối bỏ đức tin. Đối với họ, chết là vượt qua một sự sống khác mà họ đã chạm đến trong con người Chúa Giê su. Tất cả điều đó qui chiếu chúng ta đến sự sống người tín hữu. Ki tô hữu không phải là người chỉ biết tự nhủ với mình rằng: “Tôi tin có một điều gì đó trên cao”. Nhưng là tin đấng sống lại; điều đó thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Từ giây phút ấy, chúng ta sống trong một thế giới đích thực. Chúng ta không bao giờ nhắm mắt trước sự dữ của thế gian, nhưng dám dấn thân vào một cuộc chiến như chính Chúa Giê su đã làm. Hơn nữa, chúng ta sẽ chiến đấu với niềm xác tín rằng chúng ta là những người chiến thắng. Thế giới mới đã bắt đầu, và Thánh Phao lô bảo đảm với chúng ta: “Chúng ta là những người đã sống lại rồi”.
Lúc bấy giờ, chúng ta có lí do để hát lên bài ca Halleluia. Bời vì ở trung tâm đức tin của chúng ta, có niềm xác tín rằng Chúa Giê su đã sống lại. Chúng ta sẽ hát lên Halleluia bởi vì cuộc sống chúng ta có một ý nghĩa khác và một giá trị rất khác.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Các phụ nữ đến mồ Chúa Giê su là ai?
THƯA: Đó là các bà đã quan sát cuộc đóng đinh Chúa Giê su, và hai trong nhóm họ đã chứng kiến cuộc táng xác người, đã nhìn kỹ chỗ đặt xác Người (x. Mc 15,47). Đó là những chứng nhân cái chết của Chúa Giê su.
2. HỎI: Tại sao Mác cô nói đến việc các bà đi mua hương liệu?
THƯA: Các bà đi mua hương liệu là để xức xác Chúa Giê su, một cử chỉ tỏ lòng kính trọng đối với người chết. Mác cô kể lại chi tiết đó nhằm nhấn mạnh rằng các bà không bao giờ nghĩ rằng Chúa Giê su có thể sống lại.
3. HỎI: Để nhấn mạnh đến thái độ ngạc nhiên của các Bà trước ngôi mộ trống, tác giả đã vận dụng những gì?
THƯA: Mác cô đã khéo léo đưa vào câu hỏi của các Bà: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?”. Nhưng khi vừa ngước mắt lên, họ đã thấy tảng đá đã lăn qua một bên rồi. Tảng đá ấy lớn lắm. Và tiếp đến việc gặp gỡ các thiên thần (cc. 5-6a) đã làm cho các bà ngạc nhiên tột độ.
4. HỎI: Sự hiện diện người thanh niên có ý nghĩa gì?
THƯA: Sự hiện diện của người thanh niên mặc áo trắng khiến các bà hoảng sợ. Ở đây, Mác cô mô tả một khung cảnh mạc khải của Thiên Chúa theo kiểu những cuộc thần hiện trong Kinh Thánh.
5. HỎI: Các cuộc thần hiện như thế xảy ra như thế nào?
THƯA: Trước tiên, người của Thiên Chúa trấn an: “Đừng hoảng sợ!”. Kế đến đưa ra một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi đến: “Đức Giê su đã chổi dậy rồi”. Và sau cùng trao cho một sứ mạng: “Hãy về báo cho các môn đệ của Ngài, đến gặp Ngài ở Ga li lê, như Ngài đã nói với các ông”.
6. HỎI: Sự kinh hoàng của các bà có ý nghĩa gì?
THƯA: Sự kinh hoàng của các bà có ý nghĩa tôn giáo hơn là tâm lí. Con người thường kinh hãi trước sức mạnh và biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa (Xh 15,16; Đnl 2,25; 11,25). Các bà kinh hãi vì kinh nghiệm thế giới thần linh dang xâm chiếm tâm hồn, khiến các bà không thể mở miệng nói được gì cả!
7. HỎI: Bài đọc thứ nhất nói về điều gì?
THƯA: Bài đọc thứ nhất trích từ sách Công vụ, là sách kể lại những điều kì diệu Thiên Chúa đã thực hiện trong Giáo Hội. Trong đoạn nầy. bằng lời đơn sơ dễ hiểu, nhưng đầy xác tín của một chứng nhân, Thánh Phê rô đã tóm tắt cuộc đời Chúa Giê su, từ lúc rời Na gia rét khởi sự rao giảng cho đến khi bị giết treo trên thập giá rồi sống lại. Sự sống lại của Ngài đã kéo theo hằng loạt những biến chuyển lạ lùng trong cuộc sống các môn đệ, để chuẩn bị sứ mạng làm chứng cho Ngài.
8. HỎI: Trong khi Mác cô viết: “Sáng tinh sương, lúc mặt trời hé mọc” (Mc 16,2), còn Gioan thì lại cho biết: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn đang tối” (Ga 20,1-9), tại sao?
THUA: Tin mừng Gioan muốn nhấn mạnh rằng: Sự Phục sinh của Chúa Giê su đã đẩy lùi màn đêm tăm tối của thế gian. Ngay từ đầu tin mừng, Gioan đã loan báo tìn mừng ấy: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Chiến thắng của ánh sáng là dứt khoát: “Can đảm lên anh em, Thầy đã thắng thế gian rồi” (Ga 16,33).
9. HÒI: Tin mừng Gioan viết: “(Người môn đệ kia) đã thấy và đã tin”, ông đã tin Chúa Giê su sống lại chưa?
THƯA: Sau khi Phê rô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải liệm xác và khăn che đầu, sau đó người môn đệ kia (chắc là Gioan) cũng đi vào, ông đã thấy đúng như Phê rô đã thấy, và ông đã tin. Đối với Gioan, băng vải và khăn che đầu là bằng chứng khẳng định Chúa Giê su đã sống lại. Vì nếu cho rằng có người đã lấy xác Chúa Giê su đem đi nơi khác, Gioan sẽ trả lời: “Nếu đã lấy xác, thì sẽ lấy luôn cuộn băng liệm xác và khăn che đầu! Và nếu Chúa Giê su vẫn chết, thì không ai lại tháo cuộn băng liệm và khăn che đầu ra!”.