Thứ Bảy sau lễ Thánh Gia
Lời Chúa: 1, 35-42
(35) Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. (36) Thấy Ðức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". (37) Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giêsu. (38) Ðức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?" (39) Người bảo họ: "Ðến mà xem". Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều.
(40) Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Ðức Giêsu. (41) Trước hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Mêsia" (nghĩa là Ðấng Kitô). (42) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Ðức Giêsu. Ðức Giêsu nhìn ông Simon và nói: "Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha" (tức là Phêrô).
Suy niệm
Họ ở lại với Người…lúc đó vào khoảng giờ thứ 10!
Tác giả Tin mừng Thứ IV thường ghi chú về thời gian, việc ở lại của hai môn đệ được tác giả Tin mừng ghi vào khoảng giờ thứ 10, mang một ý nghĩa biểu tượng. Con số 10 thường mang một ý nghĩa của sự tròn vẹn và đầy đủ. “Mười” là một con số hoàn hảo đối với các triết gia phái Pythagore và triết gia Philô khiến Bultmann gợi ý rằng đây là giờ của sự hoàn tất. Như vậy, việc “ở lại” của hai môn đệ là đỉnh cao của hành trình ơn gọi của người môn đệ Chúa: được mời gọi-lời đáp trả- và sự kết hợp. Sự kết hợp thân tình và gắng bó mật thiết với Đức Ki-tô là đỉnh cao và hoàn hảo của việc tìm kiếm Thiên Chúa.
Ở lại- trong ý nghĩa của đoạn Tin mừng này không phải đơn thuần là sự nán lại hay tá túc theo nghĩa thể lý nhưng đây là một kinh nghiệm của sự kết hợp thâm sâu gắn bó mật thiết trong tình yêu với Thiên Chúa. Được có Chúa làm bạn, cảm nghiệm được Chúa và sống trong tình yêu chan hòa an bình với Chúa trong mọi hoàn cảnh, cho dù cuộc đời có những bon chen, bận rộn, hay nghịch cảnh của cuộc sống. Ở lại trong kinh nghiệm của hai môn đệ không phải chỉ một lần đến xem và giáp mặt diện đối diện với Chúa Giê-su, nhưng đó là kinh nghiệm thiêng liêng mà một lần gặp gỡ Đức Giê-su, hai môn đệ vẫn “ở lại” trong tình yêu với Chúa cho dù thời gian và vạn vật có trôi qua.
Ở lại- sự cảm nhận sâu thẩm và thiêng liêng về Đức Giê-su trong tâm-tưởng của 2 môn đệ, khiến cuộc sống của họ bị hấp lực và dấn thân và sẵn sàng trả giá cho cảm nhận được lưu lại với Chúa Giê-su trong tâm hồn họ. Chắc chắc hai môn đệ không thể quên được kỷ niệm lần đầu tiên được ở với Chúa Giê-su và kỷ niệm này vẫn ở lại trong tâm trí hai ông và tái hiện lại và rồi nó như động lực và lẽ sống chi phối và hướng dẫn cho cuộc đời của hai ông.
Ở lại- kinh nghiệm có thể nhìn thấy qua câu chuyện của Samuel, như câu chuyện của Maria: ngồi bên chân Chúa để nghe Lời Người. Như kinh nghiệm và hình ảnh của Chúa Cha ở lại trong Đức Giêsu (Ga 14,10) và Thánh Thần ở lại trong các môn đệ của Đức Giêsu (Ga 14,17). “Ở lại” không chỉ là “ở với”, mà còn có nghĩa là “ở trong”. Trong thực tế, có một sự “ở lại trong nhau” giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Họ ở lại trong Người và Người ở lại trong họ (Ga 15,4.5.7). Các môn đệ ở lại trong tình thương của Đức Giêsu (Ga 15,9.10), và các lời Người ở lại trong họ (Ga 15,7).
Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và luôn mời gọi “hãy đến mà xem”, liệu rằng mỗi người trong chúng ta có quảng đại đáp trả và lưu lại trong tình yêu chan hòa của Đức Ki-tô? Cuộc sống thật sự bận rộn và bao quanh bởi những trách nhiệm, vì thế nhiều khi thể xác và linh hồn ta tràn ngập tư bề ngổn ngang trăm công ngàn việc, thật khó mà có được những kinh nghiệm để Chúa ở lại một nơi nào đó trong thẩm sâu tâm hồn ta. Đôi khi vẫn tự hào rằng, tôi đang tìm Chúa, nhưng thực tế, dường như không phải là tìm chính Chúa mà tìm một cái gì đó….Xin Hài Nhi Giê-su- Hoàng Tử Bình An ban cho mỗi người trong hành trình tìm kiếm và bước theo Đức Ki-tô, luôn biết cật vấn câu hỏi của Ngài: ngươi đang tìm gì?
Gioseppina Nguyễn Minh Tứ