Suy niệm Tin Mừng Thứ ba tuần V Phục Sinh
“Thầy để lại bình an cho anh em”
(Ga 14, 27-31)
1. “Anh em đừng xao xuyến”
Trong bữa
tiệc ly, Đức Giê-su nhiều lần nói về hành trình đi về cùng Chúa Cha của mình
(x. Ga 13, 3 và 33), nhưng hành trình này lại đi “ngang qua” con đường, nghĩa
là trở thành nạn nhân, của hành vi phản bội, dẫn đến cuộc Thương Khó và cái
chết trên Thập Giá. Đó là “biến cố” Ngài nộp mình cho Sự Dữ, như chính Ngài nói
ở đây: “Thủ Lãnh thế gian đang đến”; và quả vậy, Điều phải xẩy ra sẽ đến rất
mau, vì ngay sau lời tâm sự với các môn đệ và với Chúa Cha, Ngài sẽ để cho mình
bị bắt (Ga 18).
Chính vì
thế, các môn đệ xao xuyến, nhưng thực ra chính Người cũng xao xuyến: “Nói xong,
Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến” (c. 21), vì sự phản bội mà Đức Giê-su
tự nguyện đón nhận tượng trưng cho mọi tội lỗi, sự dữ và cả Satan nữa, như
thánh sử Gioan nói về Giu-đa: “Xa-tan liền nhập vào y” (c. 27 và c. 2).
Tuy nhiên,
đó lại là con đường làm cho “mọi sự được hoàn tất”. Mọi sự là toàn bộ Kinh Thánh kể lại lịch sử cứu
độ, hình ảnh của lịch sử loài người và từng người, trong đó diễn ra thân phận,
số phận con người, tội và sự dữ. Đó chính là tâm tình của Đức
Giê-su, khi Ngài nói
trên Thập Giá : « Ta khát » : Ngài khát mong cho lời Kinh
Thánh được hoàn tất (Ga 19, 28 ; Tv 69, 22) và Ngài cũng khát mong cho
toàn bộ Kinh Thánh được hoàn tất, cho sáng tạo và lịch sử của loài người và của
từng người chúng ta được hoàn tất.
2. "Thầy đi
dọn chỗ cho anh em"
Vì thế, con đường Thập Giá, gây ra bởi tội lỗi, sữ dữ và
Satan, lại là con đường diễn tả :
Ø
Cách Ngài yêu thương các môn đệ của
Ngài “đến cùng”; tình yêu đến cùng là tình yêu trao ban chính mình, được diễn
tả qua hình bánh và rượu, qua hành vi rửa chân cho “từng người”; và hành vi
trao ban này sẽ được hoàn tất nơi Thập Giá, như tấm bánh phải “nát tan” để trở
thành sự sống cho con người (x. Ga 13, 1).
Ø
“Giờ” của Ngài, giờ Ngài đi về cùng
Chúa Cha, để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các môn đệ của Ngài. Hành trình Người đi
“dọn chỗ” cho các môn đệ, các môn đệ đang diện diện với Người và các môn đệ của
Người thuộc mọi thời, như Người đã nói: “Nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu
không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (c. 2); và
Người nhắc lại ở đây, và đồng thời mời gọi các môn đệ vui mừng, khởi đi từ tình
yêu nhưng không: “Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh
em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về
cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (c. 28)
Ø
Và cách thức Người chọn để được tôn
vinh, như người nói: “Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: Giờ đây, Con Người
được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được
tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và
Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13, 31-32).
Vì thế, Đức
Giê-su mời gọi các môn đệ, trong đó có chúng ta hôm nay, vượt qua sự xao xuyến
bằng lòng tin vào Thiên Chúa và tin vào Người, dù cuộc đời thăng trầm, thử
thách, đau khổ và lỗi lầm như thế nào, và cùng đi trên con đường của Người, như
Người mời gọi thánh Phê-rô: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được;
nhưng sau này anh sẽ đi theo.” (Ga 13, 36).
3. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”
Chính trong
bầu khí của bữa tiệc li mà Đức Giê-su đã muốn sống trước “biến cố” sẽ đến và muốn
diễn tả hết mọi ý nghĩa của biến cố này, dưới ánh sáng của kế hoạch yêu thương,
được thực hiện bởi Thiên Chúa Cha.
Thưc vậy, là
hành động của Sự Dữ, nhưng lại là đường đi về với Cội Nguồn là Thiên Chúa Cha,
và là cách thức diễn tả tình yêu đến cùng và tuyệt đỉnh; như thế “tất cả đều
trong một”. Ngài như muốn dẫn các môn đệ, ngay lúc này, đi vào mọi chiều kích
khôn dò của Mầu Nhiệm, để cho họ:
Ø Tin tưởng:
“Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
Ø Bình an:
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban
cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”
Ø Và
vui mừng: “Thầy ra đi và đến cùng anh
em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa
Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy”
Xin Đức
Ki-tô Phục Sinh giúp chúng ta, nhờ Thánh Linh của Người, khám ra ý nghĩa của những
biến cố trong cuộc đời chúng ta, nhất là những là những biến cố “bi đát”, dưới
ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, để chúng ta biết tín thác vào “tình thương
muôn ngàn đời của Thiên Chúa Cha” (x. Tv 136), và nhờ đó, ngay hôm nay, chúng
ta sống trong tâm tình tín thác và như thế, đã được hưởng bình an và niềm vui của
Người rồi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc