Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

Suy niệm thứ Sáu tuần V Phục Sinh

THÁNH PHILIPPHÊ VÀ GIACÔBÊ

CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ

LỜI CHÚA: Ga 14,6-14

Icon_JesusFace_01.jpg(6) Ðức Giêsu đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (7) Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người". (8) Ông Philípphê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện".

(9) Ðức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha'? (10) Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Ðấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (11) Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không, thì hãy tin vì chính các việc kia vậy. (12) Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. (13) Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. (14) Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

SUY NIỆM

Đoạn Tin Mừng ngày lễ hai thánh tông đồ Philiphê và Giacôbê (Gn 14, 6-16) trích lại một phần cuộc đối thoại riêng tư giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài.

Cuộc đối thoại nhằm đào tạo các môn đệ trở thành nhữang sứ giả Tin Mừng sau này, chủ yếu bao hàm lời giảng giải của Chúa Giêsu về con người và sứ vụ cứu độ của Ngài. Lý do thật đơn giản, ở vào thời điểm đi theo Thầy và sống với Thầy, sự hiểu biết mang nặng tính trần thế của người Do-thái về đấng Cứu Thế xem ra đã thấm sâu vào tinh thần của các môn đệ: cũng như người dân Israel nói chung, các môn đệ Chúa Giêsu thường hình dung Đấng Cứu Thế giống như vị anh hùng dân tộc, đến giải phóng đất nước khỏi ách thống trị ngoại bang và trở thành ông vua  cai trị thần dân trong một vương quốc giàu có hùng mạnh. Hình ảnh này chắc chắn hoàn toàn xa lạ với sứ vụ và con người của Chúa Giêsu .

Những lời đối thoại đầu tiên dường như tập trung làm nổi bật sự nghiệp cứu độ và thân thế thực sự của Thầy Giê-su mà các môn đệ, ít là bước đầu đã tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Đáp lại câu hỏi của Tôma, Chúa Giêsu  khẳng định: «Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được Chủa Cha mà không qua Thầy» (Gn 14,6). Quả thật, căn cốt nhất trong sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su là dẫn đưa con người về nhà Cha, hòa giải nhân loại với Thiên Chúa là cội nguồn của sự sống thật, sự sống vĩnh cửu.

Câu trả lời cho Tôma mở ra ước nguyện rất chân thành của Philiphê : «Thưa thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện rồi» (Gn 14,8). Ngôn từ đáp lại của Chúa Giêsu, trong thực tế, có thể được xem như một lời trách: «Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philiphê, anh chưa biết thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» (Gn14,9). Ai thấy Thầy là thấy Thiên Chúa! Nếu vậy, Chúa Giê-su không chỉ là con đường dẫn đến ơn cứu độ, mà còn chính là ơn cứu độ, là chính sự sống thực sự của thế giới như Ngài công bố trước đó: «Thầy là đường, là sự thật và là sự sống». Bởi ai đến với Ngài cũng có nghĩa là đến với Thiên Chúa Cha, đến với chính nguồn gốc của mọi điều tốt đẹp, của ơn cứu độ là sự sống đời đời trong Thiên Chúa.

Có thể nói, ít là trước thời điểm này, các tông đồ chưa bao giờ nghe và hiểu được sự kết hiệp sâu xa, mầu nhiệm giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu; cũng vì thế các vị cũng chưa thể hình dung ra một vì Thiên Chúa và một Con Người đang cùng tồn tại song hành trong bản thân Thầy Giêsu thành Nazareth. Không chỉ hài lòng với việc chứng minh sự ngang bằng trong căn tính của mình với Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu còn nhắc các môn đệ rằng các ông sẽ tiếp tục công việc cứu độ của Ngài; đồng thời để đảm bảo cho các môn đệ đủ khả năng thực hiện sứ vụ, Ngài chia sẻ cho các ông quyền làm phép lạ, hứa ở với các ông mãi mãi và nếu các ông xin điều gì Ngài sẵn sàng thực hiện.

Những lời giảng giải, mời gọi, những lời hứa của Chúa Giêsu cho các tông đồ ngày xưa, chắc chắn cũng được gửi đến mỗi chúng ta hôm nay. Sau khi suy niệm đoạn Tin Mừng này, Thánh José Marie nói lên xác tín của mình : khi Chúa Giê-su công bố «Thầy là đường là sự thật và là sự sống», thì qua những ngôn từ không chút mập mờ này, Ngài chỉ cho chúng ta con đường thực sự đem đến hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh nhân nói tiếp: Chúa chúng ta mạc khải công khai «con đường» đó cho tất cả mọi người, nhưng cách đặc biệt cho những ai được gọi là Ki-tô hữu. Bởi vì, không dừng lại ở việc khám phá con đường cứu độ thật là chính Chúa Giê-su, các Ki-tô hữu còn được mời gọi, như các Tông đồ xưa, tiếp tục công việc cứu nhân độ thế của Ngài: rao giảng và làm chứng cho Chúa Giê-su là con đường thật dẫn đến Thiên Chúa Cha, là Đấng Cứu Thế, là chính sự sống của Thiên Chúa, là ơn cứu độ thật sự của tất cả mọi người.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim nồng nàn yêu mến Chúa và các linh hồn, một tấm lòng can đảm không biết sợ khó khăn, gian khổ, để chúng con ra đi, như các Tông đồ xưa, làm chứng cho Chúa, đem về cho Chúa những con chiên lạc mà Chúa đang kiếm tìm. Nguyện xin Thánh Philiphê và Giacôbê chuyển cầu cho chúng ta.

Mai Đệ Liên

Thứ Sáu tuần V Phục Sinh

                                       Thánh Philiphê và thánh Giacôbê Tông Đồ

ĐỂ THẤY ĐẤNG VÔ HÌNH

LỜI CHÚA: Ga 14, 6-14

(6) Ðức Giêsu đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (7) Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người".

(8) Ông Philípphê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện".

(9) Ðức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha'? (10) Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?

Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Ðấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (11) Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ; bằng không, thì hãy tin vì chính các việc kia vậy.

(12) Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn lao hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. (13) Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. (14) Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

SUY NIỆM: “...Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9)

1. Có lẽ ta nên bắt đầu giờ suy niệm bằng việc chiêm ngắm hai điểm sáng của Phụng vụ hôm nay: thánh Philiphê và thánh Giacôbê tông đồ. Philíphê tin vào lời gọi của Chúa Giêsu, đi theo Người, gặp Người, biết Người rồi hỉ hả rao báo cho Nathanael rằng mình đã gặp Đấng mà Môsê và sách Luật nói đến (x. Ga 1, 43 – 46) ; Còn Giacôbê, được gọi là Giacôbê hậu, lại để đời với trải nghiệm quý báu về lòng tin: đức tin nơi một người dù có thẳm sâu, có vững chãi và đủ đầy thế nào đi nữa, thì vẫn phải được biểu lộ bằng việc làm, phải sinh hoa trái là những hành động được đức ái đóng ấn (x. Gc 2, 14 - 26). Hai vị là bản minh họa sáng giá về hai chiều kích căn bản trong đời sống Kitô hữu: một chiều quy về Chúa (mến Chúa) và một chiều mở ra với anh chị em (yêu người).

2. Về với bản văn Phụng vụ Lời Chúa, ta lại thấy thấp thoáng gương mặt hai vị tông đồ: thánh Giacôbê được diễm phúc thấy Đấng Phục Sinh (đã trở nên vô hình trước mắt phàm nhân –BĐ 1, câu 7).  Còn Philíphê lại đơn thành mong ước được Thầy giúp cho thấy Chúa Cha (Bài TM, câu 7-8). Ta không khó để nhận ra tương quan nhân quả giữa hồng ân thấy Đấng Phục Sinh và việc đáp trả hồng ân này bằng niềm tin mạnh mẽ nơi Đức Kitô rồi hân hoan thể hiện niềm xác tín ấy qua những việc làm lớn nhỏ mang dấu ấn của Thầy mình, của Đấng Phục Sinh cho anh chị em.

Thành ra, khi khẳng định ai thấy Thầy, là thấy Chúa Cha, Đức Giêsu không chỉ mở ra niềm hy vọng, mà mở luôn một lối sống cho phép ta trọn vẹn no thỏa niềm mơ ước được thấy Chúa Cha - Đấng Vô Hình: Cần thiết phải để Chúa Giêsu ở với ta, ta phải gặp gỡ và biết Người (Ga 15,7), nhất là phải tuyệt đối tin vào Người (Ga 15, 11) với trọn vẹn lòng mến của ta . Lại cũng cần thiết phải dùng lối sống, thái độ, lời nói, cử chỉ của ta mà làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Cha trong cuộc đời này (yêu người).

3. Nhìn lại đời Kitô hữu của mình, ta cũng đã ít nhiều có trải nghiệm như hai thánh tông đồ. Ta đã thấy Chúa, gặp Chúa trong cầu nguyện, khi hiệp lễ, hoặc nơi các anh chị em nghèo khổ, ... Rất có thể những lần gặp gỡ này từng làm ta ngất ngây sung sướng như thể ở thiên đàng, từng làm ta hoán cải sâu sắc với những dòng nước mắt tuôn chảy trong ân sủng, từng khiến ta có những quyết tâm điều chỉnh đời mình khá nghiêm túc, có những việc bác ái rất thiết thực, hoặc có những hy sinh thật đáng nể.

Tuy vậy, nếu thực lòng phơi bày đời mình trước Lời Chúa, tôi và bạn, ta cùng nhớ xem mình đã làm gì khi đối diện với những cảnh huống xem ra nghịch thường, nghịch lý, nghịch tình, ...? Phải chăng ta đã ta thấy mình khó đến với Chúa, khó hướng về Chúa biết bao; khó mở lòng với anh chị em, khó đến với họ biết bao? Phải chăng ta đã từng mời Chúa ở xa ta chút xíu hầu rảnh rang xoay trở tình hình, hoặc đã từng xin anh chị em để ta yên thân mà giải quyết sự việc ? ... Thật quá dễ để tin Chúa và yêu anh chị em khi đời ta trôi êm trong những lập trình hay trong những điều ta nhận thấy là may mắn.

Ta cùng dành ít phút quý giá để lắng nghe lời thì thầm của Chúa Giêsu, chắc hẳn Người đang muốn tỏ cho ta biết tình trạng thật, mức độ thật của lòng khao khát được thấy Chúa Cha nơi con tim dòn mỏng phận người của ta... Chớ gì ta bớt tự phụ, bớt ngã lòng để trân quý từng lời Chúa nhủ bảo và can đảm điều chỉnh đời mình theo lòng Chúa ước mong.

4. Lạy Đấng lòng con khao khát, con tạ ơn Người đã thương cho con đức tin, đã ban phúc lộc dồi dào để con đáp lại ơn ấy bằng niềm tín thác trọn vẹn nhưng cũng đầy bấp bênh của con ; xin Người thứ tha vì vô số lần con đã không thèm mong ước được gặp gỡ và ở lại với Người, lại cũng không bận tâm đến việc phải sống thế nào để anh chị em con nhận ra sự hiện diện của Người nơi con. Giờ đây con thực sự khao khát và thành tâm mong Người vui lòng đến và ở lại trong con, để con được đến và ở lại trong Người, và...để con được thấy Người. Amen.

Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần V Phục Sinh năm C. Lm Đaminh Đỗ Hữu Nam
     Suy Niệm Tin Mừng thứ tư tuần V Phục Sinh năm C. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Suy Niệm Thứ Ba tuần V Phục Sinh Năm C: BÌNH AN ĐÍCH THỰC. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ 2 tuần V Phục Sinh năm C: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”. Nt. Minh Thùy
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh năm C. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh Năm C. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần IV Phục Sinh năm C. Lm. Dom Hiển
     Suy niệm Tin Mừng thứ Sáu tuần IV Phục Sinh. Minh Tứ
     Suy niệm Tin Mừng thứ 5 tuần IV Phục Sinh: HÃY ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG. Lm GioanB Lại Anh Tuấn
     Suy niệm Lời Chúa thứ tư tuần IV Phục Sinh: Tin vào LỜI. Nữ Tỳ Thánh Thể .