SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ 3 SAU CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN
Lúc chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt
TIN MỪNG: Mt 9,32-38
32 Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. 33 Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng : "Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ !" 34 Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo : "Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ."
35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."
SUY NIỆM:
Theo thống kê thì trên thế giới hiện nay có hơn 7 tỷ người, và có khoảng 1,5 tỷ người Công giáo. Tại Việt Nam có hơn 88 triệu người nhưng chỉ có khoảng hơn 6 triệu tín hữu. Một cách đồng mà sự chênh lệch rất lớn giữa nhu cầu thợ và tính cấp bách của cánh đồng lúa mà chính Chúa Giêsu đã nhìn thấy cách đây hơn 2000 năm. Nhìn vào thực tế, nhiều khu vực khó tìm thấy nhà thờ Công giáo, và nhiều nơi chỉ có leo teo vài người Công giáo sống chung phần lớn với những anh chị em chưa nhận biết Chúa. Bên cạnh đó, ý thức về trách nhiệm về ơn gọi truyền giáo của mỗi người Ki-tô hữu chưa thật sự ăn sâu và cảm nhận đủ. Như vậy, để thấy rằng nhận định và lời kêu gọi của Chúa Giê-su là “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” luôn là thiết thực và cấp bách.
Vì thế, Giáo hội, nhất là trong bối cảnh hiện đại hóa, kỹ nghệ hóa ngày hôm nay cần biết bao những người Ki-tô hữu thao thức và khao khát mong muốn thực hiện ý muốn của Thiên Chúa là trở thành những người thợ gặt cùng cộng tác với Chúa trong việc dấn thân và sống chứng nhân của Tin Mừng. Mỗi Kitô hữu, không loại trừ, không miễn chuẩn, không độc quyền, không ỷ lại….tất cả đều phải có trách nhiệm và bổn phận với đời sống truyền giáo của Giáo hội, vì Giáo hội cũng chính là mỗi Ki-tô hữu. Sống nên, và sống đúng bằng một lòng yêu mến thiết tha, và với một ước muốn làm vinh danh Chúa, lúc đó đời sống của mỗi người chính là một bài giảng hùng hồn, và sẽ thu hút, chinh phục được các linh hồn. Ðây cũng chính là một lời mời gọi dấn thân, một khích lệ tinh thần cho những ai muốn tận hiến mình cho một mục đích thu hoặch và chinh phục các tâm hồn, vì đời sống tận hiến bắt nguồn từ đời sống thánh thiện của gia đình (Ðức Gioan Phaolô II)
Và vẫn theo lời Ðức Gioan Phaolô II, thì “trong khi cánh đồng truyền giáo còn bề bộn, thì không ai được nghỉ ngơi” và sứ vụ này cấp bách đến nổi “Đừng chào hỏi ai dọc đường”
Minh Tứ