Suy Niệm
Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên
Bệnh “giả hình” và Thập Giá
Lời Chúa: Mt
23, 27-32
27 "Khốn cho các người, hỡi các
kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên
ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.28
Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng
bên trong toàn là giả hình và gian ác!
29 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình!
Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính.30
Các người nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta
đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ."31 Như
vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết
các ngôn sứ.32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các
người đi!
Suy Niệm
(« Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và
người Pha-ri-sêu đạo đức giả! ». Trong chương 23 của sách Tin Mừng theo
thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói tới bảy lần như vậy (c. 13.15.16.23.27 và 29): Theo
Phụng Vụ Mùa Thường Niên, bài Tin Mừng hôm kia thứ hai ba lần, bài Tin Mừng hôm
qua thứ ba hai lần và bài Tin Mừng hôm nay hai lần còn lại.
Chúng ta có thể coi đó là căn bệnh “đạo đức giả”
hay “giả hình” với những biểu hiện khác nhau, cần được làm rõ để được chữa
lành, không phải chỉ của những kinh sư và người Pha-ri-sêu, nhưng của loài
người và từng người chúng ta.
1. Biểu hiện
thứ sáu và thứ bảy
Bệnh “giả hình” mà Đức Giê-su nói tới không theo
nghĩa chúng ta thường hiểu, nhưng là một thứ bệnh có nhiều biểu hiện phức tạp,
khó nhận ra. Trong bài Tin Mừng của ngày thứ hai và thứ ba vừa qua (Mt 23,
13-26), Đức Giê-su đã mặc khải năm biểu hiện của bệnh “giả hình”. Sau đây là
biểu hiện thứ sáu và thứ bảy, được Đức Giê-su nêu ra trong bài Tin Mừng hôm
nay.
Biểu hiện thứ sáu. Đức Giê-su nói: “Các người giống
như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay”. Có lẽ đây là
lời nặng nề nhất của Đức Giê-su dành cho các kinh sư và người Pha-ri-sêu, để
mặc khải cho họ căn bệnh hiểm nghèo chết người.
Theo đó, họ chỉ có vẻ bề
ngoài, nhưng không ai biết, bên trong toàn là chết chóc, ô uế, thối tha; giống
ngài nói trong bài Tin Mừng hôm qua: “Bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa
sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc gian tà”. Lời này
sẽ ứng nghiệm, khi họ căm giận Đức Giê-su, gài bẫy, lập mưu để bắt và loại trừ
ngài.
Biểu hiện thứ
bảy. Những
người kinh sư và những người Pha-ri-sêu
tôn vinh các ngôn sứ và những người công chính, bằng cách xây lăng mộ cho các
vị. Ngang qua hành động này, họ mặc nhiên nhìn nhận sai lầm của tổ tiên: “Nếu
như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với
các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.”
Tuy nhiên, trong thực tế, họ cứ hành động giống
như tổ tiên, khi bách hại các ngôn sứ của thời đại mình, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả,
và Ngôn Sứ của mọi ngôn sứ, là chính Đức Giê-su. Vì thế, Đức Giê-su nói: “các ngươi đổ thêm cho
đầy đấu tội của tổ tiên các ngươi”. Như thế, họ không còn là “con cháu của tổ
tiên Israel” theo nghĩa cao quí nhất, nhưng là con cháu của những kẻ giết
người!
2. Chân dung
người “giả hình”
Ứng với bảy lần Đức Giê-su lên tiếng gọi: “Hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả
hình!”, Người nêu ra bảy cách ứng xử cụ thể của họ. Như thế, ngang qua bảy cung
cách này, chúng ta có thể phác họa ra một chân dung hoàn chỉnh về sự giả hình
của loài người chúng ta thuộc mọi thời.
Ø
Người
giả hình là người, một đàng, có sự hiểu biết hơn người về Nước Trời, nhưng đàng
khác, lại không muốn vào; và vì mình không được hưởng, nên không ai được quyền
hưởng.
Ø
Người
giả hình là người, một đàng nhiệt thành đi tìm bổn đạo mới, nghĩa là đưa người
ta về với Đức Chúa, nhưng đàng khác, bắt người ta lệ thuộc vào mình, vào những
quan niệm, những hệ tư tưởng, những lí thuyết, những nguyên tắc lệch lạc của
mình.
Ø
Người
giả hình là người, một đàng tuyên xưng Đức Chúa là cùng đích, và dạy mọi người
phải yêu mến trên hết mọi sự, nhưng đàng khác, lại sống và dạy người khác coi
trọng phương tiện hơn cả Đức Chúa, chẳng hạn đền thờ, bàn thờ, của lễ…
Ø Người giả hình là người,
một đàng thi hành lề luật thật hoàn
hảo, nhất là những luật mang lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với
nhưng người có quyền có thế, nhưng đàng khác, lại bỏ qua công lý và lòng nhân,
nghĩa là tương quan với tha nhân, bỏ qua lòng thành tín, nghĩa là tương quan
với Thiên Chúa.
Ø Người giả hình là người,
một đàng thi hành thật chặt chẽ những nghi thức thanh tẩy, nhưng đàng khác, trong lòng « đầy
những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ ».
Ø Người giả hình là người,
một đàng họ có một vẻ bề ngoài thật tôn nghiêm, đoan trang và đáng kính, nhưng
đàng khác, bên trong toàn là chết chóc,
ô uế, thối tha.
Ø
Người
giả hình là người, một đàng nhận ra sự sai lầm của các thế hệ trước, nhưng đàng
khác, lại tiếp tục hành động sai lầm như thế và có khi còn phạm những sai lầm
nghiêm trọng hơn.
3. Chữa lành bằng “Cây Thuốc Thập Giá”
Nhưng Đức Giêsu, với tư cách là thầy thuốc, Ngài
không chỉ chuẩn bệnh, nhưng con chữa bệnh nữa. Ngài chữa lành căn bệnh sống
theo vẻ bề ngoài của chúng ta không chỉ bằng lời mặc khải, nhưng còn bằng chính
cách sống của Ngài với con người và Thiên Chúa Cha, một cách sống hướng tới mầu
nhiệm Vượt Qua.
Thật vậy, như con rắn đồng xưa (x. Ds 21, 4-9), ai
nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành (x. Ga 3,
13-17), chữa lành khỏi sức mê hoặc của vẻ bề ngoài, nghĩa là của căn bệnh “đạo
đức giả” hay “giả hình”. Bởi vì, Thập Giá là biểu tượng của công lí hay công
chính của loài người, nhưng hoàn toàn chỉ có vẻ bề ngoài. Như thế, phương thuốc
tận cùng của Ngài để chữa lành chúng ta, chính là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài
của ngài không còn là gì nữa: thân xác, y phục, danh dự, sự nghiệp, sự sống…
Nhưng chính lúc đó đức công chính thần linh của Người lại trở nên sáng tỏ nhất,
khuôn mặt tình yêu và thương xót của Thiên Chúa trở nên rạng ngời nhất.
* * *
Gian dối, nghĩa là đạo
đức giả, là thứ tội dựa vào vẻ bề ngoài : nó tách biệt vẻ bề ngoài ra khỏi
sự thực ; nó tách chữ viết của Lề Luật ra khỏi tinh thần của Lề Luật để sử
dụng Lề Luật cho sự dữ (x. 2 Cr 3, 6).
Gian dối được hiểu như
trên, giúp chúng ta nhận ra cách hành xử của Satan trong lịch sử loài người,
vốn hội tụ nơi Thập Giá của Đức Kitô và bị làm cho phải lộ nguyên hình. Thật
vậy, nơi Thập Giá, Satan đem lại cho ý muốn hủy diệt của nó vẻ bề ngoài công
chính của Lề Luật. Tất cả những ai đi với Satan đều làm như thế. Satan phô bày
hình dạng bên ngoài hay tính khả giác của sự thiện. Tôi tớ của Satan cũng làm
như thế.
Satan sẽ rơi vào chính
cái bẫy của nó. Thật vậy, Thiên Chúa mang lại cho sự thánh thiện của thân thể
Đức Kitô vẻ bề ngoài của sự bất chính, bởi vì thân thể thánh thiện này sẽ giống
như thân thể của một người bị chết phơi thây vì sự bất chính của mình, như là
một tội nhân chết trên giá treo cổ, nơi của « công lý », vốn thu hút
loài người chúng ta ; bởi vì tội và sự tan nát thể xác đi đôi với nhau. Đó
chính là nơi hẹn gặp mà các Thánh Vịnh nêu ra một cách thật rõ ràng.
Vẻ bề ngoài tương ứng
với vẻ bề ngoài : một bên là vẻ bề ngoài công chính nơi Satan, còn bên kia
là vẻ bề ngoài bất chính nơi Đức Giêsu, người bị lên án chết. Vì Thiên Chúa làm
cho Con của Ngài xuất hiện : « Giống như thân xác tội lỗi »
(Rm 8, 3) : « Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến
Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công
chính trong Người » (2 Cr 5, 21). Thực vậy, Đức Kitô đã cứu chúng ta bằng
cách: Chính Người trở nên đồ bị
nguyền rủa, vì có lời chép: «Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên
cây gỗ!» (Gl 3, 13)
Satan ở vào chỗ của Kẻ
Tố Cáo, Thiên Chúa nơi Con của Ngài là Đức Giêsu-Kitô, ở vào chỗ của người bị
cáo. Satan ở vào chỗ của công lý, bởi lẽ nó sử dụng vặn vẹo Lề Luật, vốn là
điều tốt đẹp, đúng đắn và thánh thiện (x. Rm 7, 12), và Thiên Chúa ở vào chỗ
của tội lỗi, bởi lẽ khi sai Con của mình đến, Thiên Chúa đã đồng hóa Ngài với
tội (x. Rm 8, 3). Vậy là vẻ bề ngoài tương ứng với vẻ bề ngoài, nhưng vấn đề ở
đây là nhìn thấy hơn là suy luận : nơi Đức Giêsu, chúng ta hãy nhìn ra
Đấng, tương hợp hoàn toàn với một bệnh nhân bị lên án, và với một tội nhân bị
xử phạt.
Tại sao và làm thế nào
cái nhìn có thể cứu được ? Thánh Gioan nhắc lại chuyện rắn độc cắn dân
chúng trong thời gian ở sa mạc (x. Ga 3, 14). Môsê khi đó đã treo một con rắn
lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì
được chữa lành.
Loài người chúng ta bị
bệnh bởi những vẻ bề ngoài, bởi những gian dối công chính, bởi những hình ảnh
sai lầm về Thiên Chúa, bởi sự thánh thiện hay bác ái ảo tưởng ; khi chúng
ta nhìn thấy tất cả những vẻ bề ngoài này bị dập tắt và chết đi trên Thập Giá
của Đức Kitô, đó chính là điều chữa lành chúng ta và trả lại cho chúng ta cái
nhìn lành mạnh. Hình dạng thật sự của Sự Dữ được phô bày ra trên vẻ bề ngoài
nát tan của Sự Thiện chữa lành chúng ta.
|
SATAN
(và những người thuộc về Satan)
|
ĐỨC KITÔ
|
Vẻ
bề ngoài
|
Dựa trên:
Ø Chữ viết của Lề Luật.
Ø Sự công chính của Lề
Luật.
Ø Vẻ bề ngoài hay tính khả
giác của sự thiện.
Để đóng vai Kẻ tố cáo và
thực hiện công lí
|
Dựa trên:
Ø Tinh thần hay cùng đích
của Lề Luật
Ø Sự công chính đến từ
Thiên Chúa
Ø Sự Thiện nơi Thiên Chúa
Để “đồng hóa” mình với
Người bị cáo và với Tội
|
Sự
thật
(là thực tại, nhưng vô hình, được mặc khải bởi
Tin Mừng)
|
GIAN DỐI
TỘI
SỰ DỮ
|
SỰ THẬT
VÔ TỘI TUYỆT ĐỐI
THÁNH THIỆN
|
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc