Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 13

CHỦ NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

CauNguyenChuoiManCoi.jpgAi cũng cảm nhận được những khao khát và nghe được những tiếng gọi thúc bách trong tâm hồn. Các bài đọc Chủ nhật hôm nay trình bày một vài ơn gọi ấy của Thiên Chúa và một vài điều kiện cần có để đáp trả về phía con người. Một bên là tiếng gọi của vị Tiên tri, mời gọi con người đến Tự Do, tiếng gọi theo Chúa Ki tô. Và bên kia là ba yếu tố của lời đáp trả: sẵn sàng, yêu thương tha nhân và tiến bước về phía Nước Thiên Chúa.

Sách 1Vua 19,16b.19-21

Chúng ta đang ở vào thế kỉ 9 tr. CN, Êlia a được Thiên Chúa kêu gọi thi hành sứ vụ tiên tri. Rồi sau đó, ông lại gọi Ê li sê làm người nối tiếp sứ mạng. Ơn gọi ấy đòi hỏi phải từ bỏ tất cả. Ê li sê không do dự đi theo phục vụ Thầy mình, vì thế ông được thừa kế chiếc áo choàng khi ông Ê li a được cất nhắc lên trời.

Thánh Vịnh 15

Tác giả Thánh vịnh đã chọn hiến dâng cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa, gia nghiệp đời ông. Sự chọn lựa ấy đã giúp ông sống trọn vẹn. Ông xác tín hướng đến tương lai chan hòa niềm vui và hạnh phúc.

Thư gửi tín hữu Ga la ta 5,1.13-18

Sau khi đã tố cáo các lối sống đạo nô lệ con người nơi người Ga la ta, thánh Phao lô mời gọi họ hãy tập sống Tự do thực sự cho phép yêu thương tha nhân, trái ngược với sự buông thả trong đời sống luân lí. Tình yêu ấy là hoa trái của ơn ban Chúa Thánh Thần.

Tin mừng Lc 9, 51-52

NGỮ CẢNH

Ở đây bắt đầu phần mới của tin mừng thánh Luca (9,51-19,44), và là phần độc đáo, vì chúng ta tìm được nhiều bản văn của riêng Luca.

Tin mừng được đặt trong viễn tượng đi lên Giê ru sa lem. Một sự thay đổi lớn nếu chúng ta nhớ rằng, ngọai trừ phần tin mừng thời niên thiếu, tin mừng Lc cho đến giờ gói trọn họat động tại vùng Ga li lê. Tuy nhiên sự thay đổi nầy không chỉ ở bình diện địa lí, mà còn về ý nghĩa nữa. Đây là một hành trình thần học và huyền nhiệm, hơn là một chuyến đi có tính địa lí và lịch sử.

Có thể đọc bản văn theo bố cục sau đây:

- 9,51: Hành trình lên Giêrusalem

- 9,52-56: đón tiếp ở một làng Samaria

- 9,57-62: những đòi hỏi cho người môn đệ

TÌM HIỂU

Khi đã tới ngày: giọng văn long trọng của câu nầy làm cho phần còn lại của tin mừng mang lấy một sắc thái bi kịch và một bầu khí hoàn toàn phục sinh. Trong hi ngữ chúng ta cũng tìm được một khúc quanh quan trọng giống như thế trong câu Cv 2,1 nói về Lễ Ngũ tuần. Đối với Luca dường như cả hai câu chuyện tương ứng nhau: việc Chúa Giê su lên Giê ru sa lem khai mạc sứ vụ khổ nạn và phục sinh của Ngài và câu truyện Hội thánh, khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần khởi đầu cho cuộc lữ hành của mình. Câu truyện về đảo ngược của lịch sử cứu rỗi đã được khởi sự. Vận mạng của Chúa Giê su hướng về đích đến hoàn tất. Gio an sẽ nói: “Giờ đã tới” (12,23; 17,1).

Được rước lên trời: sát chữ là: được cất lên, đưa lên. Từ nầy, trong cách nói đương thời, có nghĩa là sự chết, sự biến mất của một ai đó. Tuy nhiên, sau sự ra đi mầu nhiệm của tiên tri Ê lia (2V23), kiểu nói lại mang thêm ý tưởng về sự thăng thiên. Áp dụng cho Chúa Giê su, từ đó bao gồm ý niệm sự chết, phục sinh và thăng thiên lên đền thánh trên trời. Chúng ta tìm thấy từ ấy trong Cv 1,11: “Đức Giêsu. Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (X. thêm Cv 1,22).

Ngài nhất quyết đi lên Giê ru sa lem: sát chữ: “Ngài cương mặt lại”. Kiểu nói cũng được dùng trong một bài ca Người Tôi tớ Đức Gia vê: “vì thế, tôi trơ mặt ra như đá” (Is 50,7).

Kiểu nói nêu bật nhiều ý nghĩa: vừa là sự nhìn thấy trước sứ mạng tương lai, vừa là quyết tâm thi hành sứ mạng đó và tin tưởng vào Thiên Chúa là khiêng che thuẫn đỡ chống lại mọi kẻ vu khống và thử thách. Chúa Giê su ý thức được điều đang chờ đón Ngài ở Giêrusalem (9,31) và bắt đầu lên đường. Điều quan tâm của Ngài là tiếp tục chuẩn bị các môn đệ đi theo Ngài (x. 9,22.44) để họ có thể thay thế Ngài trong sứ mạng. Đó là đối tượng của các câu sau.

Đi trước: dịch đúng là: “đi trước Ngài”. Gio an Tẩy giả đã được sai đến để “đi trước Chúa trong thần khí và sức mạnh của Ông Êlia” (1,17). Chúa Giê su đã chào ông như người sứ giả mà tiên tri Malaki đã tiên báo để dọn đường cho Chúa (7,27). Ở đây, Chúa Giê su sai các môn đệ “đi trước Ngài”. Thay thế Thiên Chúa, Ngài đưa ra sáng kiến trong sứ mạng. Ngài muốn nối kết các môn đệ vào trong chương trình của mình (x. 19,30; 22,8). Vai trò của các sứ giả nầy không phải là rao giảng như nhóm Mười Hai ((,2) hoặc như nhóm 72 môn đệ (10.1), mà là chuẩn bị cho Ngài đến và tìm một vài ngưới để đón tiếp Ngài.

Sa ma ri: x. Ga 4,4.9.

Không đón tiếp Người: họ từ chối đón tiếp Chúa Giê su, chứ không phải các sứ giả của Ngài. Họ đã từ chối Ngài bởi vì Ngài là một người Híp pri và vì Ngài đi lên Giêrusalem chăng? Chúng ta đã biết các tranh chấp đối kháng giữa người Sa ma ri ta nô với người Híp pri (x. Gio an 4,4-9). Nhưng dường như sự từ chối có vẻ thẳng thừng hơn. Chúa Giê su đi lên Giêrusalem để thực hiện ở đó chương trình của Ngài, chịu nhiều đau khổ và chết (9,22). Từ chối đón rước Ngài có nghĩa là từ chối trở thành môn đệ của Ngài. Một ngày kia, người Samari sẽ tỏ ra cởi mở hơn (Ga 4,39-42; Cv 8,5-8).

Lửa: hai ông Giacôbê và Gioan có lẽ muốn lặp lại dấu ấn của ông Ê lia, xin lửa từ trời để trừng phạt dân làng không hiếu khách ấy: “Ông Êlia trả lời sĩ quan chỉ huy năm mươi quân: “Nếu ta là người của Thiên Chúa, thì chớ gì một ngọn lửa từ trời xuống thiêu đốt ngươi và năm mươi quân của ngươi” (2 V1,10).

Ở đây chúng ta thấy một điểm đặc biệt trong cá tính của hai anh em gọi là “con của sấm sét nầy” (Mc 3,17). Trong phản ứng đó, họ tỏ ra chịu ảnh hưởng giáo huấn ông Gio an Tẩy giả (x. 3,9,17) hơn là của Chúa Giê su.

Chúa Giê su sau nầy sẽ nói rằng Ngài đã đến để mang lửa từ trời xuống đất (12,49), nhưng không phải là lửa phá hủy.

Quay lại: khác với Mt (16,23) và Mc (8,33), Lc không nhắc tới lời quở trách của Chúa Giê su với ông Phê rô (9,18-22). Dù vậy ông vẫn dùng hai từ giống hai tác giả kia là “quay lại” và “quở mắng” để chứng tỏ rằng Chúa Giê su từ chối thái độ của ông Giacôbê và ông Gioan.

Quở mắng: một vài thủ bản cổ hơn còn thêm: “Anh em không biết anh em theo thần khí nào”. Lời quở mắng của Chúa Giê su cho thấy một sự bất đồng toàn diện, được diễn tả bằng những từ giống như một cuộc trừ quỉ (4,35.39), như trong lần cám dỗ thứ ba, Chúa Giê su từ chối đưa ra một sự can thiệp cả thể. Cách xử sự của Ngài khá khác biệt với cách xử sự của ông Ê lia. Về sau, cũng ông Gioan nầy sẽ có dịp xác minh kết quả của việc rao giảng tin mừng của Ông Phi líp trong dân Samaria và sẽ vui mừng ban cho họ lửa của Thánh Linh qua việc đặt tay (Cv 8,14-17).

Đi sang làng khác: Chúa Giê su thực hiện điều Ngài đã nói với nhóm Mười hai (9,5).

Trình thuật nầy giống như một bản văn cô động loan báo tất cả những gì đi theo trong tin mừng: những sự từ chối Chúa Giê su, cơn cám dỗ sử dụng quyền lực và sức mạnh để dập tắt sự chống cự, việc Chúa Giê su chấp nhận thất bại, cho đến ơn ban Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần.

Con chồn: Chúa Giê su trả lời theo cách phương đông bằng hai hình ảnh tích cực và sau đó một tuyên bố tiêu cực (x. Is 1,3). Người ấy chỉ xin đi theo Chúa Giê su, nhưng Ngài cảnh báo bằng cách cho thấy những đòi hỏi của sứ mạng. Trong thiên nhiên, mọi sinh vật sống đều có nơi ở, loài chồn cũng như chim. Con Người trái lại, bị khắp nơi từ khước, ngay cả nơi người thân của mình.

Không có chỗ tựa đầu: người ta tựa đầu khi ngủ; bởi đó, có lẽ cần phải có một “nơi nào đó” để nghỉ ngơi như ở nhà riêng của mình. Đối với Luca, Chúa Giê su là một người luôn trên đường đi. Ngài đã bỏ lại tất cả mọi sự để lên đường tiến về Giêrusalem. Ngài sẽ chỉ ngừng lại an nghỉ trên thập giá. Đi theo Ngài có nghĩa là dấn thân chia sẻ sự cuộc sống không an toàn của Ngài, và đi đến cùng trong sự hiến thân. Chúng ta có thể so sánh câu nói của Chúa Giê su với câu: “Ta là đường” (Ga 14,6).

Chôn cất: trước lời kêu gọi của Chúa Giê su, người ấy trả lời bằng cách xin hoãn lại, một điều hợp lí xét theo bình thường: vì làm sao có thể không chôn cất những người chết, nhất là cha ruột của mình? Chúa Giê su trả lời một cách mâu thuẫn cố ý. Ngài muốn đối lập hai thế giới hoàn toàn khác biệt: thế giới của người chết lo cho những người chết của họ, một thế giới không có niềm hi vọng; và một thế giới trong đó Chúa Giê su muốn cho môn đệ của Ngài đi vào: đó là thế giới của những người sống.

Ta có thể so sánh câu nói trên với câu nói của các sứ giả của Thiên Chúa buổi sáng ngày Phục sinh: “Tại sao các ngươi đi tìm đấng sống nơi những người chết?”(24,5).

Hãy đi: đi theo Chúa Giê su có nghĩa là dấn thân trong việc loan báo Nước Thiên Chúa. Thế nên, họ được sai đi như nhóm Mười hai (9,2) và như 72 môn đệ (10.1).

Đằng sau: người cày ruộng biết rằng để đường cày được thẳng hàng ngay lối thì không thể ngoái lại đằng sau; bằng không đường cày sẽ bị lệch. Người môn đệ được mời gọi làm việc với Chúa Giê su để cho hạt giống Lời Chúa có thể nẩy mầm (8,5). Công việc đó đòi hỏi một nỗ lực tối đa và luôn có cái nhìn hướng tới tương lai. Ai nhìn lại đằng sau chứng tỏ rằng còn lo lắng cho bản thân mình và không để cho Chúa Giê su hướng dẫn (Pl 3,13).

Lời đối thọai sau cùng nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa Ê lia và Ê li sê: Ê li sê đang cày ruộng. Ê lia gọi ông làm tiên tri. Ê li sê xin phép được trở về hôn cha mẹ mình, nhưng ông Ê lia tỏ ra không khắt khe như Chúa Giê su sau nầy (1V 19,19-21).

Ba người nầy đã làm gì sau khi gặp gỡ Chúa Giê su? Chúng ta không biết. Nhưng trình thuật cũng đủ để cho thấy đâu là sự đoạn tuyệt cần phải có nếu muốn đi theo Chúa Giê su.

SỨ ĐIỆP

Các bài đọc chủ nhật hôm nay đều đưa ra những lời mời gọi khẩn thiết, để có quyết định vững chắc, và cương quyết lên đường. Thiên Chúa của chúng ta không ngừng đưa ra những lời mời gọi đến tất cả mọi người. Và hôm nay, Người đến gặp chúng ta ngay trong hòan cảnh sống của mỗi người chúng ta.

Trước hết chúng ta nghe lời mời gọi của tiên tri Êlia, rồi tiên tri Êlisẻ, người kế vị ông. Cả hai vị tiên tri lớn nầy được sai đến nhắc cho dân nhớ rằng sự trung thành của Thiên Chúa là một ưu tiên tuyệt đối. Họ cống hiến cả cuộc đời mình và mọi năng lực cho Chúa. Vì đám dân nầy đã quay lưng với Thiên Chúa của họ, các ngài sẽ làm mọi sự để kêu gọi họ sám hối và trở về cùng Người.

Lời Thiên Chúa đến với ông Êlisê khi ông đang cày trên thửa ruộng của mình. Khi Thiên Chúa gọi, thì thường là ngay giữa cuộc sống, công việc và lo toan của chúng ta mỗi ngày. Và rất thường vào lúc người ta ít ngờ nhất. Ném chiếc áo choàng của mình trên vai ông Êlisê lá cách gọi chia sẻ sứ mạng của mình. Sứ mạng nầy đòi hỏi một sự lựa chọn, một đoạn tuyệt với đời sống cũ. Khi hi tế bò và ách của nó, ông Êlisê được thong dong hòan tòan, không còn gì có thể khiến ông vướng bận nữa. Đối với ông một cuộc sống mới bắt đầu, một cuộc sống hoàn toàn dành cho sứ mạng.

Tiếp đến, bài Tin mừng nói đến việc Chúa Giê su lên Giê ru sa lem. Ngài hướng về nơi mà Ngài sẽ “được cất khỏi thế gian nầy”. Bản văn viết rằng Ngài lên đường “một cách cương quyết”. Thực ra phải hiểu theo sát chữ là: “Ngài nghiêm nét mặt lại”, giống như các cua rơ xe đạp khi họ gò lưng leo núi. Điều quan trọng là qua cách diễn tả ấy, tác giả muốn nói rằng Chúa Giê su không chạy trốn sứ mạng. Ngài muốn trung thành với Thiên Chúa Cha cho đến cùng.

Nhưng điều đặc biệt là Chúa Giê su không muốn bị người đời hiểu sai về mình. Trong cuộc hành trình tiến về Giê ru sa lem, nhóm người đi theo Ngài phải đương đầu với thù địch của dân làng người Sa ma ri từ khước đón tiếp Ngài. Lúc bấy giờ, các môn đệ nhớ lại câu truyện tiên tri Ê li sa đã khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt các thù địch của Thiên Chúa, và mong tái diễn điều ấy. Nhưng đấng đang hiện diện ở đây còn cao trọng hơn Êlia. Và cũng chính vì cao trọng hơn mà Chúa Giê su đã từ chối làm điều ấy. Ngài là Tình yêu và không ngừng nói về tình yêu của Cha, thì không thể sử dụng phương thức bạo lực. Vấn đề không phải theo ý mình mà là theo ý của Thiên Chúa.

Rồi dọc suốt trên đường đi, nhiều người môn đệ đến xin làm môn đệ. Người thứ nhất xin theo Ngài, nhưng Ngài cảnh giác họ rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu”. Ngài là Đấng Mesia tôi tớ, sống đời lang thang nghèo khổ, rày đây mai đó, bị khinh dễ, và hiểu lầm. Vì thế, Chúa Giê su cảnh giác những ai muốn theo Ngài đừng ảo tưởng, nhưng phải biết họ muốn gì.

Đến người thứ hai. Anh nầy muốn đi về nhà chôn cất cha mình vừa qua đời. Anh xin đi ngay để còn kịp nhìn người thân yêu lần cuối. Nhưng câu trả lời của Chúa Giê su thật cương quyết: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa”. Về phía Chúa Giê su, Ngài muốn cho mọi người hiểu rằng lời loan báo Nước Trời đòi phải có một sự quyết định dứt khoát.

Còn người thứ ba, anh muốn trở về từ biệt những người trong gia đình trước khi cất bước đi theo Chúa. Anh ta xin Chúa Giê su gia hạn cho anh thêm một thời gian nữa. Nhưng lời mời gọi của Đức Ki tô vô cùng khẩn thiết; và cũng có nghĩa là một sự đoạn tuyệt. Đó là điều mà chính Chúa Giê su đã sống: Ngài đã hoàn toàn từ bỏ mọi tiện nghi gia đình ở Na gia rét, đã trung thành trong cuộc sống hi sinh ấy đến độ  hiến cả mạng sống mình.

Ngày hôm nay, tất cả những lời trên đây cũng gởi đến từng người, mời gọi dấn thân, quyết định dứt khoát và lên đường. Thiên Chúa luôn mời gọi và sai tất cả chúng ta vào thế giới để làm chứng nhân cho tình yêu của Người.

Qua phép Rửa, tất cả chúng ta được thánh hiến cho thế giới nầy như các tiên tri và tông đồ. Chính trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày, trong công việc làm ăn cũng như trong khi giải trí mà chúng ta có bổn phận phải làm chứng cho tin mừng ấy. Ngày chủ nhật hôm nay, tất cả chúng ta được mời gọi nhóm họp để nuôi dưỡng đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin ơn được trở thành những chứng nhân trung tín và nhiệt thành của Thiên Chúa.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Các tiên tri Êlia và Êlisê là ai?

THƯA: Tiên tri Ê lia và Êlisêô là hai tiên tri lớn hoạt động trong Vương quốc Ít ra ên phía Bắc thời từ thời vua Akháp (k. 870 tr. CN). Hai vị nổi tiếng là người hay làm phép lạ và nhất là nhờ vào sứ mạng chống lại việc thờ lạy bụt thần. Lời rao giảng của các Ngài được thuật lại trong hai quyển sách Các Vua.

2. HỎI: Sách các Vua là sách gì?

THƯA:  Đây là những quyển sách được xếp vào loại “Sách Sử”, ghi chép lại lịch sử song song ở hai Vương quốc trong năm thế kỉ, từ thế kỉ thứ 10 đến thế kỉ thứ 6 trước Công Nguyên. Sau khi Vua Salomon chết năm 933, Ít ra ên bị chia thành hai vương quốc: Vương quốc phía Bắc gọi là Ít ra ên, và vương quốc phía Nam là Giu đa.

3. HỎI: Sách các vua chép sử để làm gì?

THƯA: Sách các vua được xếp vào loại sách sử, nhưng không phải là những quyển sách sử theo nghĩa hiện đại, cố gắng ghi chép chính xác và khách quan hết sức có thể. Trái lại sách các Vua nhằm đưa ra một bài học giáo lí cho độc giả, qua những câu truyện được kể lại, tác giả cho thấy chỉ có lòng trung tín với giao Ước mà Thiên Chúa đã kí kết mới bảo đảm hạnh phúc cho dân mà thôi.

4. HỎI: Bài đọc một nói về chuyện gì?

THƯA: Bài đọc một nói về việc Thiên Chúa gọi Êlisa làm tiên tri nối tiếp sứ mạng cho thầy mình là Êlia. Êlisa đã bỏ hết mọi sự để đáp lại lời mời gọi ấy, nên đã được Êlia cho ban cho thần khí tiên tri qua chiếc áo choàng ông để lại trước khi về trời.

 5. HỎI: Câu 9, 51 có đánh dấu một chuyển hướng trong Tin Mừng của Thánh Lu ca không?

THƯA: Có. Thật vậy, cho đến đây, sứ mạng của Đấng Cứu Thế chủ yếu diễn ra ở vùng Ga-li-lê, với những lời giáo huấn về Nước Trời và các phép lạ kèm theo. Nhưng từ đây mọi sự thay đổi, đánh dấu khúc quanh quan trọng trong đời sống và sứ vụ Chúa Giê su.

6. HỎI: Vậy có thể nói rằng từ câu 9, 51 khởi đầu phần mới của tin mừng?

THƯA: Đúng là như thế. Ở đây bắt đầu một phần mới, tất cả sẽ được tập trung vào cuộc sống của Chúa Giêsu, qua cái chết dẫn đến việc thăng thiên về cùng Chúa Cha (x. Cv 1:2, 11:22).

7. HỎI: Tại sao Tin mừng viết rằng Chúa Giêsu quyết tâm đi lên Giê-ru-sa-lem?

THƯA: Bởi vì Thánh Lu ca muốn dạy rằng Chúa Giêsu ý thức đầy đủ về những gì Ngài sẽ phải đối mặt. Ngài đầy đủ ý thức và tự do để tự hiến như hi tế mang lại ơn cứu độ cho cả nhân loại.

8. HỎI: Thành ngữ: “Rắn khuôn mặt lại” gợi lên điều gì?

THƯA: Thành ngữ “rắn khuôn mặt lại” gợi lại bài ca thứ ba người Tôi tớ Thiên Chúa trong sách tiên tri Is 50,7: đã mô tả thái độ can trường của người Tôi tớ Thiên Chúa trước sự bách hại của những người chung quanh: “Tôi không trốn chạy, mặt tôi trơ ra như đá, tôi biết tôi không phải xấu hổ”. Trơ mặt như đá chứng tỏ lòng cương quyết trong cuộc bách hại vì tin rằng Thiên Chúa không bỏ rơi mình. Có thể nói đoạn văn Lu ca nầy là dung mạo của người tôi tớ dích thực của Thiên Chúa.

9. HỎI: Hai dân tộc Ít ra ên và Sa ma ria có quá khứ như thế nào?

THƯA: Giữa người Do thái và người Sa ma ri có những xung khắc mãnh liệt không thể hàn gắn được. Người Sa ma ri là người từ phía Đông di cư tới trong thời dân Do thái bị người Assyria đô hộ (722). Họ theo đạo Gia vê, nhưng lại xây dựng đền thờ riêng trên núi Garizim. Vì thế, người Do thái khinh bỉ họ và tránh tiếp xúc với họ. Còn người Sa ma ri tỏ ra ác cảm với người Do thái, đặc biệt những ai đi ngang Samari lên Giê ru sa lem.

10. HỎI: Tại sao Chúa Giê su từ chối lời đề nghị của Gia cô bê và Gioan?

THƯA: Ngài đích thật là người Tôi Tớ của Thiên Chúa, nên không muốn dùng những giải pháp bạo lực để đối xử với nhau. Vì thế Ngài không tán thành lời đề nghị của các môn đệ cho lửa từ trời đổ xuống người Samari.

11. HỎI: Điều kiện phải có để đi theo Chúa Giê su là gì?

THƯA: Trước hết là phải chấp nhận cuộc sống gian khổ, lang thang rày đây mai đó vì Tin mừng.

12. HỎI: Kế đến?

THƯA: Phải có lòng cương quyết không gì có thể lay chuyển được.

13. HỎI: Các Tông đồ có hiểu hết những lời Chúa Giêsu dạy không?

THƯA: Không, với khả năng riêng của mình, các môn đồ không thể hiểu hết những lời Chúa Giêsu nói, vì đó là một phần nghịch lý của Tin Mừng. Cùng đi với Chúa Giêsu lên Giê ru sa lem mà tâm trí của họ lại đầy những toan tính trần tục. Họ muốn lợi dụng sức mạnh của Thiên Chúa để giết chết để trừng phạt dân Sa ma ri thù địch của họ.

14. HỎI: Lửa có ý nghĩa gì trong sứ mạng Chúa Giêsu ?

THƯA: Truyền thống về “lửa” từ trời đổ xuống phát xuất từ tiên tri Ê-li-a (1 V 18,30-39, xem Hc 48,30). Và trong Tin Mừng, lửa có một ý nghĩa đặc biệt trong sứ mạng xét xử của Chúa Kitô: “Ngài sẽ xét xử trong Thánh Thấn và lửa”(Lc 3,16). Điều ấy giả định rằng công việc của Chúa Giêsu có hai khía cạnh: Ngài dùng lửa phá hủy thế giới cũ và tạo nên một thực tại mới trong Chúa Thánh Thần.

15. HỎI: Nhưng dựa trên cơ sở ấy người ta có thể hiểu được lời của Gia cô bê và Gioan không?

THƯA: Một phần nào thôi. Một cách ngây thơ họ có ý định dùng lửa phán xét của Thiên Chúa để bảo vệ quyền lợi của mình, làm cho quyết định cánh chung của Thiên Chúa chỉ còn ý nghĩa là sự trừng phạt và trả thù trên thế giới.

16. HỎI: Nhưng thái độ này vẫn còn thấy trong Kitô hữu ngày nay?

THƯA: Thật không may, ít nhất là theo bản năng, thái độ ấy vẫn còn hiện diện nơi một số các Ki tô hữu hôm nay. Đối diện trước sự ác đang tràn lan trên thế giới, hoặc khi bị đàn áp bởi sự bất công, người ta thường mong sao cho lửa từ trời đổ xuống trừng phạt những kẻ gây ra bất công. Người ta thường quên rằng con đường của Chúa Giêsu khác hẵn. Vấn đề không phải là làm hại người khác, nhưng là chấp nhận nỗi đau khổ của mình để người khác được cứu độ. Vần đề không phải dùng điều ác đáp trả một tội ác, nhưng biến nó thành điều tốt nhờ sức mạnh của thập giá.

17. HỎI: Tuy nhiên lửa vẫn là một hình ảnh chỉ sự phán xét của Thiên Chúa?

THƯA: Chắc chắn là thế, nhưng đó là một ngọn lửa dành cho những kẻ bị lên án vì họ đã hoàn toàn tự do quyết định sống ngược lại với lề luật của Thiên Chúa và thực tế đã từ chối Chúa Kitô. Ngọn lửa duy nhất ban cho chúng ta là ngọn lửa tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, yêu thương cho đến cùng như chính Chúa Giêsu đã sống.

18. HỎI: Ba trường hợp của ơn gọi, trình bày trong trang Tin Mừng này, muốn dạy chúng ta điều gì?

THƯA: Thánh Luca muốn chỉ cho chúng ta thấy yêu cầu Chúa Giê su đưa ra cho những ai muốn theo Ngài cho đến cùng. 

Trước tiên, không đặt đức tin trên nền tảng bảo đảm an toàn về phương diện vật chất hay tâm lý. Thứ hai, không được bám vào một quá khứ đã chết và dứt khoát đã bị vượt qua. Và thứ ba, phải nhìn tới trước, về phía đang chờ đợi công việc của chúng ta, tránh đi vào tương lai bằng cách đi ngược trở lại và coi lòng trung thành chỉ là đi theo một cách thụ động con đường đã vạch sẵn.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phêrô và Phaolô_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Phêrô Và Phaolô_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên_Lm Đan Vinh - HSTM

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CŨ VÀ MỚI. Nt Maria Anh Thư, OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: NỐI LẠI TÌNH XƯA. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm. Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: LÒNG TIN. Lm Paul Nguyễn Nguyên.
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: QUYỀN NĂNG TRÊN BỆNH TẬT VÀ SỰ CHẾT. Lm. Đan Vinh
     ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN. Lm. Đan Vinh
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: ĐỐI DIỆN VỚI CÁI CHẾT PHẢI LÀM GÌ?. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN NĂM A- LỄ TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ. Lm Giuse Nguyễn Đức Ngọc