Thứ Tư sau lễ Hiển Linh
“CỨ YÊN TÂM, THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!”
Lời Chúa: Mc 6,45-52
(45) Lập tức, Ðức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bétxaiđa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. (46) Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. (47) Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. (48) Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. (49) Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. (50) Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" (51) Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, (52) vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!
Suy niệm
Có một khung cảnh rất tự nhiên trong ngày lễ Giáng Sinh đó là Chúa Giêsu đã xuống thế làm người và ở lại trong thân phận là người và rất người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Chúng ta hãy vui mừng vì được ở với Người, vì có niềm vui và các ơn lành của Chúa ban cho, tuy luôn ở trong thân phận của một con người. Đó cũng là điều đã từng xảy ra với các Tông đồ trong phép lạ ‘hóa bánh ra nhiều’. Tình trạng lúc đó thật khó khăn, Chúa Giêsu đã can thiệp bằng một phép lạ để cho họ cảm thấy vui vì có được của ăn và sung túc khi có sự bảo đảm nào đó trong tương lai. Nhưng Chúa Giêsu không muốn họ cứ bám vào cái nhìn ‘hồn nhiên’ về mặt thể lí của con người. Vì lí do này mà Ngài tiếp tục tỏ mình bằng cách “đi trên mặt biển mà đến với họ”.
Lần này, các Tông đồ cảm thấy ái ngại khi đứng trước sự tỏ mình của Chúa không như một con người bình thường, nhưng như là Đấng có uy quyền. Thành thử họ cố gắng vượt qua những ý nghĩ quá nông cạn, đơn sơ của mình cũng như sự hốt hoảng khi thấy Chúa đi trên mặt biển. Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an họ bằng lời đầy an ủi: “cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!”. Ngài trấn an họ đồng thời cũng là để đưa họ đến một sự nhận thức sâu hơn xa hơn như họ tưởng: Ngài không chỉ đơn thuần là một người gỡ họ ra khỏi các tình huống khó khăn, mà còn là người mang đến sự hài hòa và bình an khắp mọi nơi. Giờ đây, họ đến với ngài như đến với Đấng Cứu Thế, Đấng mà sẽ đưa họ tới một mức độ hiểu biết cao hơn. Như tin mừng Marcô nói: “vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều vì lòng trí các ông còn ngu muội”, nghĩa là lòng trí của họ bị cản trở nên họ không thể hiểu được. Chúa Giêsu đã nhiều lần giải thích cho họ mầu nhiệm vượt qua của ngài, đào sâu đức tin cho họ để họ thực sự trở thành những người sẵn sàng đáp lời mời gọi của Ngài và để họ trở nên những Tông đồ và môn đệ của Ngài.
Thánh Gioan trong thư thứ nhất cho thấy người tín hữu chỉ có thể trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu khi họ thực hành các giới răn yêu thương của Người. Và nếu mỗi người sống yêu thương những người thân cận theo một thể thức ấy, thì thế giới sẽ thực sự trở nên hòa bình, không còn bất hạnh, không còn nghèo đói, không còn tranh chấp, không còn chiến tranh... Nói tóm lại là chúng ta có tình yêu, mà khi có tình yêu thì chúng ta không còn sợ hãi, không lo âu, vì có Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
Vậy thứ tình yêu mà thánh Gioan nói không phải là tình yêu đến từ con người, mà là đến từ Thiên Chúa. Tình yêu đó phát sinh từ một tương quan thân tình với Thiên Chúa, nên trổi vượt hơn, xa hơn, cao hơn tình yêu của nhân loại.
Xin Chúa cho con biết tin tưởng, phó thác nơi Chúa; biết vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống để không bao giờ còn lo âu, sợ hãi vì tin rằng có Chúa luôn ở cùng con. Xin Chúa cũng mở tâm trí để con hiểu được những việc ‘lạ lùng’ Chúa làm cho con trong đời thường với một tình yêu vô vị lợi. Xin cho con nhạy bén nhận ra điều này để tình yêu của con cũng được lớn lên bằng tương quan thân tình với Chúa mỗi ngày. Amen.
Maria Tố Quyên