CHÚA NHẬT XIV:
ĐƯỢC SAI ĐI
Thưa quý OBACE
Một trong những vấn đề của nền Giáo Dục Việt Nam ngày nay là việc các trường đại học được mở tràn lan, không kiểm soát, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tìm lợi nhuận, đào tạo kém chất lượng, sinh viên ra trường không tìm được việc làm và phải đi làm những nghề trái ngành. Bên cạnh đó là tình trạng chạy đua theo bằng cấp, thành tích, bằng cấp giả kém chất lượng, thợ non tay nghề, dẫn đến tình trạng nhiều thày mà thiếu thợ, hoặc thày không ra thày, thợ không ra thợ, gây lãng phí bao nhiêu nguồn lực quốc gia, và tiền bạc của nhân dân.
Nơi trường học của Chúa Giêsu có một chương trình đào tạo và một cách thức huấn luyện hoàn toàn khác, đoạn Tin Mừng hôm nay kể về một giai đoạn huấn luyện trong chương trình của Chúa Giêsu. Sau một thời gian được theo Chúa Giêsu, được thấy những việc Chúa đã làm, được nghe những lời Chúa giảng dạy, đến hôm nay, Chúa chỉ định 72 người trong số học trò để sai từng hai người đi trước vào các thành mà chính Người sẽ đến. Sai hai người đi để những người này có thể nâng đỡ nhau, cùng nhau làm việc, và để lời nói của họ thêm đáng tin, những người này được sai đi trước với nhiệm vụ chuẩn bị để chính Chúa sẽ đến với nơi đó, điều này giúp các học trò của Chúa xác định được đâu là mục tiêu chính trong đợt thực tập của họ, họ chỉ là người chuẩn bị là người dọn đường để cho mọi người có thể đón tiếp Chúa, chứ không phải để họ đón tiếp mình.
Vì được Chúa sai đi, người môn đệ sẽ gặp những khó khăn thử thách và nguy hiểm như chiên con vào giữa sói rừng, nhưng tất cả những khó khăn nguy hiểm đó không làm cho họ chùn bước vì họ có Chúa ở cùng và hoạt động với họ. Chính vì vậy mà những môn đệ của Chúa sẽ không còn cậy dựa vào sự khôn ngoan khéo léo hay khả năng của bản thân, mà họ phải hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào nơi Chúa và vì Chúa sẽ là nơi nương tựa và là thành lũy bảo vệ họ. Khi dặn các môn đệ: Đừng mang theo tiền bạc, bao bị hay giày dép, Chúa muốn các môn đệ phải thực sự trở nên những người nghèo, không cậy dựa vào của cải vật chất, cũng không bị lệ thuộc vào những vẻ hào nhoáng bên ngoài, nhưng họ sẽ có Chúa làm gia nghiệp, và là tất cả cuộc đời của họ.
Một tiêu chuẩn và cũng là một đòi buộc mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải có đó là các ông sẽ là người đem đến sự bình an cho tất cả mọi người các ông gặp gỡ và mọi nơi mà các ông sẽ được sai đến. Sự bình an này trước hết sẽ phải là sự bình an phát xuất từ trong tâm hồn của các môn đệ, bình an vì họ có Chúa và vì họ làm việc cho Chúa. Vào nhà nào các con hãy nói: Bình an cho nhà này, nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì bình an sẽ đến trên người ấy, bằng không thì sự bình an sẽ trở lại với anh em. Như thế người môn đệ trước tiên sẽ phải là người xây dựng hòa bình cho các tâm hồn và các gia đình giúp họ đón nhận được bình an của Chúa, mà bình an của Chúa chỉ có ở nơi những tâm hồn ngay thẳng thật thà, lòng không hề gian dối điêu ngoa, không để tâm hồn mình vướng bận bởi tội lỗi và sự xấu, chỉ những tâm hồn như thế mới là người xứng đáng đón nhận bình an của Chúa mà các môn đệ đem đến cho họ, và nếu những người này không xứng đáng, là do lỗi của họ, còn các môn đệ khi đã hết mình với nhiệm vụ thì chính họ sẽ đón nhận được sự bình an trong tâm hồn vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Đòi buộc thứ hai mà Chúa muốn nơi các môn đệ đó là một cuộc sống thanh thoát không đòi hỏi, không điều kiện và không chờ đợi hay tìm kiếm sự đáp đền: Người ta dọn món ăn nào thì anh em ăn thức đó, vì các môn đệ ra đi và làm việc là làm việc cho Chúa, nên Chúa sẽ là Đấng trả công cho họ và là phần thưởng của họ, họ sẽ không tìm kiếm để thỏa mãn, cũng không quá lo lắng về cái ăn cái mặc thường ngày vì thợ thì đáng được trả công.
Điều thứ ba mới là mục tiêu chính đó là họ sẽ phải nói những gì? Chắc chắn rằng vì được sai đi, nên các môn đệ không được phép nói theo ý riêng của mình, cũng không phải là nói bất cứ chuyện gì, mà họ chỉ có một nội dung duy nhất đó là cảnh báo cho mọi người biết: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Đức Giêsu chính là Đấng khai mở Triều đại Nước Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa là chính con người Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài và như thế ai đón nhận Đức Giêsu và tin Mừng của Ngài là là đón nhận Nước Thiên Chúa, và ai từ chối là từ chối Nước Thiên Chúa.
Đón nhận Đức Giêsu và gia nhập vào vương quốc triều đại của Ngài, không phải chỉ là sư ưng thuận bên ngoài mà phải là hoàn toàn bước theo hành trình của Ngài, mà hành trình của Ngài lúc này là hành trình lên Giêrusalem, là hành trinh thập giá. Thánh Phaolô đã rất ý thức được sứ mạng của ngài là được sai đi, đem bình an và triều đại của Thiên Chúa đến cho anh em, Ngài đã chia sẻ về điều này khi nói: Thưa anh em, tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta…. Cắt bì hay không cắt bì, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là trở nên tạo vật mới. Chúc cho tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc cho Israel của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người.
Thưa quý OBACE, nhờ ơn của Bí tích Rửa tội, nhờ được học ở trường của Thày Giêsu đặc biệt qua Bí tích Thêm sức, chúng ta được chọn và được sai đi để dọn đường cho triều đại Nước Thiên Chúa đến với thế giới này, vì thế việc lên đường thi hành sứ mạng này là việc của tất cả mọi người không trừ một ai. Nhưng vấn đề là chúng ta sẽ được sai đi đâu, sẽ phải nói gì và nói như thế nào?
Chúng ta cũng sẽ phải đáp ứng được những đòi hỏi của Chúa hôm nay, không ngại ngùng sợ hãi, không nấn ná chần chừ vì có Chúa luôn đồng hành với ta, chúng ta cũng không để cho những của cải thế gian hoặc những lôi cuốn của xã hội làm cho chúng ta chùn bước. Chúng ta đang được sai đến với môi trường gia đình, văn phòng, trường học, công ty, đó là những nơi và ở đó có những người đang cần để biết về Thiên Chúa, phải đem Nước Thiên Chúa đến với những môi trường ấy.
Chúng ta sẽ nói về Chúa Giêsu và Tin Mừng của ngài không phải bằng những bài giảng hùng hồn, mà là bằng một đời sống gương mẫu thấm đậm Tin Mừng, có nghĩa là qua cách sống của chúng ta, người bên cạnh sẽ cảm nhận được bình an, họ sẽ nhìn thấy Đức Giêsu đang ở trong chúng ta và thấy được Tin Mừng của Ngài đang chi phối và điều khiển từng lời nói và cách sống của mỗi chúng ta. Hãy mang đến cho nhau những nét mặt vui tươi phấn khởi, hãy trao cho nhau những nụ cười thân ái, hãy cầm lấy tay nhau trong sự thông cảm và sẻ chia, đó là chúng ta đang mang bình an đến cho người bên cạnh.
Các bậc làm cha mẹ hãy xây dựng triều đại của Thiên Chúa trong gia đình của mình bằng một quyết tâm canh tân đổi mới nếp sống gia đình trở nên tốt đẹp hơn ấm cùng hơn và đạo đức hơn, hãy cố gắng loại trừ những gì nghịch lại với Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài, và để cho Đức Giêsu làm chủ gia đình của mình, và khi có Đức Giêsu làm chủ thì không có một sức mạnh nào có thể phá hủy gia đình chúng ta được, và sự dữ sự xấu sẽ không có chỗ trong gia đình. Hãy biến những giờ kinh gia đình trở thành những giờ phút thân tình của mọi thành viên trong gia đình với Chúa Giêsu.
Triều đại của Thiên Chúa đã đến và đang hiện diện nơi tâm hồn các bạn trẻ, mỗi người hãy làm cho triều đại ấy lan rộng ra trong xã hội này, hãy trở thành những sứ giả đem Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài vào trong môi trường sống và làm việc của mình, các bạn đang sống trong một môi trường có quá nhiều cạm bẫy và đe dọa của sói rừng là những cám dỗ mời chào, là những tư tưởng sai lạc, chúng ta không sợ hãi vì Chúa Giêsu luôn bảo vệ chúng ta, với điều kiện chúng ta nấp dưới bóng của ngài.
Chúa cũng đang gọi và sai các học sinh, sinh viên hãy là những sứ giả đem Tin Mừng của Chúa vào trong môi trường nhà trường của mình, hãy đem vào nhà trường sự kính trọng dành cho thày cô, tình yêu thương dành cho bạn bè, hãy đem vào nhà trường sự thật thà ngay thẳng và công bằng của Tin Mừng, và cố gắng mỗi ngày hoàn thiện bản thân nên những học sinh sinh viên tốt.
Xin Chúa giúp mỗi người luôn quảng đại và nhiệt thành với sứ mạng Chúa trao. Amen.