CHÚA NHẬT VI PS:
THÁNH THẦN – ĐẤNG BẢO TRỢ VÀ HƯỚNG DẪN HỘI THÁNH
Lm. Giuse Đỗ đức Trí
Kính thưa quý OBACE, ngay sau khi Đức Thánh Cha Benedictô tuyên bố thoái vị, thì đã rộ lên những lời đồn đoán theo kiểu báo chí về bản thân của Ngài và về tương lai của giáo Hội. Báo chí cho rằng, Đức Thánh Cha benedicto tuyên bố từ nhiệm vì Ngài không chịu nổi sức ép của giáo triều và của thế giới, và người ta đã mượn lời của các nhà tiên tri giả để tiên đoán rằng, vị giáo hoàng kế nhiệm Đức Benedicto sẽ là một giáo hoàng chống phá Giáo Hội và là người đưa giáo hội đến bờ vực sụp đổ. Thế nhưng sự thật lại không phải như thế, nhìn vào Giáo Hội trong những tháng vừa qua, chúng ta đã nhận thấy bàn tay của Thiên Chúa đang hoạt động qua Thánh Thần của ngài để hướng dẫn và bảo vệ Giáo Hội trước những tấn công của thế giới. Đức benedictô đã cho biết, quyết định thoái vị của Ngài không phải là một quyết định vội vã mà là kết quả từ sự cầu nguyện và xin ơn Thánh Thần, chính vì thế Ngài cho biết tâm hồn Ngài rất bình an khi tuyên bố quyết định này. Cũng vậy việc bấu chọn đức Phanxicô làm giáo hoàng là kết quả và là sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, để vị tân Giáo Hoàng trở thành người hướng dẫn giáo hội trong hoàn cảnh mới hôm nay.
Nhìn lại những biến cố trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta càng cảm nhận rõ rệt hơn, quyền năng và sự hoạt động kỳ diệu của Chúa Thánh Thần mà Chúa Phục sinh ban tặng cho Giáo Hội, Ngài quả thật là Đấng Bào Trợ, là Thần Chân lý hằng can thiệp và dẫn dắt Giáo Hội từ xưa đến nay vượt qua biết bao thăng trầm của lịch sử.
Trước khi chia tay với các tông đồ, Chúa Giêsu hứa rằng: tất cả những ai yêu mến Người, tuân giữ giới răn lề luật của Người, bước theo con đường của Người, thì những người ấy là những người yêu mến Chúa, và những kẻ ấy sẽ được ở trong tình yêu thương của Thiên Chúa, và cả Chúa Cha, Chúa Con và chúa Thánh Thần sẽ đến cư ngụ trong tâm hồn người đó. Yêu ai thì muốn gần người ấy, yêu nhau thì muốn ở bên nhau và muốn nghe tiếng nói của nhau và muốn làm tất cả mọi việc để làm vui lòng nhau, cũng vậy, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta yêu mến Người như thế, Người muốn chúng ta ở bên người, muốn chúng ta nghe lời căn dặn của Người và Người muốn ở trong ta và chúng ta được ở trong Người. Khi yêu Chúa Giêsu và sống với Người như thế, chúng ta còn được trở thành người nhà là thành viên trong “gia đình” của Chúa, và Ngài sẽ ban Thánh Thần để hướng dẫn chúng ta: Đấng Bảo trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sai đến nhân danh Thày, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thày đã nói với anh em.
Chúa Giêsu đã thực hiện lời hứa này, và ngay từ những ngày đầu tiên Giáo Hội sơ khai cho đến hôm nay Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần vẫn không người hoạt động và hướng dẫn Giáo Hội. Bài đọc một chúng ta vừa nghe, đã thuật lại sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, giúp cho giáo Hội sơ khai giải quyết những khó khăn đã xảy ra: Lúc bấy giờ khi Tin Mừng của Chúa Giêsu được rao giảng thì đã có nhiều người tin theo, trong đó đa số là những người gốc dân ngoại tức là không phải là những Người Do Thái, vấn đề được đặt ra cho giáo hội là có những người bảo thủ buộc những người dân ngoại này khi tin theo Tin Mừng của Chúa Giêsu, phải giữ luật cắt bì của Mose; Từ đó vấn đề nảy sinh đó là Ơn Cứu độ là do phép cắt bì hay là do tin vào Đức Giêsu? Trước những vấn đề quan trọng này Phaolô và Banaba đã trở về Giêrusalem để xin ý kiến Phêrô và các tông đồ, sau khi nghe trinh bày, Phêrô với tư cách là Giáo Hoàng đã chính thức công bố bằng một lá thư gửi cho cộng đoàn Antiokia rằng: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác nữa ngoai những điều cần thiết này: kiêng ăn đồ cúng, không ăn tiết, cùng thú chết ngạt…” Quyết định này hết sức quan trọng vì nó đưa Giáo Hội bước sang một giai đoạn mời, hoàn toàn đoạn tuyệt với do Thái Giáo để trở thành một tôn giáo mới với những lề luật mới. Lời tuyên bố của Phêrô: Thánh Thần và chúng tôi thấy rằng, cho thấy Thánh Thần và giáo Hội gắn bó với nhau, và Chúa Thánh Thần trở thành như là “thành phần, là hồn sống” của Giáo Hội, chính Chúa Thánh Thần đã giúp các tông đồ đưa ra quyết định quan trọng và sáng suốt này, và đã thay đổi hoàn toàn từ suy nghĩ đến đời sống của Giáo hội.
Một khi mỗi người biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và làm theo sự chỉ bảo của Chúa Thánh Thần, thì ơn đầu tiên sẽ đến trong mỗi người đó là ơn bình an trong tâm hồn, đó là ơn mà Chúa Giêsu sẽ ban tặng qua Thánh Thần của Người. Ơn bình an này giúp cho chúng ta không còn sợ hãi và xao xuyến trước những khó khăn thử thách, trước những quyết định quan trọng, nếu chúng ta biết đặt mình nghe và làm theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, hay nói ngược lại sự bình an trong tâm hồn là dấu chỉ cho thấy công việc và quyết định của chúng ta phù hợp với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha Benedictô cũng đã chia sẻ kinh nghiệm như thế về quyết định thoái vị của Ngài, Ngài nói: Sau khi đã cầu nguyện và xin ơn Thánh Thần, tôi đã quyết định…, và tôi thấy tâm hồn mình thật sự bình an.
Ai yêu mên Thầy thì sẽ giữ lời Thầy- thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay là những lời tâm tình Chúa nói với từng người, lời này vừa là lời mời gọi, vừa là điều kiện để mỗi người thẩm định lại lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa qua việc chúng ta đón nhận và tuân giữ lời Chúa. Ngày hôm nay trong cuộc sống xã hội và gia đình, người ta thường thấy sự giả dối và lợi dụng trong tình yêu, hoặc là những lời nói yêu thương trống rỗng, lối sống giả dối này này nó cũng đang ảnh hưởng trên đời sống đạo của nhiều người; có những người mang danh là Kitô hữu nhưng không hề biết gì về Chúa Kitô, không biết về tin Mừng và Giáo lý của Người. Có nhiều người tin vào Chúa Giêsu nhưng lại sống ngược lại với Tin Mừng của Chúa Giêsu, không thực hành lề luật của Tin Mừng, họ yêu mến của cải vật chất và những lôi kéo của thế gian nhiều hơn yêu mên Chúa Giêsu, vì vậy mà cả ngày sống của họ hầu như không còn phút nào dành cho Chúa Giêsu, và lối sống của họ hoàn toàn giống như lối sống của người dân ngoại. Bên cạnh đó, Chúa Thánh Thần đã được ban tặng cho chúng ta là Đấng Bảo Trợ mỗi người, tuy nhiên trong cuộc sống nhiều khi người tín hữu đã từ chối sự dẫn dắt của Ngài bỏ qua sư hiện diện và soi dẫn của Ngài, khi chúng ta muốn làm theo ý riêng, muốn né tránh Tin Mừng của Đức Giêsu, muốn thỏa mãn cho bản thân và những dục vọng của mình.
Là những bậc cha mẹ, chúng ta được mời gọi chất vấn lại đời sống của mình trong trách nhiệm làm chồng làm cha, làm vợ làm mẹ, mỗi người có thực sư là những người yêu mên Chúa và làm theo Lời chúa hay chưa? Chúng ta có để cho Chúa đến và ở lại trong tâm hồn chúng ta hay chúng ta từ chối Ngài? Chúa đến với tâm hôn chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày, Chúa hướng dẫn chúng ta qua Lời của ngài được giáo Hội công bố trong Thánh lễ, và nơi các giờ kinh sớm tối trong gia đình, khi chúng ta biết sẵn sàng lắng nghe và thực hành, Chúa sẽ đến ở trong tâm hồn chúng ta. Hãy giữ Chúa ở lại với gia đình bằng việc tạo nên một bầu khí yêu thương thuận hòa và tẩy trừ những sư xấu xa gian dối trong tâm hồn, vì Chúa không thể ở trong một gia đình toàn sự cãi vã; trong mọi công việc và những quyết định của gia đình, hãy xin ơn Thánh Thần, khiêm tốn đặt mình dưới sự soi sáng và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy can đảm làm theo sự hướng dẫn ấy, Thánh Thần sẽ dẫn dắt gia đình chúng ta đến sư bình an và hạnh phúc.
Là những người con, nhiều bạn trè, đang bị cám dỗ để nổi loạn, để thoát ra khỏi sư hướng dẫn của gia đình, nhiều người khác tin vào khoa học, và bạn bè hơn là tin vào Chúa và Giáo Hội, và để ngòaì tai sự hướng dẫn của Giáo Hội, Lời Chúa hôm nay mời các bạn hãy đặt mình trở lại cho đúng vị trí là những người con trong gia đình và nhất là sống đúng tư cách là người con của Thiên Chúa, yêu mến và thực hành lời Chúa. Yêu mến Chúa sẽ không biến các bạn thành lỗi thời, thực hành lời chúa không làm các bạn lạc hậu, nhưng trái lại Chúa sẽ ban Chúa Thánh Thần để soi dẫn và đồng hành với các bạn, giúp các bạn có thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn của cuộc sống, soi sáng để các bạn có thể chọn lựa đâu là những điều đúng và đâu là những điều cần thiết để đưa các bạn tới hạnh phúc. Có Thiên Chúa ở trong tâm hồn, đó chính là hạnh phúc mà Chúa ban cho những kẻ yêu mến Ngài và giữ lời Ngài.
Xin Chúa Thánh Thần giúp mỗi người chúng ta luôn sống và thể hiện tình con thảo đối với Thiên Chúa qua việc yêu mến và tuân giữ Lời của Chúa mỗi ngày. Amen
VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN
Lm. Đan vinh
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 14,23-29
(23) Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (24) Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. (25) Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. (26) Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (27) Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (28) Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. (29) Bây giờ, Thầy nói với anh em, trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự việc ấy xảy ra”.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin mừng hôm nay trích trong bài từ biệt các Tông đồ của Đức Giê-su tại Nhà Tiệc Ly và gồm hai điểm chính như sau:
- THỂ HIỆN LÒNG MẾN: Đức Giê-su đòi các Tông đồ phải chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng cách tuân giữ Lời Người truyền dạy, nhờ đó họ sẽ được kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi và sẽ nhận được ơn Thánh Thần trợ giúp.
- HỨA BAN BÌNH AN VÀ NIỀM VUI: Đức Giê-su cũng hứa sẽ ban bình an của Người cho các Tông đồ. Bình an thực sự và ngay trong tâm hồn. Nhờ đó, các ông sẽ không còn bối rối sợ hãi khi gặp phải những cơn bách hại xảy ra. Vì Người hứa sẽ ở lại với các ông luôn mãi.
3. CHÚ THÍCH:
- C 23-24: +Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy: Đức Giê-su đòi các môn đệ phải chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng hành động cụ thể chứ không bằng lời nói hay tình cảm suông. Hành động chứng tỏ lòng yêu mến là tuân giữ giới răn Người truyền. +Cha Thầy và Thầy: Cha Thầy và Thầy ám chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Chúa Thánh Thần chính là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con nhiệm xuất ra.
- C 25-26: +Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy: Đức Giê-su loan báo sẽ xin Chúa Cha sai Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đến với các Tông đồ để Người sẽ ở lại với các ông luôn mãi (x. Ga 14,16). +Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em: Sứ mệnh của Thánh Thần là dạy cho các môn đệ tất cả những gì Đức Giê-su đã bày tỏ nhưng lúc đó các ông chưa thể lãnh hội được hết ý nghĩa (x. Ga 13,7).
- C 27-29: +Thầy để lại bình an cho anh em: Người Do thái thường chào nhau bằng lời chúc “Bình an”. Sự bình an này đồng nghĩa với không có chiến tranh... Còn sự bình an của Chúa Giê-su ban ở đây thuộc lãnh vực đức tin siêu nhiên. có nghĩa là được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết và được hưởng ơn cứu độ. +Bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy: Xét về bản tính Thiên Chúa thì Đức Giê-su ngang bằng Chúa Cha. Nhưng xét về tư cách Đấng Thiên Sai, thì Đức Giê-su là “Ngôi Lời đã hóa nên người phàm”(Ga 1,14) nên không thể cao trọng bằng Thiên Chúa là Đấng đã sai Người (x Ga 14,28b). Thánh Phao-lô đã nói về điều này như sau: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu...” (Pl 2,6-11).
4. CÂU HỎI: 1) Đức Giê-su đòi môn đệ làm gì để chứng tỏ lòng yêu mến đối với Người ? 2) Ai yêu mến Người thì sẽ được Thiên Chúa ban thưởng thế nào ? 3) Đức Giê-su hứa ban Chúa Thánh Thần đến nhằm mục đích gì ? 4) Sự bình an do Đức Giê-su hứa ban giống hay khác với lời chào chúc bình an của người Do thái ? 5) Tại sao Đức Giê-su lại nói : ”Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” đang khi giáo lý dạy ba Ngôi Thiên Chúa bằng nhau và không Ngôi nào lớn hơn!
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1.LỜI CHÚA: “Thầy đi thì ích lợi cho anh em” (Ga 16,7).
2.CÂU CHUYỆN:
ME-RI-ƠN OÉT (Marion West) là một bé gái 4 tuổi. Ngày nào bé cũng vui mừng nhảy nhót khi thấy mẹ từ chỗ làm tới đón về nhà ăn trưa. Vì bận phải đi làm việc gần nhà nên từ sáng sớm, mẹ cô bé đã đem con nhờ người hàng xóm tốt bụng trông giúp. Rồi đến trưa bà tranh thủ ra khỏi chỗ làm để đi đón con, và hai mẹ con hối hả trở về nhà cùng ăn trưa và vui đùa bên nhau. Rồi đến một giờ chiều, bà lại phải từ giã bé để đến chỗ làm tiếp tục công việc. Sau đó, bé ME-RI-ƠN thường buồn tủi ngồi im lặng hàng giờ đồng hồ. Thế rồi, theo lời khuyên của chuyên gia tâm lý, một ngày kia, mẹ bé đã thôi không về nhà vào mỗi buổi trưa đón bé nữa. Trưa hôm ấy, bé ME-RI-ƠN buồn rầu không thiết ăn uống. Em cứ thắc mắc tại sao mẹ lại không về nhà ăn trưa và chơi đùa với em ? Nhưng rồi lâu ngày bé quen dần và trở lại vui vẻ như trước. Nhiều năm sau đó, ME-RI-ƠN mới được mẹ kể cho biết bấy giờ hàng ngày bà vẫn trở về nhà, nhưng không ghé đón cô. Bà thường ngồi bên cửa sổ nhà bếp vừa ăn trưa vừa nhìn con vui chơi với các bạn bên nhà hàng xóm. Bà ao ước được chạy lại ôm ấp cô cho thỏa lòng. Nhưng vì muốn cho con trưởng thành, bà đành nén lòng lại, để con quen dần với sự vắng mặt của bà mà phát triển tâm lý bình thường như bao trẻ khác. Giờ đây khi đã khôn lớn, ME-RI-ƠN mới hiểu lý do tại sao mẹ cô lại làm như thế, và cô lại càng biết ơn mẹ nhiều hơn.
3.SUY NIỆM:
Tin Mừng CN hôm nay ghi lại lời Chúa Giê-su tâm sự với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly trước khi Người lìa bỏ các ông ra đi chịu khổ nạn và gồm hai điểm chính như sau:
1) Đức Giê-su hứa ban Thánh Thần: Khi nghe Đức Giê-su tiên báo việc Người sắp ra đi chịu khổ nạn rồi mới được Chúa Cha tôn vinh (x Mc 10,33-34), các môn đệ rất đỗi buồn phiền chán nản. Đức Giê-su đã phải an ủi khích lệ các ông khi cho biết việc Người ra đi là để dọn chỗ rồi sau đó Thầy trò lại sẽ lại được đòan tụ với nhau, nên lẽ ra các ông phải vui mừng vì Người được Chúa Cha tôn vinh. Hơn nữa các ông sẽ không bị mồ côi vì Chúa Cha sẽ sai Chúa Thánh Thần đến an ủi và phù giúp các ông chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời. Quả thật sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, các môn đệ không còn thấy Người hiện ra nữa. Nhưng Chúa Thánh Thần đã được sai đến vào lễ Ngũ Tuần đến thay Người giúp các ông chu tòan sứ vụ loan Tin Mừng như Người đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26).
2) Vai trò của Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần giống như một Thầy giáo phụ đạo, sẽ soi sáng và giúp các môn đệ hiểu rõ lời Đức Giê-su dạy và giúp các ông chu tòan sứ vụ làm chứng nhân tình thương của Người đến tận cùng trái đất (x Ga 15,26-27).
3) Ích lợi của việc Đức Giê-su ra đi: Sau khi hoàn tất công việc được Chúa Cha trao phó, Đức Giê-su đã trao lại sứ vụ cứu độ trần gian cho Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần. Dù rất yêu thương các môn đệ và luôn muốn ở bên các ông, nhưng Đức Giê-su vẫn quyết tâm ra đi, vì điều đó mang lại lợi ích thực sự cho các ông. Nó vừa giúp các ông trưởng thành về đức tin hơn, lại vừa giúp họ đón nhận được đầy ơn Thánh Thần để chu tòan sứ vụ được sai đi (x Ga 20,22-23), loan báo Tin Mừng và dạy dỗ người ta (x Mt 28,19-20), làm chứng nhân cho tình thương của Thầy Giê-su “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
4) Ứng dụng vào thực tế: Câu chuyện của bé ME-RI-ƠN nói trên phù hợp với ý nghĩa bài Tin mừng hôm nay. Điều thích hợp và hữu ích đối với cô bé bốn tuổi ME-RI-ƠN và các môn đệ của Đức Giê-su, cũng hữu ích cho các tín hữu chúng ta hôm nay. Có những lúc, chúng ta có cảm tưởng như bị Thiên Chúa bỏ rơi: Khi ta chán nản, không còn thiết tha với việc cầu nguyện hằng ngày, với việu chầu trước Nhà Tạm thờ Chúa Giê-su Thánh Thể... Có những lúc đức tin của chúng ta trở nên yếu đuối khác hẳn với sự mạnh mẽ trước đó. Cũng có khi chúng ta không còn hứng thú với các sinh hoạt đòan hội như đi họp, đi làm công tác thăm viếng, quét dọn vệ sinh nhà Chúa, đi tập hát phục vụ trong thánh lễ... Chúng ta có cảm tưởng như bị Thiên Chúa bỏ rơi giống như Đức Giê-su hấp hối trên thập giá đã phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Tuy nhiên điều đó lại trở thỳanh cơ hội giúp chúng ta trưởng thành về đức tin, tập yêu Chúa cách quảng đại vô điều kiện, vững tin cậy vào Chúa, tin rằng Chúa để xảy ra tình trạng đó là nhằm thử thách đức tin của chúng ta. Chúa sẽ ban thêm sức mạnh giúp chúng ta vượt qua thử thách. Điều cần phải làm là vững tin vào tình thương của Chúa và chờ đợi chắc chắn Chúa sẽ ban nhiều hồng ân giúp đỡ ta như lời Chúa đã quả quyết với thánh Phaolô được ngài ghi lại như sau : “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy d0ược biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12,9).
5) Kết luận: Chúa Giê-su luôn yêu thương chúng ta. Người muốn hiện diện ở bên để chăm sóc chúng ta là đòan chiên của Người. Nhưng Người biết rằng: Nếu Người lánh mặt đi thì sẽ có lợi cho chúng ta hơn. Người biết đã đến lúc chúng ta cần phải lớn lên về tâm linh, giống như Chúa Giê-su thấy đã đến lúc phải lìa bỏ các môn đệ để đem lại lợi ích cho các ông. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhận ra rằng: việc cầu nguyện có giá trị không hệ tại ở chỗ cảm thấy xúc động nhiều ít,nhưng là lúc tâm hồn chúng ta bị khô cứng như đá, không cảm thấy sốt sắng gì cả. Nhưng đó lại là lời cầu nguyện có giá trị nhất về đức tin. Qua đó, chúng ta hiểu rằng: Đức tin chân chính là một tâm tình dâng hiến, là một thái độ phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng, là một lời thưa “xin vâng” thánh ý Chúa Cha như Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a đã trải qua để nêu gương cho chúng ta học tập (x. Mt 26,39; Lc 1,38). Do đó khi dự lễ hay chầu Mình Thánh Chúa, chúng ta không cảm thấy Chúa hiện diện thực sự trong tấm bánh miến, nhưng chúng ta “hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”. Bấy giờ đức tin của chúng ta sẽ được Chúa chúc phúc, như lời Chúa Phục Sinh đã nói với ông Tô-ma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).
4.THẢO LUẬN: 1- Khi gặp cơn khủng hoảng về đức tin (chán ngại cầu nguyện, lười biếng làm các việc đạo đức bác ái...bạn sẽ vượt qua khủng hoảng ấy bằng cách nào? 2- Bạn sẽ làm gì để lời chúc bình an cuối lễ được ứng nghiệm trong đời sống thường ngày ?
5.NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa đã hứa rằng: sau khi Chúa ra đi thì Đấng Bảo Trợ khác là Thánh Thần sẽ được Chúa Cha sai đến, để tiếp tục dạy dỗ và làm cho các môn đệ nhớ lại mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó. Chính Thánh Thần sẽ giúp Hội thánh, trong đó có mỗi người chúng con thêm lòng yêu mến Chúa để thực hành được giới răn quan trọng nhất là “mến Chúa yêu người”.
- LẠY CHÚA, cho tới bây giờ hầu như chúng con mới chỉ yêu thương tha nhân bằng sự cầu nguyện, bằng lời nói hơn việc làm. Xin Chúa sai Thánh Thần đến canh tân lòng trí chúng con. Xin cho chúng con ý thức tình yêu phải được thể hiện bằng sự năng nghĩ đến người mình yêu, quên mình và hy sinh phục vụ người bên cạnh, quảng đại chia sẻ giúp đỡ người nghèo có đủ cơm ăn áo mặc, người bệnh có đủ thuốc men chữa bệnh, người đau khổ tìm được sự cảm thông an ủi, người lạc đường được Chúa dẫn đưa về nẻo chính đường ngay.
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH.
Lm. Paul. Nguyễn Nguyên
Nếu trong nếp nghĩ của người Việt nam chúng ta, tiếng chào được đặt ở vị trí cao hơn mâm cỗ, thì trong nếp sống của người Do thái, tiếng chào bình an xem ra lại được đặt ở vị trí cao hơn. Đó không phải là lời chào thuần tuý đầu môi chót lưỡi nghi thức xã giao vốn đã ăn sâu trong tập tục nhiều dân tộc. Mà còn là lời chúc nồng ấm tinh thần đạo giáo. Chào chúc bình an cho ai không chỉ là chúc cho người đó được bình an mạnh khoẻ tươi vui thành công trên đường đời, mà còn ước mong sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội bình an ở với người ấy.
Hôm nay, trong những lời cuối cùng của bữa tiệc Ly, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ về ơn bình an Ngài sẽ ban tặng cho các ông như một di sản. “Thầy để lại bình an cho anh em. Bình an Thầy ban cho anh em không như bình an thế gian ban tặng”. Bình an Chúa Giêsu mang đến cho trần gian là bình an các thiên thần đã loan báo trong đêm Chúa giáng trần. Là bình an Chúa dặn các môn đệ mang đến cho dân trên mỗi chặng đường loan báo Tin mừng của các ông. Nhưng ơn Bình an ấy chỉ được ban tặng thật sự khi Con Thiên Chúa vượt qua cái chết thập giá, và phục sinh vinh quang. Như thế, bình an, đối với Chúa Giêsu chính là niềm vui được ươm gieo trên mỗi chặng đường khổ giá, là sự sáng bừng lên trên đồi cao thập tự, và là sức sống mới đâm chồi từ ngôi mộ trống vào rạng đông của ngày thứ nhất. Đó là sự bình an của những tâm hồn thiện chí thao thức với nỗi khổ của người đồng loại, trăn trở về một cuộc sống tốt đẹp hơn, về một thế giới hòa bình, chứa chan tình huynh đệ. Bình an của Chúa Giêsu không phải là lối sống dễ dãi, an phận không bị ai quấy rầy, cũng không phải kiểu sống thác loạn, phóng túng, nhưng là sự bình an đâm rễ trong tâm hồn. Bình an đó đòi con người phấn đấu không ngừng để vượt thoát vỏ ốc của cái tôi, vượt thoát pháo đài kiên cố của hưởng thụ. Bình an đó chỉ có được khi con người khuất phục được kẻ thù ghê gớm nhất của sự sống là tính ích kỷ của chính mình, là phá bỏ mọi cách ngăn để có thể làm hòa với Thiên Chúa, với bản thân và với người khác.
Nói một cách khác, ơn bình an Chúa Giêsu để lại cho các môn sinh của mình không đặt trên uy quyền, thế lực, hay sức mạnh của đồng tiền. Nhưng là hoa trái của tình yêu, là phải được dựng xây bằng những viên đá của chính trực, công bằng và lòng nhân ái. Tắt một lời là bình an của Chúa chỉ có được khi “ anh em yêu mến Thầy và giữ lời Thầy”. Vì sao vậy? thưa, vì “nếu anh em yêu mến Thầy và giữ lời Thầy thì Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Mà nơi nào có Chúa Cha, Chúa Con thì cũng có Chúa Thánh Thần, như thế làm sao tâm hồn con người có thể hiềm thù, nổi loạn, chiến tranh khi lòng mình có Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn Bình an tuyệt đối ngự trị. Hơn nữa khi yêu mến Thiên Chúa thì sẽ thúc đẩy con người yêu thương nhau, tha thứ cho nhau, mà khi có tình yêu, có lòng tha thứ chắc chắn con người sẽ không bao giờ thiếu vắng bình an.
Vì thế, để xứng đáng lãnh nhận bình an của Chúa, mỗi người chúng ta hãy mau mắn tuân giữ các lời dạy của Ngài bằng cả tấm lòng thành của mình. Chúng ta hãy can đảm sống theo lời dạy của Chúa và tuân theo các giáo huấn của Hội Thánh với cả niềm tín thác, cậy trông. Nhất là xin Chúa ban cho chính lòng mình tràn ngập bình an, để sống với anh chị em xung quanh. Sau nữa là xin Chúa tiếp tục tuôn đổ bình an cho thế giới, để nhân loại biết yêu thương và tha thứ cho nhau. Xin Chúa hãy làm cho mọi người hiểu rằng, giết chết bình an thì dễ, nhưng để có bình an, khó lắm. Nếu đã không nỗ lực để kiến tạo bình an, thì cũng đừng tìm cách chà đạp bình an của thế giới, của lòng người, nhất là đối với những người vô tội. Còn nếu mỗi người chúng ta đều hết lòng khiêm tốn đón nhận và vâng giữ lời Chúa với cả tấm lòng thành như thế, mỗi người chúng ta sẽ có được bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Amen.